KỶ NIỆM LẦN THỨ 16 NĂM NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM (23/11/2005 – 23/11/2021)

Ngày 23 tháng 11 năm 1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” – Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn Di sản Văn hóa dân tộc.

Nguyễn Thị Thu Hồng

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản Văn hóa đã được thực hiện từ lâu, ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945. Ngày 23 tháng 11 năm 1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” – Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn Di sản Văn hóa dân tộc.

Sắc lệnh số 65/SL gồm các nội dung cơ bản như: Khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”; Đông Phương Bác cổ Học viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, nhưng súc tích, ra đời đã 76 năm nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn Di sản Văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa của đất nước.

Trước đó năm 2001, Luật Di sản Văn hóa ra đời, là căn cứ pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và khẳng định: Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa.

Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới; ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ – TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Theo đó, việc tổ chức ngày Di sản Văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Văn hóa – Thông tin nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng. Bên cạnh đó việc tuyên truyền ngày Di sản Văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nước có đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới, ngày 19 tháng 11 năm 2013 Việt Nam đã chính thức được Đại hội đồng lần thứ 19 các quốc gia thành viên Công ước về bảo vệ Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới (gồm 160 nước) bỏ phiếu tín nhiệm, bầu là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới.

Đến nay, Việt Nam có 137 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 10 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 6 di tích quốc gia. (Nguồn: Cục Di sản Văn hóa)

Có thể nói, việc ứng dụng nền tảng số trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản luôn được các Bảo tàng đặc biệt chú trọng, bởi hơn bao giờ hết, trong xu thế hiện nay công nghệ chính là cầu nối hữu hiệu giữa bảo tàng với khách tham quan.

Phòng trưng bày ứng dụng công nghệ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ khánh thành năm 2020 có diện tích khoảng 400m2, với chuyên đề “Phụ nữ miền Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ” thể hiện sự đóng góp của phụ nữ trên các lĩnh vực: Đấu tranh chính trị, binh vận; Đấu tranh võ trang; Phụ nữ miền Nam trong công tác ngoại giao; Đấu tranh của nữ tù chính trị tại các nhà tù thực dân, đế quốc. Phòng trưng bày lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng hình thức trãi nghiệm mới là kết hợp với ứng dụng phần mềm tương tác 3D/360 trong trình diễn hiện vật, tích hợp hệ thống chiếu sáng, cảm biến ánh sáng, nhiệt độ… Cụ thể như thiết bị Smart TV kết nối wifi để truyền tải thông tin thay cho những tủ trưng bày truyền thống… giúp công chúng có thể xem, nghe và tương tác để khám phá lịch sử về phong trào phụ nữ trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, đa dạng hóa sự trải nghiệm của công chúng qua các câu chuyện về hiện vật được thể hiện cùng nhiều ứng dụng trình chiếu khác nhau. Đặc biệt là hệ thống thiết bị trình diễn Hologram 3D Pyramid – lần đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM, ứng dụng phần mềm bảo tàng tương tác thông minh, đóng vai trò như một phương pháp trưng bày trong bảo tàng số thời đại 4.0, lưu trữ trên 115 hiện vật sống động, mang đến cho du khách hình thức tham quan trải nghiệm mô hình bảo tàng ba chiều.

Với ứng dụng này, dù không chạm tay vào hiện vật nhưng khách tham quan hoàn toàn có thể nhìn ngắm hiện vật ở tất cả mọi góc độ một cách sắc nét, tinh tế và hơn nữa khách tham quan có thể truy cập vào kênh YouTube của bảo tàng để xem các video clip, các phim tư liệu, hình ảnh có liên quan đến phụ nữ Nam bộ qua các thời kỳ lịch sử. Ngoài ra, từ một sự kiện, hiện vật cụ thể, khách tham quan có thể tìm hiểu thêm những câu chuyện về hiện vật, con người liên quan đến sự kiện đó chỉ với những cú click chuột. Xen kẽ trong không gian trưng bày, bên cạnh những tranh, ảnh, hiện vật còn có các ki-ốt thông tin được nối mạng trực tiếp để khách có thể tìm hiểu và có cái nhìn tổng quát về các nội dung trưng bày trước khi đi sâu vào tham quan chi tiết. Ứng dụng này cho phép khách tham quan có thể nắm bắt đầy đủ thông tin mà không cần hướng dẫn viên.

Trong hai năm trở lại đây, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các thiết chế văn hóa nói chung và các Bảo tàng có những thay đổi đột phá bằng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, đáp ứng yêu cầu của xã hội và toàn cầu. Bảo Tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng như các bảo tàng đồng nghiệp đang nỗ lực nghiên cứu những hoạt động phù hợp để ngày càng mang lại những trải nghiệm mới cho khách tham quan không những tại chỗ mà còn có thể ứng dụng tại nhà thông qua các thiết bị điện thoại…

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 11 năm 2021

Nguyễn Thị Thu Hồng

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tour 360° Tour 360° 360 Tour