BÀN THỜ NGÀY TẾT – NÉT ĐẸP THIÊNG LIÊNG CỦA NGƯỜI VIỆT

Tết Nguyên Đán là lễ hội cổ truyền lớn nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất từ Ải Nam Quan (Lạng Sơn) đến Mũi Cà Mau và cả vùng hải đảo, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của dân tộc. Từ những thế kỷ xa xưa, thời Lý, Trần, Lê ông cha ta đã cử hành lễ Tết hằng năm một cách trang trọng.

Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong các lễ hội của Việt Nam, mà phần lễ cũng như phần hội đều rất đa dạng và phong phú về nội dung lẫn hình thức, mang một giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà. Việc ông cha ta xác định Tết đang vào thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, là ngày hội lớn của một chu kỳ vận hành vũ trụ đã phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên ( đất – trời, sinh vật). Đồng thời, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Vì những điều ấy phong tục đón năm mới hay ăn Tết cổ truyền đã trở thành phong tục truyền thống đầy ý nghĩa của người Việt Nam.

Bước vào những ngày cuối năm là không khí chuẩn bị Tết của từng gia đình được rõ nét nhất, không khí nhộn nhịp mua sắm, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bánh mứt, cỗ bàn… Theo tập tục, đến ngày 23 tháng chạp là ngày đưa tiễn Ông Táo về trời để tâu việc trần gian, thì đây là lúc không khí tết bắt đầu rõ nét nhất. Từ quan niệm của người xưa, trước hết là Tết của gia đình, nên ai cũng trang hoàng nhà cửa sao cho sạch, đẹp trong những ngày đầu năm mới. Đặc biệt phải chú ý đến bàn thờ ông bà, tổ tiên. Người Việt Nam vốn coi trọng tín ngưỡng thờ Tổ tiên, vì vậy, ở mọi nhà đều có bàn thờ gia tiên kê ở gian giữa trang trọng nhất trong ngôi nhà. Bắt đầu từ trung tuần tháng chạp (15 – 20/12 âm lịch) thì mọi gia đình đều sửa sang, quét dọn bàn thờ, mọi vật thờ đều được lau chùi cẩn thận; nếu là đồ đồng thau được đem đánh bóng lại, đèn nhang, lọ cắm hoa được sắp sẵn. Theo quan niệm dân gian, một năm chỉ có một lần đón xuân nên gia chủ phải lấy sự hiếu kính Tổ tiên làm trọng. Bởi lẽ “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” (có nghĩa là sống thế nào, chết cũng vậy) nên phải thờ cúng người đã khuất bằng những lễ vật phải thịnh soạn nhất. Do vậy vào dịp Tết thì người ta mua sắm lễ vật đầy đủ để bày lên bàn thờ Tổ tiên như: vàng, hương, nến bao giấy… sau đến bày mâm ngũ quả, bánh trái, mứt, rượu.

Ảnh từ nguồn Pinterest: Cúng vái ông bà ngày Tết

Mỗi vùng miền của Việt Nam sẽ có cách trang trí bàn thờ Tổ tiên khác nhau, ở miền Bắc như những gia đình người Hà Nội sẽ chuẩn bị những mâm cỗ để dâng lên bàn thờ Tổ tiên. Đến trưa hoặc chiều 30 Tết, thì mọi công việc sắm sửa lo cho Tết cơ bản là xong. Ngoài những thứ ẩm thực như vài chai rượu ngon, cân chè mạn và các món cỗ ra người Hà Nội còn không quên mua vài thẻ hương trầm thơm ngát, vàng mã, trầu cau, hoa quả để bày bàn thờ cúng tổ tiên trong 3 ngày Tết.

 Chiều 30 Tết trên bàn thờ được bày biện, trang hoàng đẹp đẽ: ở giữa là mâm ngũ quả gồm: chuối tiêu xanh một nải to với những quả chuối thon dài như những ngón tay ôm lấy quả phật thủ vàng óng hoặc quả bưởi to chín vàng, bày thêm vào đó vài quả cam sành, táo, nho… Trên bàn thờ gia Tiên còn bày cặp bánh chưng, hộp mứt ngũ vị, chai rượu trắng, cau trầu, trà, thuốc lá đủ cả với tâm niệm bằng cả tấm lòng thành dâng cúng Tổ tiên ông bà. Những vật phẩm được bày lên trên bàn thờ Tổ tiên được để yên vị trong mấy ngày Tết, chỉ đến ngày hóa vàng sau Tết thì mới gỡ xuống cho con cháu hưởng lộc. Có gia đình còn bày 2 cây mía tím đã phát hết lá để ngọn. Theo tín ngưỡng của người Việt, cây mía tượng trưng cho cái thang vì có từng đốt giống như từng bậc thang. Cây thang mía giúp vong linh ông bà, tổ tiên về trần gian ăn Tết cùng con cháu.

Ảnh từ nguồn Internet: Bàn thờ gia tiên miền Bắc

Người dân xứ Huế cũng như mọi người dân Việt Nam ở khắp đất nước, vốn có phong tục ăn Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc. Trên mảnh đất lịch sử này mang trong mình nhiều phong vị riêng độc đáo đặc trưng của văn hoá xứ Huế trong dịp Tết. Người dân xứ Huế rất coi trọng ngày Tết năm mới và quan niệm rằng đây là thời điểm kết thúc của năm cũ và bắt đầu của năm mới, nên tổ chức “tống cựu nghinh tân” thì mọi nhà đều làm theo phong tục cổ truyền này. Đến sáng 30 Tết, thì mọi gia đình đều đã chuẩn bị sẵn sàng để đón Tết Nguyên Đán cổ truyền. Trên bàn thờ gia tiên đã bày biện đủ đồ lễ vật như: hương, hoa, trầm, trà rượu, trầu cau ở chính giữa bàn thờ là mâm ngũ quả gồm một nải chuối tiêu còn xanh, quả to đều; phía trên có bày quả phật thủ, cam, bưởi, táo, nho, quýt sấp đan xem cao thành ngọn cân đối hài hòa với các sắc màu. Trên góc bàn thờ gia tiên của mọi gia đình ở Huế đều để một cái đĩa con với hai đồng xu cổ, dành cho gia chủ khấn vái thần linh cầu xin cho gia đạo một năm mới nhiều điều may, ấm no, hạnh phúc, sau khi khấn vái xong thì sẽ tung đồng xu lên để xin âm dương, nếu một đồng sấp một đồng ngửa thì coi như đã được thần linh chấp nhận, lời cầu xin của gia chủ sẽ trở thành hiện thực. Ngoài ra trên bàn thờ Phật cũng để đủ hương hoa. Ở Huế hầu như nhà nào cũng có bàn thờ Phật, vì người dân xứ Huế rất sùng mộ đạo Phật để tu nhân tích đức hướng thiện cho mình và con cháu.

Phong tục ăn Tết Nguyên đán của người dân Thành phố Hồ Chí Minh không cầu kì như người Hà Nội và người dân xứ Huế. Tuy nhiên người ta cũng rất chú trọng trong việc trang trí nhà cửa, bàn thờ tổ tiên. Sau ngày Tết ông Táo thì những gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh tất bật lo mua sắm Tết, quét dọn trang hoàng nhà cửa nhất là bàn thờ gia tiên được bày biện rất công phu. Hai quả dưa hấu to đều bằng nhau được bày ở hai bên bàn thờ. Trên mỗi quả dưa có dán một tờ giấy đỏ, to ghi chữ Phước, Lộc, Thọ,… hoặc chữ Hán tùy thuộc vào gia chủ. Màu sắc dưa hấu cũng nói lên được sự hưng thịnh ít nhiều của gia chủ trong năm. Người ta tin rằng, nếu trái dưa hấu đầu năm mà ruột đặc, màu đỏ tươi, mọng nước, ngọt lịm thì đó là báo hiệu một năm tuyệt vời. Bởi thế, mua dưa hấu bày Tết phải rất thận trọng… vì coi như đó là quẻ bói đầu năm. Ở chính giữa bàn thờ là mâm ngũ quả gồm: quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và chùm sung (với ý nghĩa cầu mong sự no đủ và sung túc). Đó là mâm ngũ quả rất đặc trưng của người miền Nam trong dịp Tết cổ truyền dân tộc, mang đậm dấu ấn tâm nguyện và mong ước sâu sắc. Người phương Nam có lối sống khoáng đạt, học chỉ cầu mong làm sao được no đủ vừa phải.

Ảnh nguồn từ Pintest: Bàn thờ gia tiên ngày Tết

Ngoài việc bày trí bàn thờ Tổ tiên, trang hoàng nhà cửa, mọi gia đình đều tất bật chuẩn bị để đón một năm mới đầy đủ và vẹn tròn. Những người phụ nữ trong gia đình đi chợ tết để mua những nguyên vật liệu như hương hoa để bàn thờ, bánh mứt, sắm sửa những bộ quần áo mới, chuẩn bị món ăn cho ngày Tết. Người đàn ông thì lo đi mua những chậu hoa mai, hoa đào, hoa cúc để về trưng trong nhà. Khi đến những ngày cận Tết cả gia đình cùng nhau chuẩn bị những mâm cỗ hoành tráng để đưa ông Táo về trời, cúng tất niên, cúng giao thừa… Tết Nguyên Đán là Tết của gia đình, Tết của tình thân, trong những ngày này con người sống trong lễ thức tôn nghiêm cùng đạo đức cộng đồng, ngay sau đó, mọi người chan hòa với những lễ hội, xông đất, mừng tuổi,…, vừa để giải tỏa mọi nỗi nhọc nhằn của cuộc sống, vừa để cầu mong Tổ tiên và các vị thần linh phù hộ, để con cháu bước vào năm mới với ý nghĩa rằng, năm nay phải tốt đẹp, may mắn, hạnh phúc.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 01 năm 2024

Nguyễn Hà Thanh Trúc

                            Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua lễ tết hội hè, Toàn Ánh (năm 2003), Nhà xuất bản văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Tài liệu thư viện Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
  2. Lễ tục trong gia đình người Việt, Bùi Mỹ Xuân, Nhà xuất bản Hồng Đức, Tài liệu thư viện Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ.
  3. Văn hoá ẩm thực trong lễ hội truyền thống Việt Nam, s Nguyễn Quang Lê, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, Tài liệu thư viện Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *