KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH VĂN HÓA

KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH VĂN HÓA (28/8/1945 – 28/8/2020)

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với quyết tâm “Tiếng hát át tiếng bom”, cùng với Nhân dân cả nước, hàng ngàn cán bộ, văn nghệ sĩ của ngành văn hóa thông tin đã một lòng vì nước, xả thân ngoài trận địa để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, cổ vũ mạnh mẽ sức chiến đấu và sản xuất, làm tăng thêm sức sống tinh thần của quân và dân ta. Trang sử hào hùng của dân tộc càng được tô đậm hơn với biết bao mồ hôi và xương máu của hàng ngàn chiến sĩ văn hóa đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; trong tuyên cáo ngày 28/8/1945, Chính Phủ đã thành lập Bộ Thông tin – Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ đó đến nay, ngày 28/8 đã trở thành ngày truyền thống của ngành với sự phát triển vượt bậc qua từng giai đoạn lịch sử.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua các thời kỳ cách mạng, trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, lúc nào cũng có mặt những chiến sĩ văn hóa đã dũng cảm, kiên cường dùng ngòi bút, tiếng hát, cây đàn và trái tim nồng nàn yêu nước làm vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng – văn hóa. Nhờ đó, văn hóa cách mạng theo các nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng đã cổ vũ mạnh mẽ sức chiến đấu và sản xuất, làm tăng thêm sức sống tinh thần của quân và dân ta. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đội ngũ cán bộ văn hóa – văn nghệ trong ngành Văn hóa – Thông tin đã đóng góp bao công sức, tâm huyết nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta.

Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững; trong tình hình mới hiện nay, công tác tư tưởng – văn hóa càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng – văn hóa luôn gay go và phức tạp. Do đó, càng đòi hỏi những người làm công tác trên lĩnh vực văn hóa, thông tin phải thấm nhuần sâu sắc đường lối của Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nắm vững nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, thực tiễn cuộc sống và cách mạng đang vận động và phát triển, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao nhận thức một cách khoa học, đúng đắn, khắc phục những lệch lạc, sai sót về tư tưởng, phấn đấu xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành quả đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn đan xen những yếu tố tiêu cực, tác động xấu đến đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến sự lành mạnh của đời sống văn hóa, xã hội. Nhiệm vụ của ngành Văn hóa càng có nhiều khó khăn thử thách hơn. Song, chúng ta quyết tâm tăng cường sự quản lý, năng động và sáng tạo trong việc chọn lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa của văn hóa thế giới để làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc; kiên quyết bài trừ những loại văn hóa phẩm, lối sống kém lành mạnh, đi ngược lại với xu thế văn minh thời đại.

Là đơn vị trưc thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, trong suốt những năm thành lập và chặng đường dài phát triển, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động của ngành văn hóa. Bên cạnh nội dung chủ đạo trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thể hiện truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ còn tập trung xây dựng những nội dung trưng bày đánh giá cao về sự đóng góp của Phụ nữ miền Nam trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Trong quá trình lao động, sản xuất, phụ nữ cũng là đồng tác giả của kho tàng văn hóa dân gian như: âm nhạc – ca dao dân ca; thủ công mỹ nghệ truyền thống; ẩm thực truyền thống; tín ngưỡng; lễ hội… sự khéo léo và tâm hồn nhạy cảm vốn dĩ của phụ nữ góp nên những sắc thái rất riêng trong việc sáng tạo ra các giá trị văn hóa tích cực của cộng đồng, quốc gia dân tộc. Với vai trò nữ giới, phụ nữ có vai trò đặc biêt quan trọng trong việc hình thành các giá trị đạo đức, nhân cách lối sống của mỗi cá nhân; góp phần củng cố các hệ giá trị đạo đức gia đình, cộng đồng… Có thể nói, văn hoá rút ngắn khoảng cách địa lý, xoá bỏ sự cách biệt quốc gia, dân tộc, văn hóa đã đưa chúng ta đến với nhau, giữ cho chúng ta kết nối và rút ngắn cách biệt giữa chúng ta.

Năm 2020, kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Văn hoá trong điều kiện hết sức đặc biệt, do tình hình dịch bệnh, một số hoạt động kỷ niệm phải tạm dừng; nhưng với những người làm văn hoá đây lại là một mặt trận mới đầy thử thách đối với những người làm văn hoá. Các hoạt động văn hoá từ đầu năm đến nay luôn đồng hành cùng đội ngũ những thầy thuốc áo trắng kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng chống dịch. Các bộ phim tư liệu ngắn, các đoạn video clip, các bài hát cổ động, các khẩu hiệu truyên truyền… đã cổ động đội ngũ y bác sĩ và tác động tích cực đến nhân dân. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân đã cho thấy vai trò và sự cần thiết của văn hoá đối với người dân và cộng đồng. Hệ thống bảo tàng nói chung và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nói riêng, thông qua các ứng dụng công nghệ trong trưng bày đã linh động chuyển đổi hình thức tiếp cận công chúng, tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục đến công chúng thông qua các hoạt động trưng bày, các bài viết trên trang web của đơn vị… để rồi khi dịch bệnh đi qua, khi cả dân tộc chiến thắng với đại dịch covid-19, chúng ta sẽ lại mở cửa và tổ chức các hoạt động văn hoá với chất lượng cao và đa dạng về hình thức

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 8 năm 2020

Nguyễn Thị Kim Voanh

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ Quốc tế