CÀNH LIỄU TRƯỚC BÃO GIÔNG

Đường Trường sơn- Con đường được xem là huyền thoại của sức mạnh ý chí và niềm tin quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc sớm in dấu bàn chân phụ nữ. Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng triệu thanh niên và đông đảo cán bộ các cấp, các ngành, vũ khí, đạn dược… đã đi qua con đường này, tiến vào chiến trường nóng bỏng ở miền Nam. Một trong những chân dung phụ nữ vượt Trường Sơn năm ấy gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi là bác sĩ Trương Xuân Liễu…

Trầm Hương

Đường Trường sơn- Con đường được xem là huyền thoại của sức mạnh ý chí và niềm tin quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc sớm in dấu bàn chân phụ nữ. Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng triệu thanh niên và đông đảo cán bộ các cấp, các ngành, vũ khí, đạn dược… đã đi qua con đường này, tiến vào chiến trường nóng bỏng ở miền Nam. Một trong những chân dung phụ nữ vượt Trường Sơn năm ấy gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi là bác sĩ Trương Xuân Liễu…

altChị có cái tên rất đẹp: Trương Xuân Liễu. Thật không hình dung nổi, người phụ nữ xinh đẹp, phong cách đĩnh dạc, quý phái ngồi trước mặt chúng tôi từng là một sinh viên Y khoa Hà Nội. Những năm miền Bắc bị đánh phá, cô sinh viên y khoa sơ tán ra Bắc Thái, cùng chịu đựng gian khổ với đồng bào trong chiến tranh, cũng vác tre, nứa làm lán trại; ăn bột mì thay cơm… Năm cuối Đại học Y khoa, cô thực tập ở bệnh viện Việt Đức và bệnh viện C khoa sản cùng cô bạn thân Huỳnh Thị Trong (sau này là bác sĩ ở bệnh viện Từ Dũ). Người con gái đẹp ấy kể chuyện đi B, vượt Trường Sơn vào Nam phục vục chiến trường thật nhẹ nhàng, đơn giản: “Tốt nghiệp Đại học, tôi đăng ký đi B. Hồi đó, ai cũng vậy. Chiến trường miền Nam vẫy gọi. Được vào Nam chiến đấu là ước nguyện của tuổi trẻ chúng tôi!”. Cả gia đình ủng hộ ước nguyện đó của cô. Đâu ai biết, cô bác sĩ trẻ đẹp vừa mới ra trường năm ấy đã thầm đính ước với một người con trai miền Nam tập kết ở Hà Nội. Anh được đưa ra nước ngoài, học ngành kinh tế. Hôm chia tay, chị nói: “Em vào Nam, cả anh và em đều còn quá trẻ, không ràng buộc. Anh thích ai cứ lấy”.

Anh nhìn chị, cái nhìn im lặng, sâu thẳm. Họ không hứa hẹn nhưng lặng lẽ chờ nhau. Trong cách xa, bom đạn, cái chết; tình yêu của hai người vẫn lặng lẽ tồn tại, nở hoa trong cuộc đời…

Ký ức đi B

Nhắc đến những ngày đi B, vượt đường Trường Sơn vào Nam, cô Trương Xuân Liễu không ngăn được niềm tự hào vì đó là quãng đời thật đáng sống và đáng nhớ trong cuộc đời cô.Cô ngậm ngùi kể:

