DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CÁC BẢO TÀNG

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CÁC BẢO TÀNG:

VAI TRÒ, CÁCH THỨC THỂ HIỆN

Di sản văn hóa phi vật thể chính là di sản văn hóa dưới dạng vật chất (chẳng hạn như các lễ hội, các nghi thức, ngôn ngữ, âm nhạc và phong tục tập quán truyền miệng). Trong văn học nghệ thuật, người ta luôn nhấn mạnh di sản văn hóa vật thể (những hiện vật có từ rất lâu) và coi loại hình văn hóa này là kho tàng di sản văn hóa quốc gia, trong khi đó ý nghĩa và giá trị văn hóa của loại hình văn hóa phi vật thể lại không được công nhận một cách đầy đủ – nhất là di sản văn hóa phi vật thể trong các bảo tàng.

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CÁC BẢO TÀNG:

VAI TRÒ, CÁCH THỨC THỂ HIỆN

Di sản văn hóa phi vật thể chính là di sản văn hóa dưới dạng vật chất (chẳng hạn như các lễ hội, các nghi thức, ngôn ngữ, âm nhạc và phong tục tập quán truyền miệng). Trong văn học nghệ thuật, người ta luôn nhấn mạnh di sản văn hóa vật thể (những hiện vật có từ rất lâu) và coi loại hình văn hóa này là kho tàng di sản văn hóa quốc gia, trong khi đó ý nghĩa và giá trị văn hóa của loại hình văn hóa phi vật thể lại không được công nhận một cách đầy đủ – nhất là di sản văn hóa phi vật thể trong các bảo tàng.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, loại hình văn hóa phi vật thể đã được nhìn nhận một cách đúng mức hơn và người ta đã phần nào đó thừa nhận ý nghĩa văn hóa và lịch sử của loại hình di sản văn hóa. Gần như người ta đã thừa nhận ý nghĩa của di sản văn hóa phi vật thể với tư cách là các giá trị về thẩm mỹ, tinh thần và biểu tượng của di sản văn hóa vật thể.

Chúng ta thật không công bằng khi nói rằng các di sản văn hóa phi vật thể có những ý nghĩa tượng trưng phong phú và là biểu tượng của quốc gia thường bắt nguồn từ di sản văn hóa vật thể. Ý nghĩa phong phú và rộng lớn của di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần phát triển du lịch về di sản văn hóa và thông qua đó giới thiệu cũng như đề cao được bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời khẳng định quyền sở hữu của một dân tộc đối với các di sản văn hóa. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, du lịch di sản văn hóa có mối quan hệ mật thiết với bối cảnh du lịch trong nước, trong tỉnh, thành và bảo tàng. Bên cạnh đó mở ra cho các tỉnh, thành cơ hội để tìm hiểu và khẳng định quá trình kế tục văn hóa truyền thống của địa phương mình từ những buổi sơ khai.

Thật là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa đối với nền văn hóa dân tộc khi chúng ta đưa ra quan điểm cho rằng: không chỉ các yếu tố văn hóa phi vật thể như các di vật khảo cổ hay các di tích lịch sử mà cả di sản văn hóa phi vật thể và những nguồn tư liệu văn hóa phi vật chất là những yếu tố cơ bản góp phần tạo nên hình tượng và khái niệm về văn hóa dân tộc. Với tư cách là yếu tố đại diện cho di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc và của tỉnh, thành mình, các lễ hội truyền thống đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát huy tinh thần dân tộc. Hơn nữa, việc xem và đánh giá về các lễ hội truyền thống có liên quan mật thiết đến công tác khôi phục và tổ chức biểu diễn nghệ thuật văn hóa truyền thống trong bối cảnh những thay đổi trên phương diện kinh tế và văn hóa xã hội đang diễn ra nhanh chóng dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách đối với các bảo tàng.

Bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam đã phát triển rất mạnh qua công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng người dân khỏi ách đô hộ, trong các hoạt động văn hóa vật thể và phi vật thể thì các lễ hội bao giờ cũng chiếm vị trí hàng đầu. Theo quan điểm này thì việc bảo tàng tạo dựng hình ảnh trong các lễ hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác có hơn 1,3 triệu đồng bào Khmer sinh sống chủ yếu tại miền Tây Nam bộ, là dân tộc có chữ viết riêng, từ lâu đời đồng bào Khmer đã biết ghi chép những sáng tác dân gian cũng như những tư liệu tôn giáo trên sa tra, kờ răng để lưu truyền. Họ cũng có nhiều loại hình nghệ thuật rất độc đáo như: hát múa Rô Băm, nghệ thuật sân khấu kịch hát Dù Kê, nghệ thuật điêu khắc, trang trí, hội họa, âm nhạc, hát, múa, văn học dân gian, lễ hội đua ghe ngo …

Đặc biệt, đồng bào Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đang kế thừa một di sản văn hóa vô giá, đó là kho tàng nhạc khí dân tộc rất phong phú, đa dạng, mang đặc trưng văn hóa của đồng bào Khmer, trong đó có nghệ thuật Chầm riêng chà pây (chầm riêng nghĩa là hát, chà pây tức là cây đàn chà pây), một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có từ lâu đời. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu văn hóa Khmer vẫn chưa xác định được Chầm riêng chà pây xuất phát từ đâu và có từ khi nào. Nhưng ở Sóc Trăng nói riêng và Tây Nam bộ nói chung, nhất là những vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống thì nghệ thuật này khá phổ biến trong những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đây là loại hình nghệ thuật độc xướng với đàn chà pây đệm theo.

