CHUYỆN KỂ VỀ TẤM GƯƠNG PHỤ NỮ MIỀN NAM

Hằng năm, vào dịp gần hè, các trường tiểu học thường xuyên tổ chức tham quan, học tập tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho các em học sinh. Các trường tổ chức đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ với mong muốn cho các em học tập về văn hóa, lịch sử dân tộc một cách sinh động hơn. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến và đã khắc hoạ nên tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Đảng và Bác Hồ đã tặng phụ nữ Việt Nam nhân kỷ niệm nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (1910-1965).

alt

Bức trướng thêu 8 chữ vàng mà Đảng, chính phủ, Bác Hồ tặng phụ nữ miền Nam.

Thông qua các buổi tham quan tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ dành cho các em học sinh tiểu học, các em có nhận thức thêm về lịch sử Việt Nam. Chương trình sẽ giới thiệu về lịch sử hình thành của bảo tàng và khái quát quá trình lịch sử đấu tranh chống xâm lược của ông cha ta lồng ghép các câu chuyện cổ tích như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng v.v…Đặc biệt chú trọng nhấn mạnh đến vai trò và những cống hiến của phụ nữ (các bà, các dì..) trong hai cuộc kháng chiến chống thực thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Qua đó, chương trình đã tạo cho các em học sinh một sân chơi văn hóa, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân tộc Việt Nam ta luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bác nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam có vẻ vang là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”; “Dân tộc ta biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”.

Hai chữ “Anh hùng” là thể hiện thái độ hăng hái tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm và giành những điều tốt đẹp cho dân tộc ta. “Bất khuất” là chỉ sự kiên cường gan dạ không sợ kẻ thù mà vẫn xông ra chiến trường làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước. “ Trung hậu” là sự quyết trí chống lại những cái tiêu cực không chỉ cho gia đình, số phận mà còn cho cả vận mệnh của đất nước. “Đảm đang” là chỉ sự chăm chỉ, khéo léo trong việc chăm chồng, chăm con, chăm gia đình có một cuộc sống hạnh phúc hay đảm đang trong việc ứng xử đấu tranh cho đất nước có một cuộc sống hạnh phúc.

Trong hàng vạn tấm gương của phụ nữ có không ít những người mẹ, người vợ, người chị đã chung tay viết nên truyền thống đấu tranh cách mạng của phụ nữ Việt Nam. Chuyện kể về hai mẹ con đã đấu tranh chống giặc, anh dũng hi sinh để che giấu cán bộ. Người mẹ tên Tâm cùng đứa con nhỏ tên Vinh vừa tròn 7 tuổi. Ở lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên vui chơi thì Vinh đã chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan.

Nơi Vinh ở, sau hàng cây mít cao lớn, toả bóng xum xuê, có một nấm mồ mọc lên. Ngày ngày, bà con trong xã, trong thôn đi ngang qua đó dừng lại đốt nén hương, cắm bó hoa và ngồi kể nhau nghe tấm gương kiên cường, bất khuất của phụ nữ làng mình. Nơi có nấm mồ là ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con chị Tâm. Cha của Vinh đã bị quân giặc bắt, bị đày rồi thủ tiêu khi em còn trong bụng mẹ. Lớn lên Vinh nghe má kể về cái chết của cha và những bà con trong xã. Tuổi thơ của Vinh đầy rẫy những cảnh tàn khốc và nỗi đau của mẹ.

Dưới ánh đèn dầu loe loét trong ngôi nhà mái lá xiêu vẹo, Vinh thỏ thẻ cùng má: “Chừng nào con lớn bằng chú Thanh, má cho con đi Giải phóng quân nghe má!”, người mẹ hỏi lại con: “con đi giải phóng quân để làm gì?”. “Đánh Mỹ, đánh Việt gian, trả thù cho ba”- cậu bé khảng khái trả lời mẹ.

Chị Tâm sung sướng ôm Vinh vào lòng, bùi ngùi nghĩ đến chồng mình, nước mắt ràn rụa.

Đêm cũng đã khuya, vừa kéo chiếu đắp cho Vinh, Thanh vừa hỏi chị Tâm: “Chừng nào các chị, các anh ấy đến hả chị?”, “Bếp lửa đỏ ấm nước vừa sôi” thì có mặt đủ hết, chiều nay tôi đã nhắn cho các cô, các chú ấy chuẩn bị cả rồi”.

Thanh hỏi: “Vẫn gác ngõ cũ phải không chị?”, “Phải, cứ theo cổng gác thứ ba mà vô”, vửa nhìn con ngủ, chị Tâm vừa trả lời.

Và đêm đó cũng là đêm mà chị Tâm- mẹ của Vinh ra đi mãi mãi.

Trong lúc chị Tâm và Thanh bàn công việc. Bỗng nhiên, từ bên ngoài tiếng chân chạy gấp đến mỗi lúc một gần, rồi có tiếng nói vào hổn hển: “Nước sôi rồi dập lửa đi”. Mai không vào núi hái củi được đâu!

Nói xong, cái bóng đen vụt mất ra sau vườn và lẫn trong đêm tối. Biết bất trắc xảy ra, Thanh vụt dậy cầm súng ấn chốt an toàn, định chạy thoát khỏi nhà, chị Tâm vội dập bếp lửa rồi nói với Thanh: “Chú cứ bình tĩnh. Chị em ta nghĩ cách đối phó”.

Vừa hay tiếng chó sủa dồn, tiếng chạy rầm rập, tiếng cơ súng trong đêm khua lách cách nghe lạnh người, tiến dần về phía nhà chị Tâm.

Chị Tâm nói nhỏ với Thanh: “Chúng nó đánh hơi thấy cán bộ về rồi đó. Vừa nói, chị kéo Thanh vào buồng. Vừa ra khỏi buồng, hơn 20 tên lính bảo an, dân vệ đập cửa ào vô nhà. Ba bốn ánh đèn pin nhấp nháy lia lịa. Các mũi súng trên tay lính bảo an xoay nòng chĩa vào khắp nơi trong nhà, với cặp mắt tìm tòi xoi mói”.

Tên Bân – kẻ cầm đầu chĩa súng lục và rọi đèn pin vào mặt chị quát: “Giấu thằng Việt cộng ấy ở đâu, lôi ra nộp mau”. Nói xong, nhếch miệng cười ngạo nghễ, rồi giục lính thắp đèn lên.

Chị vẫn điềm nhiên ngồi bên con nói: “Việt cộng ở đâu đây mà biểu nộp? Đêm hôm các người đến phá cửa nhà người ta có phải không?”

Tên Bân sấn xổ đến gần chị: “Không nộp tên Việt cộng ra đây, nhà mày sẽ bị đốt ra tro, không chỉ phá thôi đâu”.

Chúng vừa hù doạ vừa đánh đòn tâm lý với chị, bảo đảm cho chị không liên can đến vụ này nếu chị khai ra. Chị vẫn kiên quyết: “Tôi không biết đâu mà chỉ, các ông giỏi đốt nhà rồi bà con xóm làng có để yên cho hay không?”

“Thôi được, vì an ninh của đồng bào, vì phân sự nhà binh, chúng tôi xin lục soát”, tên chỉ huy nói. Chị Tâm điềm tĩnh trả lời: “Các ông cứ việc lục”.

Theo lệnh, chúng lò dò khắp mọi nơi, gầm giường, gác bếp, sau nhà và cả mái nhà…. Lật tung cả lên. Tất cả đều trả lại chúng bằng sự im lặng.

“Ai nằm đây?”- tên lính hỏi, chi buông lời: “Thằng Vinh con tôi, ông để nó ngủ”. Tên Bân dở mạnh chiếu ra, cậu bé Vinh nằm co ro, hai tay kẹp trong chân và ngáy đều.

