CHIẾN SĨ BIỆT ĐỘNG THÀNH, BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THANH TÙNG

Mẹ Nguyễn Thanh Tùng (Mười Tùng) sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng ở vùng Gia Định – Sài Gòn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cha mẹ và 8 người anh trai của mẹ lần lượt hy sinh. Mẹ lớn lên trong vòng tay yêu thương, dạy bảo của các chú, các bác cùng đơn vị với cha mẹ. Được các cô chú và anh chị dìu dắt, năm 11 tuổi mẹ đã làm giao liên, thư từ cho các cơ sở cách mạng. Lớn lên mẹ tham gia vào Mặt trận dân tộc giải phóng và công tác trong đội biệt động thành Sài Gòn. Rồi mẹ lập gia đình và sinh được hai người con trai.

Khi các con vừa tròn một tuổi, Mẹ ngậm ngùi gửi con cho cơ sở để tiếp tục công tác… Cuối năm 1967, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Mẹ Mười Tùng vô cùng hạnh phúc khi bất ngờ gặp lại chồng, nhưng đó cũng là lần cuối cùng hai vợ chồng gặp mặt. Cuối năm 1967, mẹ nhận được hung tin, chồng của mẹ là ông Phạm Văn Tám đã hy sinh. Hai người con của mẹ khi lớn lên đều tham gia vào đội biệt động thành. Đến tháng 4/1975, hai người con của Mẹ là Phạm Quốc Nam và Phạm Quốc Trung đều hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc, ngay trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Bằng ý chí kiên cường, giấu nỗi đau, Mẹ tiếp tục cùng anh em đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục cùng tổ chức củng cố và xây dựng lực lượng, phát triển phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang trên các mặt trận để hướng tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Vượt qua tất cả nỗi mất mát, hy sinh to lớn ấy, Mẹ Tùng đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm cùng các chiến sĩ biệt động Sài Gòn lập nên những chiến công hiển hách, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Mẹ là một báu vật nhân văn sống về những kỳ tích biệt động.

Để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, từ năm 1970, mẹ Tùng được tổ chức phân công về củng cố và xây dựng lực lượng, phát triển phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang dọc sông Bạch Đằng từ Quận 9 đổ vào Quận 4.

Mẹ chia sẻ, sau khi đã xây dựng xong các lực lượng và cơ sở, vào những ngày đầu tháng 4 năm 1975, các đơn vị liên tiếp tiến công vào thành phố. Với khí thế tiến công, từ Long Thành, Bà Rịa -Vũng Tàu đến Đồng Nai súng nổ dồn dập liên tục. Lúc đó, tất cả các anh em trong đơn vị nằm chốt địa bàn chờ từng phút, từng giây, trong lòng cứ nơm nớp, xốn xang và nghĩ: “chút nữa thôi mình được gặp đồng đội và quê hương mình rồi”. Đúng 8 giờ kém 15 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị của mẹ đã cắm cây cờ mặt trận trên tòa nhà hành chính Quận 9, các lực lượng tràn ra khắp nơi, nhân dân đổ ra đường reo hò vui mừng.

alt

Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thanh Tùng

Mẹ nói: “Lúc đó, tôi vui quá không nói được gì chỉ biết liên tục hét lên thật to: Trời đất ơi! đồng bào ơi! giải phóng rồi, giải phóng về rồi. Tôi lại tiếp tục chuyển quân chạy tiếp vào trong nội thành. Đúng 11 giờ 30 phút, bộ đội vào chúng tôi giao lại cơ sở. Buổi chiều của ngày chiến thắng, mấy anh em gặp nhau chỉ biết ôm nhau cười trong sự vui sướng hạnh phúc vì sau bao nhiêu năm bị bức bách, nay đất nước đã hoàn toàn được giải phóng”, mẹ Tùng hạnh phúc khi nói về ngày vui chiến thắng.

Sau những phút giây hạnh phúc bên đồng đội đã qua đi, Mẹ ở lại một mình, nghỉ về hoàn cảnh, nổi đau mất chồng con, Mẹ khóc. Người mẹ, người chiến sĩ biệt động gan dạ trong khói lửa bổng chốc đôi chân liêu xiêu, muốn ngã quỵ.

Đối với mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thanh Tùng, ngày chiến thắng 30/4/1975 đã trở thành ký ức không bao giờ quên. Mẹ nói, để đất nước được độc lập, người dân không còn đổ máu, quê hương không còn bị tàn phá nữa thì những hy sinh, mất mát của mình có đáng là gì, “Mẹ tự hào vì cả gia đình mẹ đã tham gia cách mạng và góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc. Niềm mong mỏi nhất của mẹ bây giờ là mong tìm thấy hài cốt của hai người con trai. Cả 51 chiến sĩ đặc công, trong đó có 2 người con mẹ, tham gia đánh cầu Rạch Chiếc giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Sau ngày chiến thắng, mỗi lần có chuyện vui buồn, mẹ đều đến chân cầu Rạch Chiếc như để chia sẻ với hai con của mình”.

Chiến tranh kết thúc, với vai trò Phó Bí thư Đảng ủy Cầu Kho, Mẹ Nguyễn Thanh Tùng lại lao vào công tác cứu đói, giải quyết những ngổn ngang những ngày hậu chiến. Người cựu chiến sĩ biệt động Mười Tùng, như bao bà mẹ khác ở Sài Gòn những năm sau chiến tranh, cũng chắt chiu từng hạt gạo, bán từng giọt dấm để giữ vững phẩm cách của người chiến sĩ cách mạng. Với Mẹ, lời hứa với những người đã chết rất thiêng liêng.

Giờ đây, ở tuổi “xưa nay hiếm”, với bảy mảnh M79 trên đầu và một mảnh đạn ở đùi, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương cũ lại tái phát. cứ hành hạ Mẹ. Vì thế mà từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Trâm, một đồng đội cũ trong đội biệt động với Mẹ đã đón Mẹ về ở cùng nhà để sớm tối có nhau, chia sẻ vui buồn lúc tuổi già tại địa chỉ: 91/2 Trần Quốc Tuấn, Phường 1, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

Mẹ Nguyễn Thanh Tùng được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” năm 1978 và danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” năm 1994.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 10 năm 2018

Phạm Tuấn Trường

(Viên chức phòng Tuyên truyền – Thuyết minh – Thư viện)