Với đội ngũ công chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, bà Ngô Thị Huệ (Nguyễn Thị Ngỡi, Bảy Huệ) vừa là người bà, người mẹ, vừa là người thầy Mặc dù biết bà Ngô Thị Huệ tuổi cao, bị bệnh nhưng khi hay tin bà qua đời, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, vẫn không khỏi bàng hoàng.
PHAN ANH
(NLĐ online) Với đội ngũ công chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, bà Ngô Thị Huệ (Nguyễn Thị Ngỡi, Bảy Huệ) vừa là người bà, người mẹ, vừa là người thầy
Mặc dù biết bà Ngô Thị Huệ tuổi cao, bị bệnh nhưng khi hay tin bà qua đời, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, vẫn không khỏi bàng hoàng.
Nói là làm
Bà Nguyễn Thị Thắm kể năm 1982, với mong muốn có một nơi để lưu giữ những kỷ vật, tư liệu của phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong một cuộc họp của Hội LHPN TP HCM, bà Huệ đặt vấn đề thành lập Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam Bộ và được đồng tình.
Nói là làm, hôm sau, bà Huệ cùng đồng nghiệp triển khai ngay. Việc đầu tiên là thành lập Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, gồm 13 thành viên, nhiệm vụ đi sưu tầm hiện vật, tư liệu để tập hợp, chuẩn bị xây dựng nhà truyền thống.
Đến ngày 29-4-1985, Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam Bộ được thành lập và mở cửa đón khách, đã tiếp rất nhiều đoàn khách quốc tế, phụ nữ các tỉnh, thành phố đến tham quan, gặp gỡ lại hình bóng tuổi trẻ của mình.
“Sau khi mở cửa, nhận thấy việc lưu giữ các kỷ vật, hiện vật liên quan đến phụ nữ Nam Bộ là nhu cầu thiết thực, các dì quyết định mở rộng nhà truyền thống” – bà Thắm cho biết. Để có được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, năm 1990, bà Huệ và đồng nghiệp đã đi vận động từng bao xi-măng, từng viên gạch, thậm chí là từng ống dẫn khí đốt.
“Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam xây dựng dưới hình thức xã hội hóa. Toàn bộ trang thiết bị, cơ sở vật chất đều do các dì đi vận động” – bà Thắm kể và cho biết đây cũng là bảo tàng chuyên ngành về giới đầu tiên tại Việt Nam. Nhớ lời Bác Hồ nói “Nhân dân ta luôn biết ơn các bà mẹ hai miền Nam – Bắc đã sinh ra những người con anh hùng”, bà Huệ và đồng nghiệp làm tiếp công trình xây dựng tượng Bà mẹ Việt Nam trước Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, cao 4,5 m, làm từ 4,5 tấn đồng.
Khi các đoàn khách đến tham quan bảo tàng thì đều dâng hương, dâng hoa lên tượng Bà mẹ Việt Nam trước bảo tàng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên viếng bà Ngô Thị Huệ. Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Dung dị, gần gũi
“Với đội ngũ công chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, bà Ngô Thị Huệ vừa là người bà, người mẹ, vừa là một người thầy” – bà Thắm xúc động nói và cho biết vẫn nhớ như in hôm bà “ra mắt” bà Huệ khi nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
“Đó là một ngày tháng 10-2010. Khi được chị giám đốc cũ dẫn qua chào dì Bảy Huệ, tôi thấy dì bước ra thì tôi đứng lên chào. Dì bảo tôi ngồi lại gần rồi nắm hai tay, hỏi con về bảo tàng có ai làm khó dễ gì không? Chỉ một câu nói thôi mà tôi xúc động vô cùng. Dì gần gũi quá, trong khi là người giữ vị trí cao, cán bộ chủ chốt, là phu nhân của một nguyên thủ quốc gia. Tính cách dì Bảy Huệ là vậy, rất dung dị” – bà Thắm kể.
Càng gần gũi với bà Huệ, bà Thắm càng học được nhiều thứ. Thậm chí có những chuyện bà Huệ nói rất đơn giản, rất dễ hiểu những có lẽ ít ai nói được như bà. Bà Thắm kể: “Dì Bảy Huệ luôn dặn phụ nữ Nam Bộ phải ăn mặc gọn gàng, kín đáo; nói năng thì phải từ tốn, nhỏ nhẹ”.
Đối với bà Ngô Thị Huệ, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giống như người con tinh thần. Dù lớn tuổi nhưng bà thường xuyên đến bảo tàng. Những ngày bà nằm trên giường bệnh, do tình hình dịch Covid-19 căng thẳng nên bà Thắm không thể đến thăm. Nhưng khi bà Thắm gọi điện thoại đến, câu đầu tiên bà Ngô Thị Huệ hỏi là “Công trình cải tạo bảo tàng xong chưa con?”; câu thứ hai là “Khách tham quan lúc này đông không con?”.
“Dự án cải tạo, mở rộng bảo tàng vẫn chưa xong nhưng dì Bảy Huệ đã ra đi mãi mãi” – bà Nguyễn Thị Thắm nấc nghẹn và cho biết những giờ phút cuối, bà Huệ vẫn luôn nghĩ về bảo tàng, luôn nghĩ về dân. Bà Ngô Thị Huệ để lại di nguyện sau tang lễ của bà, toàn bộ tiền chấp điếu gửi vào Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo.
Biểu tượng cao đẹp
Nhiều đoàn lãnh đạo Đảng, nhà nước, TP HCM và các địa phương hôm 7-6 đã đến viếng và chia buồn với thân nhân của bà Ngô Thị Huệ.
Vì lý do công tác không thể trực tiếp vào viếng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi vòng hoa viếng, chia buồn cùng gia đình. Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng gửi vòng hoa viếng, chia buồn.
Đoàn Ban Bí thư Trung ương Đảng do ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM – làm trưởng đoàn đến viếng. Ghi sổ tang, ông Nguyễn Văn Nên thay mặt đoàn Ban Bí thư Trung ương Đảng thương tiếc bày tỏ: “Ban Bí thư vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Thị Ngỡi (Ngô Thị Huệ), bà Bảy Huệ, bác Bảy Huệ, cô Bảy Huệ kính mến, người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng, cán bộ lão thành cách mạng, người cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, đã vĩnh viễn ra đi…
Với hơn 100 năm tuổi đời, gần 90 năm tuổi Đảng, từ khi hoạt động bí mật ở Rạch Giá, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sài Gòn đến khi công tác ở TP HCM và Trung ương, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn son sắt, thủy chung, tận tâm, tận lực, tận hiếu, hết lòng vì sự nghiệp và hình ảnh, nét đẹp ngoan cường, chung thủy, sắt son, khí phách người phụ nữ Nam Bộ nói riêng, tô thắm đức tính phụ nữ Việt Nam, gắn bó máu thịt với nhân dân, với công cuộc xây dựng và phát triển TP HCM… Đồng chí Ngô Thị Huệ là một biểu tượng cao đẹp của phụ nữ Nam Bộ, phụ nữ Việt Nam, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo”.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến viếng, bày tỏ trong sổ tang: “Người đảng viên cộng sản kiên trung, bất khuất, cả cuộc đời hy sinh, phấn đấu vì nước vì dân; người cán bộ cách mạng lão thành tiêu biểu, mẫu mực và bình dị”.
Đoàn Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ TP HCM do ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM, dẫn đầu cũng đã đến viếng bà Ngô Thị Huệ.
PHAN ANH