HOA VĂN TRÊN VẢI CỦA NGƯỜI KHMER VÀ VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ

Người Khmer là một trong bốn tộc người cơ bản hợp thành cộng đồng cư dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Họ là cư dân địa phương vốn đã gắn bó rất lâu đời với vùng đất này trước cả người Việt, người Hoa và người Chăm. Người Khmer cư trú ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thành những cụm rời, nhỏ, xen kẽ với các xã ấp của người Việt, Chăm và người Hoa. Cộng đồng người Khmer tập trung lại thành những làng nhỏ gọi là “phum”, đơn vị cao hơn phum là “sóc”. Người Khmer từ xa xưa đã biết trồng lúa nước, khai thác các vùng đất trũng bao quanh để trồng lúa nước. Họ có tiếng nói và chữ viết riêng. Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu theo Phật giáo Tiểu thừa và tin vào các lực lượng siêu nhiên thần bí.

Đời sống văn hoá vật chất của người Khmer rất phong phú và đa dạng, thể hiện qua một số mặt của đời sống văn hoá vật chất tinh thần như: nhà ở, trang phục, ăn uống, đi lại, cấu trúc xã hội, tôn giáo tín ngưỡng, lễ hội và sinh hoạt văn hoá, văn nghệ.

Nhà ở của người Khmer hiếm khi có cổng ngõ và hàng rào bao quanh. Ranh giới từng phum sóc đều được quy ước, lưu truyền từ lâu đời. Hiện nay nhà ở của người Khmer có ba loại chủ yếu: nhà sàn, nhà có gác cải biên từ nhà sàn cũ và nhà đất.

Ăn uống, trang phục cũng mang nhiều nét đặc trưng riêng của cộng đồng. Ngày nay trang phục trong sinh hoạt ngày thường, trong lao động sản xuất, người Khmer thường sử dụng trang phục của người Việt. Trong các dịp lễ hội hoặc trong những nghi thức quan trọng của phong tục, tập quán như nghi thức vào chùa, vào các dịp lễ của dân tộc thì người Khmer mới sử dụng trang phục dân tộc cổ truyền.

Trong ăn uống thì người Khmer dùng lương thực chủ yếu là gạo để nấu cơm. Điểm đặc trưng trong sinh hoạt ẩm thực của người Khmer là họ rất thích chế biến các món ăn từ các loại mắm như: mắm tôm, mắm cá …và món ăn đặc trưng của người Khmer là bún nước lèo.

Trong hoạt động sản xuất thì người Khmer chủ yếu làm nông nghiệp trồng lúa nước bên cạnh những hoạt động sản xuất thủ công cổ truyền như nghề gốm, nghề đan lát, nghề làm đường thốt nốt, nghề dệt vải, nghề mộc, nghề dệt chiếu, nghề làm muối… Từ lâu người Khmer đã biết tận dụng các nghề thủ công truyền thống để phát triển kinh tế của mình.

Xã hội truyền thống của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long được đặt trong một thiết chế truyền thống là phum, sóc. Đây là những đơn vị xã hội tự quản truyền thống của người Khmer. Phum thường có 3,4 gia đình trở lên. Thông thường sóc được xác định qua vị trí ngôi chùa và tên riêng của nó. Xã hội truyền thống của sóc Khmer được quản lý theo một cơ chế khá đặc biệt bao gồm quyền lực của cộng đồng và vai trò tổ chức Phật giáo tiểu thừa. Đối với người Khmer, giáo lý nhà Phật là cơ sở cho các quy tắc điều hành quan hệ xã hội, triết lý nhà Phật trở thành triết lý của đời sống văn hoá tư tưởng của con người. Sinh hoạt tôn giáo trở thành một bộ phận quan trọng nhất trong sinh hoạt tinh thần của mỗi cá nhân cũng như của cả cộng đồng. Sư sãi là tầng lớp được cộng đồng kính trọng và là linh hồn của sóc.

Trong một chừng mực nào đó có thể nói tổ chức xã hội cổ truyền của người Khmer nương dựa trên tổ chức nhà chùa và văn hoá Khmer là nền văn hoá mang đậm màu sắc Phật giáo. Với người Khmer chùa không chỉ có chức năng tôn giáo mà nó còn có cả chức năng giáo dục, văn hoá… Chùa có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tang ma, cưới hỏi… thậm chí là điểm vui chơi giải trí. Hàng năm, chùa là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt, văn hoá dân gian của cả cộng đồng người Khmer.

Về tín ngưỡng dân gian, người Khmer vẫn còn lưu giữ những dấu tích của đời sống tâm linh cư dân nông nghiệp: thờ vạn vật hữu linh. Bên cạnh việc thờ Phật, thờ tổ tiên, người Khmer còn thực hành các nghi lễ nông nghiệp như cúng thần ruộng, gọi hồn lúa. Các nghi lễ này thường kèm theo các lễ hội, gắn với một số loại hình ca múa, văn hoá dân gian. Trong sinh hoạt văn hoá dân gian, người Khmer có cả một kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười. Người Khmer có một nền sân khấu truyền thống mang đậm màu sắc dân tộc. Một số thể loại văn nghệ đặc trưng của nguời Khmer có thể kể đến như múa Romvong, rôbăm, hát adia, dù kê, lakhon…

I. HOA VĂN TRÊN VẢI CỦA NGƯỜI KHMER

1/ Nghề dệt lụa của người Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nghề dệt đã có từ rất lâu đời trong cộng đồng người Khmer. Nghề dệt tơ, dệt vải là một nghề thủ công truyền thống của người Khmer, trước kia họ tự dệt lấy để may mặc. Nhà nào cũng có khung dệt tay, cô gái nào cũng biết dệt. Trong nhà gia đình người Khmer làm nghề dệt, ngoài bàn thờ Phật, thờ tổ tiên, họ còn thờ ông tổ nghề dệt Tơpíca. Nghề dệt cổ truyền của người Khmer trước kia có một vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội của người Khmer. Nó không chỉ thể hiện sự phát triển kinh tế, lịch sử, mỹ thuật, mà còn thể hiện những nét văn hoá đặc sắc của người Khmer. Tuy nhiên, ngày nay nghề dệt của người Khmer đang dần mai một ở một số nơi. Những vùng Khmer ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng xưa đã có thời dệt lụa nổi tiếng nay gần như không còn tồn tại nghề dệt.

Kỹ thuật dệt của người Khmer còn khá thô sơ. Khung dệt là một khung gỗ thô sơ, khá giống với khung dệt của người Việt và người Chăm. Khung dệt có các go và hai bàn đạp điều khiển các lá go. Loại go người Khmer dùng là go chỉ, không phải loại go sắt. Cuộn chỉ được gắn vào một mảnh gỗ rộng khoảng 20cm, chứ không được gắn trực tiếp vào trục quấn chỉ như khung dệt của người Việt. Mảnh gỗ là công cụ đơn giản trong chế tạo nhưng đòi hỏi người thợ dệt tốn nhiều công đi lại tháo chỉ cuộn ra để tiếp tục dệt, trong khi đó với những cải tiến cho trục dệt thì khung dệt của người Việt và người Chăm chỉ cần ngồi tại chỗ là có thể tháo chỉ ra khỏi trục. Người Khmer có ba kỹ thuật dệt truyền thống là dệt trơn, dệt đan và dệt thắt hoa. Dệt trơn là kỹ thuật dùng để dệt khăn đội đầu kẻ ô vuông, dệt đan là kỹ thuật dệt tạo ra nhiều loại hoa dâu to nhỏ, còn dệt thắt hoa trên sợi rất cầu kỳ với sợi ngang của tấm dệt được buộc, nhuộm nhiều lần trong hàng tháng trời theo hình hoa văn được tính toán rất kỹ trước khi dệt tạo ra sự đa dạng và tinh tế cho tấm vải. Trong kỹ thuật dệt thắt hoa hay còn được gọi là dệt ikak, người thợ dệt Khmer không dùng thoi. Sợi chỉ ngang được cuốn vào một chiếc đũa tre, đặt vào một đoạn trúc và người thợ dệt dùng tay luồn từ bên này sang bên kia khổ vải. Đoạn trúc thay thế cho chiếc thoi thường dài khoảng 30cm, một đầu gắn khối nhựa nhỏ hình chóp để không bị vướng vào các sợi chỉ canh, đầu kia rỗng để có thể luồn chiếc đũa tre có quấn chỉ vào. Sau mỗi lần đưa “thoi trúc” qua, người thợ dệt dùng tay kéo sợi chỉ cho ngay thẳng, không để dư quá nhiều mép vải bên kia trước, dùng tay kéo bàn dập để dập cho sợi chỉ ngang sát vào những sợi đã dệt trước.

Tạo ra hoa văn trên sản phẩm dệt, người thợ dệt cần phải bỏ ra nhiều công sức cho việc nhuộm sợi trước khi đưa vào dệt. Các sợi chỉ, nhất là các sợi chỉ ngang cần phải nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần trước khi cho vào dệt để tạo ra những hoa văn rất đặc sắc cho sản phẩm dệt: hình người, hình muôn thú, nhà cửa…

Để nhuộm được những khoảng màu sắc rực rỡ đó là cả một kỳ công, đòi hỏi nhiều công phu và sư khéo léo pha màu của người thợ. Bức tranh trên vải có bao nhiêu màu thì người thợ phải nhuộm bao nhiêu lần. Thứ tự các màu phải tuân theo một trình tự nhất định. Trước tiên ngừơi ta phải chuẩn bị một khung gỗ có bề rộng bằng bề rộng khổ vải muốn dệt. Sau đó quấn chỉ vào khung, bố trí thứ tự các sợi chỉ như khi dệt xong, người thợ dệt Khmer phải theo các hình mẫu để buộc chỉ nhằm tạo những đoạn không bị ngấm thuốc nhuộm cho những lần nhuộm màu khác nhau. Muốn cho đoạn chỉ có màu nào thì nhuộm màu đó, đoạn nào không cần có màu nhuộm thì phải buộc dây.

Trong nghề dệt cổ truyền của người Khmer, nếu như khâu nhuộm đòi hỏi nhiều công phu thì khi dệt cũng khá cầu kỳ không kém. Từng lọn chỉ nhỏ khi nhuộm được đánh dấu và phải giữ đúng vị trí ban đầu để hình ảnh hoa văn không bị lệch. Mỗi đoạn chỉ được dùng cho từ 4 đến 5 lần đưa thoi, được người thợ quấn vào chiếc đũa tre thứ nhất. Người thợ quấn tiếp đoạn thứ hai, có chiều dài cũng bằng 4-5 lần đưa thoi vào chiếc đũa thứ hai, và cứ tuần tự như thế cho đến khi hoàn tất hết chỉ.

Tại khung dệt, người thợ dệt để các chiếc đũa quấn chỉ này theo thứ tự ở một bên chỗ ngồi của mình. Khi dệt, thợ dệt phải tuân thủ nghiêm ngặt thứ tự của từng đũa chỉ, lần lượt dùng chiếc đũa chỉ thứ nhất để đưa thoi bốn hay hay năm lần thì bỏ sang bên kia chỗ ngồi (cũng theo thứ đó) rồi lấy đũa thứ nhì để tiếp tục dệt… Mỗi lần đưa thoi, người thợ dệt phải xem sửa chữa sợi chỉ ngang vừa đưa thoi qua có hợp với vị trí hoa văn đã dệt, trước khi kéo bàn dập, nếu không thì hoa văn dệt ra sẽ bị lệch nếu không kiểm tra kỹ. Với kỹ thuật dệt này, việc dệt vải rất chậm, một người thợ mỗi ngày chỉ dệt được vài tấc vải không có hoa văn khó. Nếu như chọn những mẫu hoa văn phức tạp thì tốc độ dệt sẽ chậm hơn những mẫu hoa văn đơn giản. Để dệt được một tấm vải dài khoảng 3m, khổ rộng 0,8m người thợ dệt phải mất hơn một tháng rưỡi. Hầu hết các sản phẩm dệt đều thể hiện được tính nghệ thuật thẩm mỹ và tay nghề đều có những sở trường, những hoa văn riêng của mình, không người thợ nào dệt giống như nhau. Người thợ dệt nào có tay nghề cao thì dệt những mẫu hoa văn phức tạp đòi hỏi kỹ thuật và có tay nghề như dệt những tuồng tích theo truyện cổ tích của người Khmer. Để dệt những sản phẩm này đòi hỏi người thợ phải có óc sáng tạo, thuộc và hiểu các tuồng tích để dệt ra những tấm vải thể hiện nội dung những tuồng tích dân gian.

2/ Hoa văn trên vải của người Khmer

Hoa văn trên vải của người Khmer rất độc đáo, khác lạ so với hoa văn của các dân tộc khác. Các hoa văn trên vải của người Khmer thường có các màu căn bản như vàng, đỏ, đen, nâu và hai màu phụ là xanh dương và xanh lá. Các hoa văn trên vải của người Khmer tạo ra dựa trên hình ảnh của thiên nhiên, của môi trường sống chung quanh, của cư dân hoặc đấy là những hoa văn hình học.

Trước kia chất liệu để nhuộm sợi của người Khmer là dùng các nguyên liệu thiên nhiên như dùng các loại vỏ cây B’huôt’ để nhuộm màu vàng, dùng cánh kiến, nhựa plethum, cây sben để nhuộm màu đỏ, cũng như dùng cây chàm để có màu xanh thẫm, hạt của Đơmcòmpùbai (hạt này thường được dùng làm phẩm màu trong việc chế biến các món ăn) cho ra màu vàng cam hay sử dụng trái mặc nưa để cho ra màu đen. Để có các màu như ý muốn người thợ dệt thường phải pha màu nhuộm thành nhiều lần. Với màu xanh lá, người thợ pha màu nhuộm hai lần, lần đầu là màu vàng, lần thứ hai màu xanh dương. Ngoài cách dùng trái mặc nưa để nhuộm màu đen, người Khmer còn dùng cách pha ba màu, lần đầu họ cho chỉ nhuộm màu vàng, lần thứ hai họ lấy chỉ đó cho vào màu đỏ và kế đó cho vào màu xanh dương. Kỹ thuật nhuộm màu, pha màu này thường dùng cho các sản phẩm đặc biệt như các tấm vải mô tả các tích tuồng dân gian Khmer… Ngày nay, kỹ thuật nhuộm bằng các nguyên liệu thiên nhiên đã bị mai một dần với nhiều lý do: nguyên liệu thiên nhiên ngày càng khan hiếm khó tìm thấy, các màu công nghiệp ngày càng nhiều trên thị trường dể tìm và dể mua, người thợ dệt không mất nhiều công sức cho việc pha màu.

Các hoa văn trên vải của người Khmer được hình thành từ sự sắp xếp các màu sắc của các sợi ngang, sợi dọc của tấm vải. Hoa văn được tạo ra cho tấm vải chủ yếu do các sợi chỉ ngang quyết định. Các hoa văn thông thường của người Khmer chủ yếu là các hoa văn hình học, không quá phức tạp, tạo ra những mẫu hoa văn mới lạ nhờ cách kết hợp sáng tạo các hoa văn khác nhau trên cùng một tấm vải. Các hoa văn trên vải của người Khmer được sắp xếp, phân bố sáng tạo xếp cạnh nhau để tạo thành các dãy hoa văn liên tục. Các hoa văn trên vải Khmer tạo được ấn tượng riêng biệt, nổi bật, chủ yếu dựa vào sự kết hợp màu của sợi chỉ được nhuộm màu một cách công phu. Để có được những dải hoa văn trên vải, người thợ dệt Khmer phải qua rất nhiều công đoạn. Từ sợi bông còn nguyên màu trắng, cần phải qua công đọan xử lý mà các nghệ nhân Khmer gọi là chùi tơ (sợi tơ được luộc kỹ với dấm cho sạch chất nhờn, khi nhuộm màu sẽ thấm vào sợi) rồi treo lên giàn phơi sợi, sau đó sợi bông được đem nhuộm màu, số lần nhuộm tùy theo mẫu hoa văn mà các nghệ nhân muốn thể hiện. Hoa văn trên vải của người Khmer nhờ vào kỹ thuật nhuộm che chắn màu khi nhuộm sợi và nghệ thuật sắp đặt, bài trí các sợi chỉ khi dệt.

Trên một tấm vải lụa Khmer, các hoa văn thường không đơn thuần một kiểu mà luôn có sự phối hợp của nhiều kiểu loại khác nhau. Tùy theo ý đồ trang trí của người thợ dệt, các mẫu hoa văn sẽ được bố trí thành từng màng, từng vệt, hoặc dàn trải, chạy đều trên toàn bộ tấm vải dệt. Nhằm tạo sự khác biệt, ngăn cách giữa các kiểu hoa văn khác nhau, người Khmer đã dùng kỹ thuật tạo một đường hoa văn chạy xen vào giữa gọi là những hoa văn phân cách, người thợ dệt gọi là dây bông với cách pha màu làm nổi bật các hoa văn xếp cạnh, làm tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm. Khi dệt những sản phẩm có hoa văn đơn giản thì người thợ dệt thường chia thành những phần hoa văn rõ rệt trên nền sản phẩm.

Các hoa văn cổ xưa và đặc trưng trên vải của người Khmer là những bông hoa trong ô trám, tổ ong, ô trám liên hoàn và các tích tuồng dân gian Khmer. Hoa văn thể hiện thiên nhiên thường là những cách điệu của hoa trái như hoa dâu, hoa đu đủ hay các hoa văn cách điệu muôn thú… Hoa văn hình học là những hoa văn sọc, carô, hình thoi, mắc võng, hình lồng đèn, những hình ấy được sắp xếp, phân bố theo từng cấu trúc khác nhau, có thể lập đi, lập lại cách khoảng, tạo nên nhiều hình khác nhau tương ứng với từng mẫu cấu trúc, từ đó mà hoa văn trở thành nhiều loại hình hoa văn khác. Với các dạng hoa văn chùa tháp hay các tích tuồng dân gian Khmer thì rất đặc sắc và độc đáo, với loại hình hoa văn này đòi hỏi người thợ dệt am hiểu nhiều tích tuồng và phong tục dân gian Khmer mới có thể dệt nên tấm vải với hình tiết hoa văn rất độc đáo này. Một số loại hoa văn được dùng làm hoa văn chính với các tên gọi:

– Hoa văn bông dâu.

– Hoa văn quả trám.

– Hoa văn Tây Bliêng: là những mẫu hoa văn có hình quả trám liên hoàn với nhau nhờ những dây bông.

Hoa văn Tây Bliêng Quả trám

– Hoa văn Klàhon: là mẫu hoa văn cách điệu của hoa đu đủ

Hoa vănn Klàhonhoa đu đủ

– Hoa văn Côm Khloungtve: hoa văn hình các ngôi chùa Khmer.

– Hoa văn Cômprasat: hoa văn hình tháp.

Hoa văn Bolspaysachna Chùa Tháp

– Hoa văn Kombomhi: mà theo các nghệ nhân Khmer giải thích là họ tạo ra hoa văn này phỏng theo tiếng kêu của con ểnh ương.

– Hoa văn Kà lân: hoa văn cách điệu hình vẩy rồng.

Hoa văn Kalink vẩy con Rồng

– Hoa văn hoa ớt

– Hoa văn hình đòn gánh và khúc mía

– Hoa văn Koncom: hoa văn đèn lồng nhỏ.

Với cách pha màu độc đáo của người Khmer, với các mẫu hoa văn chính kể trên, họ đã dệt nên nhiều tấm vải với nhiều màu sắc và cách phối hoa văn mới lạ và độc đáo. Nhìn chung, các hoa văn trên vải của người Khmer rất độc đáo và khá lạ so với các dân tộc khác nhờ kỹ thuật nhuộm cầu kỳ và phức tạp. Một số kiểu dáng ước lệ, cách điệu từ cuộc sống tự nhiên, gắn bó với người Khmer qua bao thế hệ như hình ảnh sóng nước, ô trám, chùa tháp, tháp… Một số được dung nạp thêm trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá và cải tiến cho thích hợp với văn hoá tộc người.

Hoa văn trên vải của người Khmer đưa đến cho người chiêm ngưỡng một sự cảm nhận tương đối độc đáo về cách trang trí, lối tạo hình. Hoa văn trang trí trên vải lụa của người Khmer rất phong phú về màu sắc và các môtíp hoa văn. Mỗi một tấm vải Khmer có cách thức hoa văn khác nhau, chứng tỏ người thợ dệt Khmer đã thể hiện tình cảm, thái độ, sự cảm nhận tinh tế, độc lập, sự khéo léo của mình qua từng sản phẩm dệt, bên cạnh đó vẫn đảm bảo tính thống nhất các yếu tố truyền thống của cộng đồng. Hoa văn trên vải của người Khmer là một kho tàng phong phú về các lọai họa tiết. Các họa tiết hoa văn trên sản phẩm dệt của người Khmer không đơn thuần là làm đẹp mà đằng sau nó là mối giao cảm giữa con người với thiên nhiên, với cộng đồng và những lễ nghi truyền thống Người Khmer cảm nhận hoa văn từ trong tâm khảm, một sự cảm nhận chất chứa nguồn mỹ cảm đặc biệt. Hoa văn của người Khmer được dệt ra bởi sự tinh tế trong cách nhuộm sợi và cách đưa sợi chỉ vào khung dệt. Hình thức này có độ linh họat hơn rất nhiều so với cách dệt hoa văn của các dân tộc khác. Hoa văn trên vải của người Khmer chịu sự chi phối của kỹ thuật nhuộm màu sợi chỉ. Quá trình sáng tạo các mẫu hoa văn trên vải của người Khmer luôn được sáng tạo, tiếp biến và quá trình tiếp biến diển ra đã tạo nên những môtip mới hợp với thị hiếu và chứng tỏ tài khéo léo của người thợ dệt Khmer. Hoa văn trên vải của người Khmer khá cầu kỳ, phưc tạp và khó có thể nhầm lẫn với các họa tiết của các dân tộc khác. Hoa văn trên vải của người Khmer là một kho tàng phong phú về các thể loại hoa văn. Các họa tiết hoa văn được xử lý vừa tập trung vừa dàn trải trên sản phẩm. Có những họa tiết được thể hiện rất rõ, song song đó thì cũng có những họa tiết làm nền cho họa tiết khác thể hiện…

II/ HOA VĂN TRÊN VẢI CỦA NGƯỜI KHMER VÀ VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ

Nghề dệt vải cổ truyền của người Khơmer nằm trong hệ thống các nghề thủ công mang tính truyền thống trên cả nước. Nghề dệt vải của người Khơmer đã phản ánh những nét văn hoá độc đáo, đặc trưng tộc người. Khung cảnh bà, mẹ, cùng con gái quây quần bên khung dệt những lúc nông nhàn, đã tạo nên một hình ảnh văn hoá đẹp trong lối sống, sinh hoạt của người Khơmer Nam bộ. Các sản phẩm dệt đặc biệt là các mẫu hoa văn trên vải của người Khmer là một dạng văn hoá phi vật thể, hàm chứa giá trị văn hoá tinh thần của tộc người. Ngay trong các khâu dệt, sơ chế nguyên liệu, kỹ thuật tạo hoa văn… cũng đã thể hiện nét đặc trưng riêng ấy. Đặc biệt là những hoa văn trên vải đã phần nào nói lên vị trí Phật giáo trong đời sống cư dân Khơmer Nam bộ.

Các mẫu hoa văn trên vải của người Khmer cũng thể hiện cách sống, cách ứng xử giữa con người với tự nhiên một cách hài hoà. Những cây cỏ có từ trong thiên nhiên đã được tận dụng làm thành sản phẩm phục vụ cho đời sống hàng ngày của con người. Bên trong những tấm vải dệt, người Khơmer đã thể hiện đời sống vật chất và cả tinh thần của mình lên sản phẩm. Các mẫu hoa văn cũng là nơi lưu giữ tâm hồn, ý tưởng của những nghệ nhân, của người dệt nên chúng. Nghề dệt vải cũng góp phần thắt chặt mối quan hệ láng giềng, họ hàng trong các phum sóc Khơmer. Các sản phẩm dệt vải từ bao đời nay đã trở thành vật dụng thân quen trong mỗi gia đình người Khơmer, chúng trở nên quen thuộc, gần gũi đến độ người ta xem nó như một bộ phận không thể tách rời trong đời sống hàng ngày.

Đối với những gia đình có nghề dệt vải còn mang tính gia truyền, nghề được truyền từ đời này sang đời khác thì việc dâng các tấm vải vào chùa còn thể hiện lòng biết ơn tổ tiên đã phù hộ, giúp đỡ các thế hệ sau học và giữ được nghề. Đây là một tâm thức mang màu sắc tín ngưỡng nghề nghiệp, cũng như nét đẹp truyền thống trong văn hoá Khơmer. Các mẫu hoa văn trên vải của người Khơmer đã chứa đựng trong nó những giá trị văn hoá truyền thống và mang ý nghĩa về kinh tế, xã hội, tôn giáo gắn bó với đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân.

Nghề dệt vải cổ truyền và các mẫu hoa văn của người Khơmer không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn chứa đựng trong nó những giá trị văn hoá tinh thần. Nghề được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác; người phụ nữ trở thành nguồn lao động chính của nghề. Trong quá trình sản xuất, nghề dệt vải và tạo ra các mẫu hoa văn đã đóng vai trò làm chiếc cầu nối gắn kết các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các thành viên nữ trong gia đình. Với nghề dệt vải của người Khơmer tuy chỉ là hoạt động thủ công, nhưng sản phẩm của nó lại gắn bó với đời sống sinh hoạt hàng ngày, cũng như hoạt động mang tính chất xã hội truyền thống. Nghề dệt vải cổ truyền cùng với việc tạo ra nhiều mẫu hoa văn đẹp, lạ của người Khơmer còn mang lại những tác động tích cực trong việc giáo dục xã hội cộng đồng, tạo nếp sống trong sáng lành mạnh, lao động cần mẫn cho cư dân.

Trong đời sống văn hóa của người Khmer, hoa văn trên vải không những thể hiện trình độ nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ mà còn thể hiện bản sắc tộc người. Nhìn vào các hoa văn trên vải lụa của người Khmer, ta có thể hiểu được môi trường tự nhiên nơi họ sinh sống, các phong tục, tập quán, hình thức tín ngưỡng…thể hiện qua các mô típ hoa văn, màu sắc hoa văn đặc trưng được mô tả trên hoa văn.

Hoa văn trên vải của người Khmer phong phú và có giá trị biểu đạt cao. Các mẫu thức hoa văn khong nằm ngoài những sự vật, hiện tượng tồn tại trong tự nhiên và xã hội, luôn gần gũi với cuộc sống con người. Những hình ảnh hoa văn sinh động được thể hiện trên vải là các trang sử tiềm ẩn những thông tin về quá khứ của dân tộc. Do đó, có thể nói rằng, mỗi một tấm vải lụa Khmer như một bức tranh thu nhỏ phản ánh về xã hội tộc người. Người thợ dệt Khmer đã góp công gìn giữ và truyền tải một phần kho báu văn hóa tộc người của họ. Với đôi tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, người thợ dệt Khmer sáng tạo ra nhiều mẫu hoa văn phong phú, đa dạng. Mỗi người thợ dệt, tùy theo sở trường năng khiếu, kinh nghiệm và khả năng tiếp thu, học hỏi của mình mà có một một cách sáng tạo riêng để làm nên những tấm vải lụa óng ả đầy màu sắc, chứa đựng bản sắc văn hóa tộc người. Hoa văn trên vải của người Khmer là tinh thần và truyền thống tộc người, là di sản văn hóa ứng xử ẩn trong từng sợi chỉ. Màu sắc là một bộ phận quan trọng của việc trang trí hoa văn trên vải. Các bố cục hoa văn là sự kết hợp nhiều môtíp hoa văn chính và hoa văn phụ. Sự kết hợp nằm trong ý đồ của người tạo hoa văn, tùy theo cách chọn lọc, cách thể hiện về lọai hoa văn và màu sắc. Mỗi một mảng trang trí là một đề tài, mỗi hoa văn cũng là một đề tài trong tổng thể đó. Mỗi một đề tài thể hiện qua hoa văn, đôi khi hàm chứa cả một một câu chuyện truyền thuyết, huyền thọai nào đó mà nếu tách rời một trong các hoa văn sẽ làm mất đi ý nghĩa của cả mảng trang trí hoặc trở thành khiếm khuyết. Với hoa văn trên vải của người Khmer, chúng ta dể dàng nhận thấy là tính đối xứng. Tính đối xứng trong hoa văn thể hiện trên toàn bộ bố cục cũng như trên mỗi hoa văn. Bên cạnh đó, do quá trình cộng cư với các dân tộc Việt, Chăm, Hoa trong một khoảng thời gian khá dài nên quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa đã diễn ra thể hiện ngay trong từng sản phẩm dệt của người Khmer thông qua từng mô típ hoa văn như hoa văn bông dâu của người Khmer rất gần với hoa văn trên vải của người Chăm cũng cách dệt ikát ta cũng tìm thấy trong phương pháp dệt của người Chăm khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Mỗi một nét hoa văn trên các sản phẩm dệt của người Khmer là một quá trình của sự kế thừa cha ông từ ngàn xưa. Các thế hệ sau tiếp theo nếp sống và tập tục của mình sáng tạo thêm và hoàn thiện dần những mô típ hoa văn đa dạng, phong phú. Qua những mẫu hoa văn thể hiện các truyền thuyết huyền thoại, ta như thấy được một phần bóng dáng sinh họat cũng như các phong tục, tập quán của tộc người. Hoa văn không chỉ làm đẹp mà còn có cả một nội hàm rộng lớn gởi gắm hồn người từng canh vải, sợi chỉ. Ơ đó có niềm vui, nỗi buồn, lời truyền bảo, quan niệm sống, tín ngưỡng và đạo đức, luân lý xã hội,… bản chất hoa văn cũng như một thứ bi ký của tổ tiên tộc người gởi lại cho con cháu mai sau.

Hiện nay, những tấm vải lụa Khmer là hiện vật giá trị được đồng bào Khmer gìn giữ và có thể làm vật trao đổi trong cộng đồng. Vải lụa Khmer với màu sắc, hoa văn phong phú, đa dạng là một trong những vật không thể thiếu trong trang phục ngày cưới của đồng bào Khmer ngày nay. Song song đó, vải lụa Khmer là những hiện vật đang được trưng bày trong các Bảo tàng Việt Nam. Một số Bảo tàng đã và đang có ý tưởng phục hồi lại nghề dệt vải và các sản phẩm dệt của các tộc người nhằm giới thiệu đến khách tham quan những khía cạnh tâm lý, xã hội như tín ngưỡng, truyền thống tộc người được chứa đựng bên trong các hình vẽ, các màu sắc, phong cách bố cục hoa văn độc đáo đến đông đảo du khách.

Việc phục dựng lại các ngành nghề thủ công truyền thống trong bảo tàng sẽ góp phần cho việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể. Đó là kho tàng các kinh nghiệm, kỹ thuật, bí quyết truyền nghề từ việc sử dụng nguyên vật liệu, kỹ thuật chế tác đến chủ đề sáng tạo cho từng sản phẩm của mỗi làng nghề. Bởi vì quá trình lao động tức là quá trình sáng tạo; trong mỗi sản phẩm ấy là kinh nghiệm, là kỹ thuật, là bí quyết của nghệ nhân, người thợ thủ công, và họ còn thổi vào sản phẩm ấy cả tâm hồn và ý niệm. Ví dụ, từ những nguyên liệu vô tri vô giác, bằng sức lao động sáng tạo, những người thợ thủ công đã tạo ra hàng vạn sản phẩm tuyệt vời, mà ở đó là tư duy, là kinh nghiệm được đúc rút qua bao thế hệ. Mỗi sản phẩm còn là khúc tuỳ hứng, khát vọng của con người và của cả cộng đồng. Đó chính là phần tồn tại vô hình cần được bảo tồn của làng nghề và sản phẩm của làng nghề. Qua đó, khách tham quan đến bảo tàng có dịp trải nghiệm cách thức tạo ra các mẫu hoa văn và học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 5 năm 2014

Trịnh Thị Tuyết Hằng

Trưởng Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Trưng bày

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ Lương Văn Hy(1998), Nhân học một tình trạng nhân sinh, NXb KHXH

2/ Trần Văn Bổn (1999), Một số lễ tục dân gian người Khmer đồng bằng sông Cửu Long, NXB Giáo dục.

3/ Nguyễn Khắc Cảnh (1998), Phum sóc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, NXB GD.

4 Mạc Đường (chủ biên) (1990), Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, NXB KHXH, HN.

5/Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, NXB

6/Viện văn hoá (1988), Tìm hiểu vốn văn hoá dân gian Nam Bộ.

7/Viện văn hóa (1987), Người Khmer Cửu Long, NXB SVHTT Cửu Long.

8/ Viện văn hoá (1993), Văn hoá người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, NXB VHDT.

9/Nguyễn Đình Khoa (1983), Các dân tộc ở Việt nam, NXB KHXH.

10/ Viện văn hóa (1987), Người Khmer Cửu Long, NXB SVHTT Cửu Long.

11/ Viện văn hoá (1993), Văn hoá người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, NXB VHDT.

12/ Nguyễn Đình Khoa (1983), Các dân tộc ở Việt nam, NXB KHXH.

13/ Sôrya (1988), Lễ hội Khmer Nam Bộ, NXB VHDT, HN.