BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ – DẤU ẤN THỜI GIAN

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ mà tiền thân là Tổ công tác tổng kết lịch sử phong trào Phụ nữ Nam Bộ (gọi tắt là Tổ sử phụ nữ Nam bộ) ra đời năm 1982 với mục đích tổng kết phong trào phụ nữ Nam Bộ từ khi Đảng ra đời đến ngày giải phóng miền Nam, thông nhất đất nước.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ mà tiền thân là Tổ công tác tổng kết lịch sử phong trào Phụ nữ Nam Bộ (gọi tắt là Tổ sử phụ nữ Nam bộ) ra đời năm 1982 với mục đích tổng kết phong trào phụ nữ Nam Bộ từ khi Đảng ra đời đến ngày giải phóng miền Nam, thông nhất đất nước.

Có thể nói, đây là một Bảo tàng đã thực hiện phương thức xã hội hóa đầu tiên ở Việt Nam. Bảo tàng được xây dựng từ sự quyên góp, vận động kinh phí của Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, các cá nhân và tổ chức, đoàn thể xã hội.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là nơi lưu giữ các hiện vật, kỷ vật của phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Không phải là Bảo tàng về phụ nữ duy nhất trên thế giới, nhưng với lịch sử hình thành và nội dung chứa đựng, có thể nói là một Bảo tàng “độc đáo” có một không hai. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã nhận nhiệm vụ lịch sử vinh quang là sưu tầm và lưu giữ những tư liệu, hiện vật thể hiện vai trò to lớn, khí phách của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ oanh liệt của lịch sử đấu tranh chống thực dân và đế quốc xâm lược.

Từ ngày thành lập Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ cho đến khi được phát triển thành Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, đã có hơn 3,5 triệu lượt khách đến tham quan và tham gia những hoạt động của Bảo tàng. Trong đó có hơn 4.000 đoàn khách trong nước và gần 1.500 đoàn khách quốc tế, trên 50 đoàn lãnh đạo cao cấp trong và ngoài nước. Khách tham quan là phụ nữ có trên 2,5 triệu lượt người, trong đó có trên 1 triệu lượt khách là phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ và tập thể cán bộ viên chức của Bảo tàng ở các thời kỳ đã nỗ lực không ngừng, học tập và xây dựng Bảo tàng theo cách rất riêng, rất Nam Bộ theo từng giai đoạn sau:

Giai đoạn 1982 – 1985: Hình thành Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ

– Ngày 20/10/1982, họp mặt các cán bộ chủ chốt của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh bàn về công tác “cùng nhau chung sức viết lại lịch sử phong trào phụ nữ Nam Bộ”..

– Ngày 24/10/1982, Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ được thành lập với 13 thành viên do bà Nguyễn Thị Thập (Mười Thập)- nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phụ trách.

– Trong vòng 90 ngày (từ ngày 24/10/1982 đến ngày 24/01/1983), Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ khẩn trương làm việc với các tỉnh thành miền Nam sưu tầm hiện vật, tư liệu, đề xuất trụ sở làm việc và cơ cấu tổ chức bộ máy chuẩn bị cho việc thành lập nhà truyền thống để trưng bày hiện vật.

– Với chủ trương “mỗi người nên tiết kiệm một số tiền hoặc bỏ ra một ngày công”, phát hành vé số để xây dựng Nhà truyền thống. Từ ngày 20/10/1984 đến ngày 8/3/1985, Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ đã tổ chức các đợt hội thu và phát hành vé số để lấy kinh phí xây dựng Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ.

– Ngày 29/4/1985, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ được khánh thành tại số 200 – 202 Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng Thành phố, thống nhất đất nước.

Giai đoạn 1986 – 1990: hoàn thành cuốn sách lịch sử đấu tranh cách mạng của phụ nữ miền Nam, thành lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Sức hút khách tham quan đến Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ ngày càng đông. Không chỉ các đoàn khách trong nước mà cả bạn bè quốc tế đến Việt Nam đều đến chiêm ngưỡng và tỏ lòng khâm phục truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của phụ nữ Việt Nam thông qua các hiện vật và tư liệu được trưng bày. Từ nhu cầu thiết thực trên, Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ nhận thấy cần thiết mở rộng diện tích Nhà Truyền thống phụ nữ Nam Bộ.

– Từ tháng 3/1986 đến năm 1990, Tổ Sử phụ nữ Nam bộ đã huy động tiền mặt, phát hành vé số, vận động vật tư và ngày công lao động để mở rộng Nhà truyền thống.

– Tháng 3/1989, cuốn sách lịch sử phụ nữ Nam Bộ được xuất bản lần đầu 10.000 cuốn, lần thứ hai là 5.000 cuốn, lấy tên “Truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam Bộ thành đồng”.

– Viết nội dung trưng bày nhà truyền thống mở rộng theo 9 chuyên đề thể hiện được truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ qua các thời kỳ lịch sử.

– Ngày 18/5/1990, nhân kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 15 năm giải phóng thành phố, Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ tổ chức khánh thành Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Giai đoạn 1991-1995: công trình tượng đài “Bà mẹ Việt Nam” và những bộ phim tư liệu đầu tiên của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

– Tổ Sử đề ra chủ trương xây dựng tượng đài “Bà mẹ Việt Nam”. Lễ khánh thành tượng đài “Bà mẹ Việt Nam” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được tổ chức vào ngày 28/10/1992.

– Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp với Xưởng phim Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện bộ phim tài liệu “Chân dung Bà mẹ”, kể về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng của những miền đất Tiền Giang, Bạc Liêu, Phan Thiết, Tây Ninh, phim “Giữa ngàn thác lũ”, .. và phát sóng trên Đài truyền hình Thành phố. Bộ phim “Chân dung người mẹ” được trao giải Huy chương Vàng trong liên hoan phim truyền hình năm 1994.

Giai đoạn 1996 – 2000: vận động xã hội hóa hoạt động Bảo tàng

– Công tác sưu tầm hiện vật của Bảo tàng được mở rộng khắp các tỉnh, thành miền Nam. Giai đoạn này, Bảo tàng mở rộng nội dung sưu tầm hiện vật bổ sung vai trò phụ nữ trong gìn giữ và các giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc.

– Thực hiện chủ trương xã hội hóa và đẩy mạnh hoạt động xã hội, Bảo tàng đã vận động xây dựng 2 ngôi trường tiểu học ở xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh), xã Bình Khánh (Cần Giờ) từ kinh phí bán tranh của các họa sĩ thành phố tham gia triển lãm tranh “Giọt mật tình thương”.

– Tổ chức các hoạt động giao lưu, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho các dì, các chị là những nhân chứng lịch sử còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ giai đoạn này, các hoạt động xã hội hóa được đẩy mạnh.

– Thực hiện chủ trương trưng bày lưu động tại các tỉnh, thành.

– Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trân trọng đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Đảng và Nhà nước trao tặng vào ngày 24/4/1998.

Giai đoạn 2001- 2005: xuất bản ấn phẩm và các phim tư liệu, mở rộng hoạt động nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa

– Bảo tàng đã nghiên cứu, biên soạn, in ấn và xuất bản 30 đầu sách về phụ nữ miền Nam. Xây dựng và phát sóng 16 bộ phim tài liệu về truyền thống đấu tranh, gương chiến đấu hy sinh của các anh hùng liệt nữ.

– Mở rộng nội dung trưng bày Bảo tàng từ 9 chuyên đề thành 11 chuyên đề với 3 chuyên đề văn hóa được bổ sung: “Tín ngưỡng thờ Bà”, “Trang phục, trang sức của phụ nữ các dân tộc ở miền Nam” và “Nghề dệt thủ công truyền thống”.

Giai đoạn 2006 -2010: đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội chăm lo cho phụ nữ diện chính sách khó khăn

– Trong hai năm 2010 – 2011, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đẩy mạnh các hoạt động xã hội, đã vận động, phối hợp cùng công ty Gofl Long Thành xây dựng 102 căn nhà tình nghĩa trao tặng cho các dì, các chị thanh niên xung phong từng tham gia kháng chiến tại các tỉnh thành miền Nam. Tổng giá trị vận động xây dựng nhà tình nghĩa trong hai năm 2010 và 2011 là 5 tỉ đồng.

– Tổ chức các chương trình giao lưu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử.

– Bảo tàng phụ nữ Nam bộ kết nối với hệ thống Bảo tàng phụ nữ các nước, đã đưa hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Hội nghị quốc tế Bảo tàng Phụ nữ lần thứ nhất năm 2008 ở Merano (nước Ý) và lần thứ hai tại Born (nước Đức) vào năm 2009.

Giai đoạn 2011 – 2015: gắn giáo dục truyền thống với những vấn đề thời đại, thực hiện tốt vai trò tham mưu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Từ năm 2010 cho đến nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã không ngừng đổi mới hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày gắn giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng với những vấn đề đương đại mà phụ nữ đang phải gánh chịu: dân số, biến đổi khí hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa gia đình người Việt… và đưa công nghệ thông tin vào phục vụ trưng bày tại Bảo tàng.

– Tổ chức thực hiện Dự án “Nghiên cứu sưu tầm và trưng bày tư liệu Mẹ Việt Nam anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh” được phong tặng và truy tặng từ năm 1995 đến 2010. Sưu tầm 1413 hiện vật gốc và phối hợp Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu dựng bộ phim tư liệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh”.

– Tham mưu viết lý lịch, bổ sung tên của 969 bà mẹ Việt Nam anh hùng vào quỹ đặt đổi tên đường của thành phố Hồ Chí Minh.

– Tiếp tục thực hiện thu thập, lấy thông tin Mẹ Việt Nam anh hùng của Thành phố được phong tặng, truy tặng trong năm 2014.

– Vận động công ty Trung Thủy xây dựng 4 căn nhà tình nghĩa cho các Mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Kiên Giang, Bến Tre và thành phố Hồ Chí Minh. Tổng kinh phí vận động 200.000.000 đồng.

– Từ năm 2012, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức cuộc thi ảnh thường niên hàng năm phản ảnh vai trò của phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Cuộc thi thu hút các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên trên các tỉnh thành cả nước.

– Phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động trưng bày tại Bảo tàng. Phát động chương trình “Bảo tàng – ngôi nhà chung của chúng em”.

– Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã viết hàng trăm bài báo về phụ nữ, những tấm gương anh hùng trong kháng chiến và cần cù, lao động trong xây dựng và phát triển đất nước.

– Bảo tàng đang lưu giữ là 35.342 hiện vật. Trong đó hiện vật cách mạng là 5.328, hình ảnh tư liệu là 9.318. Thư viện của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiện đang giữ trên 11.000 đầu sách và tạp chí.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 12 năm 2014

Ng. Thắm