HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VÀ DÂN GIAN VIỆT NAM

Trên khắp đất nước Việt Nam, từ Bắc chí Nam có rất nhiều địa danh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử gắn liền với những truyền thuyết, những sự tích, huyền thoại … liên quan đến người phụ nữ. Đó là những Mẫu được xem là những vị thần cai quản thiên nhiên, khai sinh ra nòi giống Lạc Hồng; đó là những bậc nữ tiền hiền có công khai quốc, mở đất, giúp dân dựng làng, lập ấp, lập chợ hay truyền thụ, khai sáng kiến thức, dạy nghề, cứu nhân độ thế …

Trên khắp đất nước Việt Nam, từ Bắc chí Nam có rất nhiều địa danh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử gắn liền với những truyền thuyết, những sự tích, huyền thoại … liên quan đến người phụ nữ. Đó là những Mẫu được xem là những vị thần cai quản thiên nhiên, khai sinh ra nòi giống Lạc Hồng; đó là những bậc nữ tiền hiền có công khai quốc, mở đất, giúp dân dựng làng, lập ấp, lập chợ hay truyền thụ, khai sáng kiến thức, dạy nghề, cứu nhân độ thế …; đó là những liệt nữ có công chống giặc ngoại xâm, xây dựng nên nền độc lập cho dân tộc; là những nữ anh thư tài hoa xuất chúng, hiền thục tảo tần “gánh vác giang sơn nhà chồng”; là những Bà Mẹ đã sinh thành cho đất nước các người con anh hùng, nhân tài lỗi lạc … Thế hệ sau nối tiếp truyền thống thế hệ trước, phụ nữ Việt Nam còn góp sức tham gia cầm quyền trong những hoàn cảnh đặc biệt và thể hiện vai trò chính trị rất vững vàng không thua kém nam giới… Và họ đã trở thành những nữ thần trong tâm thức người Việt. Có thể nói, những nữ thần được người dân lập đình, miếu tôn thờ ở Việt Nam đều là những nhân thần rất gần gũi với đời sống, là linh thần được nhân dân tin tưởng, gởi gắm những ước nguyện, lời cầu mong về một cuộc sống ấm no, bình an.

altLịch sử xã hội phong kiến Việt Nam từng có những phụ nữ làm nên đại cuộc, đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc toàn diện và rộng khắp, chống lại thế lực phong kiến phương Bắc vào mùa xuân năm Canh Tý (năm 40 Công nguyên) giải phóng dân tộc như Hai Bà Trưng (do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo) cùng 74 nữ tướng. Cuộc khởi nghĩa đã đánh đuổi được lực lượng cai trị nhà Đông Hán ra khỏi Giao Chỉ (tương đương một phần Quảng Tây, Trung Quốc và Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay) mang lại độc lập trong 3 năm cho người Việt tại đây thời bấy giờ. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trở thành nguồn Sử liệu đến thần thoại và truyện tích trong dân gian Việt Nam. Hai Bà Trưng được nhân dân lập nhiều đền thờ trong cả nước và hiện có 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các nữ tướng, tiêu biểu như: đền Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc; đền Đồng Nhân tại Hà Nội…; một số đền thờ các nữ tướng của Hai Bà Trưng như: đền Nghè ở Hải Phòng thờ bà Lê Chân, đền Thượng Cát thờ Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương… Chỉ vài thế kỷ sau đó (thế kỷ thứ 3), người thiếu nữ Triệu Thị Trinh tự khẳng định mình vượt lên trên thường tình nhi nữ: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ngoài biển Đông, quét sạch quân Ngô ra ngoài bờ cõi chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta.”; lẫm liệt là như thế- Vua Bà làm kinh sợ đối phương. Đền Bà Triệu được nhân dân tôn thờ tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa;…Bà Trưng, bà Triệu là những người phụ nữ đã thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện và phát huy được phẩm chất năng lực của mình.

Lịch sử Việt Nam không hiếm những vị công chúa “tài sắc vẹn toàn”, từng hy sinh lợi ích bản thân vì dân tộc đầy lòng hiếu nghĩa, trọn vẹn chữ trung, yêu nước thương dân, lặng lẽ hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn, đóng góp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang của lịch sử dân tộc, tiêu biểu như: công chúa An Tư gả cho Thoát Hoan vào thế kỷ 13 với sứ mệnh nhận trọng trách kìm hãm ý chí tiến công của quân Nguyên vào thành Thăng Long, để quân dân ta có thời gian củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu; Huyền Trân công chúa (con gái của vua Trần Nhân Tông), gả cho Chế Mân để kết tình thông gia giữa hai nước đổi lấy hai châu Ô và Lý (Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay)… Và những phụ nữ – những người thay vua cầm quyền trị nước: Dương Vân Nga – Hoàng hậu của vua Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Một Nguyên phi Ỷ Lan – vợ vua Lý Thánh Tông, hai lần nhiếp chính, sử dụng tài trí để ổn định và phát triển đất nước.

Với ý thức tôn kính, tưởng nhớ đến công lao của tổ tiên, đồng thời với trách nhiệm bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc, nhiều di tích về thờ Mẫu, thờ Bà, Bà tổ các ngành nghề … trở thành hệ thống tín ngưỡng dân gian Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, tồn tại suốt chiều dài lịch sử của đất nước – như là một sự tôn vinh đối với người phụ nữ. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã khẳng định: “Trên chặng đường chuyển hóa từ mẫu hệ sang phụ hệ và cả mãi về sau này nữa – xã hội Việt Nam cổ truyền đã thừa hưởng và vẫn bảo lưu một truyền thống vững chắc và tốt đẹp: đó là vai trò quan trọng của người bà, người mẹ, trong gia đình và ngoài xã hội”. Hiện nay, tuy còn tồn tại những hủ tục cần phải loại bỏ nhưng rõ ràng tín ngưỡng dân gian Việt Nam với những lễ hội đầy màu sắc luôn mang những gía trị tinh thần cao quí và đó chính là truyền thống nhân văn từ xưa và trở thành văn hoá dân tộc đầy nhân bản và bác ái.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được xây dựng và lưu truyền từ huyền thoại Mẹ Âu Cơ đến việc thờ các nữ thần nông nghiệp như bà Dâu, bà Đậu; thờ các Mẫu Tam Phủ (Trời- Đất- Nước), Mẫu tứ phủ (Trời- Đất- Nước-Địa), Mẫu Tứ pháp (Mây-Mưa-Sấm-Chớp) đến các nghi lễ thờ cúng “Mẹ Lúa” của nhiều dân tộc ở Việt Nam, đều mang âm tính, có thuộc tính của người Mẹ với chức năng thiên bẩm, là sự sinh sản để bảo tồn nòi giống trong lịch sử tiến hóa của loài người. Điều đó, đã phản ánh vai trò quan trọng của người phụ nữ trong nghề nông từ thời cổ đại và xuyên suốt tiến trình lịch sử cho đến ngày nay với các vị nữ thần như: Tứ pháp- thờ các nữ thần đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp Mây-Mưa-Sấm-Chớp, với truyền thuyết về Phật Mẫu Man Nương; Quan Âm Bồ tát- vừa là Phật, vừa là thần nữ có chức năng cứu khổ, cứu nạn trên biển; Liễu Hạnh Công chúa- Nữ thần quen thuộc của cư dân Việt ở đồng bằng Bắc Bộ; Bà Chúa Thượng ngàn- Nữ thần của cư dân đồng bằng Bắc bộ, của Tam Tòa, Tứ Phủ theo cư dân Việt vào Nam bộ khá sớm, được thờ ở nhiều nơi; Ngũ Hành nương nương- các vị nữ thần có thiên chức phù trợ cho việc sản sinh và phát triển; không có thần tích cụ thể, ứng với: Kim Đức Thánh phi, Mộc Đức thánh phi, Thủy Đức thánh phi, Hỏa Đức thánh phi, Thổ Đức thánh phi… được thờ phổ biến ở Nam Bộ.

Như vậy , ở thời điểm nào của lịch sử dân tộc, khi đất nước hòa bình hay chiến tranh, lúc an bình cũng như lúc nguy khó, người phụ nữ Việt Nam luôn sát cánh và luôn đồng hành cùng dân tộc. Họ cùng sống, cùng xây dựng, cùng bảo vệ và kể cả lúc cần hy sinh cho nền độc lập, người phụ nữ vẫn luôn sẵn sàng. Họ đã làm nên một truyền thống tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam và trong tâm thức của nhân dân các bà là đều là những vị nữ thần trở thành những Thánh Mẫu, Phật Bà Quan Âm, Bà Chúa, Thành Hoàng đều được nhân dân ghi nhớ, tôn trọng và phụng thờ.

Nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2019), Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức trưng bày chuyên đề: “Hình tượng người phụ nữ trong lịch sử dân tộc và dân gian Việt Nam” nhằm giới thiệu đến công chúng 130 hình ảnh và hiện vật mà Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã nghiên cứu tư liệu, lưu lại hình ảnh trong các chuyến công tác tại các tỉnh, thành phố chuyên đề chính thức khai mạc và mở cửa đón khách tham quan vào lúc 9 giờ, ngày 16 tháng 5 năm 2019 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 5 năm 2019

Nguyễn Thị Thắm

alt

Lễ hội bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang)

alt

Lễ hội Chùa Bà ở Tây Ninh