HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM VÀ NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước, trong hàng ngàn năm lịch sử ấy phụ nữ giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Phụ nữ là những người chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất, họ là những người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo và còn là những người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng. Chính vì đóng vai trò quan trọng trong xã hội, hơn 90 năm qua trong từng giai đoạn của lịch sử cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Hội và phát huy vai trò người phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ngay khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định phụ nữ là một lực lượng cách mạng quan trọng, vì thế đã chủ trương thành lập một tổ chức để tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, đoàn thể phụ nữ đã được Đảng giao phó những trọng trách lớn với các tên gọi khác nhau: Hội phụ nữ giải phóng, Hội Phụ nữ phản đế, Hội Phụ nữ dân chủ, Đoàn Phụ nữ cứu quốc… và sau này là Hội Liên Hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội đã vận động, quy tụ mọi lực lượng phụ nữ tham gia các cao trào cách mạng, phát huy truyền thống yêu nước, đem tài năng, trí tuệ góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ. Qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Hội LHPN Việt Nam luôn giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lãnh đạo phong trào phụ nữ.

Giai đoạn 1930-1945, đặc biệt là trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hội đã tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia hầu hết các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, đòi cải thiện đời sống, đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi cho phụ nữ, đồng thời phụ nữ cũng là lực lượng có đóng góp to lớn trong quá trình vận động bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng; và đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội đã vận động phụ nữ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”; hăng hái học tập văn hoá, tích cực tăng gia sản xuất nông nghiệp bảo đảm cho bộ đội “ăn no đánh thắng”, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước (1954- 1975), đất nước chia cắt, Hội đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lãnh đạo lực lượng phụ nữ cả hai miền Nam – Bắc tham gia chiến đấu, sản xuất, phục vụ chiến đấu. Hình ảnh “Đội quân tóc dài” gắn với phong trào đồng khởi; những tấm gương kiên trung trong cuộc đấu tranh đòi quyền sống, đòi độc lập dân tộc, bảo vệ cách mạng ngay trong nhà tù đế quốc của phụ nữ miền Nam; Phong trào Ba đảm đang vừa “vững tay cày” vừa“chắc tay súng”của phụ nữ miền Bắc là biểu tượng cao đẹp về người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng – Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang”.

Sau ngày thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày một lớn mạnh không ngừng. Hội đã tổ chức các kỳ Đại hội và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam để đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp; tập trung tham mưu, đề xuất chính sách, giám sát, phản biện xã hội; tăng cường vận động xã hội, tích cực hội nhập quốc tế; chăm lo tốt hơn lợi ích chính đáng của phụ nữ, tạo động lực động viên đông đảo phụ nữ phát huy dân chủ, xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và tổ chức Hội, thực hiện mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, có nhiều phong trào góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và xây dựng đất nước.

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XIII đã được khai mạc vào sáng ngày 13/6/2024 tại TP. Hồ Chí Minh tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung quan trọng gồm: Sơ kết công tác Hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, cho ý kiến về chủ đề năm và định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, sơ kết 6 tháng đầu năm về triển khai Dự án 8, cho ý kiến về các nội dung khác trình tại hội nghị, công tác cán bộ… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nghe thông tin 2 chuyên đề về: “Các vấn đề về đạo mới, đạo lạ và những lưu ý trong công tác vận động phụ nữ hiện nay”“Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng”.

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị lần thứ 6 Đoàn Chủ tịch và Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XIII tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Chiều ngày 13/6/2024, Đoàn đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga làm trưởng đoàn đã đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Bà Hà Thị Nga (bên trái) – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
trao tặng bức tranh Hai Bà Trưng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Nhân dịp này, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga thay mặt đoàn, trao tặng bức tranh hai Hai Bà Trưng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Sau khi nhận bức tranh Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ – đã tặng chiếc khăn rằn mang đậm dấu ấn Nam Bộ và 3 cuốn sách “Lịch sử Phụ nữ Nam bộ kháng chiến” do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ làm Chủ biên cho Hội LHPN Việt Nam. Cuốn sách “Lịch sử Phụ nữ Nam bộ kháng chiến” là món quà đầy ý nghĩa gửi tới phụ nữ Nam Bộ nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay.

Bà Nguyễn Thị Thắm (bên phải) – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tặng cuốn sách
“Lịch sử Phụ nữ Nam bộ kháng chiến” cùng chiếc khăn rằn cho Hội LHPN Việt Nam

Trong chuyến thăm, đoàn đã có dịp tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử chiếc áo dài Việt Nam, tinh thần đấu tranh của phụ nữ Nam bộ qua các thời kỳ kháng chiến. Đoàn cũng được chiêm ngưỡng những ứng dụng công nghệ trong trưng bày, sử dụng công cụ thiết bị trình chiếu hỗ trợ khách tham quan tương tác và trải nghiệm mô hình bảo tàng 3D thông qua thiết bị trình diễn Hologram kết hợp ứng dụng phần mềm bảo tàng tương tác thông minh 360 độ trong trưng bày tại bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Đoàn đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm
với lãnh đạo, cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

* Một số hình ảnh tham quan Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ của Đoàn đại biểu Hội LHPN Việt Nam:

Đoàn nghe thuyết minh về nguồn gốc, lịch sử của chiếc áo dài Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ chia sẻ về ứng dựng công nghệ

trong trưng bày và câu chuyện kể hiện vật thêu của những nữ tù cách mạng.

 

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 6 năm 2024

Nguyễn Thị Kim Voanh

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tour 360° Tour 360° 360 Tour