Chúng không có cớ gì để tra chị Tâm. Chúng định rời đi nhưng đến cửa lại quay vào lật phăng chiếc chiếu đắp trên mình Vinh ra. Vinh giật mình vươn vai. Hai viên đạn tôm xông rơi lăn lóc trên giường. Đó là hai viên đạn mà Vinh nhặt trên đường trong thôn, cũng chính là cái cớ để chúng vịn vào. Trong lúc tra khảo của tên Bân, tiếng ồn ào làm Vinh thức giấc, ngồi nhổm dậy ôm chầm lấy má. Chị Tâm nhanh miệng bảo con: “Mấy viên đạn con lượm được mau trả lại cho các ông dân vệ đi, các ông đến rồi kìa”.

Tên Bân vẫn lần theo dấu vết, tiếp tục cái trò dụ trẻ con, móc túi quần đưa Vinh gói kẹo chanh bọc ni-lông trắng.

Hiểu được ý má, Vinh liền vụt ngày hai viên đạn trước mặt thiếu uý Bân, rồi nói: “Đạn của dân vệ làm rớt tôi lượm trả lại các ông đó”. Nói xong, rồi ôm chặt má.

Tên Bân cụt hứng và tiếp tục cho người lục soát. Đêm đã khuya. Trong nhà ngọn đèn huê kỳ vẫn loe lét. Tất cả đều im lặng, nặng nề.

Lần này, chúng đem cả cọc sắt soi chọc khắp nơi. Những phút bồn chồn, trôi qua căng thẳng gợi nhớ hình ảnh năm xưa chồng chị bị chúng ập vào bắt trói lại, cáng súng đập vào ngực vào đầu rồi bắt đi, bỏ lại chị bụng mang dạ chửa một mình… Cùng thời lúc đó, hai đồng chí bị moi gan, chặt đầu cắm cọc bêu ở giữa chợ cầu Đông…. Những ngọn lửa đốt nhà, dồn dân vào ấp chiến lược… lại hiện lên loang loáng như đoạn phim mờ lướt qua trước mắt chị.

Tiếng soi chọc trên nền nhà vẫn tiếp tục bỗng ngừng sau tiếng A…kèm theo là tiếng cười đắc chí: “Đây rồi, miệng hầm bí mật. Tao Biết mà”.

Binh lính vây quanh nhà. Tên Bân sấn sổ kéo tay chị lôi vào buồng: “Hầm gì đây hả? Còn giấu nữa thôi bà Việt cộng ẩn danh!”. Chị hất tay hắn ra, ngồi im trên giường tính kế. Lưng chị thấm lạnh mồ hôi… Cậu bé Vinh ngây thơ hỏi má: “Hầm gì trong đó má? Sao mấy ông cứ chọc phá nhà mình, má?”.

Chị nhìn con thương xót, không biết trả lời con thế nào. Tên Bân tỏ ra đắc chí như vừa lập được chiến công. Miệng hắn cười khiêu khích và chăm chăm nhìn thẳng vào mặt chị dò xét thái độ. Chị quay mặt đi và trả lời: “Đó là hầm tránh pháo của mẹ con tôi. Không ai dưới đó hết. Nếu nghi ngờ thì các ông chui xuống mà tìm”.

Tiếp theo chị, bé Vinh bèn nói: “Các ông xuống đó mà tìm, tôi không thấy ai hết”. Tuy tìm được miệng hầm nhưng cho lính mò xuống chẳng khác nào ném mồi xuống hang cọp. Hắn chắp tay sau đít đi đi lại lại cố moi hết thủ đoạn nhà nghề mà bọn Mỹ đã dạy cho hắn. Rồi quát lớn: “Chúng tôi không xuống. Mà chị phải xuống”.

Cãi lý với chị mãi không xong, hắn dở thủ đoạn trắng trợn, dùng báng súng, gậy sắt đánh chị tới tấp ngã lăn xuống đất, máu ra lênh láng. Chị cố la lên cầu cứu bà con nhưng bà con không vào tiếp sức được, chị nằm suy nghĩ cách đối phó để bảo vệ Thanh đang trú ẩn dưới hầm.

Chị quyết định đồng ý xuống hầm và dặn con: “Vinh ngồi đây má xuống trốn pháo một lát má lên nghe con”. Vinh ngồi mếu máo khóc, ngó theo má đi vào buồng. Chị Tâm xuống hầm.

Trong một cái ngách sâu ngoằn nghèo dưới hầm bí mật. Bỗng thấy ánh đèn pin xuất hiện. Nhanh như cắt, anh ngồi nhổm dậy, lên đạn, chĩa nòng súng hướng đèn pin đang từ từ tiến lại.

Biết trước nếu không khéo chị sẽ bị bắn nhầm, bóng đèn pin mỗi lúc một đến gần mũi súng, ngón trỏ Thanh để gọn trong cò súng, định bụng đến sát nổ cho chắc. Chỉ một tích tắc nữa thôi thì anh bóp cò thì bỗng nghe tiếng chị Tâm gọi, Thanh bồi hồi xúc động và thấy lạnh toát cả người.

Trong góc hầm tối, hai chị em trao đổi nắm được tình hình bên ngoài. Sau khi bàn bạc, hai chị em chia tay trong hầm tối. Mắt họ rực lên ánh lửa căm thù.

Sau một hồi chờ sốt ruột, bỗng ánh đèn pin hắt ra từ miệng hầm. Tên Bân tay chĩa súng ngắn xuống hầm, một tay kéo chị lên, đề phòng bất trắc.

“Sao không đem nó lên” chúng tra hỏi chị với vẻ thất vọng. “Nghe các ông tôi xuống, chớ có thấy ai đâu”- chị Tâm đáp trả chúng. Chúng vừa tra hỏi vừa kéo chị ngã xuống, dí súng vào đầu, rồi cho lính lấy ba cọc sắt đặt ngang trên ngực, cổ và bụng chị Tâm, ấn chặt xuống như ép một vật gì. Tiếng chị bị nghẹn lại trong cổ, tim gan như bị đứt ra, mắt lờ đờ. Bé Vinh ôm chầm lấy má, la khóc thảm thiết. Tên Bân lôi Vinh ra ngoài, đạp Vinh ngã chúi mặt xuống đất, khóc ngất không ra tiếng. Vinh lại lò mò bò lại cạnh má, mặt mày lấm lem, đầu gối toạc ra chảy máu ròng ròng. Chị Tâm quàng ôm lấy con, lòng quặn đau như cắt.

Ngoài ngõ tiếng ồn ào, bà con xóm dưới kéo lên đấu tranh tiếp sức cho chị thì bị tiếng súng của bọn lính bắn chỉ thiên thị uy đám đông. Trong khi đó dưới hầm, lòng Thanh nóng như lửa đốt. Nghe tiếng súng càng lo lắng không yên. Thanh nghĩ: có thể nó bắn chị rồi! Vì mình mà mẹ con chị Tâm bị bắn giết, mình phải trả thù. Xắn quần áo gọn gàng, kiểm tra súng đạn, Thanh nhẹ nhàng lần ra quan sát, hai tên gác hầm chống súng gật gù bên ngọn đèn leo lét. Ngoài nhà, tên Bân mệt phờ người ngồi….còn ba tên lính đứng xung quanh hai mẹ con chị Tâm, súng đặt trên giường.

Soạt một cái, một loạt tiểu liên từ trong buồng nổ vang, hai tên lính ngã gục ngay tức khắc trên miệng hầm. Thanh nhảy thót lên miệng hầm, chúng không kịp trở tay, một loạt tiểu liên nữa Thanh bắn quét, bốn xác ngã quỵ như bốn cây chuối bị dao tiện ngang, nằm dẫy giụa trên vũng máu.

Nghe tiếng súng, bọn vây quanh ở ngoài vội chạy vào nhà, vừa lúc Thanh nhảy khỏi cửa lách sang một bên núp vào bụi chuối gần đó. Ngay lập tức, chị Tâm vùng dậy tắt đèn, đẩy bé Vinh nấp kín dưới gầm giường và lấy ngay khẩu cac bin của chúng trên giường, rồi nép sang một bên chĩa súng ra ngoài cửa.

Hơn 15 tên chạy vào, vừa đến cửa khựng lại. Lập tức súng tiểu liên của Thanh từ ngoài quạt vào, súng cạc bin của chị Tâm từ trong bắn ra dữ dội. Chúng bị một đòn phủ đầu hết sức bất ngờ từ sự phối hợp khéo léo của chị Tâm và anh Thanh. Nghe tiếng súng nổ, tên trung uý đã dẫn hơn 30 tên khác xuống tiếp viện. Phát hiện chỗ núp của Thanh, chúng liền đặt hai khẩu trung liên bắn giao chéo vào đó. Trước khi gục ngã, bắn đến viên đạn cuối cùng, anh đã hạ gục thêm ba tên nữa. Soi đèn xác định Thanh đã chết, chúng phá cửa bếp lên nhà trên. Một tên thượng sĩ vừa rọi pin vừa chĩa súng vào người chị Tâm. Một phát cạc bin hạ gục ngay tên thượng sĩ. Nhưng liền đó, một tên khác từ ngoài nhằm vào nhà bắn một loạt. Chị Tâm hy sinh.

Lúc này Vinh biết má đã hy sinh. Tên Trung uý ra lệnh thắp đèn, xem xét, hắn nói: “ghê chưa chỉ với hai đứa mà nó đã làm cho ta chết hơn hai mươi người”. Rồi giục bọn lính khiêng sáu tên đã chết ra sân, sau đó ra lệnh châm lửa đốt nhà. Lúc này, bà con từ các ngả chạy đến, gõ mỏ, kêu la chữa cháy náo động xóm làng.

Lửa mỗi một lúc bốc lên cao. Thấy nóng quá, Vinh vừa thét vừa lóc ngóc bò ra, nhưng chưa kịp ra khỏi cửa, một mảnh tranh đang cháy rơi xuống trước mặt Vinh. Một thằng lính chĩa súng định bóp cò, nhanh như cắt, thím Bảy vừa đến kịp, gạt ngay nòng sủng ra một bên rồi thét vào mặt chúng: “Đã đốt nhà, bây còn định giết cả trẻ con nữa phải không?”. Cùng lúc, chị Ngà lao vào ôm bé Vinh nhảy ra ngoài sân. Vinh vừa khóc nức nở vừa ngoái cổ lại chỉ vào trong nhà gọi: Má, má!

Hiểu ý, thím Bảy và chị Ngà liền nhảy xà vào đám lửa khiêng xác chị Tâm ra ngoài thì cả hai mái nhà đều sập xuống. Cảnh hỗn loạn lúc ấy chỉ còn đọng lại hình ảnh bé Vinh ôm má khóc thảm thiết. Bà con đứng quanh bùi ngùi xúc động không ai cầm được nước mắt. Bây giờ bé Vinh mới biết má đã chết. Chị Ngà vội bế Vinh xuống nhà thím Bảy cuối xóm.

Mọi người đang bàn tính ngày mai khiêng xác chị Tâm lên đồn đấu tranh thì bỗng nghe từ gốc chuối có tiếng rên khẽ. Thoạt tiên, ai cũng nghĩ tên lính nào còn sống, nhưng mấy chị xúm lại rọi đèn thì đúng là Thanh đang bị thương nặng. Biết chúng kéo đến đông, Thanh nằm im giả chết rồi mê man, giờ vừa tỉnh dậy.

Đầu xuân 1964, Thanh đưa Vinh về thăm viếng mộ má Tâm. Hai chú cháu đứng lặng hồi lâu trước tấm bia.

Câu chuyện kể lại tấm gương anh hùng, người phụ nữ miền Nam anh hùng, bất khuất giúp cho các em học sinh hiểu thêm về lịch sử của dân tộc, về vai trò của người phụ nữ trong đấu tranh chống Mỹ. Đặc biệt, trong câu chuyện cũng cho thấy sự thông minh, nhạy bén và ý chí căm thù giặc của người bạn nhỏ tên Vinh. Một tấm gương sáng của hai mẹ con đáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 6 năm 2021

Đào Thị Hồng Quyên

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tham khảo:

*https://truyenthongtre.vn/tieu-diem/8-chu-vang-bac-ho-danh-tang-cho-phu-nu-viet-nam-30432

* Sách Phụ nữ miền Nam Việt Nam Bất Khuất tập V của nhà xuất bản Phụ Nữ