Hôn nhân là quá trình đi đến thiết lập quan hệ vợ chồng, bao gồm các vấn đề như quan niệm, quy trình, lễ thức và một số vấn đề liên quan trực tiếp đến hôn lễ để có được sự công nhận của tổ tiên, gia đình, dòng họ, cộng đồng và luật pháp trong xã hội hiện đại. Nhìn chung, hiện nay hôn nhân và gia đình vẫn là một thiết chế bền vững. Hôn nhân được bảo vệ và kiểm soát cả từ phía gia đình và xã hội. Lựa chọn kết hôn là quyền tự do của mỗi cá nhân nhưng gia đình vẫn có vai trò quan trọng trong việc quyết định hôn nhân của con cái. Đây là nhân tố bảo đảm sự đồng thuận của con cái và cha mẹ trong cuộc sống chung sau khi con cái kết hôn. Đăng ký kết hôn là cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của những người tham gia kết hôn đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Hôn nhân đã và vẫn là một việc, một sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời sống của một con người trong cộng đồng. Hôn nhân không phải chỉ là sự kết hợp giữa hai cá nhân mà là một công việc của cả gia đình, dòng họ. Một trong những mục đích quan trọng của hôn nhân là để sinh con đẻ cái, mưu cầu hạnh phúc, duy trì dòng dõi, gia tộc. Chính vì lẽ đó, trong xã hội Việt Nam truyền thống cũng như hiện tại, ít có người không lập gia đình. Những người không lập gia đình ít nhiều bị dư luận xã hội. Tâm lý có nhiều con, nhất là con trai ở người Việt miền Tây Nam Bộ không còn nặng nề nhưng những quan niệm về dòng dõi, về sự nói dõi tông đường vẫn còn trong tiềm thức của người dân nơi đây.
Ngoài những quan niệm truyền thống trong hôn nhân như lấy vợ, lấy chồng để nối dõi tông đường, lưu truyền huyết thống thì những yếu tố về kinh tế, chính trị đã tác động đến mục đích của hôn nhân. Đó là sự tác động từ các chính sách của chính quyền nhà Nguyễn, các Bộ Luật như Hồng Đức, Gia Định đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan niệm, lễ thức, mục đích hôn nhân của người Việt Tây Nam Bộ. Hôn nhân người Việt Tây Nam Bộ hiện nay được xây dựng trên cơ sở tình yêu và sự hiểu biết lẫn nhau. Nhiều hủ tục, quan niệm lạc hậu, những nghi thức rườm rà không phù hợp với cuộc sống hiện tại ngày càng được xóa bỏ. Nếu như trước đây, hôn nhân là việc cha mẹ, do cha mẹ quyết định thì hiện nay, tự do cá nhân ngày càng được khẳng định, nam nữ tự do chọn bạn đời nhưng ý kiến của cha mẹ vẫn được xem trọng. Gia đình vẫn luôn là chỗ dựa về tinh thần, là nơi để mỗi người tìm thấy những lời khuyên chân thành và bổ ích. Có sự tham gia của gia đình, gia đình tổ chức lễ cưới cho mình vẫn là hạnh phúc của mỗi người, là một giá trị được trân trọng. Đám cưới vốn chỉ được coi là sự kiện của gia đình và thân tộc nay được mở rộng phạm vi đến nhiều nhóm quan hệ khác. Đám cưới không chỉ là hôn lễ của hai cá nhân mà còn là dịp để thiết lập hoặc các quan hệ xã hội khác. Đến dự đám cưới không chỉ là để mừng cho cô dâu chú rể mà còn là dịp để gặp gỡ họ hàng, bạn bè.
Ngày nay, việc cưới xin ít nhiều đã mang tính công nghệ, quyết định hôn nhân mang tính cá nhân nhưng giá trị cuộc hôn nhân vẫn được mọi người xem trọng khi có sự đồng ý, tham dự của các bậc sinh thành và sự chứng kiến của tổ tiên. Do vậy, nghi thức lạy trước bàn tổ tiên trong lễ cưới vẫn hết sức được tôn trọng bởi sự thiêng liêng của nó. Nhiều gia đình vì hoàn cảnh không cho phép, họ không quan trọng việc tổ chức lễ cưới rình rang, chỉ cần mâm cơm ra mắt tổ tiên, cha mẹ, dòng họ là đủ.
Những quan niệm về “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “môn đăng hộ đối” tuy không phổ biến nhưng vẫn diễn ra với mức độ đậm nhạt, ở nơi này hay nơi khác. Những quan niệm đó đã trực tiếp ảnh hưởng đến bản chất và mục đích của hôn nhân đích thực, dẫn đến việc hình thành những tập tục, nghi lễ lạc hậu, rườm rà. Chính vì thế trong kho tàng văn học dân gian đã có nhiều câu hò, câu ví, hát ru, giai thoại lên án gay gắt những quan niệm hôn nhân lạc hậu, lỗi thời, nói lên những khát vọng chân chính về hạnh phúc lứa đôi, về tình yêu nam nữ “Đôi ta như lúa phơi màu, Đẹp duyên thì lấy, ham giàu mà chi”.
Lễ cưới là nghi thức mang tính xã hội, theo đó, người đàn ông và người đàn bà được gắn kết công khai trước công chúng với tư cách là người chồng và người vợ. Ở mức độ cá nhân, là nghi lễ mà thông qua đó người đàn ông, đàn bà bước vào giai đoạn trưởng thành. Ở góc độ gia đình, là nghi lễ kết hợp hai gia đình và mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội của họ. Ở góc độ xã hội, sau nghi lễ thì một gia đình mới được hình thành. Tuy nhiên, ở mỗi dân tộc sẽ có những nghi lễ cưới khác nhau do chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán, văn hóa của dân tộc mình. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa qua phong tục hôn nhân người Việt Tây Nam Bộ là gìn giữ những yếu tố văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếp nhận có chọn lọc những yếu tố văn hóa của các tộc người cùng cộng cư và cả yếu tố văn hóa bên ngoài du nhập vào. Đó chính là sự tích hợp văn hóa của các dân tộc trong quá trình giao lưu và hội nhập.
Hiện tại, vai trò của thanh niên trong việc lựa chọn vợ hoặc chồng đã và đang tăng lên, phạm vi kết hôn vượt qua khỏi làng xã nhiều là do xã hội đã thay đổi kéo theo điều kiện giao tiếp của nam nữ được mở rộng, không hà khắc, cấm đoán như trước kia. Khi các điều kiện kinh tế, xã hội thay đổi mạnh mẽ thì các quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con cái, rộng ra là quan hệ thân tộc, họ hàng cần được tăng cường và cố kết nhiều hơn, những biến động về kinh tế, văn hóa, tư tưởng tác động đến nhiều mặt của cuộc sống, trong đó có lĩnh vực hôn nhân nhưng tình yêu vẫn là yếu tố cơ bản dẫn dắt nam nữ đi đến hôn nhân và hình thành gia đình.
Hôn nhân phải là hình thức bảo lưu và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc gắn với việc duy trì những nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Hôn nhân phải đảm bảo tính pháp lý theo đúng Luật Hôn nhân và Gia đình mà Nhà nước đã ban hành, không vi phạm giá trị luân lý, giá trị đạo đức của xã hội đương thời, phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế của gia đình, loại bỏ những hủ tục, lạc hậu, đề cao những nét ứng xử thể hiện truyền thống văn hóa dân tộc có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của đôi vợ chồng, gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Dưới góc độ là cơ quan văn hóa, có chức năng gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc, trong nhiều năm qua các Bảo tàng đã chú trọng đến mảng sưu tầm hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan đến lễ cưới của các dân tộc trong đó có dân tộc Việt. Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ đã từng tổ chức các chuyên đề trưng bày giới thiệu trang phục cưới, trầu cau trong lễ cưới của người Việt ở Nam Bộ. Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đang có phòng trưng bày giới thiệu lễ cưới người Việt, Hoa, Chăm, Khmer, trong đó tập trung giới thiệu đám cưới của người Việt ở Nam Bộ gắn với lễ vật cưới hỏi, nghi thức lễ gia tiên… Việc nghiên cứu, sưu tầm các hiện vật, hình ảnh liên quan đến hôn nhân của người Việt ở Nam Bộ nói chung vẫn là một trong những mục tiêu mà các Bảo tàng đặt ra trong kế hoạch phát triển của mình, nhằm bảo tồn và phát huy tốt nhất những giá trị văn hóa truyền tốt đẹp trong phong tục hôn nhân, tạo nguồn tư liệu quý giá, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của người dân đối với di sản văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 11 năm 2021
Phạm Thị Diệu