Cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 50km về phía Nam, người dân Hà Tĩnh ai cũng biết đến đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, hay còn gọi với tên khác là đền Bà Hải. Ngôi “đền thiêng nơi cửa biển” nằm uy nghi, trầm mặc trên nền cát pha, quay mặt về hướng Đông Nam, nơi nhìn ra sẽ thấy được mây núi biển trời giao thoa, hòa hợp.
Hồ Ngọc Phương
Cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 50km về phía Nam, người dân Hà Tĩnh ai cũng biết đến đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, hay còn gọi với tên khác là đền Bà Hải. Ngôi “đền thiêng nơi cửa biển” nằm uy nghi, trầm mặc trên nền cát pha, quay mặt về hướng Đông Nam, nơi nhìn ra sẽ thấy được mây núi biển trời giao thoa, hòa hợp.
Truyền thuyết kể rằng, Bà Hải tên thật là Nguyễn Cơ, tự Bích Châu, quê ở xã Bảo Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Trong các bộ sử tuyệt nhiên lại không có tên của vị cung phi này cũng như không ghi rõ quê hương và năm sinh của bà. Nhưng trong các áng văn chương và truyền ngôn, bà là con gái đại thần Nguyễn tướng công, một vị quan rất mực thanh liêm và bà Phạm phu nhân. Năm 40 tuổi mới sinh con, ông bà rất đỗi vui mừng coi con như ngọc, như châu, ngày đêm nâng niu, cho nên đặt tên là Bích Châu.
Từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, bà Bích Châu được cha mẹ săn sóc, dạy dỗ chu đáo về văn chương, đạo lý và được cậu là một võ tướng dạy võ thuật, cung kiếm. Vốn có nhan sắc, lại giỏi âm nhạc, nên bà sớm trở thành người văn võ toàn tài. Đến năm Long Khánh thứ nhất (1373) bà được Vua Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi.
Sách “Truyền kỳ tân phả” của bà Đoàn Thị Điểm có ghi chép lại câu chuyện: “Dịp rằm tháng 8 năm nọ, nhà vua thấy mọi người đi lại mua bán nhộn nhịp vui vẻ, cảnh trí thật là ngoạn mục, nhà vua liền nghĩ ra một vế đối rằng:
“Thu thiên họa các quải ngân đăng nguyệt trung đan quế” (Tức: “Trời thu gác tía/Treo đàn bạc, quế đỏ trong trăng”).
Trong lúc các quan lại đang suy nghĩ thì Bích Châu đã đối lại rằng:
“Xuân sắc trang đài khai bảo kính, thủy đê phù dung” (Tức: “Sắc xuân đài trang mờ gương báu, phù dung đáy nước”).
Nhà vua nghe được liền tấm tắc khen. Và từ vế đối này, bà được vua kén vào cung, lấy hiệu là Phù Dung. Bà được vua rất mực yêu quý. Là phụ nữ, nhưng cái khí phách của bà lấn át và làm lu mờ các đấng tu mi nam tử.
Đối nghịch với Vua Trần Duệ Tông là người luôn do dự và mềm yếu, cung phi Bích Châu tỏa sáng bởi sự thông tuệ và quyết đoán. Trong tác phẩm của bà Đoàn Thị Điểm, Bích Châu còn là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn và có chí khí, quyết sống chết với tấc lòng trung quân ái quốc.
Được nhường ngôi giữa lúc đất nước gặp nhiều biến cố, vua Trần Duệ Tông (tức Cung Tuyên Vương Trần Kính) rất lo lắng, ông vốn là em của vua Trần Nghệ Tông và được phong làm thái tử năm 1371, đến năm 1372 lên ngôi vua lấy niên hiệu là Long Khánh. Lúc này, tình hình nội trị ngoại giao rất phức tạp, chế độ phong kiến nhà Trần suy vong, nhân tài không được trọng dụng, quân Chiêm Thành lại bất ngờ kéo quân ra đánh thẳng vào kinh thành Thăng Long, đốt cháy hầu hết các cung điện và sách vở trong Quốc Tử Giám, dân chúng hoang mang, lo sợ, còn quan lại trong triều đình thì nhu nhược và hèn kém. Mười năm trước, Chu Văn An đã từng dâng sớ xin vua Trần Dụ Tông chém bảy tên gian thần mà không được chấp thuận, từ đó bọn gian thần trong triều đình càng lộng hành. Trước hoàn cảnh khó khăn như vậy, vua Trần Duệ Tông không đủ sức cầm quyền trị nước.
Chính giữa lúc đang rối ren, vua Trần Duệ Tông nhận được một bản tấu chương, bài viết tuy ngắn ngủi nhưng là một “luận văn chính trị”, trong đó tác giả vạch ra kế sách giúp củng cố đất nước, lãnh đạo quốc gia. Kế sách gồm có mười điều minh bạch và cụ thể như sau:
1. Bền gốc nước, bỏ điều tàn bạo.
2. Giữ kỷ cương, bỏ điều phiền nhiễu.
3. Trừng trị bọn mọt nước lộng quyền.
4. Thải bọn nhũng loạn cho khỏi hại dân.
5. Chấn hưng việc học theo lối nho phong.
6. Cần lời nói thẳng cho mọi người bàn bạc.
7. Quân lính phải chọn người có sức khoẻ.
8. Chọn tướng cốt phải tài chứ không dựa vào gia thế.
9. Khí giới phải sắc bén, không cốt trưng bày.
10. Trận pháp phải chỉnh tề chứ không cốt đẹp mắt.
Vua Trần Duệ Tông đọc xong mười kế sách này thì bỗng giật mình thốt lên: “Sao lại có người có ý kiến rõ ràng, thông tuệ, đúng đắn như thế?”. Ông xem lại tên người dâng bản tâu, thì ra người đó là Nguyễn Thị Bích Châu – một cung phi yêu quý của ông, ông không ngờ bà còn có nhận thức chính trị cao, có kế sách hay như thế này. Bà đặt tên cho bản tâu của mình là “Kê minh thập sách” (Mười kế sách qua tiếng gà gáy sáng). “Kê minh thập sách” của bà đã đưa ra được những điểm trọng yếu nhất, thiết thực nhất về đường lối chính trị, văn hóa, quân sự để có thể giúp vua trị vì đất nước. “Kê minh thập sách” không chỉ phù hợp với thời đại của nhà Trần lúc bấy giờ mà còn có giá trị to lớn đối với các thế hệ sau này. Câu chuyện về bà Bích Châu dâng bản “Kê minh thập sách” chỉ được ghi chép trong tác phẩm “Truyền kỳ tân phả” của bà Đoàn Thị Điểm. Mặc dù biết phương hướng chính trị này đề ra rất hợp lý, nhưng vua Trần Duệ Tông vẫn không thể thực hiện được.
Khi Vua Duệ Tông muốn cất quân đánh Chiêm Thành, bà lại cùng Ngự sử Lê Tích hết sức can ngăn, vua vẫn không nghe. Bà bèn xin theo hầu vua. Đến cửa biển Kỳ Hoa (Nghệ Tĩnh), sóng gió nổi lên cản trở đoàn chiến thuyền, bà Nguyễn Thị Bích Châu xin tự hiến mình cho giao thần (theo phong tục tín ngưỡng cũ của địa phương vùng này) để cầu sự an toàn cho quân sĩ. Khi bà nhảy xuống biển, tự nhiên gió im, sóng lặng. Nhưng lần ấy, vua Duệ Tông bại trận và chết trong quân. Đó là ngày 23 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1377).
Trong dân gian, người ta luôn tâm niệm rằng bà Bích Châu chính là hiện thân cho hình ảnh người phụ nữ thời phong kiến chịu nỗi oan ức khó mà phân định. Đó là nỗi oan của phận nữ nhi khí phách hơn người, ngang cường chí khí, bởi nặng lòng trung quân ái quốc mà chấp nhận gieo mình nơi đầu sóng.
Dù là tình nguyện thì sự hy sinh của bà cho đến nay, theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, vẫn mang âm hưởng oan nghiệt, dù rằng cái oan này khác với nỗi oan của nàng Mị Nương trong Người con gái Nam Xương.
Đền thờ Cung phi Nguyễn Thị Bích Châu được xây dựng vào thế kỷ thứ XIV, tọa lạc trên một cồn cát cao và khá rộng với diện tích là 26.370m2. Ngày nay, khi đến đền, người ta thấy được hai câu đối trước cửa đền để ghi nhớ về vai trò của bà trong lịch sử:
Kê Minh Thập Sách thánh trí truyền lưu phù Việt Quốc
Chế thắng Phu nhân Mẫu ân vĩnh bảo hộ Nam dân
(Kê Minh Thập Sách trí tuệ thánh hiền truyền lưu phù nước Việt
Chế thắng Phu nhân ơn mẹ dài lâu gìn giữ giúp dân Nam)
Hơn 90 năm sau niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1470), vua Lê Thánh Tông trên đường đi dẹp giặc Chiêm Thành, đến cửa biển Kỳ Hoa phát hiện ngôi miếu, vua liền dò hỏi dân chúng địa phương, vào dâng hương và viết bốn chữ “Nữ Trung Hào Kiệt” dán lên bài vị và nói: “Tiền triều người là bậc cứu quốc anh hùng vì nước, vì vua mà bị vong thân, nay ta cũng vì nước bảo toàn bờ cõi mà đi dẹp giặc, có linh thiêng thì giúp trẫm kì khai đắc thắng, mã đáo thành công, khi bản sứ về triều trẫm sẽ khởi công lập miếu phong tặng”. Ngay đêm đó được mộng lành, vua Lê Thánh Tông liền cho xuất quân lên đường dẹp giặc, khi thắng trận trở về vua đã cho quân cùng dân chúng địa phương xây dựng lại lăng mộ với ba tòa điện lớn và quy mô hơn như bây giờ, bao gồm: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện để ghi nhớ công ơn của liệt nữ Nguyễn Thị Bích Châu và đã ban chiếu sắc phong cho đền là Chế thắng Phu nhân.
Trải qua các triều đại phong kiến, bà Nguyễn Thị Bích Châu được nhân dân tôn là Loan Nương Thánh Mẫu hay Mẫu Kỳ Anh. Bà đã được tôn lên hàng Mẫu vào khoảng thời gian khá sớm trong đời sống tâm linh của quần chúng nhân dân Việt Nam.
Ngày 03/08/1991, Bộ Văn hóa – Thông tin đã có Quyết định công nhận đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu là Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Đền thờ Chế thắng Phu Nhân Nguyễn Thị Bích Châu đã trở thành địa chỉ tâm linh thu hút du khách đến thăm dịp đầu năm mới.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 12 năm 2021
Hồ Ngọc Phương
Phòng Truyền thông-Giáo dục và Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo:
1. Sách “Người mẹ và phái đẹp” – nhà xuất bản Văn hoá, thông tin năm 1989.
2. Báo Du lịch Hà Tĩnh ngày 25/11/2014.
3. Báo Pháp luật Việt Nam ngày 23/02/2020.