CẢM NHẬN VỀ MỘT CHUYẾN ĐI VỀ NGUỒN ….

Ngày thứ sáu (13/09/2013), đoàn cán bộ của Bảo tàng Phụ Nữ Nam bộ tổ chức chuyến đi về nguồn đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bảy tại xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Mẹ Nguyễn Thị Bảy được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng ngày 17/2/1994. Mẹ kể cho chúng tôi nghe về những người thân của mình- những liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Trải qua bao thăng trầm, vất vả của hai cuộc kháng chiến nhưng Mẹ vẫn khỏe mạnh, lạc quan và không quên những sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời của mình. Dù đã ở tuổi 92 (Mẹ sinh năm 1921) nhưng giọng nói của Mẹ vẫn rõ ràng, khá minh mẫn.

 

Chiến tranh đã trôi qua gần 40 năm, nhiều người thuộc thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình chỉ biết về chiến tranh qua các bộ phim tài liệu, phim ảnh, truyền hình, các giờ học lịch sử, qua lời kể của ba mẹ, chú bác, hay qua các hình ảnh, hiện vật trưng bày trong bảo tàng. Tuy nhiên, sống ngay trong lòng xã hội của một đất nước hòa bình, vẫn còn rất nhiều người là nhân chứng sống của cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ tàn khốc thì không thể nào quên những ký ức về chiến tranh. Mẹ Nguyễn Thị Bảy là một trong những nhân chứng ấy. Trong kháng chiến, Mẹ nuôi giấu cán bộ, có nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp chống Pháp và chống Mỹ.

 

Mẹ có 2 người chồng và 2 người con đều là liệt sĩ. Chồng trước của Mẹ là liệt sĩ Châu Văn Đối sinh năm 1922. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia vào đội thanh niên tiền phong, giữ chức vụ ủy viên Ban Chấp Hành Đoàn thanh niên xã và tham gia vào cuộc đấu tranh giành chính quyền từ tay giặc Pháp. Ngày 22/4/1947, trong trận chống càn, ông đã anh dũng hy sinh. Chồng sau của Mẹ là ông Lê Văn Khể – phó bí thư phân khu 3, Tỉnh ủy Long An, phụ trách dân vận, hy sinh năm 1969 và không tìm được xác.

 

Hai người con của Mẹ đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Anh Châu Văn Tư hy sinh năm 1968 tại căn cứ Tân Phước, Long An và Chị Châu Thị Năm hy sinh ngày 14/3/1965.

 

Mẹ kể, từ nhỏ, chị Châu Thị Ánh đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1963, chị được lãnh đạo phân công giữ chức bí thư Ban chấp hành Đoàn Thanh niên xã. Với nhiệt tình, năng động của tuổi trẻ, chị đã vận động thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn ngày càng đông đảo. Chi đoàn do chị lãnh đạo lúc ấy có trên 50 đoàn viên. Hàng đêm tổ chức sinh hoạt rất sôi nổi, phong trào đấu tranh cứu quốc lúc bấy giờ như ngọn lửa tiếp thêm gió bùng cháy dữ dội. Chị cùng du kích ấp, du kích xã nô nức đào hầm chông, gài lựu đạn, đi dân công tải đạn, tải thương, phá ấp chiến lược, hằng đêm cuốc lộ đắp mô ngăn không cho quân giặc vào làng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chị cùng chi đoàn vận động thanh niên đi tòng quân.

 

Năm 1964, chị vinh dự được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng. Từ đó chị càng phát huy hơn nữa tố chất của một người Đảng viên trẻ hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong lần đi tiếp vận về đến xã thì đêm đã khuya, chị Châu Thị Năm cùng cô bạn là Nguyễn Thị Điểm ở ấp 6 bàn bạc việc chuẩn bị gài lựu đạn. Sáng sớm, hai chị chưa kịp vào địa hình thì máy bay trực thăng của địch đã đổ lính xuống vây bắt. Chúng bắt chị, buộc tóc vào cột và tung những trận đòn tra tấn hết sức tàn ác lên người chị; chúng đổ hàng chục lít rượu, lít nước vào người, vào miệng chị nhằm khai thác tin tức, tìm ra cơ sở cách mạng, nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn và lòng dũng cảm, không khuất phục trước kẻ thù, chị cắn răng chịu đựng những đòn tra tấn, cực hình dã man của địch. Chị kiên quyết không đầu hàng và dõng dạc hô to “Đả đảo đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh muôn năm”. Tra tấn bằng cực hình không có hiệu quả, chúng lôi chị đi, vừa đi chúng vừa đâm những lưỡi lê nhọn vào chân chị, vào người chị, chúng cắt nhượng, rọc bụng chị. Không khai thác được gì, chúng đưa chị đến ranh xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức bắn hàng chục viên đạn vào người chị. Chị đã anh dũng hy sinh vào ngày 14/3/1965 khi chưa tròn 18 tuổi. Chị hy sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí. Mẹ Bảy đến nhận xác con về chôn cất trong lòng đau như cắt. Tang lễ của chị rất đông người đến viếng, có cả lãnh đạo các xã Mỹ Bình, Bình Chánh, Bình Trinh, Mỹ Thạnh… đến làm lễ truy điệu chị. Liệt sĩ Châu Thị Năm là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, bất khuất trước kẻ thù của thế hệ trẻ nói chung và phụ nữ nói riêng.

Cảm phục trước tinh thần dũng cảm, hy sinh của chị, đồng đội và người dân địa phương đã sáng tác tặng chị bài thơ:

“Cả đêm nay xóm làng không ngủ

Dõi theo chừng rỉ máu qua tim

Vàm Cỏ Đông chiều nay gợn sóng

Út Năm ơi. Hai nữ anh hùng”.

Tên của chị được đặt cho một con đường ở xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

 

Ngày nay khi đất nước đã hòa bình, mỗi lần nhớ đến 2 người con đã hy sinh của mình, Mẹ Bảy lại bồi hồi đem những kỷ vật còn lại của con để ngắm nhìn cho thỏa lòng thương nhớ. Chiếc đàn mà chị Châu Thị Năm sử dụng tổ chức văn nghệ phục vụ cho đồng bào, đồng chí sau những cuộc đấu tranh trực diện giành thắng lợi hay những cuộc mít tinh, những lần tiễn thanh niên ra chiến trường được Mẹ gìn giữ cẩn thận cho đến ngày hôm nay.

Chiến tranh lùi vào quá khứ đã gần 40 năm. Màu xanh đã vá lành nhiều vết thương trên mặt đất, cũng như bao điều tốt đẹp đã mở ra cho đất nước hôm nay. Nhưng để có ngày hòa bình, thống nhất đất nước, gần 2 triệu người con ưu tú – những chiến sĩ quả cảm đã ngã xuống vì quê hương đất nước. Và cũng ngần ấy những người mẹ khóc con, những người vợ khóc chồng, người thân khóc người thân…

Mỗi thời đại đều sản sinh ra một thế hệ, mỗi thế hệ đều có trách nhiệm với Tổ quốc. Đất nước hôm nay nở hoa rực rỡ có phần máu thịt của bao thế hệ cha anh khiến chúng tôi tự nhủ với lòng mình phải có trách nhiệm với quá khứ và tiếp nối xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 11 năm 2013

Hồ Ngọc Phương