CẢM XÚC MẸ

Cuộc thi thuyết trình “Câu chuyện kể về Mẹ Việt Nam Anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh” là vòng 2 của cuộc thi viết cảm nhận về Mẹ Việt Nam Anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh, do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ phối hợp cùng Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố phát động hơn một năm qua; cuộc thi bước vào vòng chung khảo với 40/5.544 bài viết dự thi, được tổ chức vào ngày 25/7/2013.

Cuộc thi thuyết trình “Câu chuyện kể về Mẹ Việt Nam Anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh” là vòng 2 của cuộc thi viết cảm nhận về Mẹ Việt Nam Anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh, do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ phối hợp cùng Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố phát động hơn một năm qua; cuộc thi bước vào vòng chung khảo với 40/5.544 bài viết dự thi, được tổ chức vào ngày 25/7/2013. Thật hiếm có một cuộc thi mà cả thí sinh, ban giám khảo lẫn khách mời trong khán phòng đều hòa chung những giọt nước mắt. Mỗi thí sinh chỉ có 10 phút thể hiện cảm xúc của mình về cuộc đời dài rộng, với những hy sinh, mất mát, nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi cảm nhận về mẹ là một lát cắt cảm xúc, dù thoáng qua nhưng có sức lay động mãnh liệt trái tim người đang sống.

Chị Lê Thị Nhung, giáo viên trường Võ Thị Sáu khi nói về cuộc đời mẹ Nguyễn Thị Lánh ở Củ Chi- một bà mẹ có chồng và ba con hy sinh. Thật dễ hiểu vì sao mẹ khao khát hòa bình đến vậy. Trưa ngày 29/4/1975, mẹ dũng cảm xông vào chi khu Cảnh sát Củ Chi, treo cao cờ giải phóng ngay trước lô cốt địch. Nơi mẹ treo cờ năm xưa nay đặt tượng đài “Củ Chi đất thép thành đồng”. Chứng kiến nỗi cô đơn của mẹ những năm cuối đời, chị ao ước mình biến thành cô Tấm để mang lại cho mẹ điều giản dị nhất của đời người: được sum vầy bên con cháu. Nhưng ước mơ bé nhỏ, giản dị ấy với mẹ mãi mãi là không thể và vì thế mà chị luôn mang trong lòng món nợ với mẹ. Chị Huỳnh Thị Tám- giáo viên trường THCS Ngô Tất Tố, Phú Nhuận truyền dẫn cảm xúc câu nói đầy ấn tượng của Bà mẹ VNAH Đào Thị Nhiệp: “Ai cũng khư khư giữ con trong tay thì lấy ai đánh giặc”. Trước nỗi cô đơn của mẹ trong ngôi nhà trống trải ngày tết, chị cảm nhận: “Với lòng đa cảm, ai cũng giả định nếu như trên đời này có một phép tiên. Nhưng phép tiên muốn có trong đời thực khi phải từ tấm lòng của những người còn sống. Hãy đến bên mẹ, làm một điều gì cụ thể, dù bé nhỏ với mẹ!”.

Chị Huỳnh Thị Tâm- giáo viên trường THCS Tân Xuân khi viết về mẹ VNAH Võ Thị Hồi, Hóc Môn có ấn tượng sâu sắc về giếng nước nhà mẹ. Giếng nước vô tri ấy lại là chứng nhân của nhiều lần mẹ tiễn con đi lo việc nước non, trong đó 4 lần con mẹ vĩnh viễn không trở về. Một bà mẹ bám đất giữ vườn, đào hầm nuôi cán bộ, vào tù ra khám, không tiếc gì cho cách mạng. Khi con gái hy sinh, địch đưa mẹ đến nhận xác, hỏi mẹ còn đọc thơ tuyên truyền cách mạng không. Mẹ nuốt nước mắt vào trong, từ từ cất lời: “Có. Hồi còn sống, con gái tôi rất thích tôi đọc câu này: “Phấn son tô điểm sơn hà/ Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”. Trước một bà mẹ cao lớn lồng lộng như vậy, làm sao địch không cúi đầu trước mẹ.

Cô giáo Nguyễn Thị Như Trang, trường THPT Lê Thánh Tôn cảm nhận sâu sắc câu nói giản dị của Mẹ Phạm Thị Mười, quận 7: “Đánh giặc mình chờ chi ai”. Vì không chờ ai khác đánh giặc mà mẹ lần lượt tiễn các con ra đi. “Có chiến thắng nào mà không mất mát đâu con!”. Mẹ cười nhẹ tênh nhưng lòng chị đau nhói, ngậm ngùi. Chị nói chính cuộc đời các mẹ đã giúp chị mang xúc cảm đến với học sinh giờ văn. Không bài học nào rời xa tình yêu nước! Thật cảm động khi cuộc thi viết về mẹ thu hút không ít giáo viên mầm non, tiểu học. Các cô vô cùng bận rộn nhưng đã dành những ngày nghỉ quý báu đến gặp mẹ, sống cùng mẹ với nỗi đau, nước mắt. Cô giáo Thạch Mỹ Hòa, trường tiểu học Trần Văn Ơn khi viết về mẹ Trương Thị Niếu, phường Tân Thới hiệp, quận 12 hòa cùng mẹ những giọt nước mắt khi người con trai duy nhứt không trở về. Nhiều năm rồi mẹ đi tìm hài cốt con. “Mẹ tìm mộ anh khắp nơi. Cứ nghe ở đâu có tin là mẹ lại đi. Ngày ngày mẹ khấn, mong anh nằm ở đâu thì báo mộng cho mẹ, nhưng lần nào mẹ cũng ngậm ngùi…”. Sau chiến tranh, có biết bao bà mẹ sống với nỗi khắc khoải như mẹ Niếu. Rồi chính mẹ lại an ủi lại chị: “Mẹ già rồi, không còn sức đi tìm mộ con nữa. Thôi, nó nằm lại ở đâu cũng là nằm trên đất nước mình. Chắc ở một nơi nào đó, con mẹ cũng được chăm sóc…”. Từ nỗi đau của mẹ, chị trăn trở trước những trang giáo án: “Với học sinh tiểu học, những mầm non của đất nước, tâm hồn các em còn trong sáng, tinh khôi. Chính vì vậy, tôi ý thức được công việc của mình sẽ là những khai phá, những uốn nắn đầu tiên để những mầm non ấy luôn mọc thẳng. Tôi mong muốn thổi vào những tâm hồn trong sáng thơ ngây ấy những tình cảm tốt đẹp về quê hương đất nước, về con người và dân tộc Việt Nam. Các em lớn lên phải biết nhìn về quá khứ, biết ơn các thành quả mà thế hệ cha anh đã gầy dựng nên. Để làm được việc đó, không chỉ cần sự cố gắng của thầy cô mà cần cả sự chung tay góp sức của toàn xã hội”.

Nhiều thí sinh nam đến với cuộc thi “Viết về mẹ” cũng là điều dễ hiểu, bởi mẹ sinh ra những đứa con gái, con trai và tình thương của mẹ dành cho các con là vô bờ bến. Anh Huỳnh thanh Phú- Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Linh khi đến với mẹ Đoàn Thị Thê, Cần Giờ đã không ngăn được dòng nước mắt. Anh lặng đi trong căn phòng bé nhỏ chỉ 9 mét vuông nhưng chứa đựng 3 thế hệ bà mẹ VNAH, để rồi bất ngờ thốt lên ước mơ truyền dẫn trong tâm thức bao thế hệ: “Xin hòa bình, mãi mãi thanh bình!”. Tìm đến mẹ VNAH Nguyễn Thị Khâm ở Thủ Đức, trong một buổi chiều mưa tầm tả; sinh viên Nguyễn Trung Kiên- Đại học Ngân hàng TPHCM cảm thấy mình trở nên thật bé nhỏ, trước một bà mẹ sống hết mình cho Tổ quốc. Mẹ không chỉ phải đối mặt với nỗi đau mất đứa con trai duy nhất, đau vì những ngón đòn tàn độc của kẻ thù mà còn đau đớn vì sự bội bạc của chính người chồng mà mẹ một mực chờ đợi, thủy chung. Đồng cảm với nỗi đau của mẹ, em mong muốn khi có gia đình, là một người chồng, người cha tốt. Giải đặc biệt của cuộc thi thuộc về em Hà Yến Sang, học sinh trường THPT An Nhơn Tây. Bằng giọng thuyết trình sôi nổi, chân thành, cách thể hiện sáng tạo, em đã kể quá trình đến với mẹ VNAH Võ Thị Hanh, một bà mẹ ở Củ Chi. Mẹ sống trong cô quạnh vì các con mẹ đều ngã xuống cho Tổ quốc. Em cất lời kêu gọi: “Hãy nhớ lấy, những người mẹ hy sinh tất cả cho cuộc sống hôm nay. Nhiều máu, nước mắt rơi cho bầu trời tự do độc lập…”. Thoạt đầu, một mình em gặp mẹ rồi rủ thêm bạn, thành nhóm bạn. Đến nay, em có một đội để đến với mẹ VNAH Võ Thị Hanh! Bài thuyết trình của em có sức lay động người nghe vì sự dấn thân để hiểu về nỗi đau, sự dũng cảm hành động của những người tuổi trẻ!

Ban giám khảo cảm nhận sự thành công của cuộc thi chính ở sự lan tỏa một phong trào về nguồn. Thật cảm động khi các giáo viên, sinh viên, học sinh đã tìm đến với các mẹ VNAH bằng sự dấn thân, chia sẻ. Có cô giáo mầm non chân thành nói: “Lúc đầu không biết Bà mẹ VNAH là gì nhưng khi gặp các mẹ rồi mới thấy sự hy sinh lớn lao, vĩ đại của những bà mẹ, mới hiểu vì sao Tổ quốc lại là mẹ”. Cuộc thi khép lại nhưng tôi biết trong trái tim những người đang sống, cảm xúc mẹ không ngừng chảy…

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 7 năm 2013

Trầm Hương