BÁC HỒ VÀ PHỤ NỮ

NHÂN KỶ NIỆM 121 NĂM NGÀY SINH NHẬT BÁC (19/5/1890 – 19/5/2011)

Suốt cả  cuộc đời mình, Bác Hồ đã để lại cho đời nhiều thứ quý giá, trong đó có một suối nguồn tình cảm sâu nặng nghĩa tình, nâng niu quý trọng mà Bác đã dành cho nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam. Bác quan tâm nhất là vấn đề giải phóng phụ nữ.

Nếu vấn đề giải phóng phụ nữ là vấn đề cơ bản nhất trong các vấn đề của phụ nữ thì quyền bình đẳng giữa nam và nữ lại là nội dung quan trọng nhất, cốt lõi nhất của vấn đềnày. Chính vì vậy mà Bác đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”. Hơn ai hết, Bác là người hiểu rõ rằng: Trong xã hội, người phụ nữ là người bị áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất và phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng, sẵn sàng đi với cách mạng. Người phụ nữ còn có chức năng đặc biệt: Tái sản xuất sức lao động cho xã hội, thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, có vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của gia đình. Bác Hồ nói rằng có một nhà giáo dục đã viết: Giáo dục một người đàn ông, ta được một gia đình, giáo dục một người phụ nữ ta được cả một thế hệ. Do đó, Bác đề ra nhiệm vụ cho Đảng phải chăm lo giải phóng phụ nữ. Tư tưởng nam nữ bình quyền của Bác được ghi trong luận cương của Đảng, được thể chế hoá sớm nhất trong điều 9 Hiến pháp năm 1946. Từ đó, quyền bình đẳng nam nữ được công bố và thừa nhận qua các văn bản quan trọng, Hiến pháp, pháp luật về hôn nhân và gia đình, các chỉ thị, chính sách đối với lao động nữ. Tư tưởng của Bác phù hợp với Tuyên bố của thế giới về quyền của con người: mọi dân tộc trên thế giới đều có quyền hưởng TỰ DO và BÌNH ĐẲNG. Thực chất của vấn đề bình đẳng nam nữ được Bác quan tâm không chỉ ở góc độ chính trị mà còn ở cả góc độ kinh tế, không chỉ ngoài xã hội mà trong cả lĩnh vực gia đình, gia tộc; không chỉ ở góc độ nghĩa vụ mà còn là quyền lợi: quyền bầu cử và ứng cử, quyền được đào tạo, học hành, quyền được tham gia lao động xã hội, được tự do trong hôn nhân, được tham gia vào các cấp lãnh đạo quản lý Nhà nước và Đảng. Rất nhiều lần Bác phê phán những thái độ đối xử không tốt đối với phụ nữ như coi thường không tin tưởng chị em, tệ đánh vợ. Bác nói Đảng và Chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện cân nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Cần phải nói rằng không phải ai cũng có được một cái nhìn tiến bộ về phụ nữ như Bác.

Suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những lời khen ngợi động viên, những đánh giá cao của người luôn là điểm tựa tinh thần lớn lao để phụ nữ nước ta hoàn thành nhiệm vụ. Tự hào thay khi Bác ca ngợi phụ nữ  Việt Nam: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Đánh đông dẹp bắc làm gương để đời”. Chúng ta thật xúc động khi nghe Bác nhận xét chị Nguyễn Thị Định – một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu: “phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho Miền Nam cho cả dân tộc!” Và Bác đã thay mặt cho Đảng, Nhà nước tặng phụ nữ Miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung 8 chữ vàng: Anh Hùng – Bất Khuất – Trung Hậu – Đảm Đang. Không những Bác quan tâm đến quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam mà Bác còn quan tâm đến cả phụ nữ Quốc tế. Khi đến thăm tượng Thần Tự Do ở Mỹ, lúc đó là Nguyễn Ái Quốc đã ghi một câu đại ý: Thần Tự Do toả ánh sáng khắp nơi nhưng dưới chân Thần vẫn còn những người phụ nữ bị đánh đập. Bao giờ người phụ nữ nhất là người phụ nữ da đen mới được tự do, bình đẳng. Bác nói mỗi giới đều có vai trò riêng của mình: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, song để phụ nữ được bình đẳng với nam giới về mọi mặt, Bác cũng chỉ rõ: Giành lại quyền bình đẳng cho phụ nữ là cuộc cách mạng lâu dài, to lớn và khó nhất chứ không phải là việc: Hôm nay anh nấu cơm, quét nhà, rửa bát; ngày mai em rửa bát, quét nhà, nấu cơm; Cần có nhiều chủ trương chính sách, sử dụng biện pháp tổng hợp toàn diện về kinh tế, văn hoá xã hội để giải quyết vấn đề phụ nữ. Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài phát thanh BBC, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ tại Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, nhân loại và từ đó giải phóng chính mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của người phụ nữ Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai. Người xác định rõ, bất bình đẳng nam nữ không đơn thuần là bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng lạc hậu mà chủ yếu là do chế độ kinh tế xã hội. Hồ Chí Minh là lãnh tụ Việt Nam đầu tiên kêu gọi “Thực hiện nam nữ bình quyền”, coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ là mọt mục tiêu của cách mạng.

Đồng chí Vũ Kỳ nhớ lại: “Một lần, tới dự Hội nghị, nhìn dọc Hội trường Bác hỏi: này các chú, phụ nữ đâu không thấy ngồi hàng đầu? Bác hỏi tiếp: Các cô có  đấy không? Có ạ. Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn bình đẳng không phải bảo Đảng, Chính phủ hay nam giới mời ngồi mà phải tự đấu tranh để giành lấy. Đó là lời dặn mà cũng là mong muốn của Bác. Bác thường nhắc: Lực lượng phụ nữ không nhỏ, có khi còn đông hơn nam giới. Ở Việt Nam nói riêng và Châu Á, Châu Phi nói chung, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ rất rõ rệt. Do ý thức hệ phong kiến đã đè nặng lên tư tưởng phụ nữ từ bao đời nay. Vì thế, mọi đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ bao giờ cũng phải chú ý đến phụ nữ.

Bác còn trực tiếp đào tạo nhiều người trờ thành cán bộ  cách mạng. Hãy đọc lại hồi ký của bà Nông Thị Trưng viết về Bác: “Bác nói: Từ nay cháu đã có gia đình lớn là cách mạng, đừng nên luyến tiếc gia đình nhỏ nữa. Cháu có cặm cụi làm ăn cũng không đủ nộp sưu thuế. Mình lấy lại được nước rồi sẽ khác”. Bác đặt cho tôi tên Trưng cũng là vì muốn tôi noi theo gương của bà Trưng khi xưa. Mỗi ngày vào lán của Bác một giờ học tập, Bác dạy cho tôi từ chuyện thế giới, chuyện cộng sản đến cả những cách ứng xử hàng ngày: Đừng làm việc gì khiến dân mất lòng tin. Mượn 1 cái kim, 1 con dao, một buổi là phải đem trả. Trong ba lô nếu có màn, phải để ở ngoài cửa, chủ nhà có bằng lòng mới đem vào. Cháu là nữ, trước bàn thờ có cái giường để các cụ ngồi ăn cỗ, cháu không được ngồi. Tám tháng được Bác chỉ dạy, tôi học được nhiều hơn mấy chục năm học lý luận tập trung sau này”. Khi bàn về việc bầu Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, Bác đề nghị bầu nhiều phụ nữ vào cương vị này bởi: “Phụ nữ làm chủ nhiệm đâu có đánh chén. Chủ nhiệm nữ thật thà, phải đưa nhiều phụ nữ tham gia làm chủ nhiệm”.

Trong Di chúc, Bác viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ vô cùng đảm đang, đã  đóng góp rất nhiều trong chiến đấu và sán xuất. Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách nhiều công việc kể cả lãnh đạo. Phụ nữ phải phấn đấu vươn lên, đây thực sự là một cuộc cách mạng”.

                                                Trích từ bài viết của GS, TS Nguyễn Lân Dũng

Tour 360° Tour 360° 360 Tour