HỖ TRỢ XÂY DỰNG NHÀ TÌNH THƯƠNG CHO CÔ NGUYỄN THỊ ĐÈO- NỮ TNXP TUYẾN ĐƯỜNG 1C

Tuyến đường 1C được hình thành trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đầy cam go ở miền Tây Nam Bộ. Con đường này tiếp nối đường Trường Sơn, từ miền Đông Nam Bộ về tận mũi Cà Mau. Tại đây những thanh niên từ 15 tới ngoài 20 tuổi với hơn 2/3 là nữ, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, đón bộ đội từ miền Bắc vào chi viện chiến trường miền Tây Nam Bộ từ năm 1967 tới ngày thống nhất đất nước. Lực lượng nữ thanh niên xung phong đã góp phần tạo nên con đường 1C huyền thoại trong lịch sử bằng tuổi thanh xuân, bằng xương và bằng máu thịt của mình.

Nhân sự kiện xây dựng Đài tưởng niệm thanh niên xung phong truyến đường 1C tại Thị trấn Giang Thành, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang; nhằm hỗ trợ cho Ban liện lạc Cựu Cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam tuyên truyền tuyến đường 1C huyền thoại; nhân kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/03/1910 – 08/03/2024) và Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 10, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tổ chức chương trình giao lưu, gặp mặt những cựu nữ Thanh niên xung phong ngày ấy ở độ tuổi 14, 15 trở lên các cô, các chị  đã thoát ly gia đình tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men và chăm sóc thương bệnh binh… “Những Bông hoa trên tuyến lửa 1C”.

Trong danh sách các tỉnh thành được mời tham gia giao lưu, Kiên Giang là một trong những tỉnh có nhiều cựu nữ thanh niên xung phong tham gia trên tuyến đường 1C còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trong đó, có hoàn cảnh của cô Nguyễn Thị Đèo sinh năm 1946, hộ khẩu thường trú tại Ấp 7, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Nhà cô Đèo có 11 anh chị em, có 5 chị gái, cô là là người con thứ 8 trong gia đình, cô tham gia thanh niên xung phong vào năm 1968 thuộc đơn vị chiến đấu Liên đội II – C, Hòn Đất 2, lúc đó cô 22 tuổi cùng những anh chị cùng quê như: anh bảy Thanh, cô Xuân, cô Huệ…

Ở cái tuổi gần 80, đôi khi nhớ khi quên nhưng khi nhắc đến những ký ức về một thời tham gia thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C huyền thoại là cô không thể nào quên được. Cô nhớ những lúc cô tham gia tải đạn vận chuyển bằng xuồng khi gặp máy bay địch bay vòng vòng, cả đoàn phải che giấu xuồng lấy cỏ trùm lại sợ địch phát hiện, khi đó địch bắn rất nhiều làm cho đồng đội bị thương và hi sinh, bản thân cô cũng bị thương.

Tình hình đi lại thời đó rất khó khăn, mùa nước nổi đi chủ yếu bằng xuồng ba lá – loại xuồng đi rừng vùng Hà Tiên. Mỗi chiếc xuồng mong manh mà chở được từ 400-500kg hàng. Bên cạnh xuồng ba lá, còn có xuồng mỏ có 2 đầu nhỏ, dài 6-7m, ngang 1-2m chở được nhiều hàng hơn (còn gọi là xuồng độc mộc). Mùa khô thì chuyển sang đi đường bộ, còn mùa lỡ nước, lỡ khô thì phải vừa chèo xuồng nhưng khi đến đoạn khô là phải vác xuồng và vác vũ khi lên để đi. Một xuồng thường do 2 người phụ trách, có lúc thì chỉ 1 người.

Với nhiệm vụ gian khổ nên những ngày đầu ai cũng bỡ ngỡ, nhưng sau đó cô và đồng đội thích nghi rất nhanh chóng. Mỗi ngày, vào lúc 5 giờ chiều đoàn nhận hàng xong, lập tức xuất phát chuyển hàng đến trạm, đổi xuồng rồi quay ngay về trước khi trời sáng. Cô và đồng đội luôn cố gắng không để máy bay địch phát hiện, tranh thủ ăn uống, nghỉ ngơi rồi 5 giờ chiều ngày hôm sau lại gom xuồng đi tiếp; gian khổ, nguy hiểm vậy mà cô và đồng đội cứ dành nhau vận chuyển. Có đợt cô đi 29 ngày liền trong tháng, người thì lúc nào cũng ướt, do mũi xuồng va chạm vào cây là té xuống nước. Đoàn người mỗi đêm cứ nối tiếp, đi hết mùa khô rồi lại mùa nước nổi, vai nặng đường trơn, mồ hôi ướt đẫm. Công việc vất vả là như thế nhưng ai cũng một lòng quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sau một thời gian cô không tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược mà chuyển về nuôi giấu bộ đội ở Kinh Cả Bé, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, có cả cán bộ và bộ đội miền Bắc vào. Sau khi hoàn thành sứ mệnh cao cả, cô xuất ngũ năm 1972 và về địa phương cô lập gia đình năm 29 tuổi nhưng sau đó chồng cô bỏ đi và cô sống một mình cho đến nay. Cuộc sống khó khăn, không có nơi nương tựa, cô được người anh ruột cho một miếng đất nhỏ bên nhà ngang 4m dài 8m để dựng một cái chòi nhỏ để ở. Cô thuộc diện hộ nghèo, sống một mình, hằng ngày đi hái rau, bắt cá để có bữa cơm, hoàn cảnh neo đơn, tuổi cao sức yếu nên không còn khả năng lao động.

Vào sáng ngày 22/3/2024, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tổ chức thành công chương trình giao lưu “Những Bông hoa trên tuyến lửa 1C” và đã nhận được sự ủng hộ kinh phí xây dựng 01 căn nhà tình thương từ Quỹ Hoa nhân ái của Công ty Cổ phần Revolution Brewing với tổng số tiền 80.000.000 đồng cho cô Nguyễn Thị Đèo.

Thay mặt cho đơn vị tài trợ, ngày 28/3/2024, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã có chuyến khảo sát thực tế tại nhà cô Nguyễn Thị Đèo ở Ấp 7, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Tham gia cùng đoàn khảo sát có đại diện của Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, Huyện Đoàn Gò Quao và Hội Cựu TNXP tỉnh Kiên Giang xác nhận nhà cô Nguyễn Thị Đèo thuộc diện hộ nghèo của xã, hiện trạng nhà ở đã xuống cấp, mái tôn tạm bợ, không vách, nền đất, không có bàn ghế, trang thiết bị và nội thất, thiếu hệ thống nước và đèn điện chiếu sáng.

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà cô Nguyễn Thị Đèo khởi công xây dựng vào ngày 17/4/2024 do Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Kiên Giang và huyện Đoàn Gò Quao giám sát. Sau hơn một tháng thi công, căn nhà Tình thương đã hoàn thành và bàn giao nhân dịp kỷ kiệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024) và 47 năm ngày Quốc tế bảo tàng (18/5/1977 – 18/5/2024). Tổng số tiền xây dựng cùng một số vật dụng gần 100.000.000 đồng.

Với vai trò là đơn vị kết nối giữa doanh nghiệp và địa phương, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã thực hiện đúng lời hứa, giúp cho cô Nguyễn Thị Đèo có được căn nhà ấm cúng vào ở trước mùa mưa, phần nào an ủi tuổi già, tri ân những đóng góp của cô Nguyễn Thị Đèo – cựu nữ thanh niên xung phong từng tham gia trên tuyến đường 1C huyền thoại.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thay mặt cho gia đình cô Nguyễn Thị Đèo, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, Huyện Đoàn Gò Quao và Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Kiên Giang chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Revolution Brewing và kính chúc cho Công ty ngày càng kinh doanh phát đạt, Quỹ Hoa Nhân Ái luôn phát triển và mở rộng vòng tay giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ; đóng góp nhiều hơn nữa vào những hoạt động công tác xã hội tại tỉnh Kiên Giang nói riêng và các tỉnh thành trên cả nước nói chung.

*Một số hình ảnh của nhà cô Nguyễn Thị Đèo trước và sau khi được xây dựng nhà Tình thương

Nhà cô Nguyễn Thị Đèo trước khi xây dựng

Nhà cô Nguyễn Thị Đèo sau khi xây dựng

 

 

Bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trao tặng phần quà cho cô Nguyễn Thị Đèo

 

Bà Nguyễn Thị Thắm cùng đại đại diện Công ty Cổ phần Revolution Brewing (bà Lê Thị Mỹ Châu) và Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Kiên Giang trao
nhà Tình thương cho cô Nguyễn Thị Đèo

Cô Nguyễn Thị Đèo chụp hình lưu niệm cùng tập thể các đơn vị Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Công ty Cổ phần Revolution Brewing, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Kiên Giang, Huyện Đoàn Gò Quao và Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc

      Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 2024

Nguyễn Thị Kim Voanh

                            Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

Tour 360° Tour 360° 360 Tour