KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (19/12/1946 – 19/12/2020)

KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN

(19/12/1946 – 19/12/2020)

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhưng không lâu sau ngày tuyên bố độc lập ấy, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Trải qua một thời gian nhân nhượng, chuẩn bị tiềm lực mọi mặt, ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đây thực sự là thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc.

Ngay khi vừa giành lại độc lập, đất nước phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách. Theo thỏa thuận giữa các nước đồng minh thắng trận, quân đội Tưởng Giới Thạch vào đóng tại miền Bắc, quân Anh (theo sau là quân Pháp) vào đóng tại miền Nam Việt Nam làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật (lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới), nhưng đều nuôi dưỡng ý đồ tiêu diệt lực lượng cách mạng và Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập chính quyền phản động tay sai.

Trong khi đó, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng: sản xuất trì trệ, ngân khố quốc gia trống rỗng, nạn đói năm 1945 làm gần 2 triệu người chết chưa khắc phục xong, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội còn rất phổ biến, các thế lực phản động ra sức hoạt động chống phá… Vận mệnh dân tộc nguy nan như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong tình thế hiểm nghèo ấy, Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã đề ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo: tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, Hội đồng nhân dân nhằm củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng nền móng cho chế độ mới; phát động phong trào tăng gia sản xuất, xóa bỏ mọi thứ thuế vô lý, thực hiện giảm tô, chia lại ruộng công, tịch thu ruộng đất của đế quốc, việt gian chia cho nông dân nghèo; mở lớp Bình dân học vụ kêu gọi toàn dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ; xây dựng “Quỹ độc lập” và phong trào “Tuần lễ vàng” huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân; phát triển lực lượng vũ trang cách mạng theo nguyên tắc toàn diện cả về chính trị và quân sự, chú trọng cả số lượng và chất lượng… Nhờ đó, chỉ một thời gian ngắn, ta đã căn bản diệt được “giặc đói”, “giặc dốt”, giải quyết khó khăn về tài chính, từng bước tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh.

Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do. Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Chấp hành mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, quân dân ta tại các thành phố, thị xã ở bắc vĩ tuyến 16 có quân Pháp chiếm đóng đồng loạt nổ súng đánh địch. Chiến sự diễn ra rất quyết liệt, đặc biệt là trong các thành phố lớn. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị hiện đại, nhưng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đồng bào, chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám trụ, giành nhau với địch từng căn nhà, từng góc phố.

Cùng với Hà Nội, quân dân các địa phương khắp cả nước đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc chung sức đồng lòng với ý chí sục sôi, niềm tin tất thắng. Trải qua gần 2 tháng liên tục chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra (tiêu hao, giam chân địch trong thành phố, tạo điều kiện di chuyển các cơ quan, kho tàng, tổ chức nhân dân tản cư về vùng căn cứ xây dựng thế trận kháng chiến lâu dài), lực lượng ta chủ động rút về hậu phương an toàn.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là lời hịch cứu nước, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cà dân tộc, khơi dậy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất, động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

Hơn 70 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về chủ trương phát động toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946). Trước hết, đó là kết quả từ một quá trình đấu tranh đầy cam go, phức tạp, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trước thử thách ngặt nghèo, mà biểu hiện cụ thể là những quyết sách đúng đắn, sáng tạo vừa linh hoạt, mềm dẻo, nhưng cũng rất kiên quyết. Kết quả đem lại là chúng ta từng bước loại bỏ bớt kẻ thù, tranh thủ được thời gian chuẩn bị tiềm lực để bước vào kháng chiến.

Mặt khác, quyết định phát động toàn quốc kháng chiến còn thể hiện rõ sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam, sức mạnh ấy được tạo ra từ truyền thống yêu nước nồng nàn kết hợp với chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, nhờ đó mà ngay từ đầu chúng ta đập tan âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài, mở ra thắng lợi đầu tiên trong cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975). Bao trùm hơn tất cả, quyết định ấy góp phần khẳng định cho đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong cuộc đụng đầu lịch sử với thực dân Pháp.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết nhất trí đánh giặc, giữ nước, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 12 năm 2020

Hồ Ngọc Phương

Phòng Truyền thông-Giáo dục và Quan hệ quốc tế

Tài liệu tham khảo:

1. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. (Tạp chí Công an tỉnh Thanh Hóa, ngày 19/12/2019)

2. Hướng dẫn số 09-HD/BTGTW ngày 29/8/2016 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến.