BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ NGHỆ THUẬT

ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

  1. Hoạt động Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Để ươm mầm những tài năng trẻ tạo lực lượng kế cận, duy trì và phát triển nghệ thuật truyền thống trong đời sống xã hội và tạo môi trường cho những ca nương, tài tử trẻ phát triển, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức cuộc thi đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi, ngoài việc tìm kiếm những tài năng trẻ, phát hiện những tài tử đờn ca lứa tuổi thiếu nhi để làm hạt nhân nòng cốt cho lực lượng kế thừa, còn giúp cho ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh có những định hướng phát triển lâu dài đồng thời giới thiệu và quảng bá loại hình văn hóa được Unessco công nhận là “Di sản văn hóa thế giới”.

Cuộc thi diễn ra với sự tham gia của các nhóm tài tử thiếu nhi đến từ nhiều đơn vị ở các Câu lạc bộ đờn ca tài tử, Nhà thiếu nhi, Trung tâm văn hóa quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Bằng việc xây dựng các chương trình với các chủ đề khác nhau như ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, tấm gương đạo đức, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ… theo hình thức đơn ca, song ca, tam ca, sử dụng nhạc cụ độc tấu, song tấu….  Các tiết mục dự thi với sự thể hiện nhịp nhàng, hồn nhiên, tươi vui nhưng sâu lắng của các tài tử nhí đã thực sự lay động trái tim của khán giả và nhiều quan khách khi đến với bảo tàng, đây là cơ hội để các em thiếu nhi thể hiện tài năng, đam mê đối với loại hình di sản nghệ thuật độc đáo của thế giới.

          Chương trình “Hò xư xang xê cống – Vui ca đón trung thu” của các nhóm tài tử thiếu nhi đến từ đơn vị Trung tâm văn hóa Quận 8 đã xuất sắc đạt giải Nhất. Lần lượt các chương trình với nhiều tiết mục hay, hấp dẫn và xúc động về tình yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam được thể hiện tiếp theo. Chương trình với chủ đề “Hương sắc miền Nam” của các em thiếu nhi thuộc đơn vị Trung tâm văn hóa Q.2 đạt được giải nhì và Câu lạc bộ Đờn ca tài tử “Bông sen trắng” Q.5 đã đạt được giải ba với chương trình dự thi “Làn điệu quê hương”. Các nhóm thiếu nhi đến từ các đơn vị còn lại như CLB Đờn ca tài tử“Bông sen trắng” Q.1, CLB Đờn ca tài tử Nhí quận Phú Nhuận, CLB Đờn ca tài tử và cải lương Sen Việt – Q3, Trung tâm văn hóa quận Gò Vấp, Nhà thiếu nhi huyện Hóc Môn, Nhà thiếu nhi quận Tân Bình , Nhà thiếu nhi Q.6, đạt  được giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn dành tặng giải thưởng phụ cho tài tử  nhỏ tuổi nhất dự thi là em Nguyễn Việt Tiến sinh năm 2012 với 3 câu vọng cổ “Hãy yên lòng Mẹ ơi!” và các phần thưởng động viên các em thiếu nhi đã sử dụng nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn sến…

Qua hội thi, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ mong muốn tuyên truyền, quảng bá loại hình Nghệ thuật Đờn ca tài tử đến công chúng thành phố và cả nước, thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, website của đơn vị…  nhằm khen thưởng, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các tài năng nhí, những thế hệ tương lai của đất nước, phát huy tinh thần, nhiệt huyết của các nghệ nhân yêu nghề, đồng thời giáo dục giới trẻ hiểu và trân trọng hơn âm nhạc dân tộc, hạn chế các loại hình âm nhạc gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm hồn của giới trẻ…

Đờn ca tài tử Nam Bộ là món ăn tinh thần của người Nam Bộ, vừa là công cụ truyền tải thông tin trên các phương tiện đại chúng cũng vừa dùng để biểu hiện tính chất thật thà, trung hậu, nặng nghĩa, nặng tình của người Nam Bộ trong mọi hoàn cảnh xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mặc dù chiến tranh ác liệt, nhưng phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ ở các vùng địch tạm chiếm và trong vùng giải phóng vẫn hoạt động sôi nổi. Đờn ca tài tử không chỉ phục vụ nhân dân, mà còn là phương tiện để vận động, tuyên truyền các đường lối của Đảng, gây quỹ bảo trợ người nghèo, ủng hộ, cứu đói những nơi bị lũ lụt…Tiếng pháo, bom vừa chấm dứt thì tiếng đờn ca tài tử Nam Bộ lại trỗi lên, tiếng đờn, tiếng ca luôn hiện diện trong đời sống con người, trong những ngày chiến thắng, trong những buổi hành quân trên những cánh đồng mênh mông, trên những dòng sông kênh rạch chằng chịt giữa cảnh rừng tràm, rừng đước bạt ngàn. Trong các sự kiện khai mạc chuyên đề, giao lưu, sự kiện thường niên Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã đưa các tiết mục nghệ thuật. Đờn ca tài tử biểu diễn trong tiết mục văn nghệ mở màn nhằm tái hiện lại không gian văn hóa Đờn ca tài tử Nam Bộ giúp khách tham quan, học sinh, sinh viên… trải qua các cung bậc cảm xúc của loại hình âm nhạc này.

Với các cuộc triễn lảm ảnh Phụ nữ với việc bảo tồn và phát huy ngành nghề truyền thống, Bảo tàng cũng đã giới thiệu du khách những hình ảnh đẹp độc đáo về di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam Bộ cung cấp cho người xem một sự hiểu biết sâu sắc hơn, sống động hơn.

Trong đời sống văn hóa hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang thực hiện tốt với vai trò của một bảo tàng hiện đại với việc chủ động tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đặc biết phát huy di sản giới nữ trong công tác nghiên cứu, sưu tầm các nữ nghệ nhân đóng góp trong nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nhằm phát huy vai trò của mình trong việc tôn vinh sự đóng góp của phụ nữ trong đời sống xã hội hiện nay.

  1. Một vài thực trạng và giải pháp Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu và là Di sản văn hóa phi vật thể quý giá của người dân Nam Bộ nói riêng, của nhân dân Việt Nam nói chung. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đang góp phần phục vụ du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, duy trì sự đa dạng văn hóa của quốc gia và quốc tế. Thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể “Đờn ca tài tử Nam Bộ” ở TP.Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa theo hướng phát triển bền vững. Người dân ở các cộng đồng quan tâm hơn trong công tác trao truyền từ thế hệ đi trước cho thế hệ sau kế thừa các bí quyết, phương thức thực hành; công tác xã hội hóa trong hoạt động tổ chức, quảng bá, thực hành di sản được người dân đồng tình ủng hộ và bảo vệ duy trì bền vững những giá trị văn hóa truyền thống.

Các hình thức liên hoan, giao lưu, hội thi, hội diễn Đờn ca tài tử Nam bộ được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các đội, nhóm đờn ca tài tử tại TP.Hồ Chí Minh. Sinh hoạt định kỳ của các câu lạc bộ, các đội nhóm đờn ca tài tử trên các quận, huyện, trung tâm văn hóa đã góp phần tạo sân chơi lành mạnh, trở thành địa chỉ thân quen của người mộ điệu

Hầu hết các nghệ nhân trình diễn hiện nay, một số chưa được qua trường lớp đào tạo cơ bản, do đó trình độ nghệ thuật, năng lực sáng tác của nghệ nhân còn hạn chế. Tuy đa phần đều tham gia vào các đội nhóm hoặc các câu lạc bộ đờn ca tài tử, nhất là về ca còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, việc tham gia hội thi hội diễn còn rất khiêm tốn, chất lượng tham gia chưa cao, còn mang tính phong trào. Nhìn chung, đa phần nghệ nhân Đờn ca tài tử Nam bộ hoạt động mang tính phong trào, vui là chính, “hát vọng cổ” còn phổ biến nên nhiều bài bản tổ ngày càng có nguy cơ mai một.

Theo dòng thời gian, do tác động của lịch sử, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ… Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đều bị ảnh hưởng và đứng trước nguy cơ mai một và mất đi cả về nội dung và hình thức thể hiện. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án chuyên sâu về di sản văn hóa trong những năm qua được coi là việc làm cấp thiết và có nhiều ý nghĩa; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tránh nguy cơ biến thể và mai một.

Xây dựng các kế hoạch nghiên cứu, đầu tư nguồn kinh phí tập trung đúng trọng điểm đối với di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đang có nguy cơ biến đổi và mất dần bởi môi trường sống hiện đại. Kết quả nghiên cứu của các đề tài/dự án trên là cơ sở khoa học hết sức quan trọng góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.. Kết hợp nguồn kinh phí của trung ương và địa phương về thực hiện các đề tài khoa học công nghệ tỉnh thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cùng với kinh phí của Trung ương về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Ưu tiên chọn lọc kiểm kê, sưu tầm, bảo quản các bài tổ, các dụng cụ truyền thống của dân tộc điển hình có giá trị, mang tính cấp thiết và phù hợp với nhu cầu thực tế đề ra theo đường lối, chủ trưng của Đảng và Nhà nước ta.

Tác động đến các chủ thể nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống đảm bảo các yếu tố nguyên gốc trước những tác động đa chiều, đa dạng của quá trình giao lưu văn hóa, kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ trong các cộng đồng dân tộc. Tôn vinh các nghệ nhân đang nắm giữ các bí quyết thực hành, tạo những điệu kiện tốt nhất trong hoàn cảnh có thể để họ phát huy khả năng của mình trong việc trao truyền lại thế hệ trẻ tiếp nối văn hóa truyền thống. … nhằm động viên tinh thần và để bản thân họ thấy được sự quan tâm từ Nhà nước và xã hội để tiếp tục cống hiến trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

Bằng hình thức sân khấu hóa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ để giới thiệu đến đông đảo nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cộng đồng tộc người về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa một cách bền vững.

Triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản di sản văn hóa ưu tiên trải khai thực hiện nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng các đề tài nghiên cứu đối với văn hóa phi vật thể có giá trị,mang tính điển hình của các dân tộc đang có nguy cơ lai tạp, mai một, biến đổi và mất dần trong thời gian đến.  Lối đờn ca tài tử, bài bản, nội dung, hình thức…phải được cải biến, canh tân với quan điểm kế thừa, bổ sung, phát triển sao cho hoàn hảo hơn, độc đáo, phong phú hơn mà vẫn giữ được cái hồn và chất tài tử vốn có của nó.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân ở các cộng đồng để cùng chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ

Trong xu thế hội nhập quốc tế, các bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Các bảo tàng cần khai thác các điểm mạnh để khách tham quan có những trải nghiệm thú vị và nhiều cảm xúc hơn khi tới Thành phố.

Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ cùng với các bảo tàng nói chung luôn tích cực đẩy mạnh các hoạt động giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể  Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, tăng cường khả năng tuyên truyền, giáo dục, tăng cường tính hấp dẫn của các hoạt động bảo tàng và gắn kết các hoạt động của bảo tàng với đời sống đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng và thể hiện được việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam, góp phần “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”

Một số hình ảnh về Hội thi Đờn ca tài tử thiếu nhi tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

 

      

 

 Chương trình dự thi “Hương sắc miền Nam” của các bạn thiếu nhi thuộc đơn vị Trung tâm văn hóa Q.2 đạt được giải nhì

Phần trình diễn của thí sinh nhỏ tuổi nhất“Nguyễn Việt Tiến”

       

Chương trình dự thi “Hò xư xang xê cống – Vui ca đón trung thu” của nhóm tài tử thiếu nhi đến từ đơn vị Trung tâm văn hóa Quận 8 đạt giải nhất

Thí sinh trình diễn nhạc cụ truyền thống

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 11 năm 2023

Huỳnh Thị Kim Loan

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

Tài liệu tham khảo

  1. Đặng Văn Bài (2005), Di sản văn hóa phi vật thể từ góc độ bảo tàng học, Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Cục Di sản văn hóa, Hà Nội.
  2. Lư Hội (2009), Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bến Tre – Đờn ca tài tử Nam Bộ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội
  3. Nhiều tác giả (2001), Nam Bộ xưa và Nay – Huỳnh Khánh, Đờn ca tài tử Nam bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí minh
  4. http://baotangphunu.com

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *