CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA VÀ CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ CỦA BÀ NGUYỄN THỊ THẬP

          Cách nay hơn một thế kỷ, Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga lần đầu tiên đã chọc thủng hệ thống đế quốc chủ nghĩa, mở một con đường duy nhất để giải phóng hoàn toàn cho giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Từ một nước Nga phát triển trung bình dưới thời Sa hoàng, đất nước Nga Xô-viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, y tế, giáo dục…; là lực lượng chủ yếu đánh tan phát-xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát-xít. Trong một thời kỳ dài của lịch sử ở thế kỷ 20, Liên Xô đã trở thành một cường quốc thế giới, là trụ cột của hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Cuộc cách mạng này đã giúp con người có một cái nhìn mới về người phụ nữ và đã giúp khẳng định rằng: phụ nữ là một lực lượng lao động có ích cho xã hội. Đối với phụ nữ, Cách mạng tháng Mười càng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Từ khi xã hội phân chia giai cấp, trải qua hàng bao nhiêu thế hệ, tất cả những người phụ nữ trên thế giới đều phải chịu cảnh áp bức, tủi nhục ngoài xã hội và ngay trong gia đình. Các gia cấp thống trị đã trói chặt phụ nữ trong những luật pháp và đạo lý tàn bạo, biến họ thành nô lệ cho xã hội và nô lệ cho người đàn ông.

C.Mác và Ph.Ăng-ghen, những người xây dựng nền móng lý luận đầu tiên cho chủ nghĩa cộng sản, đã vạch cho giai cấp vô sản toàn thế giới con đường cách mạng lật đổ trật tự xã hội tư bản chủ nghĩa đem lại hạnh phúc vĩnh viễn cho nhân loại. Đồng thời C.Mác và Ph.Ăng-ghen cũng vạch ra một cách sâu xa nguồn gốc giai cấp  của sự áp bức phụ nữ, phải có cách mạng vô sản thủ tiêu chế độ người bóc lột người mới chấm dứt sự nô lệ của người phụ nữ.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa cộng sản khoa học, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản trên thế giới đã bùng nổ và phụ nữ lao động đã tìm thấy ở đó nguồn hy vọng lớn lao.

Ngày 7 – 11 – 1917 là một ngày lịch sử quang vinh của vô sản toàn thế giới, cách mạng vô sản đầu tiên đã thành công rực rỡ ở nước Nga. Tiếng súng của cách mạng tháng Mười kết thúc nền thống trị tàn khốc của tư bản và địa chủ trên một phần sáu quả đất và mở đầu một kỷ nguyên mới cho xã hội loài người.

Cách mạng vô sản tháng Mười Nga chẳng những ghi trên ngọn cờ của mình: Chính quyền về tay công nông; Xoá bỏ quyền tư hữu ruộng đất, công xưởng và nhà máy; Bình đẳng giữa các dân tộc… mà còn ghi đậm nét những khẩu hiệu có ý nghĩa hết sức lớn lao đối với phụ nữ : Quyền nam nữ bình đẳng trước pháp luật và trong đời sống thực tiễn; thay đổi tận gốc quyền hôn nhân gia đình; công nhận trách nhiệm người mẹ là một nhiệm vụ xã hội; xã hội phải phụ trách việc săn sóc và giáo dục nhi đồng, thiếu niên; đấu tranh cương quyết chống tư tưởng và tập quán cổ hủ biến phụ nữ thành người nô lệ.

Cùng với mục đích thủ tiêu chế độ người bóc lột người, cách mạng tháng Mười nhằm kết thúc sự nô lệ của người phụ nữ trên đất nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên rộng lớn, mở con đường giải phóng hoàn toàn cho phụ nữ thế giới sau này.

Trong những ngày đầu tiên của chính quyền Xô-Viết, các luật lệ khắc nghiệt, kìm hãm, vùi dập phụ nữ đã bị xoá sạch. V.I.Lênin (Vladimir Ilych Lenin) nói: “Trên thế giới không có một Đảng dân chủ nào ở một nước nào trong những nước cộng hòa tư sản tiên tiến nhất thế giới có thể thực hiện trong vài chục năm một phần trăm những công việc mà chúng ta đã làm trong năm đầu của chính quyền cách mạng của chúng ta…”

Nhưng Lê-nin coi đó mới là bước đầu đập phá những luật lệ cũ tàn bạo, giả dối, chứ chưa phải là xây dựng cái mới. Lê-nin đã nhấn mạnh: “Quyền bình đẳng trước pháp luật chưa phải là quyền bình đẳng trong cuộc sống”. Chính Lê-nin, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới đã vạch ra và trực tiếp lãnh đạo chính quyền Xô-Viết thực hiện hàng loạt những công việc hết sức mới mẻ, khó khăn để thực hiện bước đầu giải phóng phụ nữ.

Cách mạng tháng Mười là một cống hiến lớn lao của Lê-nin và Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích vĩ đại cho nhân loại và cho phụ nữ toàn thế giới, đó là kết quả của một quá trình đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân Liên-xô anh hùng.

Sự thành công của Cách mạng tháng Mười có sự đóng góp quý báu của phụ nữ Liên-xô trên mọi lĩnh vực. Sự đóng góp đó có tính chất quyết định đối với thắng lợi của cách mạng, được V.I.Lênin đánh giá rất cao. Những gương anh dũng , xả thân vì cách mạng và tinh thần quốc tế vô sản cao cả của phụ nữ Liên-xô trong cuộc chiến tranh chống đế quốc để bảo vệ thành quả của cách mạng tháng Mười là những cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ thế giới sau này.

Cách mạng tháng Mười với chủ nghĩa Mác – Lênin trong thực tiễn là ngọn đèn pha dẫn đường cho phụ nữ toàn thế giới đấu tranh tự giải phóng, chính nhân dân và phụ nữ Việt Nam dưới sự lãnh đại của Đảng, của bà Nguyễn Thị Thâp với các tổ chức Hội đã hướng theo ngọn đèn pha đó mà vùng lên, chặt đứt xiềng xích nô lệ hàng nghìn đời, đi đến cuộc sống tự do hạnh phúc ngày nay.

Hơn một thế kỷ sống trong chế độ thuộc địa và phong kiến, phụ nữ Việt Nam bị xiết dưới ba tầng áp bức: áp bức dân tộc, áp bức giai cấp và áp bức gia đình. Hơn 90% phụ nữ lao động cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sưu cao, thuế nặng, bị đế quốc thực dân và tư bản địa chủ bóc lột tận xương tuỷ. Chị em còn phải chịu bao cảnh tủi nhục, cai chủ đánh đập, hãm hiếp, xã hội khinh khi. Trong cuốn “Bản án thực dân”, khi nói đến nổi khổ nhục của phụ nữ Việt Nam, Hồ Chủ Tịch đã tố cáo: “Chế độ thực dân là chế độ ăn cướp, chế độ hãm hiếp đàn bà và giết người”.

Phụ nữ Việt Nam vốn có truyền thống đấu tranh bất khuất từ 2.000 năm về trước. Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, thời kỳ nào cũng xuất hiện những nữ anh hùng. Nhưng trãi qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến, ngay trong thời kỳ nước nhà được độc lập, phụ nữ vẫn phải chịu áp bức của những lễ giáo phong kiến. Vì vậy ngọn lửa chống đối thế lực và lễ giáo phong kiến thối nát âm ỉ chảy từ đời này đến đời khác. Những tiếng than thở, nghẹn ngào và bao nỗi căm hờn của phụ nữ đã bật lên trong hàng nghìn câu ca dao chống phong kiến lưu truyền trong quần chúng.

Suốt một thế kỷ dưới ách thực dân Pháp, nhiều chị em không chịu cảnh nước mất nhà tan đã tham gia các phong trào yêu nước do giai cấp tư sản và phong kiến lãnh đạo. Nhưng giai cấp lãnh đạo là giai cấp suy tàn, không có đường lối cách mạng đúng đắn nên các cuộc đấu tranh đều đi đến bế tắc, thất bại.

Từ năm 1925 đến năm 1930, phong trào “đòi nữ quyền” do giai cấp tư sản đề xướng, thu hút đông đảo chị em tiểu tư sản, tri thức ở các đô thị. Lòng khao khát vượt lên tự giải phóng của phụ nữ đã bị bọn đế quốc thực dân lợi dụng, lừa bịp và đánh lạc hướng đấu tranh, phong trào chỉ rầm rộ một thời rồi tan rã.

Sự thành công của cách mạng tháng Mười, mở đường cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin đến với nhân dân Việt Nam. Mặc dù bọn thực dân phong kiến bưng bít và xuyên tạc, tiếng chuông của cách mạng tháng Mười vĩ đại vẫn vọng đến nhân dân và phụ nữ Việt Nam. Tinh thần cách mạng tiềm tàng trong phụ nữ  được chủ nghĩa Mác – Lênin và cách mạng tháng Mười khuấy động, bùng lên như lửa gặp gió.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương với đường lối cách mạng triệt để, soi sáng bởi những bài học của cách mạng tháng Mười, đã lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ Việt Nam vào cuộc đấu tranh mới, vô cùng quyết liệt với quân thù.

Hình ảnh chính quyền Xô-viết ở một nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên, nơi đó không còn người bóc lột người, công nhân làm chủ nhà máy, ruộng đồng, phụ nữ được bình đẳng với nam giới và được phát huy mọi tài năng, trí tuệ để phục vụ tổ quốc, hình ảnh đó tuy xa xôi nhưng rất rõ nét, đã gieo vào lòng người phụ nữ Việt Nam một lý tưởng, một ước mơ, một nguồn cổ vũ mạnh mẽ. Mặc dù bọn thực dân ráo riết khủng bố, những bài hát ca ngợi Lê-nin và cách mạng tháng Mười vẫn bí mật truyền đi khắp nông thôn, nhà máy. Mỗi người phụ nữ giác ngộ cách mạng lúc bấy giờ đều nghi nhớ như một kỷ niệm sâu sắc những câu ca dao giản dị nhưng có sức mạnh lôi cuốn, giục giã như hồi kèn xung trận:

“Hỡi Chị em mau mau đứng dậy

Đoàn kết nhau giành lấy lợi quyền!

Kìa gương phụ nữ Xô-Liên

Tự do bình đẳng bình quyền từ lâu…”

Trải qua bao thời kỳ sóng gió của cách mạng, mặc dù địch khủng bố dã man trong nhà tù, trước máy chém, hình ảnh của cách mạng tháng Mười và lý tưởng cộng sản vẫn luôn luôn chói ngời trong lòng các chiến sĩ cách mạng Việt Nam, xác định cho họ con đường đấu tranh cách mạng duy nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp vô sản, theo ngọn cờ chủ nghĩa Mác – Lênin vĩ đại.

Đảng Cộng sản luôn trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, đã vận dụng một cách sáng tạo những bài học quý báu của cách mạng tháng Mười vào thực tiễn cách mạng Việt Nam nên đã huy động lực lượng quần chúng cho lớn làm cách mạng và đưa cách mạng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong những thắng lợi vĩ đại mà Đảng ta đã đạt được trên các mặt, những thành tích về sự nghiệp giải phóng phụ nữ của bà Nguyễn Thị Thập là niềm tự hào của Đảng, mặc dù bị hạn chế do hoàn cảnh đất nước chiến tranh kéo dài.

Các phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ phát triển mạnh mẽ và sâu rộng với nhiều hình thức hoạt động phong phú, tập hợp đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng, đòi quyền lợi kinh tế, cải thiện đời sống, chống áp bức của đế quốc phong kiến. Những tên gọi của Hội phụ nữ qua các thời kỳ gắn liền với trọng tâm từng giai đoạn cách mạng như tổ chức Phụ nữ Giải phóng (1930 – 1936), Hội Phụ nữ Dân chủ (1936 – 1939), Hội Phụ nữ Phản đế (1939 – 1941), Đoàn phụ nữ Cứu quốc (1941 – 1945). Phụ nữ bắt đầu sống bằng chính đôi tay của mình, họ phát triển nhiều khả năng khác nhau và có thêm những thói quen mới. Họ dần giải phóng chính mình khỏi những tính cách cốt lõi gắn với người phụ nữ trước đây và trang bị cho mình những cái mới. Người phụ nữ đều nhận thức một cách đầy đủ rằng chính con người họ và sự tồn tại của con cái phụ thuộc trực tiếp vào họ, vào công việc và năng lực của họ. Họ dần thích nghi với điều kiện, tình hình của đất nước.

V.I.Lênin, người Thầy vĩ đại, vị lãnh tụ thiên tài, người bạn chiến đấu trung thành của gia cấp vô sản và nhân dân lao động bị áp bức trên thế giới đã vạch cho gia cấp vô sản thấy rõ vai trò và vị trí của phụ nữ trong cách mạng, chỉ rõ mối quan hệ hữu cơ giữa vấn đề giải phóng giai cấp  và giải phóng phụ nữ, đồng thời nêu bật lý tưởng giải phóng phụ nữ của giai cấp vô sản.

Đảng ta đã lĩnh hội sâu sắc những lời chỉ dạy của V.I.Lênin: “Sự thành công của cách mạng tuỳ thuộc vào mức độ tham gia của phụ nữ”

Và: “Giai cấp vô sản không tự mình giải phóng hoàn toàn nếu không giành được sự bình đẳng hoàn toàn cho phụ nữ”

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Đảng ta đã phân tích và đánh giá đúng đắn vai trò và khả năng cách mạng vô cùng to lớn của phụ nữ  mà số đông là phụ nữ công nông, ý chí cách mạng kiên cường, lòng trung thành vô hạn, tinh thần đấu tranh bền bỉ ở trong tầng lớp phụ nữ đang bị vùi dập xuống tận bùn đen, trong hạng người mà bọn thực dân phong kiến cho là “ngu si, dốt nát, yếu hèn”. Sức mạnh của phụ nữ công nông đã được chứng minh một cách hùng hồn ngay sau khi Đảng thành lập, trong cao trào Xô-viết Nghệ – Tĩnh, rõ ràng là phụ nữ Việt Nam bị áp bức nhiều nhất nên có tinh thần hăng hái cách mạng. Những thành tích rực rỡ của phụ nữ Việt Nam  và những đóng góp to lớn của lực lượng phụ nữ trong cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa đã chứng tỏ “Phụ nữ Việt Nam việc gì cũng làm được, việc gì cũng làm được tốt” một khi chân lý chủ nghĩa Mác – Lê-nin đi vào khối óc trái tim của họ.

Xuất phát từ lý tưởng giải phóng phụ nữ của giai cấp công nhân, và trên cơ sở đánh giá lực lượng cách mạng to lớn của phụ nữ, Đảng ta luôn luôn đạt công tác vận động phụ nữ là một bộ phận không thể thiếu được trong toàn bộ công tác vận động quần chúng của Đảng, trong cách mạng dân tộc dân chủ cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nội dung công tác vận động phụ nữ của bà Nguyễn Thị Thập bao gồm hai vấn đề có liên quan mật thiết và tác động lẫn nhau: vận động phụ nữ tham gia cách mạng và thực hiện giải phóng phụ nữ.

Qua lý luận và thực tiễn của cách mạng tháng mười Đảng ta nhận thức một cách sâu sắc: “sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn chặc với sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp”. Phụ nữ chỉ thực sự giải phóng khi nào dân tộc được giải phóng và giai cấp công nhân được giải phóng. Do đó những quyền lợi của phụ nữ phải đặt trên cơ sở quyền lợi của dân tộc và quyền lợi của giai cấp. Từ năm 1930, bản luận cương chính trị đầu tiên của Đảng ghi rõ một trong mười nhiệm vụ cách mạng là: “thực hiện nam nữ bình đẳng”.

Bên cạnh quyền lợi cơ bản của phụ nữ nằm trong quyền lợi của dân tộc và dân chủ còn có những quyền lợi riêng biệt của giới, chủ yếu nhất là quyền nam nữ bình đẳng và quyền lợi của người mẹ, những quyền lợi riêng đó không thể thiếu được, có tác dụng động viên, cổ vũ phụ nữ đấu tranh cho quyền lợi chung của dân tộc và của giai cấp. với quan điểm trên, đối với mỗi tầng lớp nhân dân trong lực lượng cách mạng, Đảng có phương hướng đấu tranh đòi quyền lợi cho phụ nữ. trong từng cuộc đấu tranh, có khẩu hiệu riêng để tập hợp quần chúng phụ nữ, Đảng đưa phụ nữ công nông vào các tổ chức giai cấp như: công hội, nông hội, đồng thời tập hợp các tầng lớp phụ nữ trong một mặt trận rộng rãi. Với đường lối đúng đắn của Đảng, tổ chức phụ nữ nhiều lần đổi tên qua các giai đoạn cách mạng cho thích hợp với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, ngày càng thu hút phụ nữ các tầng lớp, các tôn giáo tiến lên dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lênin và ngày nay đã trở thành một tổ chức phụ nữ duy nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền công nông xác lập quyền tự do dân chủ về các mặt, quyền nam nữ bình đẳng trên mọi lĩnh vực. Đó là quyền lợi chính trị cơ bản nhất đối với phụ nữ, đã được hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định. Thực hiện những quyền lợi chính trị cơ bản, phụ nữ được quyền học tập, lao động, làm việc ngang nhau, tiền lương ngang nhau, có quyền ứng cử, bầu cử những người đại diện chân chính của mình vào cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước. Rõ ràng thắng lợi của cách mạng tháng Tám cũng là thắng lợi bước đầu nhưng rất cơ bản của sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Thắng lợi đó chỉ có thể đạt được khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ để bảo vệ Tổ quốc, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Đảng đã huy động được lực lượng phụ nữ hùng mạnh, phát huy khả năm của phụ nữ thay chân nam giới ở địa phương, phục vụ tiền tuyến, góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang mặc dù cuộc kháng chiến dựa vào sức mình là chính. Đảng ta không ngừng chăm lo đến phụ nữ, trẻ em, thực hiện cải cách ruộng đất, giải phóng phụ nữ ra khỏi sự áp bức bóc lộc của giai cấp địa chủ, chống giặc dốt, giặc đói, xây dựng cơ cở y tế, hộ sinh, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em. Điều đó chứng tỏ dù trong tình huống khó khăn nào, chính quyền cách mạng của công nông vẫn có đầy đủ khả năng và rất nhiệt tình với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Hoà bình lặp lại, miền Bắc được giải phóng bước vào giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa để vĩnh viễn xóa bỏ chế độ người bóc lột người, vấn đề giải phóng phụ nữ càng được đặt ra hết sức khẩn trương. Chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới giải phóng triệt để cho phụ nữ. Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, giải phóng gia cấp thực chất là giải phóng phụ nữ. Vì vậy phải đứng trên lập trường giai cấp công nhân mà giải quyết vấn đề phụ nữ.

V.I.Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh một vấn đề hết sức bức thiết là giải phóng phụ nữ ra khỏi những công việc nội trợ gia đình, những công việc mà V.I.Lênin cho là ty tiện, tăm tối, nặng nề nhất, trói buộc người phụ nữ không cho học có điều kiện tham gia sản xuất tập thể và các hoạt động xã hội, không có thì giờ học tập, nghỉ ngơi, giải trí. Vận dụng lời dạy của V.I.Lênin Đảng ta hết sức quan tâm phát triển các nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà ăn tập thể. Mặc dù cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ngày càng ác liệt, Đảng và Nhà nước luôn đẩy mạnh công tác bảo vệ bà mẹ trẻ em, coi đó là sự nghiệp vẻ vang của Nhà nước chuyên chính vô sản.

Phong trào phụ nữ phát triển ngày càng rộng lớn đòi hỏi phải có cán bộ nữ làm đội quân xung kích cho phong trào. Đội ngũ cán bộ nữ gồm những cán bộ chính trị, là vốn quý của Đảng trước kia, hiện nay và sau này, cán bộ quản lý kinh tế, chính quyền, cán bộ khoa học, kỹ thuật. Đội ngũ cán bộ nữ có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ, nhất là chị em được tham gia vào các cấp lãnh đạo chính quyền. Ý thức được mối quan hệ những người trong tầng lớp và được tham gia nhiều hơn vào công việc chính trị. Số phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị tăng lên đáng kể.

Trên cơ sở nâng cao nhận thức của toàn Đảng về vai trò và vị trí của phụ nữ và cán bộ nữ trong toàn bộ sự nhiệp  cách mạng của Đảng, Đảng ta kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm bảo thủ, hẹp hòi, những tư tưởng phong kiến, ra sức đẩy mạnh các biện pháp tích cực sử dụng, đề bạc, đào tạo, bồi dưỡng nhằm mở rộng và nâng cao đội ngũ cán bộ một cách có hệ thống.

Trong lúc miền Bắc chuyển sang cách mạng Xã hội chủ nghĩa, thì miền Nam còn phải tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, chống chiến tranh xâm lược đẫm máu nhất thế giới lúc bấy giờ do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước gây ra. Phụ nữ miền Nam đã vùng lên cầm vũ khí cùng chồng con tiêu diệt quân thù tàn bạo. Những thắng lợi ngày càng to lớn của nhân dân và phụ nữ miền Nam anh hùng một lần nữa chứng tỏ chỉ có đi theo con đường bạo lực của cách mạng tháng Mười  mới bắt đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai từ bỏ mộng xâm lược và thống trị của chúng.

Cách đây 58 năm, đế quốc Mỹ đã leo thang bắn phá miền Bắc nhằm hủy diệt và ngăn chặn sự ủng hộ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến miền Nam. Nêu cao khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, miền Bắc lúc đó đã sục sôi một phong trào tình nguyện vào miền Nam chiến đấu; đồng thời vừa tích cực lao động sản xuất, vừa sẵn sàng trực chiến chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Khắp nơi, thanh niên nam nữ đồng lòng lên đường nhập ngũ hoặc xin vào dân công để Nam tiến. Những người mẹ, người vợ, người yêu, người em một mặt động viên con, chồng, người yêu, anh trai tham gia bảo vệ tổ quốc một mặt viết đơn tình nguyện xin được làm thêm những công việc nặng nhọc để người thân yên tâm đi chiến đấu. Trước nhiệm vụ cứu nước khẩn trương, bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, đánh bại âm mưu của giặc Mỹ, thể theo nguyện vọng yêu nước thiết tha của hàng triệu phụ nữ, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập cùng với tập thể Ban Thường trực Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã thảo luận, xin ý kiến Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam và đi đến quyết định đề xuất với Trung ương Đảng phát động trong toàn thể phụ nữ miền Bắc phong trào “Ba đảm nhiệm” với chỉ thị số 3, ngày 23-3-1965 nêu rõ ba nội dung của phong trào là: 1. Ðảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu; 2. Ðảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con đi chiến đấu; 3. Ðảm nhiệm phục vụ chiến đấu khi cần thiết.

Từ định hướng chỉ đạo này, phong trào “Ba đảm nhiệm” nhanh chóng được tất các các cấp Hội triển khai thực hiện với những hoạt động cụ thể và sự đồng lòng hưởng ứng của hàng triệu hội viên, phụ nữ toàn miền Bắc. Xuất phát từ tình hình nhiệm vụ mới và yêu cầu thực tiễn, sau khi phong trào được phát động được một thời gian ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý cho Hội LHPN Việt Nam đổi tên phong trào “Ba đảm nhiệm” thành phong trào “Ba đảm đang”.

Phong trào phát triển sôi động ở tất cả các cấp hội cơ sở. Đến tháng 5 năm 1965 (sau hơn 2 tháng kể từ khi phát động), toàn miền Bắc đã có 1 triệu 70 vạn phụ nữ đăng ký danh hiệu “Ba đảm đang” thi đua lập thành tích xuất sắc. Hàng triệu lá đơn của các mẹ, các chị đăng ký sẵn sàng thay thế chồng, con, anh, em đi chiến đấu. Chị em phấn đấu vươn lên gánh vác việc nước, việc nhà; phong trào phát triển nhanh chóng, thu hút không chỉ hội viên phụ nữ tham gia mà dường như lôi cuốn toàn thể nhân dân miền Bắc hưởng ứng, ủng hộ một cách thiết thực theo hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, của từng ngành.

Là một hậu phương vững mạnh, cùng với chị em miền Nam hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ để thực hiện giải phóng phụ nữ trong cả nước.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi, lập nên chiến thắng hào hùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mang lại niền vui trọn vẹn cho cả dân tộc.

Với những cống hiến lớn lao vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại, phụ nữ Việt Nam ở hai miền Nam-Bắc đã trở thành đội quân xung kích của phong trào phụ nữ quốc tế, góp phần bảo vệ hoà bình thế giới, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em.

Nhìn về tương lai xán lạn, phụ nữ Việt Nam đời đời nhớ ơn V.I.Lênin và Đảng Cộng sản Bôn-Sê-Vích vĩ đại đã mở ra con đường cách mạng tháng Mười. Phụ nữ Việt Nam vô cùng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến và đồng chí Nguyễn Thị Thập, người con ưu tú của đất Thành đồng, người Mẹ Việt Nam anh hùng, người đảng viên kiên trung, người lãnh đạo Hội tận tụy hết lòng vì sự phát triển của tổ chức Hội và phong trào phụ nữ Việt Nam đã dẫn dắt nhân dân và phụ nữ Việt Nam vững bước tiến theo con đường của cách mạng tháng Mười vĩ đại.

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Thập đọc tham luận trong buổi kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tại Liên Xô (nay là nước Nga), năm 1967.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 10 năm 2023

Võ Cư

     Phòng truyền thông – giáo dục – quan hệ quốc tế

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (2008): Nguyễn Thị Thập – Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Văn nghệ.
  2. Chủ nghĩa Mác (1997): Vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb CTQG, Hà Nội.
  3. I.Lênin, Toàn tập, tập 5, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1975.
  4. I.Lênin, Toàn tập, tập 40, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1977.
  5. I.Lênin, Toàn tập, tập 42, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1977.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *