HỌP MẶT, GIAO LƯU NỮ PHÁO BINH MIỀN NAM TẠI THÀNH PHỐ MANG TÊN BÁC KÍNH YÊU

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân cả nước không tiếc máu xương, hy sinh vì độc lập của Tổ quốc. Trong sự hy sinh lớn lao đó có sự đóng góp của bao thế hệ phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ miền Nam nói riêng. Với truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, phụ nữ miền Nam là lực lượng xung kích, là “đội quân tóc dài” trên mặt trận đấu tranh chính trị. Không chỉ chiến đấu bảo vệ hậu phương mà còn dũng cảm xông pha nơi tiền tuyến, luồn sâu cả vào vùng địch tạm chiếm, có những đóng góp xuất sắc trong các binh chủng của lực lượng võ trang.

alt

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân cả nước không tiếc máu xương, hy sinh vì độc lập của Tổ quốc. Trong sự hy sinh lớn lao đó có sự đóng góp của bao thế hệ phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ miền Nam nói riêng. Với truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, phụ nữ miền Nam là lực lượng xung kích, là “đội quân tóc dài” trên mặt trận đấu tranh chính trị. Không chỉ chiến đấu bảo vệ hậu phương mà còn dũng cảm xông pha nơi tiền tuyến, luồn sâu cả vào vùng địch tạm chiếm, có những đóng góp xuất sắc trong các binh chủng của lực lượng võ trang.

Trong binh chủng phòng không không quân; lực lượng võ trang có được những pháo thủ tài năng, gan góc, dạn dày kinh nghiệm chiến trận. Lực lượng nữ pháo binh miền Nam với mưu trí, sáng tạo; lòng dũng cảm vô biên đã góp phần làm nên những chiến lệ bằng những quả pháo chính xác vào mục tiêu kẻ thù. Dù ra đời và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định của lịch sử nhưng lực lượng nữ pháo binh miền Nam có quyền tự hào khi đã đóng góp công sức, tài năng quân sự, xương máu làm nên tám chữ vàng “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho binh chủng Pháo binh của quân đội nhân dân Việt Nam. Sau chiến tranh, lịch sử bước sang trang mới xây dựng đất nước, các đội nữ pháo binh lần lượt giải thể. Nhiều chị chuyển ngành, một số còn phục vụ trong quân đội, một số trở về quê hương sản xuất, xây dựng gia đình, đối mặt với mưu sinh… Nhiều chị không có điều kiện gặp nhau. Mong ước có một cuộc họp mặt để ôn lại truyền thống hào hùng, thăm hỏi, động viên nhau là nguyện vọng tha thiết của lực lượng nữ pháo binh miền Nam.

alt

Để tỏ lòng tri ân, biểu dương lực lượng Nữ pháo binh trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức “Họp mặt, giao lưu Nữ pháo binh miền Nam” theo đề xuất của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Được gặp gỡ, chia sẻ với những nữ pháo binh- con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu, những tập thể nữ, những nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân bằng xương bằng thịt là niềm vinh dự, tự hào của tuổi trẻ Thành phố. Để chuẩn bị cho cuộc hội ngộ này, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã chuẩn bị từ tháng 10/2014 bằng việc truy tìm tên các nữ pháo binh và danh sách các đội nữ pháo binh; có những chuyến công tác gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với đội viên nữ pháo binh các tỉnh thành từ Cà Mau – miền đất cực Nam của Tổ quốc đến tỉnh Quảng Trị – nơi có cầu Hiền Lương chia cắt hai miền đất nước; để rồi đến ngày 15/4/2014, hội tụ về Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh- Thành phố mang tên Bác kính yêu với 309 đội viên nữ pháo binh của 17 tỉnh, thành và 10 nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – những pháo thủ gan dạ của Nội đô Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn.

alt

Chương trình “Họp mặt, giao lưu Nữ pháo binh miền Nam” diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng 4 năm 2015 với các hoạt động: tham quan Dinh Thống Nhất, đặt vòng hoa tưởng niệm các Bà Mẹ Việt Nam và tham quan Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Sau chương trình họp mặt, giao lưu vào sáng ngày 16/4/2015 các nữ pháo binh tham quan Khu di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi. Cuộc họp mặt để lại ấn tượng khó quên cho các nữ pháo binh miền Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 4 năm 2015

Phạm Thị Diệu