KỶ VẬT THÊU CỦA NHỮNG NỮ TÙ CHÍNH TRỊ ANH HÙNG

Nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10 (1930 –2018), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Ban quản lý di tích Côn Đảo phối hợp khai mạc triển lãm chuyên đề: “Kỷ vật thêu của nữ chiến sĩ cách mạng” tại Di tích Côn Đảo từ ngày 10/10/2018 đến ngày 31/12/2018. Triển lãm là một mảng đề tài thú vị, gợi lại cho công chúng hôm nay không khí một thời đấu tranh anh dũng của những người phụ nữ vốn được xem là chân yếu tay mềm nhưng thời cuộc đẩy đưa đã hun đúc thành những anh hùng lẫm liệt khí phách.

Sau nhiều năm ra sức sưu tập, hệ thống và tìm hiểu các câu chuyện đi cùng hiện vật, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức trưng bày các kỷ vật thêu của nữ chiến sĩ cách mạng theo bốn nội dung:

– Khát vọng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc

– Tình cảm của người phụ nữ

– Tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất

– Tinh thần lạc quan cách mạng.

Đằng sau song sắt nhà tù, các tác phẩm thêu ra đời còn mang thông điệp về những hoàn cảnh sinh hoạt, những câu chuyện của các nữ chiến sĩ cách mạng ngày ấy – một đề tài thú vị mà công chúng ngày nay chỉ có thể bắt gặp thông qua các cuộc trưng bày đặc biệt này.

Trong sự nghiệp kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, phụ nữ miền Nam đã phát huy tinh thần yêu nước, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc. Dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, phụ nữ miền Nam cũng tỏ rõ khí tiết của những người con đất thành đồng Tổ Quốc, ngay cả khi các mẹ, các chị sa vào tay giặc, bị cực hình tra tấn dã man, các mẹ, các chị vẫn giữ vững khí tiết sáng ngời của người chiến sĩ Cách mạng, một tinh thần lạc quan, không khuất phục, biến nhà tù thành trường học cách mạng góp phần đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Những đóng góp to lớn đó đã viết nên truyền thống vẻ vang ” Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.

“Kỷ vật thêu của nữ chiến sĩ Cách mạng” đã thể hiện được ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, tinh thần lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của các nữ chiến sĩ cách mạng. Bao khó khăn gian khổ, bao đau thương mất mát chẳng những không thể khuất phục tinh thần của chị em mà chỉ càng giúp cho chị em thêm vững tin, đoàn kết bên nhau trong cuộc chiến chống quân thù. Bằng ý chí và nghị lực, các chị đã không bị khuất phục trước những âm mưu của kẻ thù,vượt lên cuộc sống gian khổ trong kháng chiến để tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu.

Các hiện vật đã thể hiện rõ ý chí bất khuất, tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng, như: áo gối màu trắng của bà Nguyễn Kim Hoàng thêu trong nhà tù Côn Đảo dưới ngọn đèn cao áp năm 1970 với dòng chữ “Côn Đảo 23.9.1970”; hay mặt áo gối thêu của liệt sĩ – Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Thị Ràng (nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức); khăn thêu của bà Nguyễn Thị Châu tại nhà tù Tân Hiệp 1970; bức thêu Chùa Một Cột của bà Trần Tài Chi tại trại 2 Côn Đảo năm 1972 cắt từ cánh tay áo blouse trắng; túi xách của bà Nguyễn Thị Xuân Hồng làm tại nhà tù Thủ Đức trại 1 ngày 20.12.1964; khăn thêu “Càng nhớ càng thủy chung, càng thương càng hạnh phúc” của bà Võ Hồng Điều, nguyên Thị ủy viên lực lượng nội ô tỉnh Trà Vinh, sử dụng trong thời kỳ hoạt động cách mạng (1954 – 1975)…

Trong cuộc chiến đấu ấy, những người mẹ, người chị miền Nam là chỗ dựa vững chắc của Cách mạng; là lực lượng cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến; là những người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu với quân thù; là những người mẹ, người vợ, người chị dám chấp nhận những đau thương, tù đày, mất mát, hi sinh vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đến khi bị giam cầm trong các nhà tù, các mẹ, các chị vẫn một lòng hướng về Cách mạng, về những người thân yêu. Tất cả tình cảm ấy được các mẹ, các chị gởi gấm qua từng đường kim, mũi chỉ, những dòng tâm sự được thể hiện qua các kỷ vật quý giá được làm ra từ trong những năm tháng của khói lửa chiến tranh.

