BI THƯƠNG VÀ HÙNG TRÁNG

Ngày 15 và 16 tháng 4 năm 2005, được sự chấp thuận của Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đón 309 nữ pháo binh miền Nam về thăm thành phố và tham dự cuộc “Họp mặt, giao lưu Nữ pháo binh miền Nam”. Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh, nguyên giám đốc bệnh viện Nhân dân 115 xúc động nói: “Tôi có một kỷ niệm không quên về những nữ pháo binh đã hy sinh ở kinh Bo Bo, Đức Huệ. Anh đã thức trắng đêm, viết lại ký ức này gửi đến độc giả…

Ngày 15 và 16 tháng 4 năm 2005, được sự chấp thuận của Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đón 309 nữ pháo binh miền Nam về thăm thành phố và tham dự cuộc “Họp mặt, giao lưu Nữ pháo binh miền Nam”. Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh, nguyên giám đốc bệnh viện Nhân dân 115 xúc động nói: “Tôi có một kỷ niệm không quên về những nữ pháo binh đã hy sinh ở kinh Bo Bo, Đức Huệ. Anh đã thức trắng đêm, viết lại ký ức này gửi đến độc giả…

BI THƯƠNG VÀ HÙNG TRÁNG

Mùa Sau “đợt chót” của Mậu thân, vào cuối mùa Đông 1968, chúng tôi không thể trụ lại trên đất Việt nữa. Lúc này, Thành uỷ Sài Gòn – gia Định phải chuyển căn cứ về Bến Tre và đội phẩu tiền phương fk6 của chúng tôi cũng mới được thành lập, do bác sĩ Nguyễn Trọng Nhâm (Mười Nhâm) làm đội trưởng, với 3 y tá: anh Huỳnh Xây, anh Nguyễn Tải Hưng và tôi. Chúng tôi được lệnh hành quân về căn cứ mới, theo phục vụ cho cấp uỷ và các cơ quan của cấp uỷ.

Vậy là chúng tôi chuyển qua chiến trường mới, nhưng phải quay lại qua ngã “vành đai thần chết”. Thật tình mà nói, chúng tôi ngán hơn “cơm nếp”, vì đi qua ngỏ nầy phải chấp nhận “7 phần tử, 3 phần sanh “, do địch đánh phá dữ đội hơn thời chiến dịch Mậu Thân rất nhiều. Dù đây là con đường vô cùng “hao quân”, nhưng là con đường “độc đạo”, nối liền miền Đông qua miền Tây, buộc chúng tôi “phải đi”, không còn chọn lựa nào khác!

Chuyến ra đi kỳ này ai cũng dự liệu cực kỳ khó khăn. Chúng tôi đợi chạng vạng sẽ rời giồng Ông Yên trên “đất Phật”. Không còn không khí “hừng hực” xuống đường như ngày nào. Các con thuyền ngụy trang lá cây “xanh um”, từng chiếc từng chiếc lặng lẽ rời bến, cách xa nhau 5-10 phút. Người ta chia tay nhau trong ngập ngừng lo lắng mà trong lòng không ai dám nói ra, không phải “hẹn gặp nhé… giữa Sài Gòn” như thời “Đường ra phía trước” đợt đầu chiến dịch Mậu Thân, mà chuyến này, không biết có còn “gặp lại nữa không”!

Lực lượng tiến vào “dòng kinh tử thần” đầu tiên chiều hôm đó là nữ pháo binh Long An. Đơn vị nầy hầu hết là các cô gái trẻ măng, xinh đẹp, tuổi độ trăng tròn của con gái “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Gương mặt các cô gái lúc nào cũng tươi như hoa, cười vui hát ca suốt ngày thật là hồn nhiên, tràn đầy nhựa sống. Nhìn sự thanh thản, hồn nhiên như những thiên thần từ các cô gái tỏa ra khiến người ta gần như quên mất chiến tranh khốc liệt đang ở chung quanh mình!

Đoàn nữ chiến sỹ trẻ nầy vừa rời khỏi bến chưa tới năm phút, chiếc thuyền máy vừa leo qua phần đất Việt thì máy bay trinh sát địch đã phát hiện và lập tức lao tới bao vây, phóng hỏa tiễn tứ phía từ không trung xuống các cô gái ở thế giữa đồng trống, không một bóng cây, không một bụi cỏ ẩn náo, trên ruộng trống hoang, dưới kinh sình lầy trơ bãi cạn, chỉ có thể xuống nước đẩy xuồng đi từng thước. Không còn con đường nào thoát, các nữ chiến sỹ của chúng ta chỉ còn kịp vác vai khẩu 12.8 lên cập bờ kinh, vươn nòng lên trời “nghênh chiến” bắn trả quân Mỹ. Đó là cuộc thư hùng “đất đối không” chưa từng xảy ra trên chiến trường sông nước nầy. Trên bầu trời có hai luồng đạn “lên xuống” ngược chiều trông rất dữ dội. Khi máy bay địch bị trúng đạn của các “nữ pháo thủ” loạng choạng rơi xuống, tất cả cư dân giồng Ông Yên vỗ tay reo hò vang dậy, như những cổ động viên cuồng nhiệt cho “đội bóng nữ với đội bóng Nam”, mà quên rằng đội nữ pháo binh đã phải chiến đấu với một kẻ thù không cân sức, chẳng khác nào “châu chấu đá voi”. Cho đến khi tiếng pháo từ dưới đất hoàn toàn tắc lịm, đồng bào mới giật mình: “chắc mấy đứa nhỏ pháo binh đi hồi chiều tiêu hết!”.

Chết hết thật! Khi máy bay địch rút hết, anh em ra đưa các cô về. Chúng tôi kiểm tra lại dấu hiệu sinh tồn, tất cả đều vô vọng! Nhìn các cô gái ở tuổi đôi mươi mặt toàn bà ba đen, nằm ngay hàng thẳng lối trên các tấm đệm trải dưới đất thì không ai cầm được nước mắt. Đời tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu chết chóc, hy sinh, nhưng chưa bao giờ chứng kiến một một cảnh tượng bi thương và hùng tráng tới như vậy!!!

Chạng vạng, xuồng chúng tôi vừa qua khỏi đường biên, mới thật sự đau thương tột cùng, khi chứng kiến một chiến địa hãi hùng. Đạn thù đã cầy xới tan nát hết mặt đất. Lỗ chỗ trên mặt đất không còn ngọn cỏ, máu đỏ tươi còn đọng từng vũng trên mặt đất, mặt bùn. Máu trộn bùn đen nhầy nhụa trên một diện tích chừng hơn 100 m2. Đó là dấu tích của cuộc chiến đấu không cân sức giữa các nữ chiến sỹ trẻ quả cảm của chúng ta với quân Mỹ, và các cô đã lần lượt hy sinh cho đến người cuối cùng. Cảnh tượng đau lòng ấy theo suốt cuộc đời tôi. Lúc ấy, tôi chỉ là một y tá chiến trường, nhưng lòng đau đớn, bật lên những câu cảm khái, gởi đến linh hồn các chị:

Pháo Xuân, đương độ hồn trinh nữ

Cánh rời, hương nhả bến hoang thu

Thả mình, theo nước dâng một kiếp

Sóng tình, chen lạnh gió biên khu

Sống mái, một phen với quân thù

Đã mấy mươi năm trôi qua nhưng tôi không thể quên trận đánh không cân sức giữa những cô gái “chân yếu tay mềm” với sức mạnh chiến tranh của Mỹ. Làm sao có thể quên khi bầy máy bay Mỹ, có đến vài chục tên đàn ông lông lá, với hàng tá “giặc trời”, điên cuồng trút mưa bom lửa đạn xuống thân thể của những người con gái “cô thế”. Thật vô cùng tàn nhẫn. Đó là cuộc vây đánh “hội đồng” không đáng mặt “đàn ông” chút nào. Đó là hình ảnh “man rợ” mà tôi tôi không thể nào quên!

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 4 năm 2015

Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115

alt

Đội phẫu thuật tiền phương sau khi làm nhiệm vụ kiểm tra “dấu hiệu sinh tồn” của các nữ pháo binh tiếp tục đi vào chiến trường

alt

Một trong những đội nữ pháo binh Long An đang tác chiến. Ảnh Tư liệu