MẸ QUƠN LONG VÀ NHỮNG TẤM LÒNG THƠM THẢO

Người mẹ ở tuổi 99, có chồng và 3 người con hy sinh, sau ngày hòa bình, tự nguyện hiến đất làm nghĩa trang ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Bị thôi thúc mãnh liệt đi tìm một chân dung người mẹ trong 100 tập phim tài liệu Mẹ VNAH do TFS sản xuất, vào một ngày tháng 9 năm 2011, tôi đi tìm mẹ…

            Đường về xã Quơn Long Anh Hùng đi qua cánh đồng trù phú, qua những vườn  thanh long chín đỏ… Và những trang sử Quơn Long hiện dần ra, thật bi tráng, rực rỡ. Ít ai biết được, hơn 40 năm trước, đây là căn cứ cách mạng với khúc sông Rạch Tràm nổi tiếng. Những bô lão kể thời mới khai phá, Quơn Long là một vùng đất hoang vu, đầy thú dữ. Thời đó, vùng đất này có rất nhiều voi. Voi đi thành lối mòn, nước mưa chảy riết thành sông. Sông rạch Tràm chảy qua 5 ấp của Quơn Long, nay là  những vườn cây xanh trái ngọt, đồng lúa mênh mang nhưng xưa kia là vùng đất phèn mặn, là căn cứ của cách mạng, trong suốt hai cuộc kháng chiến. Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm của những ngày chiến tranh ác liệt, với những tấm gương anh hùng, những tấm lòng kiên trung bám đất nuôi giấu cách mạng của đồng bào Quơn Long vẫn còn đồng vọng, sống mãi trong tâm thức các thế hệ  con cháu…

Một trong những nhân chứng thời bám trụ đối mặt với gian khổ, bom đạn, hy sinh là Bà mẹ VNAH Phan Thị Yến. Đó là Bà mẹ VNAH còn sống duy nhứt ở Quơn Long. Những đặc trưng vùng đất, những nỗi niềm, vẻ đẹp, nỗi đau, sức mạnh dân tộc chứa đựng trong cuộc đời của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà chúng tôi được gặp…

Tự bao giờ, người dân ở Rạch Tràm không còn nhớ tên cúng cơm của mẹ nữa. Bà con quen gọi mẹ là Mẹ Quơn Long- một cách gọi gần gũi, trìu mến. Tên của mẹ đã trở thành tên quê hương, xứ sở- nơi vùng đất ác liệt, vùng đất anh hùng ghi dấu bao chiến tích, cũng không ít những trang sử thấm máu, đau thương…

Anh Đinh Văn Tiến – Chủ tịch xã Quơn Long nói:  “Ở Quơn Long có 22 Bà mẹ VNAH. Chính những Bà mẹ VNAH đã lưu giữ những câu chuyện bám đất nuôi giấu cách mạng vô cùng cảm động như mẹ VNAH Lê Thị Tỵ, mẹ VNAH Lê Thị Hai… Nhưng nay chỉ mình mẹ Phan Thị Yến còn sống. Mẹ đã 99 tuổi, còn rất minh mẫn. Có lẽ đó là hồng phúc của đất Quơn Long. Chúng tôi mong vào tháng này, năm tới, vào lễ độc lập, Quơn Long đứng ra làm lễ thượng thọ 100 tuổi cho mẹ…”.

Không mấy khó khăn khi hỏi thăm đường, tôi dừng bước trước ngôi nhà mẹ. Một ngôi nhà tình nghĩa khiêm nhường nép bên nghĩa trang xã Quơn Long. Gương mặt mẹ Phan Thị yến toát lên vẻ phúc hậu, chân chất- vẻ đẹp rất đặc trưng  của bà mẹ miền Nam… Mẹ kể quê mẹ ở Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Mẹ được cha mẹ gả về Quơn Long. Chồng mẹ là ông Phạm Hữu Hùng- một thanh niên có chí hướng. Hồi đó “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Mẹ chưa từng được gặp, quen biết, tìm hiểu người đem trầu cau cưới mình. Nhưng khi lấy chồng, mẹ chu toàn bổn phận làm dâu, làm vợ. Mẹ Phan Thị Yến chân thành nói: “Nhà chồng khá giả, mẹ không phải ra đồng cày cấy vất vả. Nhưng thời đó làm dâu rất cực khổ. Mẹ thức khuya dậy sớm nấu nướng hầu hạ cha mẹ chồng, chịu cảnh mẹ chồng xét nét, dò hỏi. Mẹ làm lụng quần quật, suốt ngày đêm. Những đêm chồng “đi chơi xa”- thực chất là chồng mẹ hoạt động cách mạng bí mật, mẹ ở nhà một mình, xay lúa, giả gạo chờ chồng về, trong tiếng nhiếc mắng của mẹ chồng. Mẹ kể đời làm dâu của mẹ cũng nhiều lần nước mắt chan cơm… Ở tuổi gần 100, mẹ không giấu được niềm tự hào khi nhắc đến người chồng mẹ hết mực kính trọng, yêu thương: “Cực khổ như vậy nhưng mẹ được an ủi khi biết ổng là một chiến sĩ cách mạng. Bởi chồng làm quốc sự nên mẹ phải giấu. Mẹ âm thầm xay lúa, giã gạo để dành cho các đồng chí của chồng mình…”

Trong niềm hạnh phúc làm vợ, những đứa con của mẹ lần lượt ra đời…

Hết 9 năm kháng chiến chống Pháp, rồi chính quyền Mỹ Diệm được dựng lên… Kể từ đó, mẹ bắt đầu một cuộc đời gian truân, như số phận đất nước bị cắt chia. Chồng bị bắt vào tù, con còn nhỏ dại. Quê hương bị chính quyền Mỹ ngụy đóng đồn bót.  Những năm chống Mỹ, quê hương Quơn Long đầy khói lửa chiến tranh. Hoàn cảnh ngặt nghèo ấy khiến mẹ vùng lên với một sức mạnh phi thường… Sau 7 năm bị địch giam cầm, ra tù, niềm vui sum họp chưa được bao lâu, chồng mẹ Phan Thị Yến lâm bệnh nặng, trút hơi thở cuối cùng, do di chứng những trận đòn tàn khốc trong nhà tù. Vượt lên nỗi đau mất chồng, bất chấp bom đạn ác liệt, mẹ trụ lại đất Quơn Long làm ruộng, cấy lúa, vừa “để cách mạng còn có dân mà nương tựa…”. Địch lùng bắt mẹ, đánh đập hành hạ dã man, thậm chí đốt cả nhà mẹ vì tội nuôi giấu và liên quan với những người cộng sản. Vào những đêm Quơn Long tràn ngập máu đồng bào bị chính quyền Mỹ ngụy khủng bố, mẹ tất tả bồng bế các con đi trốn. Sự tàn ác của kẻ thù không làm lung lay ý chí của mẹ. Mẹ dũng cảm nuôi giấu cán bộ, lo cho cán bộ từng nắm cơm, từng chén nước…

Mẹ Phan Thị Yến ngồi trên bộ ván kể chuyện. Mẹ nói tài sản đáng giá nhất ngôi nhà mẹ hiện nay là bộ ván này. Nơi đây, mẹ cùng 8 đứa con đêm quấn quýt, quây quần bên nhau. Tấm ván là nơi mấy mẹ con sum họp sau một ngày đối mặt càn quét, đạn bom; cũng là nắp tăng-xê che chở cho mấy mẹ con mỗi khi địch bắn pháo vào xóm làng. Mẹ Phan Thị Yến ngậm ngùi kể: “Quơn Long là vùng đất ác liệt, bị bom đạn giặc cày đi xới lại nhiều lần. Hồi đó nhà nào cũng có “tẳng xê” để tránh bom pháo…”

Ở  tuổi 99, mẹ Phan Thị Yến vẫn nhớ rõ tên từng người con. Mẹ nói mẹ có 4 trai 4 gái. Mẹ kể thời của mẹ, phụ nữ có mang, gần đến ngày sinh, phải ra ruộng, cất chòi ở riêng. Có khi mẹ phải đi ở nhờ nhà người khác, phải ra gò sanh. Khi cứng cáp, mẹ lại ra đồng cấy lúa… Mẹ chắt chiu từng hột lúa, củ khoai nuôi con. Con mẹ lớn lên, trở thành những chàng trai, cô gái khỏe đẹp. Nhưng trên mảnh đất Quơn Long bom cày đạn xới, những người con mẹ phải chọn lấy con đường đi với cách mạng hay “Quốc gia”. Những người con mẹ lớn lên, lần lượt cầm súng, thoát ly làm cách mạng. Những người con mẹ: anh Phạm Văn Be Lớn, Phạm Văn Be Nhỏ, Phạm Văn Trừ nối gót theo con đường của  cha, lần lượt tham gia cách mạng. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, mẹ liên tiếp nhận được tin 3 người con hy sinh. Chưa đầy một năm, 4 cái tang đã phủ lên tấm thân gầy của mẹ… Nước mắt khóc con của mẹ lặn vào trong, bởi kẻ thù còn đó, luôn rình rập, khủng bố, càn quét vào xóm làng. Chúng kiểm soát cả những giọt nước mắt khóc con của những bà mẹ. Nhiều lần nhà mẹ bị đốt, mẹ xin cây, đốn lá dừa nước cất lại nhà. Nhiều lần bị bắt vào tù, bị rún ép, đánh đập nhưng khi được thả ra, mẹ lại quay về với ruộng vườn, kiên trì, dũng cảm bám đất làm ruộng, cấy lúa nuôi con, nuôi quân… Gần 100 tuổi rồi, mẹ quên nhiều chuyện, nhưng đồng bào Quơn Long cùng thời thì nhớ rất rõ công lao to lớn, thầm lặng của mẹ Phan Thị Yến, cũng như bao bà mẹ bám đất kiên cường, cảm động ở Quơn Long…

Ông Hai Phấn- nguyên Bí thư xã Quơn Long nói mình còn sống sót sau cuộc chiến tranh là nhờ vào sự cưu mang, che chở của bao bà mẹ ở Quơn Long, như mẹ Phan Thị Yến, mẹ Lê Thị Hai, mẹ Lê Thị Tỵ “Hồi đó hễ cán bộ, bộ đội tới thì các mẹ Phan Thị Yến, mẹ Lê Thị Tỵ… nấu cơm, gánh nước, đào hầm bí mật ngoài vườn, trong bồ lúa. Nhiều người đến rồi đi, các mẹ cũng không nhớ tên nhưng các mẹ bao dung như đất, sẵn lòng cưu mang, che chở. Những người năm ấy được mẹ cưu mang có trở về thăm mẹ hay đi biền biệt, còn sống hay đã hy sinh, các mẹ cũng không nhớ hết. Các mẹ chỉ biết một điều đơn giản, hễ là cán bộ, bộ đội, là quân giải phóng là con mình!

Lòng yêu thương của mẹ dành cho con cháu vô bờ bến. Về thăm mẹ, chúng tôi không ngăn được nước mắt khi biết thêm một câu chuyện cảm động về mẹ. Năm anh Phạm Văn Be Nhỏ hy sinh, người vợ trẻ của anh đi bước nữa. Cuộc sống nơi căn cứ quá khó khăn, ác liệt, không phù hợp cho đứa trẻ thường xuyên đau yếu vì di chứng nhiễm chất độc da cam. Thương cháu côi cút, mẹ xuống “địa hình” đón cháu về nuôi nấng. Với cô bé Phạm Thị Loan, bà nội là tất cả, là điểm tựa duy nhứt của cuộc đời cô. Hai bà cháu nương tựa nhau, đi qua những ngày chiến tranh ác liệt, đi qua những ngày khó khăn thời hậu chiến… Và giờ đây, mẹ Phan Thị Yến cùng cô cháu gái Phạm Thị Loan sống với số tiền được trợ cấp cho Bà mẹ VNAH. Mẹ Phan Thị Yến chân thành nói: “Mẹ với cháu ăn ngày hai bữa cơm thôi. Ăn vậy để tiết kiệm con à. Còn tiền thuốc men, đầu đèn nữa…”

Cuộc sống khiêm nhường, giản dị là vậy nhưng lòng mẹ luôn đau đáu nghĩ về những người con đã ngã xuống ở Quơn Long. Chính quyền và nhân dân Quơn Long luôn ghi nhớ nghĩa cử cao đẹp của một bà mẹ quê nghèo. Ngày hòa bình, nhìn thấy các con, các đồng chí, đồng đội nằm rải rác ngoài biền, ngoài rẫy, dưới “địa hình”, nơi khúc sông Rạch Tràm năm xưa giặc Mỹ đã tàn sát bao chiến sĩ; mẹ đã tự nguyện hiến 3 công đất của mình, cùng chính quyền xã xây dựng nghĩa trang liệt sĩ xã Quơn Long. Nghĩa trang sát nhà mẹ. Trong niềm vui được chăm sóc, gìn giữ nghĩa trang, mẹ Phan Thị Yến  không còn cảm thấy các con xa mình nữa. Mỗi chiều ra quét lá rơi, nhổ cỏ, tưới hoa ngoài nghĩa trang, mẹ thì thầm nói chuyện với các con. Đi qua những hàng mộ chí, mẹ không ngăn được nước mắt thương anh Phạm Văn Trừ- người con thứ ba của mẹ hy sinh không tìm được xác. Mẹ nói: “Mẹ luôn mong  một ngày mẹ tìm được hài cốt con trai mẹ, thằng Trừ, để đưa nó về nghĩa trang, gần bên mẹ. Nhưng hòa bình đã gần 40 năm rồi, mẹ chờ đợi mòn mỏi. Thôi thì nó nằm lại nơi nào, cũng là quê.”.

Ở tuổi gần 100 tròn, mơ ước ấy cho đến nay vẫn còn xa vời với mẹ. Tôi hỏi mẹ, một câu hỏi thật sáo rỗng: “Bây giờ mẹ mong điều gì?”. Mẹ nói: “Mong tìm hài cốt thằng Trừ. Nhưng mong cũng chẳng được. Bây giờ thì không mong gì nữa!”. Mẹ không mong có thêm điều gì dù ngôi nhà mẹ đã rách nát, ngước nhìn lên thấy cả sao trời. Không mong điều gì nhưng mẹ cứ đau đáu một nỗi lo. Nhiều năm nay, cuộc sống của Phạm Thị Loan- cô cháu gái mẹ mang về từ địa hình ác liệt thấm đầy chất độc da cam về nuôi nấng năm nào, nay vẫn tựa vào mẹ. Ngồi bên đứa cháu nội gầy guộc, mẹ ngậm ngùi: “Bà nội nay đã già yếu, không biết khi bà nội mất, con sống với ai đây?!”. Đó là câu hỏi được trả lời bằng tình thương và trách nhiệm của con cháu, những người nối tiếp, được thụ hưởng cuộc sống trong những ngày hòa bình. Chúng tôi tự nhủ hãy đến với mẹ, mỗi người góp một bàn tay xoa dịu nỗi lo cuối đời của mẹ. Tôi trở về cơ quan, lòng trĩu nặng, không dám hứa với mẹ điều gì…

Mẹ không đòi hỏi gì, không mong gì. Nhưng khi tôi kể về người mẹ gần 100 tuổi hiến đất làm nghĩa trang, đang nuôi nấng một đứa cháu gái tật nguyền do di chứng chất độc da cam trong những bữa cơm đạm bạc, dưới mái nhà dột nát; giám đốc Bảo tàng Phụ nữ của chúng tôi trở nên rất trầm ngâm. Cũng không hứa hẹn gì, một ngày cuối tháng 9 năm 2011, chị tìm đến ngôi nhà mẹ… Sau chuyến đi, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ chuyển số tiền 50 triệu đồng- từ quỹ hỗ trợ gia đình liệt sĩ do Doanh nhân Dương Thanh Thủy- Tổng giám đốc công ty Trung Thủy khởi xướng, thông qua hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Mẹ Phan Thị Yến rất cảm động vì sự chia sẻ này. Mẹ tin vào những tấm lòng và mẹ không đơn độc. Chính quyền xã Quơn Long, Hội phụ nữ xã đã vận động ngày công, cấp tập giúp mẹ xây lại ngôi nhà cũ. Ngôi nhà mới của mẹ đã được dựng nên bằng tấm lòng thơm thảo của những người đang sống, đẹp như một câu chuyện cổ tích, giữa đời thường…

                                                                                          Trầm Hương

   alt alt

Tour 360° Tour 360° 360 Tour