Giống như hát xẩm ở miền Bắc, người chơi Chầm riêng chà pây phải tự mình biết chơi nhạc cụ. Nhạc cụ ở đây chỉ có độc nhất là cây đàn chà pây loại nhạc khí dây gảy. Đàn chà pây có cần đàn dài, thùng đàn to với nhiều kiểu như: hình thang cân, hình lá bồ đề, hình trái thơm (dứa) và gần giống như đàn đáy của người Việt, nhưng 4 góc thùng đàn được cắt tròn chứ không vuông góc. Đàn chà pây có 12 phím đàn, theo hệ thống thang âm ngũ cung. Cấu tạo đàn chà pây gồm có các bộ phận thùng đàn, dọc đàn (cần đàn), dây đàn, bộ phận lên dây và phím gảy đàn. Đàn chà pây có màu âm trầm ấm, sâu lắng, phù hợp với những thể loại nhạc tự sự, tình cảm êm đềm, lắng đọng, tầm âm đàn chà pây khoảng 2 quãng 8. Đàn chà pây thường được sử dụng cho đơn ca độc tấu, gọi là “ca kể chuyện”.

Ngoài ra, nhạc cụ này còn được sử dụng trong dàn nhạc lễ cưới hoặc cúng thần gọi là chà pây đon vênh; sử dụng để đệm cho hát múa song ca nam nữ đối đáp (a day đối đáp). Do cấu tạo cần đàn khá đặc biệt và độc đáo nên nghệ nhân cần phải có kỹ thuật tay trái linh hoạt và điêu luyện.

Nghệ nhân Chầm riêng chà pây thường dựa vào cốt truyện để ứng tác thành những đoạn thơ, chủ yếu là thể thơ 4 câu, mỗi câu 7 chữ để hát. Trong lúc diễn tấu, nghệ nhân đàn từng đoạn nhạc sau đó tự hát từng câu ứng tác về một đề tài đã chuẩn bị sẵn. Bài bản không chỉ là những tác phẩm đã soạn sẵn mà còn do nghệ nhân ngẫu hứng ứng tác nhanh tại chỗ để độc diễn. Không gian và thời gian của một cuộc biểu diễn Chầm riêng chà pây cũng rất tự do, không bị ràng buộc bởi một quy định nào.

Tùy ngữ cảnh, người nghệ nhân có thể biểu diễn kéo dài từ 1-2 giờ, trong những cuộc vui như đám cưới, hay các lễ hội lớn trong làng, người chơi Chầm riêng chà pây có thể ứng tác và say mê đàn hát từ lúc hoàng hôn xuống cho đến tận tinh mơ sáng hôm sau. Do lời thơ chủ yếu là được ứng tác, do tài nghệ riêng của từng nghệ nhân nên từ khúc nhạc dạo, câu nhạc đệm cùng với cách luyến láy và khúc nhạc kết đến giọng điệu của mỗi người tạo nên sắc thái độc đáo riêng, đây chính là nét độc đáo nhất của loại hình nghệ thuật dân gian này.

Điệu thức Chầm riêng chà pây gồm: Phát chây, Phát chây cớt, Som phôn, Som phôn cớt, Ang kô reach chơn prây srây, Ang kô reach chơn prây rốs. Để có một buổi biểu diễn thành công, thì người chơi phải kết hợp rất nhiều yếu tố, tay đàn phải điêu luyện, ca từ phải vần, người hát phải ứng tác thật bài bản hợp với chủ đề, hợp với điệu nhạc… Vì vậy, nghệ nhân Chầm riêng chà pây ngoài việc có giọng tốt, biết đàn hay, còn cần phải có một vốn kiến thức sâu rộng cả ngoài đời và trong sách vở, đặc biệt là trong sa tra (sách lá buông) của đồng bào Khmer, và cũng cần phải có năng khiếu mới có thể ứng tác biểu diễn thành công.

Do những đặc thù và yêu cầu đòi hỏi khắt khe của loại hình nghệ thuật này mà hiện nay, những nghệ nhân biết đàn hát Chầm riêng chà pây ở Nam bộ không có nhiều. Chầm riêng chà pây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo và phổ biến trong các phum sóc của đồng bào Khmer trước đây. Thế nhưng hiện nay, số người biết đàn hát Chầm riêng chà pây ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn lại vài người. Có thể kể đến nghệ nhân Lý Sêm (Sóc Trăng) là một điển hình. Điều đáng nói là hầu hết các nghệ nhân này đều đã cao tuổi, nhưng thế hệ kế thừa thì rất hiếm hoi, Vì vậy, loại hình nghệ thuật được xem là tinh hoa của đồng bào Khmer đang mai một và có nguy cơ mất hẳn trong thời gian không xa. Vấn đề ở đây, là các bảo tàng phải có phương thức cụ thể để thể hiện rõ vai trò và cách thức thể hiện các di sản văn hóa phi vật thể mà bảo tàng mình quản lý ngày càng phát triển hơn, nếu không có kế hoạch lâu dài thì các di sản văn hóa phi vật thể sẽ ngày càng bị lãng quên và mai một.

Hiện nay, UNESCO đã chính thức vinh danh loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử của Việt Nam trong Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, trước khi được UNESCO công nhận, thì loại hình nghệ thuật này đã được luân phiên tổ chức biểu diễn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Nam bộ được tổ chức tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng lần thứ 7 năm 2013 và mới đây nhất là ở tỉnh Bạc Liêu.

Những di sản văn hóa truyền thống của tỉnh Sóc Trăng hết sức phong phú và đa dạng về cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo nên những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể ví Sóc Trăng như một hình ảnh thu nhỏ của văn hóa đa tộc, bởi mảnh đất này đang lưu giữ một bề dày giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc với một kho tàng dân ca, tuồng tích, điệu múa cổ… hết sức phong phú, đặc sắc như: đờn ca tài tử, cải lương (dân tộc Kinh), sân khấu rô băm, kịch hát dù kê, nhạc ngũ âm (Khmer) hí kịch, tồ lầu cấu (Hoa)… Bên cạnh đó là lễ hội dân gian mang nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc và đa dạng, với phần “lễ” trang trọng và phần “hội” đậm đà truyền thống như: Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe Ngo, lễ hội mùng 5 tháng 5 (Tết Đoan Ngọ), lễ hội nghinh Ông, lễ cúng thanh minh, Phước Biển, Thắt Côn… Các giá trị văn hóa ấy luôn được bảo lưu trao truyền, bổ sung, sáng tạo qua các thế hệ theo chiều hướng tích cực, hòa chung trong “dòng chảy” của cộng đồng văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Các di sản văn hóa của tỉnh không chỉ có giá trị trong việc giáo dục tri thức, hình thành nhân cách con người, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh đã và đang phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của mình trong việc quảng bá hình ảnh quê hương, phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách, các nhà đầu tư đến Sóc Trăng tìm hiểu khám phá và lựa chọn cơ hội đầu tư.

Cùng với việc khôi phục và tôn tạo các di tích và lễ hội, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng còn chú trọng đến việc bảo tồn vốn văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh: phối hợp với Phân Viện Văn hóa – Nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 12 đề tài về bảo tồn văn hóa phi vật thể như: Lễ cưới truyền thống của người Khmer, Lễ hội Lôi Protip (thả đèn nước), Lễ hạ thủy ghe Ngo, Lễ hội cúng trăng… thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình âm nhạc, sân khấu dân gian truyền thống đặc sắc, độc đáo của các dân tộc như: nhạc ngũ âm, múa lâm thôn, sân khấu Rôbăm – hát Dù Kê…; phục dựng lễ hội Lôiprôtip (thả đèn nước), các nghi thức lễ cúng trăng và Ooc om boc (đút cốm dẹp), các trò chơi dân gian của các dân tộc, tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật cho các nghệ sĩ và con em người Khmer…; tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Hoa, Khmer; Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, đờn ca tài tử… đồng thời, thực hiện 35 dự án do Quỹ Đan Mạch tài trợ cho văn hóa vùng đồng bào dân tộc ít người. Đặc biệt năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phân viện Văn hóa – Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Óoc Om Boc – Đua ghe Ngo” của đồng bào Khmer để lấy cơ sở nâng cấp Lễ hội Óoc Om Boc – Đua ghe Ngo thành “Festival Óoc Om Boc – Đua ghe Ngo”.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng, gần đây công chúng rất quan tâm đến di sản văn hóa phi vật thể của địa phương và truyền thống dân tộc trong bối cảnh du lịch phát triển, qua đó có thể khẳng định được bản sắc văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Hiểu được phép biện chứng giữa tính địa phương và tính toàn cầu sẽ góp phần quan trọng vào nhận thức của chúng ta đối với việc ứng xử văn hóa truyền thống trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang có sự chuyển biến rất nhanh về văn hóa, đặc biệt các di sản văn hóa phi vật thể cần được coi là những tác động quan trọng nhất của lễ hội.

TP.HCM, ngày 27 tháng 5 năm 2014

HỒ NGỌC PHƯƠNG

Viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