KỶ NIỆM 55 NĂM CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968 (1968-2023)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ở miền Nam, nơi tuyến đầu của Tổ quốc, phụ nữ luôn là lực lượng đấu tranh hăng hái, dũng cảm và sáng tạo. Suốt 21 năm chiến đấu gian khổ, chị em đã vận dụng nhiều phương châm như đấu tranh hợp pháp, bất hợp pháp, xây dựng cơ sở trong lòng địch, bám đất bám dân, kiên cường chiến đấu. Đội quân tóc dài, các đội nữ du kích, nữ tự vệ, nữ biệt động luôn là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược.

Cách đây 55 năm (1968-2023), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giáng đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, mở ra bước ngoặt mới cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậy Thân 1968 diễn ra đồng loạt tại các tỉnh, thành miền Nam từ ngày 30/01/1968 đến ngày 31/3/1968.

Trên cơ sở đẩy mạnh công tác chuẩn bị về mọi mặt, tạo ra và triệt để sử dụng yếu tố bí mật, bất ngờ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Nam đã đưa chiến tranh nhân dân lên đỉnh cao, đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy từ Trị Thiên đến Cà Mau, nhằm hướng chủ yếu là các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Trước khi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam, cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam và quần chúng phụ nữ được tuyên truyền, giáo dục và học tập về tình hình mới, nhiệm vụ mới. Học tập lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước, với khẩu hiệu hành động “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Các tầng lớp phụ nữ đã có công lao đóng góp quan trọng từ công tác chuẩn bị phục vụ; công tác trinh sát, phục vụ đấu tranh vũ trang, che giấu cán bộ, cứu thương và công tác phục vụ cuộc tổng tiến công.

Tại các thành phố, một số cán bộ phụ nữ được bố trí hoạt động trong các cơ quan của chính quyền đối phương. Tại Sài Gòn – Gia Định, Ban phụ vận Thành ủy cử những cán bộ nữ có kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong nội thành, được quần chúng tin yêu, phụ trách xây dựng cơ sở. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chị đã gây dựng nhiều cơ sở chính trị trong quần chúng…

Thực hiện kế hoạch chung thống nhất toàn miền Nam, đêm giao thừa Tết Mậu Thân (30/1 rạng 31/1/1968), lực lượng vũ trang và đồng bào đồng loạt nổi dậy tấn công vào 43 thành phố, thị xã, 100 thị trấn, quận lỵ, 45 sân bay và trên 100 căn cứ quân sự. Tại Sài Gòn – Gia Định, lực lượng đông đảo phụ nữ các quận huyện đã nêu cao vai trò của mình vừa phục vụ chiến đấu, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa đảm đương mũi nổi dậy cùng đồng bào diệt ác phá kềm, giành chính quyền làm chủ ở cở sở.

Khắp các tỉnh Nam Bộ, phụ nữ nổi dậy tấn công chính trị và binh vận, bao vây các đồn bót, bức rút, bức hàng, phá tan hàng loạt ấp tân sinh, giải tán tề xã, đánh đuổi bọn bình định, giáo dục, giác ngộ gia đình binh sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa của quần chúng. Nổi bật nhất là công tác binh vận, ở Gia Định, Tây Ninh trong 8 tháng tiến hành tổng tiến công và nổi dậy có 25.000 lượt nhân dân gồm cả vợ, mẹ nguỵ quân, trực tiếp tuyên truyền chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, thuyết phục được 14.000 lính nguỵ, làm rã ngũ 7.000 tên[1].

Lúc này thật khó phân biệt đâu là cuộc đấu tranh chính trị, đâu là cuộc nổi dậy vũ trang. Nhiều cuộc biểu tình hoặc tay không hoặc với đòn gánh, gậy gộc đã gỡ được đồn bót, giải tán được bảo an hay cản trở được nhiều cuộc hành quân của địch. Như cuộc đấu tranh chính trị của 3.000 đồng bào xã Thanh Điền tiến vào thị xã Tây Ninh với hơn 300 xe bò đã thực sự làm rối loạn cả tuyến phòng ngự của Mỹ nguỵ. Tỉnh Bến Tre, chiều ngày 31 tháng 01 năm 1968 hơn 3.000 đồng bào hầu hết là phụ nữ, kéo vào thị xã, hợp với nhân dân thị xã, hô khẩu hiệu, đánh mõ, vác gậy gộc, đòn gánh, truy lùng ác ôn.

Về đấu tranh vũ trang, trong tổng tiến công và nổi dậy, có hơn 2 triệu lượt phụ nữ nổi dậy vũ trang, phát huy cách đánh 3 mũi sở trường của các chị. Chị em giữ một vị trí quan trọng trong chiến tranh du kích và là lực lượng xung kích trong phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận. Kết hợp chặt chẽ đấu tranh 3 mũi, phong trào phụ nữ tham gia du kích chiến tranh đã phát triển với tốc độ nhảy vọt, làm xuất hiện nhiều nhân tố mới. Hình thức biệt động rất phù hợp với khả năng và sở trường của phụ nữ được phổ biến rộng rãi trong đợt tổng tiến công và nổi dậy. Đội nữ đặc công Cần Thơ đã 3 lần đánh sập cầu Phụng Hiệp, Xuân 1968, đội đánh sập lần thứ tư, làm đứt giao thông của địch từ Cần Thơ đi Cà Mau trong 15 ngày.

Trải qua 2 đợt tiến công, nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng của phụ nữ đã xuất hiện, góp công cùng đồng bào chiến sĩ giành được những chiến công vang dội. Đó là đội vũ trang tuyên truyền của cánh hoa vận của các nữ đồng chí Quách Lan Anh, Không Quế Kinh, Quách Ngân Anh, Lương Dung…; đó là tiểu đoàn nữ biệt động mang tên nữ đồng chí Lê Thị Riêng, là nữ chiến sĩ biệt động Phạm Thị Mỹ và nhiều tấm gương anh dũng của các chị, các mẹ. Các chị vừa phát động quần chúng nổi dậy, vừa cùng bà con tiếp tế thực phẩm, viết biểu ngữ, treo cờ, phát loa… Vừa đón, dẫn đường cho bộ đội đi vào và lại cũng anh dũng dẫn đường cho các đơn vị đứt liên lạc đi ra khỏi Sài Gòn.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy, cả miền Nam có hơn 2 triệu lượt phụ nữ vũ trang tham gia, giữ vị trí quan trọng trong chiến tranh du kích và tích cực đấu tranh với ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược và đã có nhiều cán bộ là phụ nữ ngã xuống trên chiến trường và cả trong lao tù kìm kẹp của kẻ thù.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một loại hình chiến dịch hết sức độc đáo, chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới; có vai trò và hệ quả mang tính bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, đã gây chấn động dữ dội trong dư luận không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới.

Năm 2013, nhân kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã có chuyến công tác gặp gỡ các nhân chứng lịch sử- những người phụ nữ tham gia Mậu Thân 1968, ghi chép và tổ chức cuộc tọa đàm chủ đề: “Phụ nữ Sài Gòn – Gia Định và Khu Tây Nam Bộ trong Mậu Thân 1968”

Năm 2018, kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (1968-2018), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ra mắt cuốn sách “Phụ nữ Sài Gòn – Gia Định và Nam Bộ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”. Đây là những bài viết được nghiên cứu từ lịch sử Đảng bộ các tỉnh, thành và ghi chép từ những người phụ nữ trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Cuốn sách tập hợp những bài viết mang tính nghiên cứu của đội ngũ viên chức Bảo tàng và các Nhà nghiên cứu, các cộng tác viên nhằm đem đến cho bạn đọc hiểu hơn về vai trò và những đóng góp của phụ nữ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đã trải qua 55 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn là đề tài được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ không ngừng nghiên cứu tư liệu, bổ sung hình ảnh của những người phụ nữ tham gia cuộc tổng tiến công.

Nhân kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (1968-2023) từ tháng 01/2023 đến tháng 04/2023, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ lần lượt giới thiệu đến bạn đọc các bài viết nghiên cứu của các nhà khoa học, của đội ngũ viên chức Bảo tàng về khí thế cuộc tổng tiến công và vai trò của phụ nữ Sài Gòn – Gia Định và Nam Bộ trong Mậu Thân 1968 tại Website: baotangphunu.com

Đội nữ biệt động phân khu 06 nghiên cứu bản đồ quận 07 trong Mậu Thân 1968 ảnh Lâm Tấn Tài

Hưởng ứng tiếng súng Mậu Thân, chị Võ Thị Mô ( bảy Mô ) cùng 2 nữ, 3 nam vượt qua tám hàng rào kẽm gai tiến vào lô cốt dịch, chiến đấu rất dũng cảm, diệt 38 tên dịch, phá hủy trung tâm phóng thanh, nhiều công sự của địch.Đội Nữ du kích Củ Chi. ảnh Dương Thanh Phong

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 01 năm 2023

BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

[1] Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ, Truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam Bộ thành đồng, Tp HCM, 1989, tr387