HƯƠNG SEN ĐỒNG THÁP TRONG TẾT MẬU THÂN 1968

Tỉnh Đồng Tháp thuộc vùng châu thổ sông Cửu Long, nằm hai bên bờ sông Tiền. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tỉnh đã trãi qua nhiều lần tách nhập. Hiện nay Đồng Tháp là tỉnh được thành lập trên cơ sở sát nhập hai tỉnh Sa Đéc và Long Châu Tiền, gồm các huyện: Hồng Ngự, Tân Hồng, Thanh Bình, Tam Nông, Cao Lãnh, Tháp Mười, Thạnh Hưng, Lai Vung, Châu Thành, Thị xã Cao Lãnh và Thị xã Sa Đéc. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đồng Tháp Mười là căn cứ của xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, là căn cứ vững chắc của Khu ủy và Bộ tư lệnh quân khu 8, của Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chánh các tỉnh Long Châu Sa, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn…

Qua hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đồng Tháp Mười là mục tiêu địch đánh phá, là chiến trường ác liệt, nhưng vẫn là căn cứ của Khu ủy khu 8 (gọi là T2), của các Tỉnh ủy Kiến Phong (gồm quận Cao Lãnh, Hồng Ngự, Thanh Bình, Mỹ An), Tân An và Mỹ Tho. Với vị trí địa lý và lịch sử oai hùng của vùng đất, người dân nơi đây dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp nối truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của cha ông xưa và viết tiếp trang sử vẻ vang, một lần nữa cùng nhân dân cả nước đánh tan Đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần rạng danh vùng đất Đồng Tháp kiên cường. Trong những trang sử chiến đấu và chiến thắng ấy có thế kể đến là những thành quả mà quân và dân Đồng Tháp có được trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 làm nên “một cơn bão táp cách mạng” đi vào lịch sử dân tộc.

Mục tiêu chiến lược của tổng công kích, tổng khởi nghĩa nhằm làm tan rã quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hoà ở các cấp, giành chính quyền về tay nhân dân, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, giáng một đòn quyết định vào âm mưu chính trị và quân sự của chúng ở miền Nam Việt Nam.

Về nhiệm vụ an ninh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: “Phải hết sức chú ý đến vấn đề trật tự, an ninh và vấn đề phòng tránh trong các thành thị mới giải phóng. Phải chiến đấu tốt để giữ gìn trật tự, trị an; ngược lại phải giữ vững trật tự, trị an và tổ chức phòng tránh tốt để bảo đảm chiến đấu thắng lợi. Cần nắm vững và dựa vào lực lượng quần chúng cơ bản, kiên quyết quét sạch các thế lực phản động, đập tan các tổ chức của địch và âm mưu phá hoại của chúng, nhanh chóng lập lại trật tự, khôi phục đời sống bình thường, đồng thời có phương sách đối phó với các loại tay sai của địch”.

Chấp hành Nghị quyết 14 của Trung ương Đảng, ngày 25/10/1967, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết Quang Trung về tiến hành Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa, lấy miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn – Gia Định làm trọng điểm, hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn. Theo tinh thần Nghị quyết Quang Trung, để giành được chiến thắng, quân và dân ta đã ra trận với quyết tâm rất lớn, với tinh thần dũng mãnh và khí thế tiến công. Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 kéo dài gần 5 tháng, gồm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 31/01/1968 đến 28/02/1968. Đợt 2 từ ngày 5/5/1968 đến 18/6/1968.

                     Quán triệt quyết tâm xốc tới trong chiến dịch xuân Mậu Thân

Trong những năm tháng sôi động của xuân Mậu Thân 1968, hòa nhịp với phong trào chung của nhân dân toàn miền Nam, quân và dân Đồng Tháp đã ra quân với một quyết tâm cao, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tích cực chuẩn bị mọi mặt để tham gia Tổng tấn công và nổi dậy giành thắng lợi. Trong đó lực lượng phụ nữ đã nêu cao vai trò và biểu dương lực lượng của mình với tinh thần mưu trí, sáng tạo trong phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, lập nhiều chiến công. Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Hội liên hiệp Phụ nữ giải phóng của tỉnh (lúc bấy giờ là Hội phụ nữ tỉnh Kiến Phong), phụ nữ Đồng Tháp đã tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của với các phong trào mang tên “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Khí thế tiến công dâng lên như sóng trào bão dậy, có sức thu hút mãnh liệt lan rộng trong tất cả các tầng lớp phụ nữ: học sinh, nông dân, tiểu thương, giáo viên, thợ may… Từ quần chúng cách mạng, chị em phụ nữ được trang bị và huấn luyện bằng nhiều cách để hình thành nên các tổ các đội võ trang, biệt động, phối hợp với các đơn vị vũ trang trong tỉnh tấn công vào các mục tiêu của địch, trung đội địa phương quân nữ tại huyện Châu Thành được thành lập trong giai đoạn này. Song song đó, phụ nữ Đồng Tháp tham gia trong dân công hỏa tuyến: vận chuyển lương thực, thuốc men, tải đạn, tải thương, tích cực tham gia trong lực lượng đấu tranh chính trị, phụ vận, giao liên…

Các má, các chị dưới sự dẫn dắt của các cán bộ phụ nữ nòng cốt như cô Võ Thị Việt – ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ Khu Tây Nam bộ (phụ trách thị xã Sa Đéc), cô Lê Thị Huệ (Năm Vạn) Tỉnh ủy viên cùng các cô: Ngô Thị Sánh- ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ tỉnh, Lê Thị Tiệp (Năm Mai)- Phó ban đấu tranh Phụ nữ Thị xã Cao Lãnh…đã phát huy đúng mức khả năng nội tuyến, cảm tình, cùng phong trào binh vận quần chúng, binh sĩ bỏ súng quay về với đồng bào, đưa phong trào “công – nông – binh liên hiệp” lên.

Chị em thi đua đẩy mạnh công tác vận động binh sĩ ngụy. Nhận thức được những người lính trong các đồn bót của giặc đều là con em của đồng bào trong tỉnh bị ép phải cầm súng, làm bia đỡ đạn cho Mỹ. Các má, các chị đã tích cực vận động, giáo dục, giác ngộ gia đình binh sĩ tham gia khởi nghĩa quần chúng. Vận động tuyên truyền của các má, các chị theo khẩu hiệu: “hãy nổi dậy hợp tác với quân giải phóng và đồng bào lật đổ chế độ Mỹ, Thiệu, giành chính quyền về tay nhân dân”. Phối hợp tạo thành sức mạnh của phong trào nổi dậy khởi nghĩa của quần chúng bằng 3 mũi tại chỗ giành chính quyền làm chủ giải phóng xã, ấp.

Lực lượng phụ nữ tích cực chuẩn bị truyền đơn, khẩu hiệu, cờ… phục vụ cho kế hoạch đánh chiếm các trụ sở của địch ở Thị xã Cao Lãnh, Hồng Ngự, Sa Đéc… Thu gom, cất giấu, vận chuyển lương thực, vũ khí là công lao của các má, các chị như: má Nguyễn Thị Mau (Cao Lãnh), má Lê Thị Tước (Hồng Ngự), má Trương Thị Y (Thanh Bình), má Lê Thị Yển (Hồng Ngự), má Đặng Thị Chương (Cao Lãnh), má Nguyễn Thị Tánh (Cao Lãnh), má Phạm Thị Thà (Cao Lãnh), má Phan Thị Huỳnh (Cao Lãnh) đã vượt qua bao khó khăn, hiểm trở tải gạo và lương thực, thực phẩm, thuốc men, dược liệu phục vụ trước và trong chiến dịch.

                

Dân công tiếp lương tải đạn phục vụ chiến dịch Đông Xuân 1968 – 1969

Phụ nữ Đồng Tháp tích cực tham gia phục vụ chiến dịch trong mọi hoàn cảnh, luôn bình tĩnh mưu trí, đối phó với mọi tình huống và đã sáng kiến nhiều cách nghi trang rất tài tình qua mắt địch, đưa đón cán bộ, giao vũ khí, tài liệu mật một cách an toàn. Các má, các chị hoạt động theo từng nhóm đội, có người hướng dẫn và trao đổi thông tin cho nhau. Một khi bị lộ, bị bắt dù bị tra tấn đánh đập dã man, nhưng các má, các chị vẫn kiên quyết không hé răng khai ra cơ sở, đồng chí của mình để bảo toàn lực lượng như cô Lê Mỹ Lệ, nguyên là giáo viên hoạt động bí mật tại thị xã Cao Lãnh, cơ sở do cô phụ trách  là những thợ may, tiểu thương, học sinh.. trong thị xã tổ chức in truyền đơn, may cờ cho chiến dịch, khi bị địch bắt cô quyết giữ vững khí tiết chấp nhận cực hình không để lộ cơ cở cách mạng, bảo toàn bí mật.

Cơ sở cách mạng tại nội ô Thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp (1965) do Bà Mai Thị Hường (thứ ba từ trái sang) phụ trách đã tích cực hoạt động phục vụ cho các trận đánh vào Thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp trong Mậu Thân 1968

Các cán bộ phụ nữ nòng cốt của tỉnh phát động quần chúng, phát triển cơ sở và lực lượng, lên kế hoạch rước quân, bố trí địa bàn đứng chân chuẩn bị chiến trường cho các lực lượng võ trang về hoạt động. Chị em phụ nữ tích dùng ghe phăng theo sợi dây được cột vào thân cây to ở hai bờ sông đón quân qua sông không gây tiếng động, lo cơm nước cho bộ đội, phân công đi các chợ để mua xăng góp lại phục vụ cho chiến dịch. Vì các điểm đón quân gần các đồn bót của địch, người dân đã lấy đệm che kín các bếp nấu ăn, không để ánh sáng lọt ra ngoài và thay nhau chia cơm ra từng thúng nhỏ đưa cho từng trung đội vào trước hừng đông để địch không phát hiện.

  Theo kế hoạch đã định vào đúng giờ G ngày N (29 Tết), tiếng súng sẽ đồng loạt nổ ra trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại các địa phương trong tỉnh. Thị xã Cao Lãnh (Xóm Bún) được chọn làm mục tiêu đột phá chủ yếu theo phương châm tiến công kết hợp với nổi dậy, dùng quân sự tấn công mạnh, làm đòn xeo phát động quần chúng khởi nghĩa giành quyền làm chủ. Tuy nhiên kế hoạch khởi nghĩa binh vận kết hợp võ trang đánh vào thị xã không thành công, do vũ khí, đạn dược chưa chuyển đến kịp nên lệnh nổ súng tạm hoãn một ngày, làm ảnh hưởng đến khí thế tổng công kích, tổng khởi nghĩa của tỉnh. Ban chỉ huy chiến dịch nhận định: ta đã mất yếu tố bất ngờ, lỡ thời cơ, không thể đột nhập vào nội ô thị xã vào ban ngày; địch đã cảnh giác. Dù tình huống không thuận lợi, ta vẫn phải nổ súng hiệp đồng, căng kéo, kềm giữ địch theo mệnh lệnh chung, nhất là đối với mặt trận sài Gòn.Vì thế đến ngày mùng 2 Tết (31/1/1968) quân và dân Đồng Tháp mới nổ súng tấn công vào các đồn bót ở thị xã Cao Lãnh. Sau 7 ngày  đêm tấn công địch ở nội ô thị xã Cao Lãnh gây cho địch tổn thất nặng nề. Ủy ban nhân dân Cách mạng xã Hòa An được thành lập và làm chủ tình thế trong gần 1 tháng mới bị địch chiếm lại. Cùng với thị xã Cao Lãnh ở các thị trấn và vùng nông thôn trong tỉnh cũng đã tiến hành tấn công và nổi dậy mạnh mẽ. Ngay tại Thanh Bình kết hợp tấn công quân sự và binh vận lực lượng cách mạng đã đã thu phục được đồn Trà Bồng thu toàn bộ vũ khí; bộ đội huyện, du kích các xã bao vây tấn công  và chiếm giữ nhiều đồn bót, tháp canh của địch. Nhiều hệ thống đồn bót của địch bị ta chiếm giữ. Lực lượng cách mạng đã làm chủ được con lộ 30, cắt đứt đường giao thông từ thị xã đi Thanh Bình, Hồng Ngự và chi khu Kiến Văn. Tại Hồng Ngự lực lượng võ trang và cơ sở cách mạng làm chủ được hầu hết các khu vực dân cư, bọn kềm kẹp ở các phường xóm bỏ chạy vào các chi khu. Các địa phương khác trong tỉnh cũng bị quân ta phá hỏng nhiều trại lính, thu nhiều súng đạn của địch, làm chủ tình thế trong nhiều ngày. Khí thế quần chúng rất cao nhưng do  lực lượng vũ trang của quân ta mỏng, địch lại ra tay phản công quyết liệt nên kết quả giành chính quyền của lực lượng khởi nghĩa trong tỉnh không duy trì được lâu

Các nữ chiến sĩ du kích Đồng Tháp chiến đấu rất xuất sắc và lập nhiều chiến công diệt ác, phá kiềm góp phần làm nên chiến thắng. Nổi bật là gương của nữ du kích Trần Thị Thu (Kim Hồng), không ngại hiểm nguy vượt qua lửa đạn về căn cứ vận động thanh niên tham gia tiếp đạn, lựu đạn cho du kích tại chiến hào. Song song đó chị em còn tổ chức cứu chữa và vận chuyển thương binh trong các trận đánh với tất cả tấm lòng: trách nhiệm, tình thương. Các má, các chị đã anh dũng vượt qua lửa đạn, tiếp tế lương thực, vũ khí ngay tại chiến sự và tải những người tử trận, chiến thương về tuyến sau với tinh thần không để bộ đội thiếu cơm, thiếu đạn đánh giặc, không để các thương binh, tử sĩ lọt vào tay giặc. Ngay trong đêm các má, các chị đã tổ chức đưa bộ đội qua sông, vượt lộ chuyển chiến thương và người tử nạn về vùng giải phóng an toàn.

Qua một năm thực hiện tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, lực lượng phụ nữ đã góp phần quan trọng cùng quân và dân Đồng Tháp (Kiến Phong) đã loại khỏi vòng chiến đấu 4316 tên địch trong đó có nhiều tên Mỹ, diệt 16 đồn bót địch, bắn rơi và phá hỏng 31 máy bay các loại, bắn cháy và phá hỏng 96 xe quân sự trong đó có 15 M113, 1 ô tô bọc sắt, bắn chìm và làm hỏng 70 tàu, 44 thuyền bay, 13 bo bo. Chiến dịch Mậu Thân 1968 đã thể hiện sức mạnh quật khởi, ý chí và quyết tâm giải phóng đất nước, là đòn bất ngờ vào sào huyệt của địch. Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 làm nên kỳ tích ấy là cả một quá trình đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam, trong đó có sự đóng góp đáng kể của  lực lượng phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Đồng Tháp nói riêng

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 02 năm 2023

ThS Trịnh Thị Tuyết Hằng

 Phòng Kiểm Kê – Bảo quản

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp (1997), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp- tập III (1954- 1975), NXB Đồng Tháp, 352 tr
  2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp (2005), Công tác binh vận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở tỉnh Đồng Tháp, 245 tr
  3. Đảng ủy xã Hòa An và Ban tuyên giáo Thị xã ủy Cao Lãnh (2001), Lịch sử truyền thống cách mạng xã Hòa An 1930 -1 975, 205 tr
  4. Võ Trần Nhã (Chủ biên) (1993), Lịch sử Đồng Tháp Mười, NXB TPHCM, 473 tr
  5. Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh Đồng Tháp (1990), 30 năm kháng chiến của quân dân tỉnh Đồng Tháp, 369 tr
  6. Tổ sử phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (2006), Lịch sử phụ nữ Nam bộ kháng chiến, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 526 tr
  7. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Sở Lao động – Thương binh xã hội Đồng Tháp (2007), Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Đồng Tháp, 1145 tr