Dì Ngô Thị Huệ, nhà cách mạng lão thành Bảy Huệ, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã ra đi.
Vẫn biết, sinh lão bệnh tử là quy luật, song sự ra đi của người hiền như dì, để lại niềm tiếc thương vô hạn.
Trong những giờ phút đau thương tiễn biệt dì Ngô Thị Huệ về cõi vĩnh hằng, càng nhớ ý tưởng thành lập bảo tàng dành riêng cho giới nữ được khơi gợi vào ngày 20.10.1982.
Tại buổi họp mặt các cán bộ chủ chốt của Hội nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam do Hội LHPN TP.HCM tổ chức, hơn 200 cán bộ Hội, gồm nhiều thế hệ đồng loạt ủng hộ và biểu thị sự nhất trí là cần phải tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Nam bộ, bởi lẽ quyển sử chung. Phong trào phụ nữ Việt Nam chưa nói lên được bao nhiêu về phụ nữ Nam Bộ, một miền đất có nhiều tính đặc thù, có một lực lượng phụ nữ hùng hậu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Dì Bảy Huệ (áo trắng) cùng các cô nữ tù chính trị các tỉnh, thành họp mặt mồng 6 Tết, năm 2018
Được sự nhất trí của Bộ Chính trị, dì Nguyễn Thị Thập đã triệu tập cuộc họp thành lập Tổ tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Nam Bộ (gọi tắt là Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ) ngày 24.10.1982. Các dì Nguyễn Thị Thập, Bảy Huệ, Nguyễn Duy Liên và cộng sự đã nêu lên 3 việc cần phải làm ngay. Một là, tập trung tư liệu, kể cả tư liệu sống, ghi lại toàn bộ cuộc đấu tranh của phụ nữ Nam Bộ từ ngày có Đảng. Hai là, sách cũng chưa đủ, nhân dân ta có thói quen, nhất là ở nông thôn, thấy mới tin, cái gì cũng có bằng chứng cụ thể. Phải thiết lập ngay một khu trưng bày hiện vật.
Trong quá trình đi thu thập tài liệu, ta tìm tòi trong nhân dân xin lại những kỷ vật nào đó có thể xin được để đem về tập trung trưng bày cho người xem thấy rõ những điều ta nói là có thật. Như vậy, sức thuyết phục mới cao. Hơn nữa, những kỷ vật ấy về lâu dài sẽ là vô giá, bởi vì mỗi kỷ vật trưng bày đều gắn liền với những thành quả cách mạng và xương máu của chị em trong các thời kỳ. Kỷ vật, hình ảnh rồi các bức tượng, thậm chí vẽ tranh miêu tả lại những gì cần miêu tả.
Khu trưng bày lúc đầu nhỏ, dần dần tài liệu sẽ nhiều hơn, hiện vật sẽ nhiều hơn, chúng ta sẽ phát triển lớn ra, đáp ứng yêu cầu của người tham quan, nhất là đáp ứng lòng mong mỏi của chị em toàn Nam Bộ, nơi lưu lại một phần công lao và chiến tích của đời mình.
Ba là, bằng mọi cách phải dựng cho được bức tượng Bà mẹ Việt Nam bởi lẽ trong hai thời kỳ chiến tranh vừa qua, ở Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, những Bà mẹ Việt Nam đã cống hiến công sức, trí tuệ để nuôi dưỡng phong trào cách mạng, để đùm bọc cán bộ ta với tấm lòng quý giá vô bờ bến. Thậm chí các mẹ có thể hy sinh cả bản thân để che chở các con mà không bao giờ do dự. Đặc biệt nhất, các Mẹ đã cống hiến cho Tổ quốc cả chồng và những đứa con vô cùng thân yêu của chính mình.
Nhớ mãi bóng dáng liêu xiêu của dì Bảy Huệ
Sau này, dù đến tuổi nghỉ hưu, khi nguyện vọng tha thiết của các thế hệ phụ nữ đặt ra, Dì Bảy đã cùng với các thành viên Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ đi khắp các tỉnh, thành miền Nam vận động cấp ủy Đảng các tỉnh, thành ủng hộ về mọi mặt, giúp đỡ Tổ Sử thực hiện quyển sách Lịch sử phong trào phụ nữ Nam Bộ; đến những nơi có phong trào nổi bật, có sự kiện tiêu biểu để gặp các điển hình trong phong trào phụ nữ, các tập thể và cá nhân anh hùng để thu thập tài liệu, hình ảnh, hiện vật… để chuẩn bị cho sự ra đời của Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ (tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ bây giờ).
Tháng 02.1983, dì Nguyễn Thị Thập cùng dì Ngô Thị Huệ đã đến gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh (lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy TP.HCM), đồng chí Mai Chí Thọ (Chủ tịch UBND TP.HCM) và đồng chí Phan Minh Tánh (Trưởng Ban tổ chức Thành ủy) trình bày kế hoạch tổng kết lịch sử phụ nữ và xin được thành lập Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ tại TP.HCM và đã nhận được sự nhất trí. Từ đó, song song với việc lo tư liệu tổng kết Sử cần phải tập hợp tư liệu hiện vật, chuẩn bị cơ sở vật chất cho sự ra đời của Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ.
Ngày 29.4.1985, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ làm lễ khánh thành. Từ đây, những thành quả đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam Bộ đã được lưu giữ, giới thiệu để khách tham quan có thể cảm nhận và hiểu được những hy sinh, mất mát to lớn của các thế hệ phụ nữ để chúng ta có được tự do, độc lập như ngày hôm nay.
Dì Ngô Thị Huệ dự hội thảo “Vai trò của đội quân tóc dài trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” nhân kỷ niệm 60 năm Bến Tre Đồng Khởi do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức. Ảnh chụp cùng đoàn đại biểu Colombia, các chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân và Bảo tàng, tháng 12.2019
Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ là niềm tự hào và vinh dự chung của giới nữ lúc bấy giờ. Chủ trương thành lập Nhà truyền thống đã đáp ứng tình cảm và nguyện vọng tha thiết của cán bộ và phụ nữ các tầng lớp, đồng thời còn thể hiện sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Đó chính là tâm huyết mà những cán bộ phụ nữ đã đồng tâm nhất trí thực hiện để góp phầngiáo dục truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam Bộ cho thế hệ sau.
Nhìn lại khoảng thời gian đã qua cùng với dì Ngô Thị Huệ, dù trải qua nhiều giai đoạn đầy thử thách, song Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ từng bước khẳng định mình và trưởng thành hơn. Trong những ngày đau buồn tiễn biệt dì Bảy, một người đã sống vắt qua 2 thế kỷ (thọ 105 tuổi), các thế hệ cán bộ – viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hôm nay vẫn nhớ mãi bóng dáng liêu xiêu của dì Bảy mỗi khi đến Bảo tàng, đặc biệt là luôn khắc ghi những lời dặn dò chu đáo, chí tình của dì Bảy Huệ thân thương…
Nguyễn Thị Thắm
(Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ)