DÌ SÁU TUYẾT- TẤM GƯƠNG SÁNG CHO THẾ HỆ TRẺ NOI THEO

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Sáu Tuyết) sinh năm 1925 trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học. Ba của bà là giáo viên Trường Làng tại xã Long Sơn, Cần Đước – Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Với tinh thần yêu nước, bà tham gia hoạt động tại tỉnh nhà từ năm 1946 đến tháng 6/1951. Đến tháng 7/1951, bà về công tác tại tỉnh Bà Rịa-Chợ Lớn với cương vị là Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng. Từ năm 1954 đến 1960, bà được Đảng phân công ở lại tiếp tục công tác với những cương vị khác nhau.

Nguyễn Thị Kim Voanh

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Sáu Tuyết) sinh năm 1925 trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học. Ba của bà là giáo viên Trường Làng tại xã Long Sơn, Cần Đước – Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Với tinh thần yêu nước, bà tham gia hoạt động tại tỉnh nhà từ năm 1946 đến tháng 6/1951. Đến tháng 7/1951, bà về công tác tại tỉnh Bà Rịa-Chợ Lớn với cương vị là Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng. Từ năm 1954 đến 1960, bà được Đảng phân công ở lại tiếp tục công tác với những cương vị khác nhau. Tại Đại hội lần thứ I Ban chấp hành Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 3/1965), bà giữ vai trò là ủy viên. Năm 1967, khu miền Đông giải thể để thành lập 5 phân khu chuẩn bị Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, bà Sáu Tuyết được Trung ương Cục điều về Ban phụ vận Trung ương Cục, phụ trách khu vực trọng điểm là năm phân khu tấn công vào đầu não địch trong tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Năm 1972, khu miền Đông được thành lập lại, bà được bố trí trở về khu miền Đông, giữ chức vụ Thường vụ Khu ủy, Trưởng ban Dân vận, Trưởng ban phụ vận, Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng miền Đông… Tháng 01/1974, tại Đại hội Phụ nữ Giải phóng miền Đông lần thứ III, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết tái đắc cử Hội trưởng Phụ nữ khu ủy miền Đông… Bà từng là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IV ( 1976 – 1982); giữ chức Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai và Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, bà Sáu Tuyết tham gia nghiên cứu viết lịch sử phụ nữ Nam bộ, gọi tắt là Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ- Tổ đã có công trong việc xây dựng Nhà truyền thống Phụ nữ, sau này là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Do đó, mượn cách gọi thân quen của các thế hệ viên chức Bảo tàng nói về “dì Sáu Tuyết”, chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc người phụ nữ đi đầu trong phong trào của phụ nữ miền Đông Nam bộ. Tổ sử phụ nữ Nam Bộ ra đời gồm 13 thành viên do bà Nguyễn Thị Thập phụ trách chỉ đạo chung và bà Nguyễn Thị Thu làm Tổ trưởng. Trong đó, dì Nguyễn Thị Bạch Tuyết – phụ trách mọi công tác trên mặt trận miền Đông Nam Bộ. Dì Sáu cùng các thành viên trong Tổ sử phụ nữ Nam Bộ tập trung tư liệu, kể cả tư liệu sống, ghi lại toàn bộ cuộc đấu tranh của phụ nữ Nam Bộ. Cuốn sách “Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ kháng chiến” đã tổng kết đầy đủ các nét mạnh và yếu của các thời kỳ, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sách cũng chưa đủ, cái gì cũng phải có bằng chứng cụ thể. Vì vậy, các thành viên trong Tổ sử phụ nữ Nam Bộ thiết lập ngay một một khu trưng bày hiện vật. Khu trưng bày lúc đầu nhỏ, dần dần phát triển rộng lớn hơn do tài liệu và hiện vật nhiều hơn đáp ứng yêu cầu của mọi người tham quan, nhất là lòng mong mỏi của chị em phụ nữ toàn Nam Bộ. Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam Bộ được thành lập vào ngày 29/4/1985 nhân kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/1985) và được đổi tên là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vào ngày 19/5/1990.

Trong suốt thời gian giữ những cương vị khác nhau trong tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ và chính quyền, dì Sáu đã đóng góp hết tâm sức và là “đầu tàu” trong phong trào phụ nữ miền Đông đấu tranh anh dũng bất khuất, kiên cường, tận tụy khi ở tiền tuyến cũng như vị trí hậu phương. Dì Sáu Tuyết đã đem hết tâm sức, dày công nghiên cứu khởi xướng và đóng góp những bài viết của mình vào tập sách “Ký ức Phụ nữ miền Đông” do ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Đồng Nai biên soạn. Đó là những bài viết về tấm gương người thật, việc thật, những nhân chứng lịch sử mang khí chất anh hùng, kiên trung, bất khuất, với những chiến công vẻ vang của quân và dân miền Đông.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Quyết thắng Hạng Nhất (năm 1967), Huân chương Chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất ( năm 1975), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ở bất kỳ vị trí công tác nào, bà đã cùng với tập thể nổ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như các thành tựu chung của Đảng và nhân dân.

Không chỉ là một vị lãnh đạo, dì Sáu là một đảng viên lão thành nghiêm túc, trách nhiệm, chỉn chu với công việc, dì Sáu Tuyết sinh thời luôn quan tâm đến phụ nữ và trẻ em. Mặc dù bận rộn với công việc nhưng thỉnh thoảng dì vẫn dành thời gian để trò chuyện với cán bộ Hội LHPN, nhất là cán bộ Hội còn trẻ. Dì Sáu thường kể những câu chuyện về những tấm gương phụ nữ trong kháng chiến trong hòa bình, qua đó nhắc nhở cán bộ Hội phải luôn giữ gìn sự đoàn kết, thương yêu, chia sẻ với nhau trong công việc, cũng như trong cuộc sống. Đặc biệt, không chỉ quan tâm, giáo dục cán bộ Hội bằng lời nói, dì Sáu còn làm gương bằng hành động cụ thể thông qua hoạt động của CLB Cán bộ Hội Phụ nữ hưu trí. Mục đích của CLB thành lập ra không chỉ tập hợp những cán bộ Hội Phụ nữ hưu trí mà hoạt động chính là để hỗ trợ nhau lúc khó khăn, để hỗ trợ những hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh sự quan tâm đối với phụ nữ, khi còn sống, dì Sáu Tuyết còn đặc biệt dành sự quan tâm đối với trẻ em. Sau khi nghỉ hưu theo chính sách, mỗi năm 2-3 lần, dì Sáu Tuyết đều dành phần lương hưu của mình để ủng hộ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em. Dù tuổi cao nhưng dì vẫn đồng hành cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em đi đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh để tặng quà. Những năm cuối đời, sức khỏe yếu không thể đi lại được, nhưng trước Ngày quốc tế Thiếu nhi, dì vẫn không quên gọi điện và nhờ người thân đem tiền đến ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em với mong muốn có thêm những phần quà dành tặng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Người phụ nữ với vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói sang sảng và gần như không quên những chuyện thời xa xưa đã về cùng đồng đội, cùng một số dì thành viên Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ vào lúc 06 giờ 15 phút, ngày 22 tháng 8 năm 2021 (nhằm ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu), hưởng thọ 97 tuổi.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 01 năm 2022

Nguyễn Thị Kim Voanh

Phòng Truyền thông- Giáo dục và Quan hệ Quốc tế

Tham khảo:

1. http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202108/thuong-tiec-vinh-biet-ba-nguyen-bach-tuyet-tam-guong-sang-cho-can-bo-dang-vien-noi-theo

2. https://baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201405/ba-nguyen-thi-bach-tuyet-dau-tau-phong-trao-phu-nu-mien-dong

3. Tổ sử phụ nữ Nam Bộ (1997), Mười hai năm một chặng đường, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Tp. Hồ Chí Minh.