CÔNG TÁC GIÁO DỤC LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG CHO THANH THIẾU NHI THÀNH PHỐ TẠI BẢO TÀNG

Lịch sử là một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú, là dòng chảy phát triển không ngừng đến ngày nay và cả mai sau. Tuyên truyền, giáo dục truyền thống và lịch sử có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng con người mới, nhớ về cội nguồn với những hy sinh cao đẹp của cha ông cho đất nước, có tác dụng nuôi dưỡng tư tưởng và tâm hồn thế hệ trẻ để giúp họ sống và làm việc xứng đáng với thế hệ đi trước. Giáo dục truyền thống và lịch sử là góp phần nâng cao kiến thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống địa phương, giúp mọi người hiểu đầy đủ hơn về nơi mình sinh ra, lớn lên và có trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc… Giáo dục lịch sử truyền thống là nguồn kiến thức vô cùng quan trọng, quý giá, góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Cùng với hệ thống Bảo tàng cả nước, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đóng góp tích cực trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống. Thông qua hoạt động đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng và công chúng đến với bảo tàng, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục còn góp phần nâng cao trình độ dân trí, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, giáo dục những truyền thống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam đến với thế hệ mai sau.

Trong hoạt động giáo dục, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã vận dụng nhiều hình thức mới nhằm thu hút khách tham quan: tổ chức các chương trình giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, các nữ anh hùng trong chiến đấu và trong lao động sản xuất, những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; những nhà khoa học nữ; những người phụ nữ thành đạt… với thế hệ trẻ. Qua các buổi gặp gỡ, giao lưu này nhiều bạn trẻ đã có thêm kiến thức, ý thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình, cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố tổ chức cuộc thi đố vui tìm hiểu về “Những ngôi trường mang tên phụ nữ gắn với lịch sử dân tộc” cho các em học sinh; tổ chức cuộc thi ảnh hằng năm với nhiều chủ đề phong phú đề cao vai trò của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước …

Với quan điểm không thụ động ngồi chờ khách tham quan đến với mình hoặc chỉ dựa vào hệ thống trưng bày cố định để phục vụ khách tham quan; trong những năm gần đây, công tác giáo dục của bảo tàng càng được đẩy mạnh, tổ chức các hoạt động giáo dục hấp dẫn nhằm thu hút công chúng ở mọi lứa tuổi khác nhau đến với bảo tàng, phòng trải nghiệm… giúp họ dể hiểu, dể hình dung về các nghề truyền thống có sự đồng hành của phụ nữ.

Ngoài việc xây dựng các hoạt động cho phòng khám phá, thư viện của bảo tàng với hàng ngàn đầu sách về phụ nữ trên tất cả mọi lĩnh vực sẵn sàng phục vụ bạn đọc,  các nhà nghiên cứu cùng không gian đọc sách tĩnh lặng.

Để thực hiện tốt chức năng giáo dục, phát huy tốt hơn nữa vai trò của bảo tàng trong đời sống xã hội, để bảo tàng thật sự hấp dẫn, thu hút khách tham quan ngày một đông hơn, các bảo tàng không ngừng đổi mới. Trước hết, là việc đón tiếp khách, thuyết minh tại bảo tàng. Đây là nhiệm vụ hàng đầu và có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút khách tham quan quay trở lại bảo tàng.

– Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với học sinh cấp 1;2;3) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với sinh viên) để thực hiện công tác giáo dục ngoài nhà trường.

Với đối tượng công chúng là các em học sinh, cùng với việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, tạo lập không gian văn hóa thích hợp để học sinh được tham gia hoạt động trải nghiệm, sáng tạo tại bảo tàng, thì sự phối hợp và liên kết chặt chẽ giữa bảo tàng với ngành giáo dục, với trường học sẽ giúp cho các chương trình giáo dục đạt hiệu quả cao hơn.

– Trưng bày, triển lãm lưu động tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thành phố và các khu công nghiệp.

– Trong hoạt động giáo dục, Bảo tàng tổ chức các chương trình giao lưu, tọa đàm khoa học hàng năm. Thông qua các hội thi, các buổi giao lưu, tọa đàm, hội thảo… đoàn viên thanh niên, học sinh hiểu hơn về truyền thống lịch sử của dân tộc.

– Thường xuyên nghiên cứu và có các bài viết, thông tin hoạt động của bảo tàng  trên website và trang fanpage của bảo tàng. Phối hợp cùng các cơ quan truyền thông: báo chí, phát thanh, truyền hình… giới thiệu, quảng bá hoạt động của bảo tàng.

Và cuối cùng, công tác giáo dục của bảo tàng có đạt được hiệu quả hay không, không thể không nói đến vai trò của các cán bộ giáo dục, để thực sự là cầu nối giữa bảo tàng và công chúng. Các cán bộ giáo dục có một vai trò rất quan trọng, họ là những người được đào tạo, có sự hiểu biết về bảo tàng và các sưu tập bảo tàng, có nhiệm vụ giúp công chúng – đặc biệt là trẻ em với việc học tại bảo tàng.

Hình ảnh học sinh các trường thăm quan thực tế tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Tóm lại, trong giai đoạn hiện nay, công tác giáo dục lịch sử và truyền thống cho thế hệ trẻ của bảo tàng đòi hỏi phải năng động, ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày để đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng trẻ. Có như vậy, mới đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các bạn trẻ và ý thức đến với bảo tàng.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 12 năm 2023

Phạm Tuấn Trường

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *