GIỚI THIỆU PHÒNG TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI”

altChặng đường dài 70 năm qua (1946 – 2016), Quốc hội Việt Nam đã trải qua 13 khóa, mỗi khóa của Quốc hội gắn liền với tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam. Trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào việc khẳng định thể chế và ghi dấu ấn phát triển của mình. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của những nữ đại biểu Quốc hội. Dù ở vị trí nào, phụ nữ cũng đều thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của mình, kể cả ở các cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước đặc biệt tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội, trong những hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước các thời kỳ. Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội có một đặc thù riêng, với những thách thức và trách nhiệm, song mỗi giai đoạn phát triển của Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận những bước trưởng thành của các nữ đại biểu Quốc hội.

Nhằm giúp giới trẻ và phụ nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh hiểu biết sâu về những đóng góp của người phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực tham chính về chính trị, bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực hiện trưng bày chuyên đề “Nữ đại biểu Quốc hội” với 92 hình ảnh và 84 tư liệu, hiện vật muốn giới thiệu những gương mặt tiêu biểu, những kỷ niệm đáng nhớ của một số nữ đại biểu Quốc hội. Hình ảnh về những nữ đại biểu Quốc hội là những minh chứng sống động cho sự đổi mới của đất nước, đổi mới hoạt động Quốc hội, là niềm tự hào về chính sách bình đẳng giới altcủa Việt Nam so với các nước trong khu vực Châu Á cũng như trên thế giới.

Phòng trưng bày chuyên đề “Nữ đại biểu Quốc hội” bố cục gồm hai nội dung:

1. Hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ (1946 – 1975):

Năm 1946, cả nước nô nức đi bầu cử, Quốc hội khóa I (1946 – 1960) là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, là mốc son chói lọi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ ở Việt Nam. Trong số 333 đại biểu của 71 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có 10 đại biểu nữ. Mặc dù chỉ chiếm 3% trong tổng số đại biểu Quốc hội, song tất cả nữ đại biểu Quốc hội đều là những đại biểu ưu tú, là những người lãnh đạo chủ chốt của các địa phương ở các vùng miền trong cả nước.

Những nữ đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa V là những tấm gương sáng về lòng trung thành với cách mạng, tận tụy với công việc, liêm khiết trong cuộc sống đời thường dù phải đương đầu với bao khó khăn, với vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”. Thời kỳ này, Quốc hội đã quyết định những chính sách quan trọng trong bối cảnh Việt Nam phải tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam. Đặc biệt, từ năm 1965 trở đi, cả nước phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước quyết liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, toàn dân ta đã đoàn kết đứng lên chống kẻ thù xâm lược, đưa đất nước trải qua các chặng đường thắng lợi, làm cho non sông, đất nước ta vững mạnh như ngày nay. Trong đó có sự góp phần cụ thể và điển hình của bà Nguyễn Thị Thập – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ quốc hội trong hoạt động đối ngoại tại Quốc hội khóa III.

2. Hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội với công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước (1976 – 2016):

Chiến thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân hai miền Nam – Bắc. Quốc hội khóa VI là Quốc hội thống nhất đã quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đã chuyển đổi từ nền kinh tế hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Thành tựu mà Quốc hội Việt Nam đạt được trong giai đoạn này là hết sức to lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Cùng với sự phát triển của đất nước và Quốc hội Việt Nam, các nữ đại biểu tiếp tục đóng góp trí tuệ, tham gia vào quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Hoạt động của các nữ đại biểu Quốc hội đã góp phần nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đó cũng là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Vai trò của phụ nữ trong các mặt của xã hội ngày càng được phát huy đã góp phần tích cực vào các hoạt động của Quốc hội nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước nói chung.

altNgày nay trong công cuộc đổi mới, những nữ đại biểu Quốc hội tiếp tục viết tiếp truyền thống vẻ vang, đóng góp trí tuệ, bầu nhiệt huyết, tham gia quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề trọng đại của đất nước. Chất lượng các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ có trình độ đại học, trên đại học ngày càng tăng. kỹ năng lập pháp, kỹ năng giám sát, tiếp xúc cử tri được nâng cao. Nhiều đại biểu là lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, là đại biểu Quốc hội chuyên trách. Nhiều nữ đại biểu Quốc hội là chính trị gia, các nhà khoa học, những người giữ cương vị chủ chốt trong bộ máy nhà nước, những nhà quản lý, những doanh nhân giỏi, những người tiêu biểu ở các ngành, các giới, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian tới, những nữ đại biểu Quốc hội đã, đang và sẽ đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, công cuộc đổi mới của đất nước, của Quốc hội.

Qua chuyên đề “Nữ đại biểu Quốc hội”, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến các nữ đại biểu Quốc hội và gia đình, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM; Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum; Bảo tàng tỉnh Kon Tum; Ban Nội chính tỉnh Sóc Trăng, Ban Dân vận tỉnh Sóc Trăng, Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu, Ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu…đã cung cấp tư liệu, hình ảnh cũng như tạo điều kiện cho bảo tàng Phụ nữ Nam bộ hoàn thành công tác.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 11 năm 2016

Trần Thanh Tú