“Không thuộc diện được đi B nhưng tôi vẫn đăng ký vào Nam. Hồi đó “đi B” là ký hiệu vào chiến trường miền Nam. Tôi viết đơn, ba ký liền. Ông hồ hỡi nói với tôi: “Con về trước, ba về sau!”. Thời ấy, dường như nhà nào cũng có người đi chiến trường. Tôi không ngờ năm 1973, ba tôi vào Nam thật. Hai cha con gặp nhau ở C 22 trong niềm vui vô hạn. Nhưng đó là chuyện sau này, còn năm 1972, khi trong đoàn y bác sĩ vào Nam phục vụ chiến trường, tôi là cô gái trẻ, tràn đầy nhiệt althuyết. Tôi nhớ như in vào lòng ngày 20.4.1972. Đó là ngày tôi bước vào cuộc thử thách đầu tiên ngay sau khi ra trường. Đi B là niềm vinh dự, tự hào của tuổi trẻ thời ấy. Hỏi đường Trường Sơn cái gì nguy hiểm nhất, tôi xin được phép trả lời: Sốt rét. Thật vậy, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nằm lại vĩnh viễn trong những cánh rừng Trường Sơn. Trên những chiếc võng mắc giữa rừng, còn lại những bộ xương người rã dần trong mưa nắng. Đường Trường Sơn địch ném bom huỷ diệt, đánh phá rất ác liệt. Nhưng kỳ lạ thay, bom đạn không làm người ta sợ bằng những con muỗi A-no-phen truyền bệnh. Sốt rét gây ra những cơn ớn lạnh, người kiệt sức đi không nổi, đành phải ở lại trạm điều trị. Vậy là bị tụt lại, không theo kịp chị em. Người bị sốt rét nằm ở các trạm, được điều trị, khoẻ lên thì tìm đường đuổi theo đơn vị, may mắn còn bắt kịp. Một số trường hợp được điều trị, khoẻ lên, sẽ nhập với đoàn sau, tiếp tục lộ trình vượt Trường Sơn vào Nam. Chúng tôi vào Nam những năm 1970, trong điều kiện đường mòn Hồ Chí Minh đã khai thông, đã có được những trạm đón tiếp khá chu đáo nhưng đường đi cũng không kém phần gian khổ, ác liệt. Chúng tôi phần lớn thời gian đi bằng đường bộ. Lúc đầu, chúng tôi mang ba lô từ 28 đến 30 ký. Có những chị người thấp bé, mang chiếc ba lô vào người, vấp té, không đứng dậy nổi. Rồi mỗi lần qua suối, có chị không biết bơi, bị dòng nước cuốn trôi… Rất hiếm hoi chúng tôi mới được đi xe. Nhưng đường Trường Sơn không chỉ có bệnh tật, sốt rét mà còn có những trận địch ném bom khốc liệt, Tôi nhớ đời một trận chạy tránh máy bay Mỹ ném bom. Hôm ấy, tôi bị lên cơn sốt rét, đi không nổi. Anh Tư Tĩnh (sau này là giám đốc bệnh viện Sài Gòn) vừa lôi tôi đi, vừa động viên: “Ráng đi em, đến nơi, tao cho mày Huân chương vượt Trường Sơn!”. Vượt Trường Sơn ròng rã hơn 100 ngày, chúng tôi tới Nam Bộ. Nơi chúng tôi đến là Đầm Be- Kông Pông Chàm. Đơn vị tôi được bố trí công tác đầu tiên là C20 (Phòng và chữa bệnh) thuộc altBan dân Y Miền Nam.

Nỗi đau bất lực

Dù rất nỗ lực nhưng trong hoàn cảnh Y tế trong kháng chiến, chúng tôi không tránh được nỗi đau bất lực khi nhìn bệnh nhân mình đi vào cái chết. Tôi nhớ một anh bị cây đổ, làm chấn thương cột sống cổ, liệt toàn thân. Vết thương hoại tử có dòi. Mỗi lần mở ra chăm sóc anh, mùi hôi thúi bốc cả khu bệnh viện. Anh dần suy kiệt đến chết. Tôi nhớ một bệnh nhân thận bị ứ nước, phải mổ nhưng thiếu thuốc gây mê sâu, phải gây mê bằng đường tĩnh mạch, bóp bóng thường… Mổ thận không là việc dễ dàng, đòi hỏi phải có những phương tiện y khoa nhất định nhưng giữa rừng, bệnh viện quyết định mổ, vì không mổ, tình trạng của chị nguy kịch hơn. Anh bác sĩ Trương văn Việt (sau này là Giám đốc bện viện Chợ Rẫy) hôm ấy là người mổ chính. Sau đó, chị được đưa ra Bắc điều trị… nhiều và rất nhiều ca bệnh. Nếu bệnh viện có điều kiện tốt hơn, hiện đại hơn, đầy đủ phương tiện, thuốc men hơn…, chúng tôi đã cứu sống được nhiều người!

altĐau lòng nhất là chúng tôi đưa bệnh nhân đi chôn cất. Y bác sĩ ngoài khám chữa bệnh còn tự tay đào huyệt chôn bệnh nhân mình. Mùa khô, đất rừng miền Đông cứng như đá, đào huyệt rất cực. Chúng tôi vừa đào huyệt, vừa khóc vì nếu có điều kiện tốt hơn, bệnh nhân của chúng tôi đã được cứu sống. Nỗi day dứt ấy đi theo suốt cuộc đời chúng tôi, ngay trong những ngày hoà bình…

Đồng đội hy sinh và thương vong

Nhiều đồng đội của chúng tôi hy sinh, như bác sĩ Điển – chuyên khoa thần kinh bị bom bỏ, không tìm được xác. Anh Tư Tĩnh đưa bệnh nhân đến bệnh viện Liên Cơ cấp cứu giữa đường bị ném bom, áo quần te tua vì bị sức ép. Tôi nhớ bác sĩ Phạm Thị Nguyệt Ánh đưa bệnh nhân lao phổi đi an dưỡng trên chiếc hon-da băng rừng. Chị Hồng chở, bệnh nhân ngồi giữa, chị Ánh ngồi sau… Dọc đường, đoàn người bị máy bay ném bom. Một mảnh bom trượt qua đầu, làm mái tóc dài và dày của Ánh ướt đẫm một bên. Bác sĩ Dương Quang Trung mổ cho Ánh. Con gái chết không sợ, lại sợ xấu. Ánh khóc nói: “Chú Tư đừng cạo đầu con nghen!”. Sau đêm nằm ngủ, kiến bu đầy đầu Ánh. Chi Hà bên khối dược gội đầu, bắt từng con kiến cho Ánh…Và nhiều trường hợp bị thương rất thương tâm. Vết thương ngày ấy nếu trong điều kiện y học hiện đại ngày nay sẽ được can thiệp, điều trị rất tốt nhưng do thiếu thốn phương tiện, nhiều anh chị em không qua khỏi, nếu được sống sót cũng phải chịu di chứng cho đến ngày nay…

Cha con gặp nhau giữa rừng

altTrong ký ức cô Trương Xuân Liễu, hình ảnh người cha- Dược sĩ Trương Xuân Nam là một biểu tượng của lòng yêu nước và phẩm cách cao đẹp của một trí thức dấn thân. Tôi chọn ngành Y cũng từ kỳ vọng của ba. Khi tôi đi B, ba không ngăn cản mà còn hẹn gặp tôi ở chiến trường miền Nam. Và ba đã về Nam thật. Tối hôm đó, có một ca đẻ khó ở bệnh viện Liên Cơ. Tôi cầm đèn đi sang phía bên kia của bệnh viện, chợt nghe có tiếng ô tô và ánh đèn pha trong đêm. Chiếc xe đổ xịch trước mặt tôi. Một người đàn ông bước xuống. Bóng dáng quen thuộc của ông khiến tôi đứng lặng, sững sờ. Nhận ra ba, tôi mừng quá, kêu lên: “Ba”. Ấy là năm 1973, ô tô đã vào được Lò Gò. Hai cha con ôm nhau trong nước mắt. Tôi tự hào vì ba và con gái cùng một chiến hào, cùng ở ngành Y, phục vụ cho cách mạng miền Nam…”. Từ năm 1973 đên 1975 ba tôi là Cục trưởng Cục quản lý Dược Bộ Y tế Cộng hòa miền Nam Việt Nam (C15 Ban dân Y Miền Nam).

Những năm hòa bình

Cô Trương Xuân Liễu nhớ lại: “Sau tết 1975, tôi được đưa về C22- đội phẫu tiền phương, phục vụ chiến dịch Dầu Tiếng, rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Buổi tối ngày 29.4, tôi còn ngủ ở Bến Cát. Những đoàn xe ào ạt tiến về Sài Gòn. Buổi trưa ngày 30 tháng 4 xe dừng lại nghỉ. Tôi cùng mấy anh chị em trong đoàn C22 chui xuống gầm xe tránh nắng, chợt lặng người nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Mừng quá, đoàn C22 lên đường. Nhiều anh chị trong Ban Dân Y miền Nam sớm có mặt, tiếp quản Sài Gòn như bác sĩ Nguyên Văn Đương tiếp quản bệnh viện Trưng Vương, Bác sĩ Phan Thị Thương tiếp quản bệnh viện Từ Dũ…”. Người nữ bác sĩ vượt Trường Sơn năm ấy sau hòa bình lại bước vào những ngày hậu chiến thật cam go, thử thách. Chị gắn với đơn vị “Vệ sinh phòng dịch” suốt 18 năm (1975- 1993), sau đó được đưa về Sở, nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Y tế cho đến khi nghỉ hưu năm 2002. Hiện nay, chị được giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội Y học Thành phố nhiệm kỳ 2013-2019

Tận tâm, tận hiến cho ngành Y trong kháng chiến chống Mỹ và sau ngày hòa bình, cô Trương Xuân Liễu về hưu, với tất cả sự thanh thản. Người nữ bác sĩ vượt Trường Sơn năm ấy, chung thủy với mối tình đầu tiên và duy nhất, dành tất cả tinh hoa cuộc đời phục vụ ngành y, qua nhiều cương vị công tác, giờ đây sống hạnh phúc với một gia đình êm ấm. Vượt qua bão giông, cành liễu dịu dàng, thướt tha trong mùa xuân ấm áp như ý nghĩa cái tên ba mẹ đã kỳ vọng đặt cho con gái.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 4 năm 2016

Trầm Hương