GIỚI THIỆU TẬP SÁCH “ BÁC HỒ GỌI ẤY LÀ MÙA XUÂN ĐẾN”

Thêm một mùa Xuân mới đã về và cũng là một mùa Xuân vắng Bác, nhưng lý tưởng của Bác, tình cảm của Bác vẫn còn mãi với non sông, đất nước. Bác luôn dõi theo, đã và đang mãi mãi đồng hành cùng dân tộc. Bác mang lại niềm vui tất thắng, giải phóng đất nước, sum vầy gia đình. Ở đâu có Bác là ở đó có con đường nở hoa, ở đó có niềm vui cuộc sống. Tổ quốc có Bác, như Xuân đến có hoa mai vàng nở rộ, hoa đào khoe sắc.

Bác – vị cha già của dân tộc, sinh thời người đã ra đi tìm đường cứu nước từ độ Xuân năm 1911. Mùa Xuân năm 1941 là mùa Xuân lịch sử, bởi sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đi khắp chân trời góc bể, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ đó, Bác vạch ra con đường từng bước đánh dấu thành công từng giai đoạn qua hai cuộc chống quân xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc toàn thắng, giành độc lập cho nước nhà .

Có phải chăng, Bác là mùa Xuân hay mùa Xuân là Bác? Câu hỏi thốt lên của ai đó cũng là câu hỏi chung của mỗi người chúng ta. Mỗi cột mốc Xuân về là những người con dân của Bác lại được chăm lo Tết xa nhà thể hiện trong từng trang giấy Xuân. Bác luôn dành sự ấm áp, sự quan tâm sâu sắc và niềm phấn khởi trong thư chúc Tết, lời cảm ơn nhân dân dịp Tết v..v…

Những tập thơ của Bác vừa lạ vừa gần gũi, thơ Xuân kháng chiến của Người là một quá trình nhìn lại một năm kháng chiến với nhiều thắng lợi làm cơ sở cho quá trình đi đến thành công, vì thế toàn dân phấn khởi, tin tưởng vào tiền đồ cuộc kháng chiến. Người nêu cụ thể nhiệm vụ và cũng kêu gọi toàn dân “hăng hái một lòng”, đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tích cực chủ động đẩy mạnh phản công và tổng phản công để đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Những lời thơ động viên, thúc đẩy thi đua kháng chiến của Bác như còn vang vọng,

 “Xuân này kháng chiến đã năm Xuân,

Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công.

Toàn dân hăng hái một lòng,

Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời”

(Trích một đoạn Thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng báo Cứu quốc số 1748 những ngày cuối năm, 29 tháng Chạp (tức 5-2-1951), Bác viết)

Bên cạnh lời động viên còn là sự quan tâm, tình cảm của Bác thăm hỏi bà con nông dân. Xuân Giáp Ngọ, Bác Hồ đến thăm và trò chuyện với bà con nông dân xã viên Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Thơ Xuân Bác viết:

Dịp Tết, Bác gửi câu thơ chúc bà con,

“Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:

  • Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,
  • Cải cách ruộng đất là công việc rất to.

Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn.

Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,

Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.

Hoà bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông,

Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.

                                                          HỒ CHÍ MINH

Hay còn là những lời khen thưởng Bác dành cho các cháu thanh niên được nêu tên, được động viên khen thưởng trong phòng trào thi đua sản xuất. Mong rằng các cháu được khen sẽ tiến bộ mãi giữ vững vinh dự vẻ vang là thanh niên kiểu mẫu.

Trải qua nhiều cái Tết, là từng giai đoạn Bác cùng cả dân tộc điểm son các mặt thành tựu đã đạt được, quảng đường kháng chiến trải qua cần rút ra bài học, đưa ra phương châm nâng cao kinh tế và tiếp tục thực hiện tinh thần đoàn kết chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng vạch ra, đấu tranh cho sự nghiệp thiêng liêng thống nhất nước nhà. Tất cả đều chứa đựng trong câu thơ trích đoạn “Thư chúc Tết” toàn dân nhân dịp Tết Đinh Dậu, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái chúc mừng:

– Toàn thể đồng bào trong nước và kiều bào ở ngoài nước,

– Toàn thể bộ đội, công an và cán bộ các ngành, các cấp,

– Các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng:

Năm mới mạnh khoẻ, vui vẻ, đoàn kết, tiến bộ …

Sách gồm có những tập thơ chúc Tết, thư chúc Tết hay những khen thưởng Bác dành cho các chiến sĩ, đồng bào dân tộc Việt Nam rất ý nghĩa, thắm đượm nồng nàn. Mỗi câu, từ nhắc nhớ con cháu thế hệ tiếp nối luôn luôn gìn giữ non sông, gấm vóc; mang lại vẻ vang cho đất nước ngày càng phát triển sánh vai cùng các nước bạn.

Tất cả các vần thơ được bác trau chuốt từ sự yêu thương, quan tâm sâu sắc cho đồng bào dân tộc Việt Nam được thể hiện trong tập sách “ Bác Hồ gọi Ấy là mùa Xuân đến” của hai tác giả Hà Minh Hồng – Trần Thuận, tổng biên tập Nguyễn thị Thanh Hương do NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản. Thư viện Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc!

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 03 năm 2024

Đào Thị Hồng Quyên

Phòng Truyền thông, Giáo dục và Quan hệ quốc tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *