Nghề vẽ tranh kiếng xuất hiện vào khoảng đầu những năm 1950 và phát triển mạnh ở An Giang do quán tính người dân các tỉnh Nam Bộ có truyền thống thờ cúng tổ tiên, chư Phật, Bồ tát…Ở chợ Bà Vệ thuộc xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang có làng tranh kiếng nổi tiếng. Gọi là làng nghề nhưng hiện nay chỉ còn hơn chục hộ còn gắn bó với nghiệp vẽ tranh.
Nguyễn Thị Kim Voanh
Nghề vẽ tranh kiếng xuất hiện vào khoảng đầu những năm 1950 và phát triển mạnh ở An Giang do quán tính người dân các tỉnh Nam Bộ có truyền thống thờ cúng tổ tiên, chư Phật, Bồ tát…Ở chợ Bà Vệ thuộc xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang có làng tranh kiếng nổi tiếng. Gọi là làng nghề nhưng hiện nay chỉ còn hơn chục hộ còn gắn bó với nghiệp vẽ tranh.
Sáng ngày 02/6/2022, đoàn công tác chúng tôi tác di chuyển về xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, An Giang để khảo sát cơ sở vẽ tranh trên kiếng của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Thanh Hòa, có hơn 30 năm với nghề vẽ tranh kiếng.
Ban đầu, các nghệ nhân dùng phương thức vẽ tranh lên giấy, sau thấy giấy mau hư nên vẽ lên các loại vải, lên chất liệu thiếc nhưng độ bền cũng không cao. Sau cùng họ đã nghĩ ra biện pháp tối ưu là vẽ tranh trên kiếng, lồng tranh vào khung gỗ sẽ giúp tranh đạt được màu sắc rực rỡ và có độ bền lâu.
Phương pháp thủ công xưa là phải vẽ từ phía sau mặt kính hay còn gọi là vẽ ngược, sau đó lật tấm kính lại và đây mới là mặt chính của tranh. Cũng bởi thế, mọi chi tiết trong tranh kiếng đều phải vẽ ngược so với quy trình vẽ tranh thông thường, chi tiết nào cần vẽ sau cùng sẽ phải vẽ đầu tiên. Khi khoa học bắt đầu phát triển mạnh, những nghệ nhân bắt đầu áp dụng phương thức kéo lụa trên kiếng với nhiều ưu điểm vượt trội như: Nhanh, đẹp, màu sắc rực rỡ, độ tương đồng giữa các bức tranh hoàn toàn giống nhau, giá thành rẻ.
Để hoàn thành một sản phẩm, nghệ nhân phải tỉ mỉ, trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là vẽ tranh trên kiếng, sự độc đáo của tranh kiếng ở chỗ phải vẽ ngược, tức mặt vẽ là phía sau tấm kiếng và mặt chính của tranh là phía còn lại. Vì vậy, người vẽ phải tư duy ngược để họa ra bố cục hợp lý, chữ phải viết chạy ngược từ phải qua trái.Vẽ xong, thợ lật tấm kính lại và các hình vẽ thành mặt chính của tranh. Nghề làm tranh kiếng đòi hỏi thợ tách (là thợ chính) tay nghề phải khéo và trí tưởng tượng phong phú mới cho ra nhiều dòng tranh đặc sắc cũng như đáp ứng được yêu cầu của khách.
Tranh kiếng được chia thành 2 loại: Tranh thờ và tranh phong cảnh. Đối với tranh thờ, sản phẩm chủ yếu là các tranh chữ Nho có chú thích chữ quốc ngữ, như “Cửu Thiên huyền nữ”, “Cửu huyền thất tổ”, “Phước – Lộc – Thọ”. Thể loại tranh trang trí khá phong phú, không duy trì những khuôn mẫu truyền thống, bổ sung thêm tranh vẽ về phong cảnh đất nước, các danh lam thắng cảnh, tranh bộ chữ “Phước – Lộc – Thọ” theo phong cách mới.
Thợ đang cẩn xà cừ trên tranh kiếng
Tranh kiếng được chia thành 3 loại: Tranh kéo lụa, tranh in 3D và tranh vẽ tay truyền thống. Tranh sử dụng phương pháp kéo lụa được sản xuất đại trà, số lượng làm ra nhiều nên giá thành tương đối rẻ. Tranh in 3D được thao tác nhanh trên máy nhưng màu sắc hạn chế. Đối với phương pháp vẽ tay, nội dung thường do khách đặt nên kì công tỉ mỉ, giá thành cao hơn. Trên tranh kiếng người thợ có thể trang trí thêm các loại nhưcẩn ốc xà cừ, điểm kim tuyến… Loại tranh có cẩn ốc xà cừ đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mỉ, khéo tay nên giá khá cao so với các sản phẩm cùng loại, lại được khách hàng rất ưa chuộng.
Nghệ nhân thường lấy màu đỏ làm màu sắc chủ đạo, chỉ giảm lại các chi tiết để hài hòa hơn, giữ lại nét đẹp trong cách thể hiện căn bản do người xưa truyền dạy. Bên cạnh, cải tiến kỹ thuật sản xuất tranh, nguyên liệu tranh kiếng cũng được lựa chọn để tăng giá trị cho sản phẩm: độ dày mỏng của kiếng cũng quyết định rất lớn đến sự sắc nét của bức tranh.
Nghệ nhân đang sơn mặt sau của tranh kiếng
Công việc sơn tranh kiếng khá đơn giản, chỉ ngồi tô vẽ các hình ảnh đã được vẽ lên tranh. Tuy nhiên, nếu không quen tay thì việc sơn trên tranh kiếng cũng không hề dễ dàng, phải di chuyển cọ sơn một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển để các màu sơn không bị lem và bề mặt sơn được bóng láng. Loại sơn cũng phải phù hợp, thường dùng để sơn trên tranh kiếng là sơn Alkyd MOTOKIEU.
Theo thời gian và sự phát triển của công nghệ, thì nghề vẽ tranh trên kiếng ngày nay đang dần dần bị mai một. Tuy nhiên, trong tâm thức của nhiều người thì vẽ tranh trên kiếng không chỉ là một nghề truyền thống mà nó còn tiêu biểu cho nét văn hóa hội họa rất riêng của người dân Nam Bộ.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 8 năm 2022
Nguyễn Thị Kim Voanh
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế