GÓC TRỜI THƯƠNG NHỚ

Tiết trời tháng bảy xám xịt với những cơn mưa rào, dòng người tại phố thị vội vàng trú ướt. Mưa từ mái ngói bắn tung tóe như hoa nở lung linh dưới mặt đường, tôi bỗng nhớ về những người mẹ tần tảo với gánh hàng rong trên phố để tạo dựng cho đàn con cuộc sống tốt trong đời.

Tiết trời tháng bảy xám xịt với những cơn mưa rào, dòng người tại phố thị vội vàng trú ướt. Mưa từ mái ngói bắn tung tóe như hoa nở lung linh dưới mặt đường, tôi bỗng nhớ về những người mẹ tần tảo với gánh hàng rong trên phố để tạo dựng cho đàn con cuộc sống tốt trong đời.Trong dòng ký ức ấy, tôi lại càng nhớ về những người mẹ đã hy sinh từng tấc đất đến núm ruột yêu thương của mình cho ngày hòa bình của quê hương. Và trong hàng ngàn những bà mẹ Việt Nam anh hùng của Việt Nam, tôi có may mắn được gặp mẹ – một người mẹ hiền, chân chất của vùng đất Củ Chi nắng nóng và đầy ánh thép trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược. altĐó là mẹ Mai Thị Buội được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt nam anh hùng năm 1994 của xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi đã vượt qua bao khó khăn, thử thách để che chở, bảo bọc những du kích trong cuộc kháng chiến. Mẹ sinh năm 1910 tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Mẹ như bao người phụ nữ thời ấy sống trong xã hội của chế độ phụ quyền với tư tưởng”trọng nam khinh nữ”, mẹ lấy chồng và làm tròn nghĩa vụ của một người vợ theo quan niệm truyền thống công, dung, ngôn, hạnh trong gia đình. Nhưng khi, chồng của mẹ là ông Nguyễn Văn Xanh qua đời trong một cuộc ruồng bố của thực dân Pháp vào năm 1951, mẹ nén nỗi đau một mình nuôi 8 người con và dũng cảm tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng công việc đào hầm nuôi chứa Việt minh và cất giấu tài liệu. Mẹ còn động viên hai con là anh Nguyễn Văn Lạng sinh năm 1927 và chị Nguyễn Thị Hội sinh năm 1932 gia nhập tổ chức cách mạng tại địa phương đánh giặc Pháp đầy quả cảm với tình yêu làng xóm quê hương như mẹ đã dạy bảo.

Đặc biệt trong giai đoạn khi quân và dân cách mạng Việt Nam chiến thắng giặc Pháp bằng chiến thắng Ðiện Biên Phủ lẫy lừng, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, dựng nên chính quyền Ngô Ðình Diệm thì vùng đất Củ Chi trở thành “vùng đất thánh” của cách mạng miền Nam, cho nên chính quyền Mỹ-Diệm tập trung dồn dân, lập ấp chiến lược, xây dựng đồn bốt để đàn áp, khủng bố thì nhân dân Củ Chi liên tiếp tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị trực diện với Mỹ – ngụy, chống khủng bố, chống bắt lính, chống đuổi dân ra khỏi nhà, đòi được tự do đi lại và nhanh chóng tổ chức lực lượng vũ trang, lực lượng du kích, đội thanh niên tự vệ; thì 4 người con của mẹ đã hăng hái tòng quân giết giặc và hy sinh dưới ngọc cờ đào của tổ quốc. Đó là anh Nguyễn Văn Hiệp sinh năm 1938, quên mình trong một trận đánh tại Long An ngày 10/04/1970. Là anh Nguyễn Văn Hảo sinh năm 1941, tham gia bộ đội năm 1962, hy sinh trong trận chiến ở Trảng Bom năm 1968. Tiếp nối phẩm chất anh hùng của các anh, anh Nguyễn Văn Nhỏ sinh năm 1944, cùng đồng đội chặn đứng các cuộc càn quét của giặc, cùng nhân dân địa phương đào đường, đắp ụ, cản trở các cuộc hành quân của địch và ngã xuống cùng đồng đội tại xóm Gà năm 1963 với chức vụ Tiểu đội trưởng K17-Khu 4. Anh Nguyễn Văn Bé, sinh năm 1951, là bộ đội chiến đấu dũng cảm và hy sinh trong trận đánh ở Trảng Bàng năm 1968. Các anh vốn là những nông dân hiền lành, nhưng đứng trước cảnh đồng bào vô tội quê mình bị giết hại, cùng với sự giáo dục của mẹ về lòng quê hương- nơi chôn nhau cắt rốn vốn an bình. Vì mẹ, vì bà con xóm làng, các anh đã chiến đấu quên mình. Bản thân mẹ, vừa tay cày nuôi gia đình, vừa đào hầm bí mật cất giấu đạn dược, nuôi giấu cán bộ. Nhiều lần, mẹ bị địch bắt giam và không thoát khỏi đòn roi tra tấn, dù sức yếu sau những lần tra khảo, vì các con và vì dồng bào xóm làng mẹ kiên trì chịu đựng để không làm thiệt hại cho cách mạng và mong nhanh chóng có ngày hòa bình, để mẹ và bà con không còn bị giặc hà hiếp.

Sự cương trực, thủy chung, không sợ khó, không lùi bước trước khó khăn chính là tính cách của mẹ Mai Thị Buội. Chính mẹ và nhiều bà mẹ Việt Nam khác đã tạo nên những huyền thoại về sức mạnh thần kỳ của những con người chân đất, dám đối đầu với các thế lực hùng mạnh của quân thù mà chúng không thể hủy diệt trên vùng đất thép Củ Chi. Sự đóng góp của mẹ và các con của mẹ được tổ quốc mãi tri ân. Và trong cơn mưa tháng bảy chiều nay, trong tôi có một góc trời thương nhớ và tự hào về mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Buội.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 7 năm 2019

PHẠM TUẤN TRƯỜNG

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục và Quan hệ quốc tế