KỶ VẬT NỮ TÙ CHÍNH TRỊ VÕ THỊ VUI TRONG CHIẾN DỊCH MẬU THÂN 1968

Cuối năm 1967, trên chiến trường Biên Hòa – Long Khánh, quân địch còn mạnh và được bố trí dày đặc tại các vị trí xung yếu. Trong đó, phía Mỹ và quân chư hầu có: Lữ đoàn dù số 173, Lữ đoàn bộ binh số 199, 314 và Trung đoàn thiết giáp số 11 đóng tại Suối Râm (Long Khánh)

Cuối năm 1967, trên chiến trường Biên Hòa – Long Khánh, quân địch còn mạnh và được bố trí dày đặc tại các vị trí xung yếu. Trong đó, phía Mỹ và quân chư hầu có: Lữ đoàn dù số 173, Lữ đoàn bộ binh số 199, 314 và Trung đoàn thiết giáp số 11 đóng tại Suối Râm (Long Khánh); Bộ Tư lệnh dã chiến 2 Mỹ đóng tại Long Bình; các trận địa pháo đặt tại Gia Ray, Sông Thao, Trảng Bom, Suối Đĩa; Trung đoàn quân chư hầu Thái Lan đóng tại Long Thành, Nhơn Trạch. Phía quân ngụy có 5 tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 18; 46 đại đội bảo an; 5 tiểu đoàn lính dù và thủy quân lục chiến; 2 trung đoàn pháo; 1 trung đoàn thiết giáp; 1 sư đoàn không quân; 7 đại đội trợ chiến; 2 tiểu đoàn biệt động quân và hàng ngàn dân vệ, cảnh sát.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở mặt trận Biên Hòa, Bà Rịa – Long Khánh đã giành được nhiều thắng lợi quyết định, tiêu diệt được nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh; đẩy địch vào thế lúng túng, bị động. Góp phần vào chiến thắng chung đó, phải kể đến sự đóng góp công sức to lớn của nhân dân và các cơ sở cách mạng trong việc chuẩn bị mọi yêu cầu cần thiết của chiến trường.

Ngày cận Tết, người dân Biên Hòa tất bật sửa sang, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón năm mới. Nhà nhà chuẩn bị bánh mứt, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, gói bánh chưng, bánh tét dâng lên ông bà tổ tiên. Càng gần đến ngày tết, không khí chuẩn bị đón tết của nhân dân càng thêm nhộn nhịp. Tranh thủ thời cơ này, các tổ chức Đảng và quần chúng cách mạng càng khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ chiến dịch. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, truyền đơn, khẩu hiệu kêu gọi nhân dân nổi dậy đã được may và in xong, theo đường dây giao liên công khai chuyển vào thị xã. Tại nhà má Bảy Vết, má Hai Thay cùng bà con ở xóm Gò Me lo nấu bánh tét ăn tét nhiều hơn so với mọi năm, sẵn sàng cung cấp cho bộ đội vào đợt tiến công.

Chiến dịch mùa xuân Mậu Thân năm 1968 nổ ra khắp nơi trên toàn lãnh thổ miền nam Việt Nam, gây hoang mang cho địch, hưởng ứng chung của cao trào này, tại xã Bảo Vinh, Long Khánh quân dân không ngừng đấu tranh liên tục, gây sức ép cho địch.

Ở mặt trận Thị Xã Long Khánh, trước áp lực của địch, các lực lượng chiến đấu của ta được lệnh tạm thời rút ra ngoài. Riêng tại xã Bảo Vinh, du kích vẫn được lệnh tiếp tục bám trụ ở lại chiến đấu.

Đêm mùng 6 Tết, du kích Bảo Vinh B, sau khi điều nghiên tình hình địch đã quyết định đánh một trận bất ngờ, tiêu diệt bọn lính bảo an ở đồn B. Kế hoạch trận đánh được phân công cho tổ du kích đặt mìn ở một ngã ba gần đồn, đợi sáng ra, chặn đánh địch khi chúng từ trên đồn đi xuống. Tuy nhiên, tổ đánh mìn bị vỡ, đồng chí Võ Văn Trụ (sau này làm phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Long Khánh năm 1984), người chịu trách nhiệm lãnh đạo, không kịp rời vị trí nên phải ẩn nấp ở hầm nhà má Nguyễn Thị Duyên, cách đồn B không xa.

Ngay sau đó, hàng chục tên lính bảo an kéo đến nhà má Duyên lục soát. Tên ác ôn Năm nghi ngờ nhà má chứa “Việt Cộng” nên đòi xét hầm. Trong lúc má Duyên còn đang do dự chưa biết phải làm thế nào để cứu đồng chí Tư Trụ khỏi sa vào tay giặc thì bên trong hầm, đồng chí Tư Trụ cũng hết sức bối rối. Làm sao giết được tên Năm mà không ảnh hưởng đến mẹ con má Duyên, nếu cùng lúc mẹ con má cùng tên ác ôn này xuống hầm. Cầm súng trong tay, đồng chí Tư Trụ nhớ lại câu nói của má Duyên, khi đồng chí vừa về hoạt động ở vùng này: “Chú dám chết, tui cũng dám hy sinh”.

Tên Năm ác ôn vẫn tiếp tục giục má Duyên xuống hầm. Dù trong lòng hết sức lo lắng, nhưng má Duyên vẫn giữ vẻ bình tĩnh để đánh lạc hướng bọn giặc, đồng thời má gọi chị Vui (chị Võ Thị Vui), con gái của má, lấy chiếc đèn dầu thắp sáng để cùng với tên Năm chui xuống hầm.

Lúc này đồng chí Tư Trụ đang ẩn nấp ở khoang bí mật bên trong hầm, gần cửa thoát hiểm. Vừa soi đèn chui xuống hầm, má Duyên lấy chiếc chiếu ở dưới hầm vờ giũ cho sạch, khiến ngọn gió làm cho ngọn lửa của cây đèn chị Vui đang cầm trên tay chao đảo, chiếc đèn vụt tắt, tạo cơ hội cho đồng chí Tư Trụ thoát hiểm.

Nhưng tên Năm vẫn chưa chịu thua cuộc. Khi 2 mẹ con má Duyên bước ra khỏi hầm, hắn lại bảo thắp đèn và đòi xét hầm một lần nữa. Lần này, hắn xuống trước. Trong lúc chị Vui đang chần chừ cầm cây đèn trong tay, tên Năm đã đến gần chỗ đồng chí Tư Trụ ẩn nấp. Nhanh như cắt, đồng chí Tư Trụ bóp cò súng. Một tiếng nổ đanh gọn vang lên trong hầm, tên Năm chưa kịp la lên tiếng nào đã chết. Tranh thủ thời cơ này, đồng chí Tư Trụ tung nắp hầm ở phía cửa thoát hiểm nhảy lên và chạy thoát ra phía sau. Bọn địch bên ngoài nhanh chóng kéo vào, nhưng chỉ kịp thấy bóng “Việt Cộng” khuất ở phía sau hàng rào và bắn theo một loạt đạn làm đồng chí Tư Trụ bị thương nhẹ, nhưng vẫn thoát.

Sau sự kiện này, cả nhà má Duyên bị địch bắt để tra tấn. Riêng má Duyên, bọn chúng đánh đập hết sức dã man, nhưng má vẫn không khai nhà mình là nơi chứa “Việt Cộng”, mà chỉ nhận người trong hầm là một thanh niên trốn lính. ​

Hiện bảo tàng Đồng Nai đang lưu giữ chiếc “túi xách” của đồng chí Võ Thị Vui (con gái má Nguyễn Thị Duyên – năm 1968 chị trong đội nhân dân vũ trang Xuân Lộc) được chị làm trong ty cảnh sát ngụy Biên Hòa khi cả gia đình chị bị bắt, trong tù chị Vui tự thêu chiếc túi xách để ghi nhớ những ngày ở trong tù. Đầu năm 1969 chị được thả tự do trở về tiếp tục hoạt động cách mạng, túi xách được chị sử dụng đựng đồ cá nhân trên đường đi công tác, đã che mắt địch khi chị đựng tài liệu, vũ khí đi hoạt động cách mạng mà không bị địch phát hiện … trong suốt cuộc đời hoạt động của mình.

Nhắc đến cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chị Vui đã bồi hồi xúc động kể lại những ngày bị tra tấn trong tù nhưng cả gia đình chị vẫn một lòng kiên trung với lý tưởng cách mạng mà mình đã chọn. Bằng những việc làm của mình và gia đình đã góp phần cùng cả nước chiến thắng đế quốc Mỹ, tiến tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. ​

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 12 năm 2017

Trần Thị Thu Thủy

Phòng Trưng bày – Tuyên truyền, Bảo tàng Đồng Nai

Tài liệu tham khảo:

– Đề cương trưng bày phòng Đồng nai đấu tranh giải phóng dân tộc 1954-1968

– Hồ sơ sưu tầm hiện vật của Bảo tàng Đồng Nai năm 1984

– Bài thuyết minh Chiến dịch Mậu Thân 1968 (phòng Đòng Nai đấu tranh giải phóng dân tộc 1968)

TÚI XÁCH Của chị Võ Thị Vui tự may trong tù, Ty cảnh sát ngụy Biên Hòa năm 1968