CHỢ QUÊ XƯA Ở MIỀN NAM

Văn hóa chợ là một phần cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam. Nơi ấy đã thể hiện rõ vai trò của người phụ nữ. Họ không chỉ là nhân lực lao động chủ yếu trong quá trình trồng lúa nước, trực tiếp tham gia cày cấy mà còn giữ địa vị chủ đạo ở thị trường nông thôn, là người nắm tay hòm chìa khóa gia đình.

Không kể những tiểu thương chuyên nghiệp, mọi phụ nữ ở thôn quê thuở trước đều “bán chuyên nghiệp tiểu thương”. Đòn gánh đè vai, họ chạy từ chợ này qua chợ khác. Đem của nhà đi bán, mua của thiên hạ về nhà, người phụ nữ phải trù liệu mọi sản vật nuôi trồng trong ruộng vườn, ao nhà. Cố gắng làm xong việc nhà từ rất sớm, người phụ nữ có mặt ở chợ khi trời chưa tỏ. Theo cụ Từ Chi : “…nhờ thế người đàn bà sống một phần kha khá thời gian ở chợ, bên ngoài khung cảnh gia đình. Chốn ấy giao tiếp nhộn nhịp, vì thế ca dao, tục ngữ các bà thuộc hơn các ông và nó dùng để ru con, ru cháu của mình. xưa không in thiệp mời, chợ còn là chỗ phát tán những câu chuyện, những lời gặp gỡ nhắn về ngoại… Chả trách nhiều người cứ nghiện đi chợ.”

Chợ xưa ở miền Nam thường nằm ở bến sông, ngã ba sông hoặc nằm trên trục đường chính của địa phương, còn gọi là đường cái quan; hoặc nằm gần đình, chùa, miếu. Đặc biệt, khu vực chợ cá thường nằm gần bến sông (nửa sạp hàng cất trên đất, nửa còn lại nhô ra ngoài sông) rất thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán trên cạn và dưới nước.

Chợ xưa ở miền Nam mang tính chất cố định, không phải loại chợ phiên. Chợ họp từ tờ mờ sáng đến trưa thì tan và ngày nào cũng họp chợ. Do chợ họp từ rất sớm nên mỗi sạp hàng thường sử dụng một loại đèn con cóc, vừa để thắp sáng lúc trời chưa tỏ, vừa có ý thông báo sạp hàng đã có người bày bán. Đèn được đốt bằng dầu rái, dầu phộng, dầu mè, dầu đu đủ tía, dầu dừa, dầu cá hoặc mỡ heo, đến cuối thế kỷ XIX mới sử dụng dầu hỏa. Đầu mỗi chợ thường có miếu thờ người có công lập chợ hoặc có công với làng.

Có loại chợ chỉ bán một thứ mặt hàng như: chợ Lương Phú, Bến Chùa (Bến Tre) chỉ bán một sản phẩm là gạo. Chợ Định Yên (Đồng Tháp) chỉ bán chiếu và chỉ họp về đêm từ 1 – 2 giờ sáng với khoảng 500 người họp chợ. Đa số là các chợ bán đủ loại hàng không thiếu món gì. Ngoài ra, chợ nổi là nét đặc sắc của vùng sông nước Cửu Long. Chợ họp trên sông với những chiếc ghe đầy ắp hàng hóa. Phương tiện quảng cáo là một cây sào dài cắm ở đầu mũi ghe, treo lủng lẳng các loại sản phẩm cần bán.

Trong chợ có nhiều sạp hàng, bán từ cọng hành, kim chỉ, gà vịt, gốm sứ … có thể nói chợ là nơi phản ánh trình độ sản xuất thủ công nghiệp lúc bấy giờ. Đơn vị tính cơ bản tại các chợ là cân và lượng. Tại các hàng trái cây đơn vị tính lại là chục. Tuỳ theo sự khan hiếm hoặc sang cả của từng loại trái cây mà chục được tính như sau: dừa chục 10, cam quýt chục 12, cóc ổi chục 14 hoặc 18…

Qua đó dễ dàng nhận thấy thương mại ở miền Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX khá phát triển so với các vùng khác và có lẽ do tâm lý thích ăn thực phẩm tươi sống của người dân, họ đã tìm cách tiêu thụ sản phẩm dư thừa từ vườn nhà hoặc bán cho thương lái. Do vậy, chợ trở thành nơi đáp ứng nhu cầu trao đổi, là nơi tập trung tiêu thụ và tập trung hàng hóa giữa các làng.

Bên trong sâu thẳm của không gian chợ là sự kế thừa tục đi chợ. Một trong những cách chuẩn bị cho con gái học hỏi trước khi về nhà chồng là các bà mẹ cho chúng theo ra chợ từ tấm bé. Mẹ quảy gánh đi trước, con lon ton theo sau. Lớn hơn một chút chúng có thể xách hàng, mang vác hộ mẹ. Ở chợ không thiếu cảnh một mẹ một con bên nhau. Mẹ dạy con học cách giao tiếp, thưa hỏi, khảo giá, mặc cả, chọn lựa thực phẩm…… Một cách tự giác, ngay từ nhỏ con cái đã biết chia sẻ lo toan kinh tế gia đình với mẹ để trở thành người vợ, người mẹ đảm đang sau này. Do vậy, chợ không chỉ có ý nghĩa là nơi trao đổi hàng hóa, vật chất mà chợ thuở xưa còn là nơi bảo lưu và giữ gìn bản sắc văn hoá từ nghìn xưa, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ học hỏi tính chịu thương, chịu khó của những người mẹ, người chị cho một gia đình hạnh phúc, no ấm.. ​​​​​

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 11 năm 2020 ​​​​​​​​

Trịnh Tuyết Hằng ​​​​​

Phòng Nghiên cứu- Sưu tầm – Trưng bày