Chuyện về một nữ anh hùng dũng cảm và nhân hậu

Khi người dẫn chương trình giới thiệu: “Tiếp đây là giọng ca của một nữ Anh hùng, Thượng tá Trương Thị Mỹ đến từ Công an TP Cần Thơ…”, tôi nhớ lại cuộc trò chuyện ban chiều với mấy đồng chí Công an Cần Thơ, các anh bảo, ở đây có một nhân vật mà câu chuyện, cuộc đời hoạt động cách mạng của chị như một huyền thoại, tối nay, nhà báo sẽ được gặp.

Và rồi đêm ca nhạc giao lưu giữa cựu sinh viên lớp D1, Học viện An Ninh với cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Cần Thơ đem lại nhiều kỷ niệm khó quên cho người tham dự thì trong góc trụ sở Công an tỉnh Cần Thơ, tôi may mắn được lắng nghe câu chuyện, quãng đời hoạt động của một nữ Anh hùng, một biểu tượng về đức tin và lòng yêu nước.

Tuổi nhỏ làm việc lớn

Sinh ra và lớn lên ở ấp Đông Mỹ, xã Đồng Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Ngay từ nhỏ, cô bé Trương Thị Mỹ đã được đi theo các anh chị trong làng ca hát, sinh hoạt đoàn thể và tuyên truyền lòng yêu nước, căm thù giặc Mỹ đối với bà con quanh vùng. 13 tuổi, chị đã vinh dự được kết nạp Đoàn, Tỉnh đoàn Cà Mau.

Năm 1968, 15 tuổi, Trương Thị Mỹ được cấp trên giao một nhiệm vụ quan trọng: Hằng ngày dùng thuyền chở bộ đội, vũ khí, tài liệu qua 6 tỉnh phía Nam. Thường thì một tuần chị có một chuyến thực hiện nhiệm vụ, một tháng sẽ có bốn chuyến, nhưng hằng ngày, chị vẫn cải trang thành một cô gái buôn bán trên sông nước.

Phong trào cách mạng ngày một rầm rộ thì bọn địch điên cuồng kiểm soát gắt gao. Quãng đường mà người con gái nhỏ bé ấy phải đi qua có hàng trăm những đồn bốt địch đóng trên sông. Bản thân chị bây giờ cũng thật khó lý giải được tại sao mình lại có thể thực hiện được những “chuyến hàng huyền thoại” như vậy.

“Khi đó lòng yêu nước, ước muốn được thống nhất nước nhà trở thành một mục đích, một kim chỉ nam không chỉ cho riêng mình mà cho tất cả người dân Nam Bộ. Và có một điều may mắn hơn, đó là mình có bà con. Đã không ít lần, bà con cứu mình thoát khỏi cái chết qua gang tấc” – chị Mỹ bồi hồi nhớ lại.

Giai đoạn vào năm (1970-1971), giặc rải bom càn quét vùng Bình Định nhằm chặn đường tiếp tế vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào. Lúc này, tài liệu và vũ khí cũng không có nhiều, chị lại dùng thuyền hai đáy chở bộ đội đi đánh giặc. Ở trên là hoa quả, gỗ, hàng yếu phẩm nhưng ở dưới là những người lính.

Chị Mỹ nhớ lại: Mình đi phải làm sao vừa được việc của mình nhưng đồng thời vẫn phải tiết kiệm tối đa xăng dầu và tiền bạc vì qua mỗi đồn thường phải cho bọn lính 500 đồng. Có một chuyện mà mình không bao giờ quên. Hôm đó, mình nhận được lệnh chở chiến sỹ đi từ Cà Mau sang Campuchia.

Trên thuyền dựng 3 tấn củi ở trên còn ở dưới là quân giải phóng. Trong đó có chú Sáu Hoảnh (bây giờ là Thiếu tướng quân đội đã nghỉ hưu) sang Campuchia họp khẩn. Chuyến đi này rất nguy hiểm bởi vì qua nhiều đồn giặc đóng trên sông, đến đồn tiếp theo thì chúng giữ mình lại không cho đi.

Chị Mỹ nói với tụi lính: “Tui là đàn bà con gái yếu đuối có biết chi về cộng sản, thôi biếu các chú chút tiền cho tui đi làm ăn”. Chưa tin, lính ngụy lục soát thuyền, chẳng thấy cán bộ đâu, cùng lúc đó bà con trên bờ đã kéo đến biểu tình, họ tình nguyện cùng chết nếu như chúng bắt một người con gái yếu đuối như tôi. Bọn địch nản, cuối cùng phải kéo đi.

Hoa giữa đời thường…

Sinh ra trong một gia đình cách mạng nghèo ở Đồng Thới, Cái Nước, Cà Mau. Cha chị, một chiến sỹ cách mạng đã hy sinh từ năm 1960. Năm chị em chị, dưới bàn tay chăm sóc của mẹ, khoai sắn lớn lên mà không có nhiều cơ hội cắp sách đến trường. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị đã được đi học văn hóa ngay khóa đầu tiên tại Đồng Tâm, Mỹ Tho.

Chị không muốn nói nhiều về mình, vì chị tự nhận, nếu ở hoàn cảnh của chị thì bất kỳ một người dân yêu nước nào cũng sẽ lựa chọn con đường ấy. Chị Trương Thị Mỹ vào Công an TP Cần Thơ, một thời gian sau, chị chuyển về Phòng Phong trào, Công an TP Cần Thơ.

Chị bảo đời chị vậy là may mắn, “ông xã” là một đồng nghiệp làm công tác an ninh nên rất hiểu và cảm thông cho công việc của vợ. Anh chị sống hạnh phúc tại phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ba người con của chị đều học đến nơi đến chốn, một người là chiến sỹ CAND, một người là bộ đội.

42 năm tham gia Cách mạng, 28 năm đứng trong lực lượng CAND, chị đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Đặc biệt, chị Trương Thị Mỹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. “Ít tháng nữa mình nghỉ chế độ. Ngày cầm quyết định nghỉ hưu cũng là ngày mình sẽ xin làm một công việc gì đấy để có thể giúp đỡ được cho bà con địa phương nơi mình đang sống. Lúc ấy, biết đâu mình sẽ làm được những việc có ích mà trước đây mình chưa làm hoặc chưa thể làm được”.

Nghe chị giãi bày tôi hiểu, trong tim người nữ Anh hùng chan chứa bầu nhiệt huyết sống và khát khao làm việc

                                                                                                                Hải Châu