Triển lãm đã giới thiệu đến khách tham quan hơn 100 khăn thêu tay của các nữ chiến sĩ cách mạng được hoàn thành trong những năm tháng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc như: khăn thêu của bà Ngô Thị Huệ – nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ khi còn ở trong nhà lao; khăn tay và áo gối của bà Lê Tú Cẩm- nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh tại nhà tù Tân Hiệp năm 1969 – 1970…

Những sợi chỉ vô tri đủ màu sắc, sau khi qua bàn tay khéo léo của những nữ chiến sĩ Cách mạng, chúng “kết nối” lại với nhau định hình thành những bức tranh thêu gần gũi với cuộc sống đời thường, với những ước mơ về cuộc sống hòa bình, ấm no. Từng bức tranh hay chiếc khăn, áo gối được thêu rất khéo léo, tỉ mỉ đẹp cả về hình thức lẫn nội dung. Chủ nhân của nó là những người phụ nữ chung thủy sắc son, họ luôn mơ đến ngày đất nước hòa bình, ngày phá tan những áp bức, bất công của những người dân mất nước phải hứng chịu, hiện vật: chỉ thêu của bà Nguyễn Kim Hoa ( sinh năm 1945) – nguyên là nhân viên hậu cần Bến Dầm, Cà Mau thuộc Trung Đoàn 962 (1966-1975) do chiến sĩ Ngô Văn Lợi (bí danh Bảy Lợi), máy trưởng tàu không số tặng bà năm 1970, bà đã giữ gìn những sợi chỉ quý giá ấy cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng; mẫu thêu hoa hướng dương của bà Hồng Thu Hà – Thượng úy quân y sĩ – Trung Đoàn 962 cụm Cà Mau, bà thêu trong những ngày tham gia tổng tiến công Mậu Thân 1968 đến ngày 02/8/1969 hoàn thành.

Tan gông xiềng trở về sum họp với gia đình và ngày lứa đôi cách trở được nên duyên vợ chồng, đó cũng là ước mơ, là minh chứng cho sự mưu trí, khôn khéo của chị em nữ tù binh, về tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của chị em trong những tháng ngày sống ở “địa ngục trần gian”: mặt áo gối thêu của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, sinh ngày 01/02/1940 tại Long An. Bà bị bắt ngày 19/11/1963 và được trao trả tại Lộc Ninh ngày 05/03/1974. Bà thêu chiếc áo gối này tại chuồng cọp Côn Đảo năm 1970 hay tranh vải thêu “Chùa Một Cột” của nữ tù chính trị tặng cho đồng chí Nguyễn Văn Linh …

Những kỷ vật được làm ra trong khói lửa của cuộc chiến đã giúp nhiều nữ chiến sĩ quên đi những nhọc nhằn, gian khó của người chiến sĩ nơi chiến trường nhiều mưa bom, lửa đạn hay những đau thương trong cảnh tù đày mà vẫn tiếp tục kiên cường đấu tranh mặc kẻ thù tra tấn dã man. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện cảm động, qua đó người xem hình dung được về cuộc đời, hồi ức của những người mà chiến công và sự hy sinh đóng góp của họ đã hòa vào lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam. Các hiện vật được trưng bày đã cho thấy tinh thần của các mẹ, các chị dù trong ngục tù nhưng vẫn luôn tràn đầy niềm tin yêu, khát vọng về cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 10 năm 2018

Hồ Ngọc Phương