DI SẢN VĂN HÓA MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

DI SẢN VĂN HÓA MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

TẠI BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

 

Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009): Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

DI SẢN VĂN HÓA MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

TẠI BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

          Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009): Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nếu như trước đây bảo tàng truyền thống quan tâm đến việc bảo quản và bảo vệ di sản vật thể, những tư liệu khoa học không bị hư hao qua thời gian để phục vụ cho nghiên cứu và giáo dục thì ngày nay nguyên tắc của bảo tàng mới được mở rộng hơn, trọng tâm của bảo tàng đã chuyển từ tập trung vào các hiện vật và những sưu tập sang những con người mà ẩn chứa trong các hiện vật là những câu chuyện kể về lịch sử, văn hóa, đời sống xã hội cũng như những vấn đề đương đại và những cuộc đấu tranh của con người.
Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ (trước đây là Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ) được xem là bảo tàng về giới đầu tiên ở Nam Bộ ra đời từ sự vận động đóng góp của các cá nhân và tập thể nhằm đáp ứng nguyện vọng của các má, các dì là muốn lưu giữ lại những tư liệu về truyền thống đấu tranh kiên cường của người phụ nữ Việt Nam cho thế hệ trẻ. Năm 2011, Bảo tàng phụ nữ Nam bộ đã có bước đột phá mới trong lĩnh vực sưu tầm tư liệu về Mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh. Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh được đúc kết từ 1.902 bà Mẹ mà Bảo tàng đã tiếp xúc và nghiên cứu hồ sơ cùng với những câu chuyện kể về Mẹ và số hiện vật gốc được gia đình hiến tặng cho bảo tàng đã là những tài sản vô giá để bảo tàng lưu giữ cho đời sau.
Mỗi bà mẹ có một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả chỉ có một điểm chung tương đồng dễ thấy đó là khi Tổ quốc lâm nguy, các Mẹ sẵn sàng cho con mình lên đường đi đánh giặc, thậm chí có Mẹ sẵn sàng hy sinh cả thân mình vì Tổ quốc, quê hương. Qua những câu chuyện do Mẹ kể hay do người thân của các Mẹ đã mất kể lại với cán bộ sưu tầm đều thấy rõ hình ảnh kiên cường, đấu tranh với giặc bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong thời kỳ kháng chiến, Mẹ đã thay chồng làm lụng để nuôi con bằng những công việc hàng ngày như làm ruộng, làm rẫy, xay lúa, giã gạo, buôn gánh bán bưng… Mẹ cần kiệm từng đồng để tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men phục vụ kháng chiến. Cũng có những người Mẹ làm giao liên, dẫn đường cho bộ đội ra vào hoạt động, tham gia tải thương, biểu tình chống dồn dân vào ấp chiến lược; những bà Mẹ làm công tác binh vận, dân vận… Không chỉ làm ruộng, làm rẫy, còn có những người Mẹ dấn thân vào hoạt động Cách mạng, không ít Mẹ làm công tác tình báo, quân báo…
Để có thể giới thiệu rộng rãi đến công chúng những câu chuyện kể thông qua hiện vật của Mẹ Việt Nam anh hùng đòi hỏi những người làm công tác bảo tàng phải linh hoạt, nghiên cứu phải chú trọng đến sự hợp tác của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa này một cách tốt nhất. Đối với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, các chuyên đề trưng bày luôn đặt vị trí, vai trò của người phụ nữ dù trong thời chiến hay thời bình cũng quan trọng và cần thiết như nhau. Với chuyên đề về Mẹ Việt Nam anh hùng, các bạn trẻ đến và cảm nhận rõ hơn và học được nhiều bài học lịch sử, hiểu được những mất mát của các Dì, các Má, các Chị- những người phụ nữ bình dị nhưng anh hùng, đã hy sinh chồng, con, em, thậm chí cả bản thân vì nền độc lập, tự do dân tộc. Hiểu lịch sử, biết lịch sử để yêu cái quý giá của hòa bình, tự do của dân tộc, để học tập thật giỏi tiếp bước các Dì, các Má để xây dựng non sông ngày một tươi đẹp, hiện đại, văn minh hơn. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, hiểu lịch sử để tiếp tục khẳng định chủ quyền trên biển Đông và đoàn kết, thống nhất, chấp hành các chủ trương của Đảng và Nhà nước để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thân yêu của Tổ quốc.

Việc đầu tư vào cơ sở vật chất nhằm trang bị những phương tiện kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu bảo quản hiện vật cũng là một vấn đề mang tính cấp bách mà ban lãnh đạo quan tâm. Với các hiện vật được hiến tặng từ chính Mẹ Việt Nam anh hùng hay từ những người thân của các Mẹ đã mất như những chiếc áo dài, bình vôi ăn trầu, giỏ đi chợ (thật ra là vật dụng ngụy trang để chuyển thư từ liên lạc, vũ khí, bánh trái cho du kích…) … đều được các cán bộ bảo quản nâng niu, trân trọng.
Bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở vật chất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá với nhiều hình thức như bảo tàng đã tổ chức cuộc giao lưu các Mẹ Việt Nam anh hùng với sinh viên, học sinh, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ Hội phụ nữ. Tiếp đó là tổ chức trưng bày chuyên đề “Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh” tại bảo tàng và đi trưng bày lưu động ở nhiều nơi nhằm giới thiệu chân dung, hiện vật của các Mẹ mà bảo tàng đã sưu tầm được đến với công chúng. Không dừng lại ở đó, Bảo tàng còn phối hợp với hãng phim để thực hiện phim về chân dung của 164 Mẹ còn sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phát động cuộc thi viết cảm nhận về Mẹ Việt Nam anh hùng đến cán bộ, công nhân viên, giáo viên và học sinh. Cuộc thi đã thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Tại cuộc thi đã có nhiều bài cảm nhận hay và xúc động khi thể hiện tình cảm chân thật với những tấm gương Mẹ Việt Nam anh hùng. Trên website của bảo tàng cũng thường xuyên giới thiệu với bạn đọc những bài viết về Mẹ, về những kỷ vật gắn với cuộc đời và sinh hoạt của Mẹ. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiệm vụ tiếp tục cập nhật thông tin về những Mẹ Việt Nam anh hùng mới được truy tặng là trách nhiệm của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, của những người nghiên cứu truyền thống đấu tránh cách mạng của phụ nữ miền Nam.
Công tác tuyên truyền với các chương trình đưa học sinh, sinh viên đến với bảo tàng như “Hành trình đến với bảo tàng”, “Bảo tàng- ngôi nhà chung của chúng em”… đã và đang thu hút rất đông các em học sinh đến với bảo tàng. Tập cho trẻ em đến với bảo tàng, học ở bảo tàng chính là bài học mà các nước trên thế giới áp dụng. Bởi phải hiểu đúng lịch sử, tự hào về các thế hệ đi trước, tiếp bước truyền thống cha ông làm cho quốc gia phát triển có sức ảnh hưởng trong khu vực là nhiệm vụ quan trọng mà thế hệ trẻ đang kế thừa.

Có lẽ hơn ai hết những người làm công tác bảo tàng luôn mong muốn di sản văn hóa Mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được công chúng biết đến nhiều hơn, được giới thiệu rộng khắp từ nông thôn đến thành thị, từ những vùng sâu, vùng xa, những nơi mà điều kiện còn thiếu thốn để tuyên truyền, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Để có thể thực hiện được điều đó đòi hỏi phải có sự giúp sức của cộng đồng, của địa phương và của những cộng tác viên của bảo tàng. Và biết đâu trong một tương lai gần, có thể mang ra giới thiệu với thế giới những di sản văn hóa Mẹ Việt Nam anh hùng – nét độc đáo riêng của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

TP.HCM, ngày 27 tháng 5 năm 2014

NGUYỄN THỊ THU HỒNG

Trưởng Phòng Hành chánh – Tổng hợp

Học viên lớp Cao học QLVH K1- Đại học Văn hóa TPHCM