ĐỘI QUÂN TÓC DÀI BẾN TRE QUA NHẬT KÝ CỦA NHÀ VĂN, ANH HÙNG LIỆT SĨ LÊ ANH XUÂN

Lịch sử đấu tranh anh hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ được ông phản ánh một cách sinh động, trong đó nổi bật lên là hình ảnh quê hương Bến Tre và những người phụ nữ đã dũng cảm ngã xuống vì sự trường tồn của Tổ quốc.

Lịch sử đấu tranh anh hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ được ông phản ánh một cách sinh động, trong đó nổi bật lên là hình ảnh quê hương Bến Tre và những người phụ nữ đã dũng cảm ngã xuống vì sự trường tồn của Tổ quốc. Trong cuốn nhật ký của mình, chỉ trong thời gian từ tháng 7/1965 cho đến tháng 2/1966, là thời gian tác giả trở về quê hương Bến Tre nhưng hình ảnh con người, quê hương, những người chị, người mẹ mà tác giả đã gặp, đã nghe và ghi chép lại trong cuốn nhật ký phần nào khắc họa được chân dung “đội quân tóc dài” Bến Tre trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đó là hình ảnh rất đỗi thân thương, gần gũi của các cụ, các bà mái tóc bạc phơ ngồi chăm chú xem văn công giải phóng của tỉnh Bến Tre biểu diễn, là các em nhỏ chạy lăng xăng cười chúm chím, là cô gái ngồi dựa đống ngói trùm khăn rằn để lộ khuôn mặt dịu dàng (trang 53).

Trong giai đoạn chiến tranh diễn ra ác liệt, có những lúc nghe tiếng máy bay, cà nông suốt ngày không dứt, tác giả cảm thấy căng thẳng và bi quan nhưng những người du kích vẫn bám chặt ngoài lộ. Đồng bào ở đây rất bình tĩnh. Cái chết đối với họ tuy đau thương nhưng rất bình thường. Họ tỉnh táo một cách bình thường và trí tuệ. Chỉ có quen sống trong bom đạn, sống trong chết chóc mới có cái bình tĩnh, tỉnh táo ấy (trang 57)

Những người phụ nữ, người mẹ dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn cố gắng để đóng góp sức lực của mình cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng nhiều cách khác nhau. Đó là Bà Sáu Cao – là má chiến sĩ hồi 9 năm làm lễ tuyên bố cho hai hàng binh quốc tế, thường đứng lên phát biểu ý kiến thay mặt các má chiến sĩ trong lễ tuyên bố, tiệc trà tiễn tân binh (trang 84). Là hai vợ chồng già, hai người ở hai nơi để đón nuôi cán bộ. Buổi tối, thức suốt đêm canh cho cán bộ ngủ… (trang 88). Là bà má đang nhổ cỏ vun bón cho nghĩa trang liệt sĩ An Thới khi giặc bỏ bom phá nát và được nhân dân xây dựng lại. Đó là những người phụ nữ giả đi xúc dọc ấp chiến lược, úp gom đóng chông bàn để tối du kích ôm về, đi quơ củi rút hàng rào ấp chiến lược. Phá banh, làm chủ đắp mô (trang 103). Có một người phụ nữ được tác giả gọi là nhà văn, nhà ngôn ngữ, nhà cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đó là Bà Tư Vườn. Trước khi đi đấu tranh dặn chồng già ở lại, chỉ nơi mượn nợ nần để rủi có hy sinh ở lại thanh toán. Bà là một người phụ nữ lanh lẹ, xốc vác, không sợ hy sinh. Văn nói lưu loát dễ hiểu, tranh thủ binh sĩ địch: tranh nói với nó và thủ với mình. Địch bắt nhổ cây mắc cỡ, bắt vác gạch, đi đến đâu là vận động đến đó. Nó đốt khăn, đốt nón lấy tàu lá che….(trang 113)

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam nói chung, ở tỉnh Bến Tre nói riêng, phụ nữ là lực lượng xung kích, là “đội quân tóc dài” trên mặt trận đấu tranh chính trị. Qua nhật ký của nhà văn, anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân chúng ta có thể hiểu hơn về mặt trận đấu tranh này. Đó là khi đi đấu tranh chính trị, mấy bà già cầm gậy theo và những cây gậy ấy sẽ biến thành cây để căng biểu ngữ. Biểu ngữ thì đã được giấu trong mình. Khi bị địch tập trung vào sân banh phơi nắng, bắt viết khẩu hiệu đả đảo Hồ Chí Minh thì tranh thủ lúc lộn xộn, các bà, các chị đã viết thành đả đảo Ngô Đình Diệm. Những lúc địch tuyên truyền, để phản đối, các bà đã đồng thanh ho một lượt. Trong khi xung đột với địch, mấy bà phun bã trầu vào mặt lính, có khi lấy cây ngoáy trầu đâm vô tụi ác ôn (trang 131). Đó là Má Hai Lê Thị Ta, chi ủy viên xã Mỹ Thạnh, Ba Tri. Vào Đảng năm 1949, kết nạp ở miếu Giồng Chàm. Sáu năm đấu tranh chính trị, làm hầm bí mật, bưng đất đổ ngoài sông. Lính vô lấy ba trắc đánh lên đầu vẫn nhất định không khai (trang 217).

Sự kiện đấu tranh của hơn 12.000 đồng bào Bến Tre ngày 20/11/1965 với đa phần là những người phụ nữ đã được tác giả ghi chép lại như sau: Tại ngã tư Trúc Giang, lúc 5 giờ sáng, nắm yếu tố bất ngờ, 2.000 đồng bào lặng lẽ tay nắm tay chạy băng băng lên chiếm lộ. Những em bé nhỏ bám chặt vào cổ mẹ trong lúc mẹ xung phong, xõa khăn xõa tóc. Các mẹ già tay chỏi gậy, tay xách đãy trầu cũng xung phong, thỉnh thoảng hươ gậy động viên toàn quân tiến tới. Các chị mang thai thận trọng nhưng nhanh nhen cố bám chặt đội ngũ. Và những em bé đã theo mẹ xung phong trong lúc mang thai, lúc bám trên cổ mẹ rồi cũng ngồi tù, đi giao liên, cũng đảm đang chăm sóc các em cho mẹ. Cái tần tảo của người phụ nữ bắt đầu từ em bé gái tuổi 12 (trang 262).

Những người phụ nữ Bến Tre qua trang viết của tác giả không chỉ tham gia đấu tranh chính trị, bảo đảm hậu cần tại chỗ cho bộ đội diệt ác phá kiềm, gầy dựng cơ sở mà còn tham gia nổi dậy với khí thế tổng khởi nghĩa, phối hợp với các mũi giáp công, tấn công quyết liệt vào các cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền. Là từng đoàn người đi phá lộ, cuốc xẻng, chày vồ. Tiếng cười nói, đập đường nghe bịch bịch. Có các cô gái, cụ già. Đại bác địch ở Bến Tre bắn qua rần rần. Là các em gái nhỏ vác đạn đi trong đêm, là chú giao liên nhỏ tuổi ngày nào cũng đi từ Mỹ Chánh tới Châu Bình (trang 250). Là cô Hai Quàng – một người phụ nữ đang mang thai đã dũng cảm chọi 4 trái lựu đạn vào giặc nhưng lựu đạn không nổ phải ráng giữ 4 nhíp lựu đạn về trình bày với tổ chức, sợ mấy anh nói nữ sợ không dám rút nhíp (trang 98).

Là hình ảnh chị Ba (Ca Lê Du) tần tảo, vất vả. Ba đứa cháu nhỏ nheo nhóc nằm ngủ trong mùng cũ rách. Chị Ba may áo túi trong chắp vá bằng vải tang của ông nội. Hai vợ chồng cùng bận tham gia cách mạng, nhiều lần tranh cãi với nhau về vấn đề so sánh con mình và con người ta chỉ vì bận công tác không chăm sóc tốt. Có những lúc muốn xin rút công tác để về nuôi con. Không hiểu sức mạnh nào đã giúp chị có thể chịu đựng và công tác tốt. Chị là Đoàn trưởng phụ nữ xã, là một đảng viên. (Trang 54, 257)

Chiến tranh diễn ra ác liệt, cả dân tộc đều dốc sức cho cuộc kháng chiến. Những đôi lứa yêu nhau nhưng phải gác lại chuyện riêng. Đó là nỗi khoắc khoải, nhớ thương của những đôi lứa yêu nhau thiết tha, nhưng chấp nhận sống xa nhau vì nghĩa lớn…Chồng tham gia cách mạng bị bắt, địch thả lầm. Lính suốt hai tháng đến nằm vây quanh nhà, nằm im như có người chết. Vợ một đêm ăn 5 miếng trầu, thức phập phồng, sợ chồng về. Chồng nằm dựa mé sông, chỗ hai cây bần có dây cóc kèn phủ kín. Nước lớn ngập ướt cả mình mẩy, ở suốt hai tháng, ăn cơm nắm, uống nước sông. Người vợ biết chồng ở gần mình mà không sao gặp được. Ba mươi tết mà cứ ngồi lặng im (trang 143).

“Đội quân tóc dài” khai sinh từ mảnh đất Bến Tre và đi vào nhiều tác phẩm văn học, nhật ký, hồi ký của nhà văn, nhà thơ trong đó có nhà văn, anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân và đã trở thành biểu tượng đầy tự hào của phụ nữ miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua đấu tranh, đã xuất hiện biết bao tấm gương dũng cảm, thông minh khi trực diện đấu lý, đấu lẽ với địch và biết bao tấm gương kiên cường, bất khuất trước sự phản kích điên cuồng của kẻ thù.

Những người mẹ, người chị, người phụ nữ Bến Tre đi qua trang viết của Nhà văn, anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân có thể người còn sống, người đã mất nhưng thế hệ hôm nay sẽ luôn ghi nhớ công lao, sự đóng góp của họ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ đã mất đi nhưng hình ảnh “Đội quân tóc dài” Bến Tre sẽ trường tồn với dân tộc Việt Nam.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 12 năm 2015

Phạm Thị Diệu