HỘI ĐUA GHE NGO CỦA NGƯỜI KHƠME NAM BỘ

Theo phong tục của người Khơme Nam Bộ, tiếp theo đêm Lễ Cúng Trăng, sáng hôm sau là hội đua ghe ngo. Đây là hội tưng bừng náo nhiệt nhất, được chuẩn bị khá công phu, một sinh hoạt văn hóa, thể thao có sức thu hút hàng chục vạn người tham gia, không những chỉ có đồng bào Khơme, mà có đông đảo người Kinh, người Hoa cùng hưởng ứng một cách cuồng nhiệt.

“Sóc Trăng – chính là cái nôi của lễ hội đua ghe Ngo” qua tác phẩm tập sách “Nam – kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”, của học giả Nguyễn Liên Phong, xuất bản năm 1909. Đây là một trong những tác phẩm địa phương chí Nam bộ rất hiếm hoi được viết bằng thơ lục bát vào những năm đầu của thế kỷ XX và là một nghiên cứu có giá trị trên nhiều phương diện. Trong sách, khi nói về địa phương Sóc Trăng, tác giả đã miêu tả khá sinh động bằng những câu thơ lục bát để khái quát về vùng đất, con người và phong tục đua ghe Ngo ngày xưa của người Khmer ở Sóc Trăng.

“… Lịch thay phong cảnh Dầy-tho, Thói xưa còn lại phải trò ăn chơi.

Tục Mên cổ lệ để đời, Mỗi năm tháng chín, ghe bơi đua cùng.

Vàm Dầy-tho cả một sông, Nhóm nhau tới đó điệp trùng những ghe.

Gọi rằng lễ tống nước về, Trong hai ba bữa đồng hè đua đưa….”

Qua đoạn thơ trên cho thấy: Tại Vàm Dầy Tho (Mỹ Xuyên) nay gọi là Dù Tho, ngày xưa người Khmer tổ chức lễ đua ghe Ngo lần thứ nhất trong năm vào tháng 9 Âm lịch tức là vào dịp lễ xuất hạ của các nhà sư và đã trở thành phong tục của người Khmer có từ lâu rồi ở vùng đất Sóc Trăng này.

Hội đua ghe ngo độc đáo của đồng bào Khơme ở Sóc Trăng

Ghe ngo, tiếng Khơme gọi là “tuk ngo”, một loại thuyền độc mộc khoét từ thân cây gỗ tốt, ra đời từ nhiều thế kỷ trước. Đây là một loại ghe đua đặc trưng của người Khơme Nam Bộ. Khác với ghe đua của người Kinh thường có bề dài ngắn hơn, bề ngang rộng hơn và có sức chở trung bình từ 15 đến 20 tay đua, được ghép từ nhiều miếng ván lại; ghe ngo được thiết kế đặc biệt dài từ 25 đến 30 mét, mình thon như con rắn, lướt sóng tốt nhờ lực cản nhỏ, mũi và lái đều cong vát lên, mũi có thấp hơn lái một ít. Mũi ghe thường chạm đầu xiết (một loại rắn nước), hay đầu chim phượng. Từ be xuống đến mớn nước được trang trí bằng những đường hình học sơn trắng, xanh, đỏ, vàng. Phần lườn ghe thường sơn đen. Do chiều dài của ghe quá lớn, có đủ chỗ ngồi cho 45 đến 50 tay bơi, để đảm bảo an toàn, tránh hiện tượng vỡ, gãy hay “xoắn vỏ đỗ” trong khi tăng tốc ở nước rút, hoặc ngoặt gấp, người ta đã cố định thêm một cây gỗ chắc làm đà chịu lực dọc theo thân ghe chạy suốt từ mũi đến lái.

Với kiểu ghe được thiết kế như vậy, cho nên khi bơi đua, đòi hỏi người điều khiển phải có một nghệ thuật điêu luyện, giàu kinh nghiệm, nếu không quen, động tác bơi không nhịp nhàng, ghe rất dễ bị lật úp. Cho nên, thường trước khi đưa ghe xuống bơi dưới nước, người ta tổ chức tập bơi trên cạn để thuần thục một số động tác. Người Khơme coi ghe ngo đua không giống như các ghe thông thường, mà là một vật thiêng. Vì vậy, trước khi đi dự thi, họ thường làm lễ tạ thần, thắp hương cúng vái, sau đó chọn người điều khiển, người lái, quân dầm bơi, và tổ chức chiêu đãi những người tham gia cuộc thi. Đội quân bơi đều gồm những trai tráng khỏe mạnh, có kinh nghiệm, biết phối hợp động tác chặt chẽ, mặc trang phục đẹp, đội mũ đồng phục. Người ngồi đầu chỉ huy được chọn từ những người có uy tín và thông thạo đường nước.

Các đội ghe trước giờ xuất phát

Ở đầu ghe, giữa ghe và mũi ghe có chỗ đặt mâm bánh, trái cây, đầu heo hoặc gà vịt

Cuộc đua diễn ra nghiêm trang và đầy hào hứng, có sức cuốn hút hàng chục vạn người xem. Trên chặng đường đua kéo dài tới mấy ki-lô-mét, hai bên bờ sông người xem đứng đông nghẹt đúng là đông như hội; trẻ con leo lên cành cây để quan sát, người thì lội xuống nước để xem cho gần, cho rõ.

Khi pháo lệnh nổ, những chiếc ghe dài như những con rắn khổng lồ nổi trên mặt nước lao vút đi như tên bắn theo hướng chỉ đường của những cọc tiêu cắm trên dòng sông.

Theo nhịp thúc quấn bằng tiếng cồng của người đứng ở giữa ghe, cả mấy chục chiếc dầm giơ lên, bổ xuống nước nhịp nhàng như những chiếc tay máy. Tiếng hò reo cổ vũ náo nhiệt, tiếng trống thôi thúc vang động cả một vùng, nhất là khi có một chiếc ghe về đến đích. Công chúng vẫy mũ, vẫy nón hoan hô vang dậy, cuồng nhiệt. Đoạn sông dành cho cuộc đua khá thẳng, dòng nước chảy chậm và đều, trên bờ có chợ búa, có nhà cửa đông vui. Những người đi xem đua thường đi bằng thuyền cà châu và thuyền cà chai đậu dọc hai bên bờ sông. Họ đem theo cả lương thực, nồi niêu để nấu nướng và ăn ngủ tại chỗ.

Các đội tranh tài sôi nổi, hào hứng

Hằng năm, ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ có đông người Khơme sinh sống thì vào dịp lễ Ok Om Bok đều có tổ chức đua ghe ngo như một sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống.

Đến với hội đua ghe Ngo của đồng bào Khơme, tất cả mọi người không phân biệt vùng miền, dân tộc, họ cùng nhau hòa vào bầu không khí tưng bừng, rộn rã để thưởng thức những màn tranh tài đặc sắc, hấp dẫn như một liều thuốc tinh thần tuyệt vời sau những giờ lao động vất vả. Không chỉ mang lại những giờ phút vui chơi, giải trí hấp dẫn, với người Khơme, hội đua ghe Ngo chính là nét văn hóa đặc trưng, là nơi lưu giữ vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng, phát huy những giá trị văn hóa tinh thần và là một nét đẹp văn hóa cổ truyền không thể thay thế.

Với giá trị tiêu biểu, hội Đua ghe Ngo của người Khơme được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 74/QĐ-BVHTTDL ngày 12/01/2022./.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 12 năm 2022

Trang Ngọc Thắng

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Văn Bính (Chủ biên) (2004), Văn hóa các dân tộc tây Nam Bộ – Thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
  2. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường (1990), Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  3. Thạch Phương, Lê Trung Vũ (1995), 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội.