GIAN BẾP CỦA PHỤ NỮ NAM BỘ

Với người Nam bộ, gian bếp khá quan trọng. Nếu nhà trên (nhà chính) là nơi tiếp khách quý và để thờ cúng thì bếp là khoảng không gian sinh hoạt thân mật chung của cả gia đình sau những giờ lao động cực nhọc ngoài ruộng đồng. Thời kỳ khẩn hoang, bếp đơn giản chỉ là cái nồi treo trên cây để nấu. Theo thời gian, tuỳ vào điều kiện sống mỗi gia đình, bếp có thể đặt ngoài vườn hoặc bên hông nhà. Bếp của người Nam bộ (đã định cư cố định) thường tách biệt khỏi gian nhà trên, họ nấu thức ăn và ăn uống ngay tại bếp. Khi nấu nướng, người Nam bộ dùng trấu hoặc củi. Có thể đây là yếu tố khác bếp Bắc bộ – người miền Bắc thường nấu trong bếp, dọn thức ăn vào mâm, đem lên nhà trên dùng bữa và lấy rơm để nung.

             Không gian bếp là “giang sơn” của người phụ nữ, nói theo cách khác thì người phụ nữ là “nội tướng” của nhà dưới. Xưa, muốn cưới dâu cho con trai, các bà mẹ chồng quan sát khá kỹ lưỡng gian bếp, xem xét bếp có gọn gàng, món ăn và dụng cụ làm bếp có được vén khéo, sạch sẽ, các chân của cái chạn bếp có được đổ đầy nước… Tất cả đều là những tiêu chuẩn để đánh giá cô con gái có được dạy dỗ tốt hay không?

Như vậy, có thể nói không gian bếp còn là nơi giáo dục công, dung, ngôn, hạnh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ bà truyền cho mẹ, mẹ truyền lại cho con gái …  cứ thế tiếp nối trong mỗi nếp nhà.

 Vào những ngày Tết, bếp là nơi náo nhiệt nhất trong mỗi gia đình  với đủ mọi âm thanh chào hỏi của những người con nơi xa về, mùi thơm của lá chuối và gạo nếp, màu sắc của nhiều loại trái cây từ vườn nhà… tất cả được chuẩn bị công phu từ gian bếp để mang lên nhà trên cúng tổ tiên.  Theo tục lệ xưa, trong đêm giao thừa, đặc biệt  vào ngày 23 tềt, ngày cúng ông Táo – gia thần bậc nhất của người Nam bộ (người Hoa cúng vào ngày 24 tháng chạp), sau khi cúng ông Táo thì tất cả bếp lò phải mang ra “gò ông Táo” (bãi đất trống dùng bỏ những bếp cũ đã dùng trong năm) và rước ông Táo mới về nhà. Sau không còn tục rước ông Táo nữa, chỉ cần mua một bếp mới mang về thay ông lò cũ là được. Một số điều kiêng kỵ không được làm trong những ngày này là tránh không để kiến bu chạn bếp, khi nấu nướng không để dầu mỡ văng ra ngoài (đối với người Hoa thì ngược lại dầu mỡ văng thì mới có tiền tài).  Riêng việc bố trí các bếp lò rất quan trọng đối với mỗi gia chủ, vừa thể hiện yếu tố thẩm mỹ, vừa đáp ứng yếu tố tâm linh. Người Nam bộ thường xem hướng đặt ông Táo (tốt hay xấu còn phải phủ hợp với tuổi của ông bà chủ nhà) và bố trí sao cho khói bếp không bay vào gian  nhà chính. Điều bắt buộc tối kỵ về thẩm mỹ trong bố trí hướng các bếp lò, khi nấu nướng tránh không cho lưng của người phụ nữ hướng lên nhà trên (nghĩa là người ngồi ở gian nhà chính không trông thấy phần lưng của người phụ nữ dưới bếp) và bàn thờ ông Táo phải kê cao chứ không đặt dưới đất.

Bếp của người Nam bộ mang tính tổng hợp của nhiều dòng văn hoá (miền Bắc, miền Trung, Khmer, Hoa). Không gian bếp Nam bộ là không gian văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống của người Việt. Trong không gian ấy tồn tại những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể.  Nó thể hiện sự đa dạng dưới nhiều góc độ trong hội nhập văn hoá giữa các vùng miền, giàu tính nhân văn như: sự thân thiện, gần gũi giữa các thành viên trong gia đình (tuy nhiên vẫn có sự phân định trong giới hạn về quyền và nghĩa vụ), lối sống đạo đức, đặc trưng ẩm thực trong mỗi nếp nhà. Vật dụng không thể thiếu trong gian bếp chính là củi bếp, sóng chén, ghè mắm…. và các bếp lò, đặc biệt là các bếp trấu – đây là vật dụng đặc trưng nhất trong gian bếp Nam bộ (người Khmer có cà ràng, người Hoa có hoả lò). Trong không gian thuần Việt ấy luôn tràn đầy không khí chân quê mộc mạc, đầm ấm của những bà ngoại, bà nội, cô, dì bên bếp lửa ngày Tết, ngày giỗ cùng nhau gói bánh tét, làm mứt, trộn gỏi, …với những câu chuyện đời xưa, những bài học lịch sử,  những giá trị sống trong cộng đồng, xóm ấp.  Đó chính là cách thức giáo dục làm người có sức lôi cuốn, đầy trực quan sinh động rất thực tế và hiệu quả.

Ngày nay, con người được tiếp cận với nhiều máy móc. thiết bị, mỗi nhà có thể có những góc bếp vô cùng hiện đại, đẹp từ  mỹ thuật thiết kế lẫn ứng dụng, nhưng tổ chức được không gian bếp thân thiện gắn kết các thành viên trong gia đình hay không  mới là quan trọng.  Đó  cũng chính là những điều mà chúng ta cần học hỏi từ người xưa. Vì thế mà không gian bếp Nam bộ xưa sống mãi trong ký ức của nhiều người, luôn ẩn chứa nhiều giá trị  tinh thần Việt mà chúng ta cần phải tiếp cận và học hỏi.

                                                            Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16/5/2011