BÓNG HỒNG PHÍA SAU CỤ ĐỒ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

Từ rất lâu, nhà chí sĩ, thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành danh nhân của người Việt Nam. Nhưng ít ai biết đến những hy sinh thầm lặng của người phụ nữ một đời vun đắp cho chồng từ anh giáo mù trở thành một bậc danh nhân đất Việt. Dù không được công thành danh toại như cụ Đồ Chiểu, nhưng tại Cần Giuộc, không ai là không biết đến bà Lê Thị Điền- người được dân chúng nơi đây thân thương gọi bằng cái tên điền dã: “Cô Năm Điền”.

Bà Lê Thị Điền sinh năm 1835 (năm Ất Mùi). Tên song thân của bà đến nay chưa có tài liệu nào ghi rõ, chỉ biết bà có người anh là ông Lê Tăng Quýnh, nhà khá giả, làm Cai tổng ở xã Thanh Ba, huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định (nay là ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Ông Lê Tăng Quýnh là người theo nho học, có mở lớp tại nhà để dạy em cháu và trẻ con trong làng. Bà Lê Thị Điền lớn lên trong hoàn cảnh đó, đã thụ hưởng một nền giáo dục đầy đủ mà người xưa thường dành cho con gái nhà khuê các như: cầm, kỳ, thi, họa. Đến năm 15 tuổi bà đã nổi tiếng tài sắc một vùng, biết bao thanh niên nhà quyền quý đến dạm hỏi, nhưng bà đều từ chối khéo.

Ông Lê Tăng Quýnh đã nhiều lần nhắc nhở việc xây dựng gia đình, nhưng bà vẫn ung dung đáp: “Việc gì mà vội. Nếu sau này dù gặp người đui mù mà xứng đáng cho em tôn sùng, em cũng cứ vui lòng” – chính câu nói này của bà đã là cơ duyên để bà gặp gỡ cụ Nguyễn Đình Chiểu. Trước thái độ cứng rắn của em gái, ông Lê Tăng Quýnh đành bỏ qua không bàn đến việc hôn nhân nữa.

Rồi nhiều năm trôi qua, bỗng có một người mang đến cho ông Lê Tăng Quýnh bản chép tay tác phẩm: “Dương Từ – Hà Mậu” mà tác giả là một ông Tú mù lòa đang mở lớp dạy học lại làng Tân Thuận (Gia Định). Ông Lê Tăng Quýnh khâm phục văn tài của tác giả bèn đánh đường đến Tân Thuận xem xét. Sau mấy lần tiếp xúc, ông hết sức kính trọng đức độ và tài y thuật của thầy Đồ, nên xin được làm môn sinh của thầy.

Sau đó, cám cảnh thầy đơn chiếc, mù lòa, tuổi đã quá 30 mà chưa có con nối dõi, lại nhớ đến lời người em gái nói hôm nào, ông quyết định bắc cầu cho trai tài gái sắc gặp nhau. Thế rồi, một mặt ông cố thuyết phục cho thầy chịu lấy vợ, một mặt ông đặt thẳng vấn đề với cô em gái. Ông nói trước rằng: “Bên trai quả thật đui mù nhưng tài cao đức trọng”. Bà Lê Thị Điền chấp nhận lời đề nghị của anh, giả trai, cắp sách theo anh đi học. Rồi sau một thời gian ngắn dò xét, nhận thấy thầy Đồ quả đúng như lời người anh nói, bà mới thuận lòng xây dựng hôn nhân với cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Trong gia phả của họ Nguyễn Đình không có ghi cụ Đồ Chiểu cưới vợ năm nào, song kết quả của cuộc hôn nhân này là năm 1855 người con gái đầu lòng tên Nguyễn Thị Hương ra đời, kế đó, năm 1858 bà Lê Thị Điền sinh tiếp một người con trai là Nguyễn Đình Chúc.

Đầu năm 1859 xảy ra quốc biến, quân Pháp chiếm được thành Gia Định và châm lửa đốt cả vùng:

… Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây …

Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng này, bà Lê Thị Điền lại bế con thơ, dìu chồng lánh nạn về lại quê hương Thanh Ba (Cần Giuộc), sống nương náu với anh là ông Lê Tăng Quýnh, nhà ở cách chùa Ông Ngộ (tức chùa Tôn Thạnh, một địa điểm trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) khoảng một cây số.

Về sau, gia đình cụ Nguyễn Đình Chiểu dời về sát gần chùa Ông Ngộ để tiện cho việc ủng hộ công cuộc kháng chiến chống Pháp và sáng tác thơ văn. Bề ngoài cụ mở lớp dạy học trò và làm thuốc, còn bên trong bày mưu kế cho nghĩa binh kháng chiến, cụ làm cố vấn trong Bộ tham mưu chống Pháp của tướng Trương Công Định. Nhận thấy cụ Đồ Chiểu được nhiều người mến mộ, nên các vị lãnh đạo chống Pháp mong muốn cụ cho ra đời một tác phẩm có thể phổ biến ngay trong vùng địch chiếm đóng và nâng cao tinh thần chiến đấu của nghĩa binh- thế là tác phẩm “Lục Vân Tiên” được hoàn tất, chính cụ đã đọc cho bà Lê Thị Điền chép tay áng văn bất hủ này.

Bà Lê Thị Điền lúc bấy giờ không những là “thư ký văn chương” cho chồng mà còn góp phần vào cuộc kháng chiến cứu nước. Năm 1861, bà sinh người con gái thứ tư là Nguyễn Thị Kim Xuyến. Đến năm 1862, Pháp chiếm xong ba tỉnh miền Đông, một lần nữa thầy đồ Nguyễn Đình Chiểu lại lánh nạn đến Ba Tri, một nơi còn ở ngoài vòng chiếm đóng của Pháp. Tại Ba Tri, năm 1864, người con gái thứ năm là Nguyễn Thị Ngọc Khuê ra đời. Năm 1869, bà sinh người con thứ bảy là Nguyễn Đình Chiêm, và sau đó người trai út là Nguyễn Đình Ngưỡng (người con thứ sáu chết lúc còn nhỏ).

Nhìn lại cuộc đời của cụ bà Lê Thị Điền, chúng ta thấy rằng: thời con gái và cả tuổi thanh xuân đã mở lối cho bà bước đến một cuộc sống vàng son, nhưng bà đã ngang nhiên khước từ. Phải chăng ngay bấy giờ, bà đã nhận thức được rằng: giàu sang không phải là chân giá trị của hạnh phúc! Những chàng công tử con nhà giàu có, quyền quý có thể đem lại cho bà cuộc sống nhung lụa, ấm no nhưng họ sống ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ, không có đóng góp gì đối với đất nước, xã hội. Khi bà gặp cụ Nguyễn Đình Chiều, bà đã tìm được người cùng chung lý tưởng thanh cao, một người đồng chí, dù mù lòa nhưng chính ông mới là người đem lại cho bà hạnh phúc chân chính.

Thời kỳ làm vợ, vì lấy chồng mù, bà phải săn sóc chu đáo từ thức ăn đến giấc ngủ, manh quần tấm áo cho chồng. Phần lớn, cuộc sống trong gia đình đều do tài đảm đang của bà quán xuyến.

Ngoài ra, bà Lê Thị Điền còn góp công sức rất nhiều trong việc ghi chép và phổ biến thơ văn của cụ Đồ Chiểu đến nhân dân, cụ thể như tác phẩm: Lục Vân Tiên; Tứ thư; Ngũ kinh (bằng chữ Nôm), Gia huấn ca Tam thập lục nạn, v.v… Cũng chính tay bà đã chép nên áng văn bất tử “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, là người phụ nữ vốn xuất thân từ tầng lớp lao động, bà Lê Thị Điền có được sự hiểu biết và cảm thông sâu sắc cuộc sống những người dân mộ nghĩa. Nên khi cụ Nguyễn Đình Chiểu đọc cho bà chép đến đoạn: “Côi cút làm ăn”, thì bà bàn với chồng nên thêm vào “toan lo nghèo khó”. Cũng như những câu khác trong bài “Hồ Cáo Thị”, “Hịch con chuột”… Bà cũng có những đóng góp để văn chương của chồng gần gũi với nhân dân hơn.

Không chỉ đảm đang việc nhà, bà còn quan tâm đến công việc xã hội. Bà đôn đốc chuyện đào ao cho dân làng Tôn Thạnh có nguồn nước ngọt dùng, không phải khổ cực đi xa gánh nước. Cảm kích tấm lòng nhân hậu của bà, dân làng lấy tên bà đặt cho tên ao, gọi là ao Lê Thị Điền…

Với nhiệm vụ làm mẹ, bà đã sinh được bảy người con: 4 trai, 3 gái. Trong số các người con thành danh, thì bà Nguyễn Thị Kim Xuyến nổi danh về âm nhạc ở đất Ba Tri. Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê mà lịch sử văn chương biết qua tên Sương Nguyệt Ánh, là người đàn bà Việt Nam đầu tiên ra làm báo, là nữ chủ bút tờ báo “Nữ giới chung” vào năm 1918. Ông Nguyễn Đình Chiêm với bút hiệu Trọng Vĩnh, tác giả của nhiều tuồng truyện như: Phấn Trang Lầu, Nam Tống Thanh truyện v.v… Tấm lòng cao đẹp của bà Lê Thị Điền cũng chính là tác nhân giúp cụ Nguyễn Đình Chiểu dựng lên hình tượng Kiều Nguyệt Nga trung hậu, thủy chung trong thi phẩm “Lục Vân Tiên”. Hình ảnh người vợ chịu thương chịu khó, hết mực yêu chồng, thương con chắc chắn góp phần không nhỏ trong sự nghiệp của cụ Đồ.  Bà Lê Thị Điền là tấm gương sáng cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam về tinh thần yêu nước dũng cảm cũng như tấm lòng tận tụy hy sinh cho chồng con, bà đã có nhiều đóng góp trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ từ những năm 1861; có thể nói, bà là người phụ nữ tiên phong của đất Long An nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Ao Lê Thị Điền  (Cần Giuộc, Long An)

trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh ở xã Mỹ Lộc

                                             Tp.Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 9 năm 2023

                                                                     Hồ Ngọc Phương

                                                             Phòng Kiểm kê – Bảo quản

Tài liệu tham khảo:

  1. Sách: “Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) – Nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất” – NXB Thế Giới năm 2022
  2. baolongan.vn ngày 02/05/2022
  3. Báo nguoiduatin.vn ngày 27/12/2012
  4. Hình ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *