HÌNH ẢNH PHỤ NỮ QUA TRANH KÝ HỌA KHÁNG CHIẾN

Nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 19/05/2016) và kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh trưng bày chuyên đề: “Hình ảnh Phụ nữ qua tranh ký họa kháng chiến”

Nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 19/05/2016) và kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh trưng bày chuyên đề: “Hình ảnh Phụ nữ qua tranh ký họa kháng chiến”, nhằm giúp khách tham quan hiểu biết sâu về vai trò, vị trí và những đóng góp của người phụ nữ Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, làm phong phú thêm các hình thức giáo dục của Bảo tàng về giới, góp phần xóa bỏ sự cách biệt về giới trên mọi lĩnh vực của xã hội, nhìn nhận một cách tích cực về vai trò, vị trí của người phụ nữ dưới góc độ là chủ thể của văn hóa, là người sáng tạo, tiếp biến và bảo lưu các di sản văn hóa của dân tộc.

Ký họa là một thể loại đặc biệt trong hội họa Việt Nam, là những trang nhật ký bằng tranh có giá trị về mỹ thuật và giáo dục văn hóa, lịch sử. Ký họa kháng chiến ra đời đã trở thành những minh chứng chân thực của lịch sử, thể hiện khát vọng hòa bình, sự chính nghĩa và chủ nghĩa anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Trong đó, người phụ nữ không chỉ là khách thể của mỹ thuật mà chính họ còn là chủ thể sáng tạo trên lĩnh vực mỹ thuật. Ký họa miền Nam không chỉ là nguồn tư liệu quý về hiện thực lịch sử mà còn mang trong mình những giá trị nghệ thuật, đặc biệt là ở mảng ký ức tư liệu nghệ thuật.

Năm 1960, dưới sự chỉ đạo của Đảng, phong trào Đồng Khởi của nhân dân miền Nam chuyển thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đáp ứng chỉ đạo của Cách mạng miền Nam, tháng 02/1961, lễ thành lập Trung ương Cục được tổ chức tại Mã Đà – Chiến khu Đ (Đồng Nai) và một số cơ quan tham mưu trong đó có Phòng Hội họa giải phóng. Năm 1963, Phòng Hội họa giải phóng được thành lập hay còn gọi là B11. B11 bao gồm cả nam – nữ, già – trẻ và đông nhất là lực lượng thanh niên. Trong đó có sự tham gia của một số nữ họa sĩ như: Nguyễn Hồng Xuân, Đặng Ái Việt, Kim Liên…Với hơn 100 tranh ký họa, phòng trưng bày giới thiệu đến khách tham quan về những hoạt động của Phòng Hội họa giải phóng và những tác phẩm ký họa kháng chiến mang đậm dấu ấn Nam Bộ với những hình ảnh đặc sắc về chân dung của người phụ nữ trong kháng chiến, tôn vinh vẻ đẹp xuất phát từ đức hạnh, đạo lý làm con gái, làm vợ, làm mẹ của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử giữ nước với màu sắc ấn tượng, thể hiện nét đẹp của phụ nữ trong mỹ thuật, làm toát lên “Công – dung – ngôn – hạnh” của phụ nữ xưa và khí chất ”Anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang” của phụ nữ trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ thông qua những hiện vật hữu hình.

Chương trình khai mạc trưng bày chuyên đề: “Hình ảnh phụ nữ qua tranh ký họa kháng chiến” được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (Số 200 – 202 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) vào lúc 08 giờ 30 phút ngày 12 tháng 05 năm 2016 (sáng thứ năm). Phòng trưng bày mở cửa từ ngày 12/5/2016 đến ngày 31/8/2016

Trân trọng kính mời quí quan khách đến tham quan phòng trưng bày.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 05 năm 2016.

Phạm Tuấn Trường