LÀNG NGHỀ TRỐNG BÌNH AN

Làng nghề làm trống Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ ra đời vào cuối thế kỷ IX. Sản phẩm trống Bình An nổi danh khắp Nam kỳ lục tỉnh. Bình An xưa là làng An Ninh Hạ, thuộc tổng Cư Hạ. Thời Pháp gọi là ấp Bình Thanh, nay Bình An thuộc xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, Long An. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, rừng và đồng bằng phì nhiêu nên người dân nơi đây nuôi nhiều trâu. Nhưng trâu thời đó chỉ nuôi để kéo gỗ còn da không biết tận dụng để làm gì. Ông Nguyễn Văn Ty đã sử dụng da trâu làm mặt trống và đặt nền móng cho sự phát triển nghề làm trống nơi đây. Theo lời kể của các nghệ nhân nơi đây: ông Nguyễn Văn Ty được sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng ông không tu chí làm ăn chỉ lo cờ bạc, nát rượu bán hết ruộng đất ba mẹ giao, cho nên ông phải sắm ghe nhỏ đi buôn bán thương hồ đó đây. Trên đường bán nước mắm dạo dọc sông Vàm Cỏ ông đã học được nghề làm trống từ da trâu của một cụ già bên bờ sông ông, nơi mà ông hay lui đến buôn bán. Tận dụng da trâu tại quê nhà ông bắt đầu làm hàng trống để bán. Dần dần hàng trống của ông nổi tiếng cả một vùng. Từ ông Ty đến ngày nay thế hệ làm trống đã đến năm đời.

Làng trống Bình An (Bình Lãng, Tân Trụ) vào mỗi dịp cuối năm đều nhộn nhịp, tiếng thử trống, tiếng cưa, đục đẽo vang vọng đến tận khuya. Nơi đây những nghệ nhân làm trống không chỉ kế thừa nghề của ông cha mà còn phát triển lên trình độ cao. Để tạo ra được sản phẩm trống hoàn chỉnh người thợ phải trải qua hơn 20 công đoạn và 200 loại thao tác thủ công tỉ mỉ chi tiết làm cho sản phẩm thật hoàn mỹ: da bền không bị rách, thùng uống không bể miệng, tiếng trống giòn, hay, niềng sắt bền, hình thức đẹp. Dụng cụ làm trống phân chia ra làm loại công cụ chính được những nghệ nhân nơi đây sử dụng: cưa, bào, dao, đục, búa, kìm, dùi, đinh, dàn trò, đai sắt, sơn và các dụng cụ hỗ trợ: kéo cắt dây da, giấy nhám.

Ảnh từ nguồn: internet

Về kỹ thuật làm trống phải đảm bảo đủ ba khâu trọng yếu: làm da, khép thùng, bịt trống thì sản phẩm mới hoàn hảo. Công đoạn làm da rất quan trọng, da sau khi được làm sạch lấy khuôn tre ra căng da trên giàn phơi và phơi dưới ánh nắng, thường phơi bề lông ra mặt trời tránh phơi mặt trong vì ra nắng mặt da sẽ dễ bị nứt nẻ. Sau đó, để da nghỉ ngơi xoa dịu sau ba ngày phơi nắng. Da được ngâm vào nước hoặc thả xuống ao khoảng 12 giờ cho mềm ra. Thao tác bào da vô cùng quan trọng đòi hỏi sự tỉ mỉ và thạo nghề của người thợ. Người thợ đặt tắm da lên bàn bào có hình nửa khúc cây tròn làm mặt thớt, hai tay cầm dao bào bén ngót đẩy trên bề mặt da, phần da màu trắng sẽ được cắt ra như dăm bào, vừa bào người thợ vừa dùng tay để kiểm tra và tránh việc bào không đều chỗ mỏng chỗ dày thì sau này trống dễ xé rách mặt da.

Làm thùng trống: Vào thời Pháp những nghệ nhân nơi đây sáng tạo độc đáo, họ sử dụng thùng rượu Pháp để làm thùng trống. Khoảng năm 1960-1963, hết thùng rượu để sử dụng, thì họ dùng thùng sơn Đời Tân. Sau năm 1963, hết thùng sơn Đời Tân các thợ nghiên cứu cách chế, ráp thùng trống rất gian nan. Vài năm sau, thùng trống ráp Bình An ra đời thuyết phục được thị trường trong và ngoài tỉnh. Nguyên liệu làm trống được người thợ chọn loại gỗ tốt như sao, sến, gỗ dừa và gỗ mít thường dùng làm trống nhỏ cho trẻ em chơi. Thùng trống còn gọi là dăm, có hai loại dăm liền và dăm ráp. Đối với trống dăm liền có ưu điểm trống kín hơi, âm vang hơn thường thấy ở các loại trống sấm, trống đại dài trên một mét hai, mặt trên một mét. Khi làm thùng chọn cây không có mắt, lấy nạc bỏ giác. Sử dụng cây tươi cho dễ uốn rồi phơi càng khô càng tốt.Làm thanh trống: Để uốn cây làm thanh trống người thợ đốt lửa ngồi xổm, trước mặt đặt thanh cây giữa hai hòn gạch. Người thợ dùng dừa khô, lửa cháy nhẹ. Lửa nung ở giữa thanh cây, một tay canh lửa, một tay đè xuống theo độ cong đo sẵn. Thường mỗi chiếc trống cần uốn 50 thanh, trong đó độ hư hao từ 10 -15 thanh còn lại được ráp thành thùng. Thợ dùng dao đẽo hai đầu và dùng bào cho thanh trống có độ nghiêng để chịu các cạnh trống khép kín vào nhau, nếu ráp không kỹ thùng sẽ hở, chất lượng tiếng trống không vang.

Ảnh từ nguồn: internet

Khép thùng: sau khi đã ghép các thanh gỗ hoàn chỉnh tạo thành hình thùng trống, các lồng sắt được lồng vào thùng trống dùng đục và búa đóng cho niềng ôm chặt. Lúc khép thùng lửa được đốt trong thùng trống để các thanh gỗ mềm dẻo dễ làm công không bể hoặc gãy trong lúc ghép thùng. Khi đã có miếng da ưng ý, công đoạn bịt mặt trống tiếp theo cần nhiều sức lực hơn, những người thợ ở làng trống Bình An đã nghĩ ra cách lập giàn trò để bịt trống. Lấy da trâu làm dây néo kéo căng mặt trống, người thợ dùng dùi đâm những lỗ nhỏ đều xung quay niếng da, dây da trâu được xỏ lỗ nhỏ quanh miếng da đưa qua giàn trò làm căng mặt trống. Sau mỗi lần gõ vào giàn trò mặt trống được cơi lên, những sợi dây buộc vào tấm da căng dần kéo theo miếng da bịt trên mặt trống căng theo.

Gắn lò xo: người thợ dùng dây kẽm quấn tròn như chiếc lò xo dài từ 20 đến 30cm, khi đánh lò xo rung tạo âm thanh vang cao, xa.

Sau cùng người thợ sẽ đóng chốt tre, đóng cúc cho các loại trống lân và trang trí trống, nếu trống trường và trống chùa được sơn màu đỏ hơi cam, thùng trống lân thường sơn màu đen. Mặt trống luôn vẽ hình mặt trăng âm dương đỏ và đen, đem phơi nắng hai, ba buổi là hoàn thành sản phẩm.

Trong tâm thức người Việt tiếng trống có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, tôn kính được sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường tiếng trống trường rộn rã vang đều đặn trước và sau mỗi tiết học, mỗi giờ ra chơi mang thật nhiều cảm xúc. Nhất là trong buổi lễ khai giảng năm học mới. Tiếng trống vang lên một hồi dài, báo hiệu một năm học mới chính thức bắt đầu. Và thời khắc ấy tiếng trống trường như một mốc son đẹp và chứa đựng bao hy vọng của các bạn học sinh.

“Tùng…tùng…tùng…cắt…tùng…tùng…tùng…tùng…” vào ngày Tết trung thu từ phố phường tấp nập cho đến các vùng quê yên ả, những “chú lân” rực rỡ sắc màu tung mình theo từng nhịp trống khiến trẻ em háo hức vây quanh. Với người lớn tiếng trống lân như quay lại một thời ký ức về tuổi thơ.

Có thể nói, trống gắn liền với các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo ngay từ thuở dựng nước. Ở nước ta trống hiện hữu trong mọi hoạt động đời sống con người từ cung đình đến trường học hay đền, chùa, miếu, hay đó là tiếng trống trận thúc giục, hào hùng. Tiếng trống của người giữ đê, cầu bình an hay bình dị hơn là tiếng trống của những điệu hát, múa lân trong những ngày hội làng… Trống Bình An phục vụ đa dạng cho các trường học, các sinh hoạt lễ hội: đình, chùa, miếu, tết trung thu, nguyên đán. Trống Bình An là sản phẩm thủ công được con cháu giữ gìn nâng cao, đây cũng là một loại nhạc cụ đặc sắc mang bản sắc Việt Nam, phục vụ cho đời sống sinh hoạt xã hội. Và ngày nay việc giữ gìn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống trống Bình An đang được quan tâm và bảo tồn.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 8 năm 2023

 Nguyễn Hà Thanh Trúc

 Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

 

Tài liệu tham khảo:

Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Long An (2004), Làng nghề trống Bình An (huyện Tân Trụ), CTCP In Phan Văn Mảng, Long An.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *