Anh hùng lao động Phạm Thị Huân – Ba Huân, sinh năm 1954 tại xã Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ bà đã rong ruổi cùng mẹ trên những chiếc xuồng ba lá dọc miền Tây sông nước để buôn bán trứng. Có lẽ đây chính là tiền đề cho các hoạt động kinh doanh của bà sau này. Sau giải phóng, với thâm niên nghề trứng gia cầm bà làm việc tại công ty nông sản Kiên Giang, công việc thu gom và phân phối trứng từ miền Tây lên thành phố Hồ Chí Minh.
Anh hùng lao động Phạm Thị Huân – Ba Huân, sinh năm 1954 tại xã Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ bà đã rong ruổi cùng mẹ trên những chiếc xuồng ba lá dọc miền Tây sông nước để buôn bán trứng. Có lẽ đây chính là tiền đề cho các hoạt động kinh doanh của bà sau này. Sau giải phóng, với thâm niên nghề trứng gia cầm bà làm việc tại công ty nông sản Kiên Giang, công việc thu gom và phân phối trứng từ miền Tây lên thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1982, bà mở một vựa trứng lấy tên là Ba Huân tại thành phố Hồ Chí Minh, thương hiệu trứng Ba Huân bắt đầu từ đây và phát triển ngày càng lớn mạnh thành doanh nghiệp Ba Huân.
Thế nhưng công việc kinh doanh đang thuận lợi bỗng chốc lao đao do dịch cúm gia cầm bùng phát. Trước khó khăn bà không nản lòng, bà tìm mọi biện pháp để khử trùng, làm sạch trứng. Bà ra nước ngoài tìm tòi, học hỏi và tìm được thiết bị xử lý trứng hàng đầu thế giời tại hãng Moba của Hà Lan. Từ đây, thương hiệu trứng sạch Ba Huân có mặt khắp tại các hệ thống siệu thị, cửa hàng, chợ và các quầy bán lẻ,…
Bà kinh doanh bằng cả tấm lòng, bằng sự học hỏi và chắc lọc kiến thức từ các chuyên gia, nhà khoa học, từ những người nông dân và tích cực tham gia cuộc chiến chống thực phẩm bẩn như tọa đàm “ Bữa ăn gia đình và vấn nạn thực phẩm bẩn” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Với tiêu chí thực phẩm sạch, chất lượng và giá bình ổn được bà đặt lên hàng đầu, không phải là lợi nhuận; vì vậy, đã đem đến niềm tin cho người tiêu dùng.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 xuất hiện lần thứ 4 đã khiến nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm gia tăng vì giãn cách xã hội, và trứng cũng là một thực phẩm thiết yếu quen thuộc với người dân. Nhận thấy giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng trên thị trường. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty Ba Huân – bà Ba Huân không đồng ý và từ chối đề nghị nâng giá. Theo bà, các đối tượng dùng trứng thường là người lao động khó khăn, sự bình ổn giá là cấp bách và kịp thời trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng góp phần giải cứu thị trường với nhiều biến động. Công ty Ba Huân cung cấp khoảng 1 triệu trứng mỗi ngày với giá bình ổn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hàng chục năm qua bà đã thực hiện các chường trình bình ổn và thời điểm khi dịch bệnh là lúc nên ủng hộ đồng bào vượt qua khó khăn; do đó, bà từ chối tăng giá trứng lúc này. Đó thật sự là tình cảm, tấm lòng rất đáng trân quý của một doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Huân từng nhận các giải thưởng: Huân chương lao động hạng Nhì; Top 100 người phụ nữ nổi bật nhất năm của thế giới do TIAW (The International Alliance for Women ) bình chọn năm 2012, nhiều lần góp mặt trong “Danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam” do Forbes Việt Nam bình chọn… Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng năm 2020, phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2021 do Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, bà vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới với những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước và chia sẻ cộng đồng.
Người phụ nữ đầy nghị lực, tấm lòng yêu thương luôn nghĩ cho người nghèo, cho nền kinh tế nước nhà. – Anh hùng lao động Phạm Thị Huân là tấm gương điển hình cho người phụ nữ miền Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 8 năm 2021
Huỳnh Thị Kim Loan
Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế