CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ “NHỮNG ĐÓA HỒNG NƠI TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH”

Đã hơn 1 năm TP.Hồ Chí Minh bước qua đại dịch và hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới. Nhưng vẫn có những câu chuyện chưa một lần được kể, nhất là sự hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Và những câu chuyện đó đã được kể lại tại chương trình giao lưu gặp mặt và khai mạc trưng bày chuyên đề: “Những đoá hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19″ đang diễn ra.
Theo chia sẻ của sư cô THÍCH NỮ THỌ PHƯỚC, Chùa Long Thạnh, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh, điều khó khăn nhất của một người xuất gia của mình khi chăm sóc, giúp bệnh nhân nam lau tắm, thay đồ và làm vệ sinh, hay như khi đút bệnh nhân ăn, có những ca mình phải xé nhỏ từng miếng thịt, con cá, con tôm cho bệnh nhân ăn. Đối với người xuất gia, chăm sóc một bệnh nhân nam trong phòng hồi sức là cả một vấn đề đấu tranh tư tưởng. Nhưng trên hết tất cả là vì tình thương, như nhiều người khác sư cô vẫn sẵn sàng giúp đỡ và chăm sóc họ.
Sư cô Thích Nữ Thọ Phước là một trong hàng trăm tình nguyện viên tôn giáo tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 năm 2021 – khi TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đang cao điểm dịch bệnh. Cũng trong thời gian này, mẹ của sư cô cũng mắc bệnh và qua đời tại bệnh viện dã chiến nơi sư cô tham gia tình nguyện. Sư cô đã kể lại câu chuyện chưa bao giờ được nhắc đến của mình tại chương trình giao lưu và trưng bày chuyên đề “Những đoá hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh” được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Chương trình được tổ chức nhằm kỷ niệm một năm TP.Hồ Chí Minh hoạt động bình thường trong tình hình mới sau đại dịch, là sự khẳng định về sức mạnh đoàn kết của các giới – tổ chức, trong đó có người phụ nữ, cùng chung tay xây dựng, phát triển TP.Hồ Chí Minh và đất nước ngày càng giàu đẹp.
Thực hiện : Hoàng Nhân Nguyễn Trình