KHÚC BIẾN TẤU CỦA CHIẾC ÁO DÀI TRUYỀN THỐNG

Trải qua quá trình phát triển, chiếc áo dài đã trở thành trang phục mang đậm màu sắc văn hoá dân tộc. Theo thời gian, qua nhiều lần cải tiến, chiếc áo dài Việt Nam ngày càng có giá trị thẩm mỹ cao. Chiếc áo dài mang nét đẹp truyền thống, chứa đựng tâm hồn dân tộc, vừa duyên dáng vừa quyến rũ, tôn lên vẻ đẹp cho người phụ nữ Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu, chiếc áo dài truyền thống của người Việt Nam đã có một quá trình hình thành qua vài thế kỷ. Áo dài của người Lạc Việt xa xưa được may theo kiểu cài khuy bên trái (áo tả nhậm), nhưng trải qua binh biến đô hộ của người phương Bắc thì áo đổi sang cài nút bên phải. Người phụ nữ lúc bấy giờ thường mặc áo tứ thân: là kiểu áo dài có hai vạt sau may dính, hai vạt trước để rời. Khi cày cấy, các chị em thường buộc hai tà vào nhau cho khỏi vướng. Bên trong chiếc áo dài, người phụ nữ mặc thêm chiếc áo túi bằng vải mỏng để đựng khăn, tiền. Bên trong cùng là tấm yếm (miếng vải vuông đặt chéo trên ngực người mặc).

Thế kỷ XVII, áo năm thân xuất hiện nhưng có sự khác biệt giữa kiểu áo ở đàng ngoài và đàng trong. Năm thân ở đàng ngoài được mặc cùng với váy là kiểu áo có vạt ngoài còn gọi là vạt cả hướng bên trái người mặc, vạt trong rộng gấp đôi, hướng phải người mặc còn có vạt con, cổ áo thấp, hở rộng phần ngực không che kín bởi vạt cả, vạt con và để lộ cả phần yếm bên trong. Áo không cài khuy cạnh sườn mà dùng thắt lưng ngang bụng buông xuống phía trước. Áo năm thân được người phụ nữ ở đàng trong mặc cùng với quần dài màu đen. Áo được cài khuy bên phải như áo của người Hoa, cổ áo cao và đứng. Áo năm thân thời kỳ này rất kín đáo, ngoài bốn vạt nối dọc hai thân áo thì có thêm một vạt con (hò áo) che gần hết phần ngực. Trong các dịp hội làng, các chị em phụ nữ thường mặc những chiếc áo dài mớ ba, mớ bảy với sự sắp xếp màu sắc rất tinh tế.

Suốt từ thời khẩn hoang đến đầu thế kỷ XIX, trang phục chủ yếu là chiếc áo dài. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con, giới thượng lưu, trung lưu hay tầng lớp bình dân… đều mặc áo dài; chỉ khác nhau giữa các giới ở chất liệu và màu sắc của trang phục. Tầng lớp bình dân, người lao động thường chọn vải thô, màu tối. Giới quý tộc, địa chủ thường mặc áo màu sáng với chất liệu lụa và gấm sang trọng.

Qua năm tháng, chiếc áo dài có những thay đổi nhất định: tay áo thu hẹp lại, ôm sát cánh tay, cửa tay nhỏ, không luồn vừa bàn tay nên phải mở cửa tay 3cm để mặc áo, sau đó cài lại bằng khuy bấm, có đôi khi là kiểu áo có cửa tay rộng và ngắn để lộ cả mắt cá tay. Càng về sau, vào những năm 1920-1930 trang phục ở nông thôn vẫn giữ được cách ăn mặc cổ truyền, nhưng trang phục của phụ nữ thành thị có nhiều thay đổi: áo dài được may chiết li quanh thắt lưng (hai nép sau lưng và trước bụng) về sau thì áo dài không còn kiểu chiết li này mà thay vào là cách chiết li ở dưới nách vạt trước, cổ áo tròn đứng, cao 1cm, vạt áo dài quá gối, quần dài màu đen hay trắng thay dần cho cách mặc váy với áo dài.

Năm 1932, họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ đã thiết kế ra chiếc áo dài cách tân Le Mur với vẻ diụ dàng của áo tứ thân, kết hợp với sự quyến rũ mềm mại của váy đầm phương Tây, phù hợp với dáng vẻ của phụ nữ Việt Nam: không hở lườn, vạt áo dài, tà cong, khuy áo theo phương Tây, thêm volant ở cửa tay và một số chi tiết ngoại nhập như ren, khăn voan… Càng về sau, áo dài Việt Nam ngày càng hoàn thiện theo không gian, đặc điểm cơ thể và theo quy luật của khí hậu.

Đến thập niên 50-60, chiếc áo dài được cải tiến đôi chút, với kiểu tà rộng, eo thắt, nhấn pince trước và sau, dài chấm gót, cổ áo cao có lót hồ cứng, ống tay hẹp. Thời Ngô Đình Diệm, năm 1958 xuất hiện kiểu áo Trần Lệ Xuân với thiết kế hở cổ, khoét rộng xuống lưng theo hình trái tim, hình tròn hoặc vuông, gài áo bằng dây kéo, có đôi khi áo được thiết kế không tay, vạt áo ngắn.

Sau 1968, áo dài mini xuất hiện với thiết kế tà hẹp, vạt áo ngắn đến gối, tay raplant chứ không nối giữa khuỷu tay như trước. Áo rộng, không chít eo, nhưng vẫn lượn theo thân thể, cổ áo thấp. Quần dài, gấu rộng có khi đến 60 cm. Những năm của thập niên 1970, xuất hiện áo dài Tunique có vạt dài đến ngang hông, đôi khi xuống đến ngang gối, có hàng khuy bọc ở giữa, tay áo có thể ngắn hoặc dài được mặc cùng chiếc quần patte hay cigarpatte (quần được may bó sát cho đến phia trên đầu gối rồi được mở rộng ra đến 40 cm trước khi phủ phết đất hay trên bó sát và được mở rộng thẳng từ trên xuống). Từ năm 1975 đến thập niên 90, áo dài không thay đổi nhiều, chủ yếu chỉ thay đổi về chất liệu vải, hoa văn. Phụ nữ thời bấy giờ rất thích mặc áo quần đồng màu.

Qua hơn một thế kỷ tồn tại, về cơ bản, chiếc áo dài vẫn giữ nguyên hình mẫu ban đầu, nhưng cùng với thời gian chiếc áo được các nhà tạo mẫu tìm tòi sáng tạo, biến tấu thêm phong phú và đẹp mắt và là trang phục mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống làm đẹp thêm cho người phụ nữ Việt nam trong các dịp lễ Tết. Áo dài truyền thống được chọn làm Quốc phục- điều này khẳng định sự trường tồn của áo dài trong đời sống, văn hóa của người Việt Nam, của dân tộc.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 02 năm 2016

Trịnh Thị Tuyết Hằng