HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN – GIÁO DỤC TẠI BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ từ lâu đã trở thành nơi tham quan học tập, sinh hoạt văn hóa của nhiều đối tượng như các em mầm non,học sinh – sinh viên… Mỗi một hoạt động, Bảo tàng luôn hướng đến những khám phá mới lạ, làm giàu tri thức văn hóa, góp phần thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm nhưchương trình “Bảo tàng – Ngôi nhà chung của chúng em”nhằmtạo sự liên kết chặt chẽ, đưa chương trình tham quan Bảo tàng như là một hoạt động ngoại khóa. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền những hoạt động của Bảo tàng đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, giúp các em rèn luyện, nâng cao kỹ năng quan sát, phân tích, tổng hợp, tư duy và sáng tạo, tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, sinh hoạt tập thể, hợp tác vì mục tiêu chung.

Nhân kỷ niệm ngày di sản Văn hoá 23/11 Bảo tàng phối hợp với Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hành trình đến địa chỉ đỏ dành cho 620 em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt năm 2020 của các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Thủ Đức, thiếu nhi mái ấm Ánh Sáng, mái ấm Ga Sài Gòn, các liên đội trên địa bàn quận 3 và các quận trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và trải nghiệm dệt chiếu truyền thống từ ngày 23/11/2020 đến ngày 29/11/2020.

Kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống học sinh- sinh viên 9/01/1950, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lữ hành Mặt trời Việt tổ chức cho 400 em học sinh Trường Tiểu học Bến Cảng, Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh tham quan các phòng trưng bày và trải nghiệm dệt chiếu truyền thống tại Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ vào ngày 8/01/2021.

Trước đó, bắt nhịp xu thế của bảo tàng hiện đại, ngày 9/10/2020 Bảo tàng khánh thành phòng trưng bày ứng dụng công nghệ chuyên đề “Phụ nữ miền Nam qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ” thể hiện sự đóng góp của phụ nữ trên các lĩnh vực: Đấu tranh chính trị, binh vận; Đấu tranh võ trang; Phụ nữ miền Nam trong công tác ngoại giao; Đấu tranh của nữ tù chính trị tại các nhà tù thực dân, đế quốc. Phòng trưng bày giới thiệu hình thức trãi nghiệm mới kết hợp với ứng dụng phần mềm tương tác 3D/360, giúp cho khách tham quan có thể xem, nghe và tương tác để khám phá lịch sử về phong trào phụ nữ trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Phòng trưng bày chuyên đề ứng dụng này, dù không chạm tay vào hiện vật nhưng khách tham quan hoàn toàn có thể nhìn ngắm hiện vật ở tất cả mọi góc độ một cách sắc nét, tinh tế và hơn nữa khách tham quan có thể truy cập vào kênh YouTube của bảo tàng để xem các video clip, các phim tư liệu, hình ảnh có liên quan đến phụ nữ Nam Bộ qua các thời kỳ lịch sử. Ứng dụng này giúp khách tham quancó thể nắm bắt đầy đủ thông tin mà không cần hướng dẫn viên.

Phòng trải nghiệm “Dệt chiếu truyền thống” giúp khách tham quan được khám phá, hiểu và tái hiện lại một cách sống động những ngành nghề thủ công truyền thống của dân tộc, các giai đoạn lịch sử cũng như phong tục, hành trình văn hóa của Việt Nam. Đến với phòng trải nghiệm “Dệt chiếu truyền thống” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ khách tham quan sẽ được thử sức với việc tự tay dệt nên những tấm chiếu, hiểu thêm về các nghề thủ công truyền thống của dân tộc, hiểu rõ hơn giá trị của sự lao động, biết trân trọng những thành quả lao động do chính mình và người khác tạo ra. Hoàn thành xong một tấm chiếu, khách tham quan sẽ được giữ tấm chiếu làm kỷ niệm; hoặc vẽ, trang trí tấm chiếu theo ý thích của mình.

Để tiếp tục hành trình đưa các em học sinh, sinh viên đến với bảo tàng, Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ sẽ phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo, Bộ Giáo dục, Sở Du Lịch, Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị khác tổ chức đưa các em đến tham quan, trải nghiệm trong thời gian tới. Bảo tàng mãi là điểm đến, điểm sinh hoạt của các tổ chức và công chúng đến tham quan, góp phần tạo sự đột phá trong thu hút khách du lịch đến với thành phố Hồ Chí Minh.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 02 năm 2021

Nguyễn Thị Hết

Phòng Truyền thông- Giáo dục – Quan hệ Quốc tế