HỘI MẸ CHIẾN SĨ

Một trong những công tác quan trọng của Hội Phụ nữ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là tổ chức Hội Mẹ chiến sĩ, gồm các bà từ 50 tuổi trở lên. Hội mẹ đã được tổ chức đều khắp ở các xã, kể cả vùng tạm chiếm, đóng vai trò nòng cốt trong phong trào “Ủng hộ bộ đội, du kích” và phong trào “nuôi quân diệt giặc”. Các mẹ chiến sĩ phần đông có con cháu đi kháng chiến, tình thương con cháu và tình yêu quê hương đất nước đã trở thành tình cảm lớn lao, yêu thương những chiến sĩ như con cháu ruột thịt của mình.

Một trong những công tác quan trọng của Hội Phụ nữ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là tổ chức Hội Mẹ chiến sĩ, gồm các bà từ 50 tuổi trở lên. Hội mẹ đã được tổ chức đều khắp ở các xã, kể cả vùng tạm chiếm, đóng vai trò nòng cốt trong phong trào “Ủng hộ bộ đội, du kích” và phong trào “nuôi quân diệt giặc”. Các mẹ chiến sĩ phần đông có con cháu đi kháng chiến, tình thương con cháu và tình yêu quê hương đất nước đã trở thành tình cảm lớn lao, yêu thương những chiến sĩ như con cháu ruột thịt của mình.

Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, Hội Mẹ chiến sĩ càng phát huy vai trò tích cực trong công tác ủng hộ kháng chiến và phục vụ chiến đấu. Nói sao hết những tấm lòng, những nghĩa cử đầy cảm động của đồng bào, của các mẹ dành cho cách mạng trong những tình thế hiểm nghèo nhất. Không có rừng cây che chắn, cán bộ, chiến sĩ phải dựa vào rừng người để chiến đấu. Nếu không có những người mẹ, người chị đào hầm bí mật, không có những tấm lòng cưu mang, thậm chí hy sinh cả bản thân, con cái, tài sản của mình cho sự nghiệp an toàn của cán bộ, chiến sĩ thì cách mạng miền Nam không vượt qua được những thời kỳ đen tối, đau thương và giành thắng lợi. Các mẹ và các chị còn đấu tranh giành giật giải thoát hàng trăm cán bộ bị địch bắt.

Là lực lượng có thế mạnh đặc biệt, với những hình thức đấu tranh rất phong phú, đa dạng và linh hoạt, tấm lòng keo sơn gắn bó với kháng chiến, phụ nữ góp phần quan trọng bảo tồn lực lượng cách mạng trong những ngày đen tối. Hàng vạn chiếc hầm bí mật đã được đào trong nhà, bờ kinh, lũy tre làm nơi trú ẩn cho cán bộ, bộ đội, du kích, thương binh. Có nhiều nơi bị lộ, biết chắc chắn trong nhà có hầm bí mật nhưng không tìm ra nắp hầm. Địch bắt cả gia đình ra giam cầm, tra tấn, giết, đốt nhà, tịch thu tài sản…, nhưng các mẹ, các chị vẫn kiên quyết giữ gìn sự an toàn cho cán bộ, bộ đội.

Hội mẹ chiến sĩ còn là nòng cốt cho công tác tiếp tế nuôi quân, ủy lạo bộ đội, chăm sóc thương bệnh binh, giúp đỡ gia đình chiến sĩ, liệt sĩ nghèo neo đơn. Mỗi lần nấu cơm, các mẹ luôn để dành một vài nắm gạo bỏ vào chiếc hũ tình thương để ở góc bếp. Mẹ dạy thiếu nhi nuôi gà, trồng cây chuối cho mau lớn để gom góp gửi ra chiến trường. Ở các ấp, xã, các mẹ, các chị tập trung xay lúa, giã gạo tiếp tế cho bộ đội. Ở vùng ven, nhiều người lãnh việc đi chà gạo cho đơn vị. Địch nghi ngờ xét hỏi, các mẹ, các chị bình tĩnh đối phó là chuẩn bị làm đám tiệc cho gia đình.

Hội Mẹ chiến sĩ ở khắp các tỉnh được tăng cường góp phần cổ vũ, động viên xây dựng lực lượng vũ trang trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng đã tổ chức đỡ đầu các đơn vị bộ đội vừa để tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa quân đội và nhân dân, giữa hậu phương và tiền tuyến, vừa để giúp đỡ lẫn nhau, đôi bên cùng nỗ lực hăng hái hoàn thành nhiệm vụ nặng nề trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Giữa vòng vây của địch, các mẹ và các chị nhận nuôi ở nhà mình một lúc hàng chục thương binh. Có lúc phải đấu tranh quyết liệt với địch để giành giật xác các liệt sĩ của ta đem về chôn cất. Có nhiều khi sau mỗi trận đánh, các mẹ phải lội mò mẫm dưới kênh rạch, vạch lùm, vạch cỏ tìm xác anh em. Việc chôn cất liệt sĩ, chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ trở thành nghĩa vụ thiêng liêng của các mẹ, các chị. Nhiều nơi có tổ chức những ban, những tổ để chuyên lo công việc này.

Chồng con lần lượt tham gia kháng chiến, bị đôn quân bắt lính; các mẹ, các chị là lực lượng chủ lực bám trụ sản xuất, đóng góp nuôi quân và xây dựng lực lượng cơ sở. Giặc bắn ban ngày, các mẹ, các chị sản xuất ban đêm. Có được hột lúa vô cùng khó nhọc. Địch lại dùng máy bay cướp lúa, nhằm cắt nguồn lương thực nuôi quân của các mẹ. Nhiều bà mẹ đã quyết liệt xông lên máy bay giật lúa lại hoặc ra tận huyện đấu tranh. Còn biết bao nhiêu nghĩa cử, tấm lòng thương yêu, nuôi giấu, chăm sóc bộ đội. Còn biết bao “hũ gạo nuôi quân” được chắt chiu, gìn giữ trong lòng dân.

Hiện nay, đã không còn những ngày tháng chiến tranh ác liệt, đã qua rồi những tháng ngày mẹ nuốt nước mắt vào trong tiễn con lên đường không hẹn ngày trở lại vì Tổ quốc thân yêu nhưng những ký ức đó mãi mãi in sâu trong tâm trí các mẹ. Có không ít các mẹ tham gia Hội mẹ chiến sĩ đã được nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Bà Mẹ Việt Nam anh hùng để ghi nhận những cống hiến, hy sinh của các mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 10 năm 2018

Phạm Thị Diệu