KHAI TRƯƠNG 2 CHIẾC HỘP KỂ CHUYỆN BẢO TÀNG ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM

Hai chiếc hộp kể chuyện về bảo tàng đầu tiên tại Việt Nam được đặt thí điểm ở Bảo tàng TP.HCM và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Người dân trải nghiệm hộp kể chuyện tại Bảo tàng TP.HCM - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Người dân trải nghiệm hộp kể chuyện tại Bảo tàng TP.HCM – Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Chiều 5-7, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức lễ khánh thành hộp kể chuyện, đồng thời bàn giao cho các bảo tàng tại TP.HCM.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện hộp kể chuyện sau Pháp

Hộp kể chuyện là công cụ truyền đạt nội dung được thiết kế dựa trên sáng kiến của Bảo tàng Confluences (Pháp).

Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà phía Pháp thực hiện mô hình này, tương tự tại thành phố Lyon của Pháp.

Theo đó, mô hình này được thiết kế có hình dáng một chiếc hộp. Bên trong hộp có bảng điều khiển để khách có thể lựa chọn những thông tin dữ liệu muốn tìm hiểu thông qua các biểu tượng được cài đặt sẵn.

Sau khi chọn, hộp kể chuyện sẽ tự động thuyết minh về các hiện vật được trưng bày tại các bảo tàng trong 3 phút.

Ban tổ chức cho biết hai chiếc hộp kể chuyện đầu tiên tại Việt Nam do đội ngũ đến từ các bảo tàng ở TP.HCM, cán bộ tham gia khóa tập huấn của Bảo tàng Confluences, Bảo tàng Lyon và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thực hiện.

Hai hộp kể chuyện này được đặt tại Bảo tàng TP.HCM và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Mục đích của những chiếc hộp này giúp người dân hiểu rõ hơn về di sản văn hóa của nước ta đang được trưng bày tại các bảo tàng của thành phố.

Hộp kể chuyện quảng bá thông tin về các hiện vật của bảo tàng - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Hộp kể chuyện quảng bá thông tin về các hiện vật của bảo tàng – Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Hiện nay dữ liệu trong hai chiếc hộp kể chuyện này kể về bốn hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Những chiếc hộp này thiết kế có thể di chuyển linh hoạt ở nhiều nơi, để nhiều người dân tiếp cận.

Bà Đoàn Thị Trang – phó giám đốc phụ trách Bảo tàng TP.HCM – nói với Tuổi Trẻ Online: “Bảo tàng TP.HCM là một trong hai đơn vị đầu tiên tiếp nhận hộp kể chuyện. Đây là vinh dự, cũng là trách nhiệm.

Về kế hoạch phát huy hộp kể chuyện trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung tài liệu, hiện vật, những câu chuyện làm sao để cho hình ảnh của các bảo tàng đến gần với người dân”.

Thông qua hình thức quảng bá mới này, bà Trang mong những cán bộ của bảo tàng, người dân thành phố sẽ là những tuyên truyền viên tích cực trong việc lan tỏa văn hóa với bạn bè năm châu, đây cũng là chiến lược lâu dài của Bảo tàng TP.HCM đưa công chúng đến bảo tàng và đưa bảo tàng gần hơn với công chúng.

Thu hút người dân đến bảo tàng qua hộp kể chuyện

Hộp kể chuyện nằm trong khuôn khổ dự án FSPI – Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM.

Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM trong lễ bàn giao hộp kể chuyện - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM trong lễ bàn giao hộp kể chuyện – Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Bà Hélène Lafont-Couturier – tổng giám đốc Bảo tàng Confluences, Lyon – cho hay mô hình chiếc hộp này thu hút du khách đến tham quan bảo tàng, tăng cường khả năng giáo dục… tại Pháp. Bà hy vọng người dân Việt Nam sẽ có trải nghiệm thú vị với những hiện vật tiêu biểu của các bảo tàng qua hình thức mới mẻ này.

Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser – tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM – bày tỏ vui mừng khi hôm nay một phần quan trọng của dự án đã được thực hiện.

Bà cho biết hai dự án còn lại đang thực hiện trong chương trình là cải tạo Trung tâm du khách Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình), hỗ trợ xây dựng nội dung trưng bày Trung tâm giáo dục truyền thông môi trường Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).

Ông Trần Thế Thuận – giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM – cho rằng việc ứng dụng công nghệ vào giới thiệu, trưng bày là phần tất yếu của lộ trình chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, trong đó có hệ thống bảo tàng tại TP.HCM.

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hướng dẫn sử dụng hộp kể chuyện - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hướng dẫn sử dụng hộp kể chuyện – Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Bà Nguyễn Thị Thắm – giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ – chia sẻ phương án hoạt động trong thời gian tới là hộp kể chuyện sẽ được di chuyển luân phiên giữa các đơn vị trong hệ thống các bảo tàng TP.HCM với mục tiêu chung “lôi kéo” người dân đến với bảo tàng nhiều hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *